Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

CCĐY 7 – TÔI ĐI HỌC KHÍ CÔNG

Khôi de xe đậu sát lề đường của một con đường nhỏ. Trời tháng Hai, tuyết trắng như nỗi sầu ! Khôi phải khó khăn lắm mới đậu xe vào sát lề đường vì những đám tuyết cản lối vào. Trận tuyết lớn vừa mới đổ xuống thành phố Toronto trong đêm hôm qua. Khôi khóa xe, rồi cẩn thận bước đi sát bên ven đường vì lối đi hai bên lề đường cũng đầy tuyết.

Hôm nay là ngày đầu tiên chàng đến chùa Linh Sơn để theo học lớp khí công của Thầy Đỗ Đức Ngọc. Khôi biết trên báo chí là lớp học khí công này đã được mở từ lâu nhưng lần lửa mãi đến hôm nay mới có dịp đến, vì lớp học khí công chỉ khai giảng vào ngày thứ hai, mỗi hai tuần vào ngày thứ hai, thầy Ngọc từ Montréal bay xuống dạy và chữa bệnh trong ngày, và lại bay về Montréal vào buổi chiều. Khôi cũng là người thích nghiên cứu về các môn võ thuật cũng như y lý Đông Phương. Chàng đã đọc qua nhiều sách dạy về khí công của các tác giả ngoại quốc, nhưng chưa bao giờ có dịp thực hành.

Lớp học khí công và cũng là nơi chữa bệnh nằm trong căn hầm của chùa. Muốn đến, phải đi qua nhà bếp của chùa, nơi mà hàng ngày có các ni cô cũng như các tín đồ đến làm công qủa, luôn luôn bận rộn nấu nướng liên tục. Khôi thấy hàng dàn bánh tét, bánh chưng được xếp trên dẫy bàn để dọc theo đường vào căn hầm. Thấy bánh tét, bánh chưng thì ai cũng biết là mùa Xuân đã về !

Bệnh nhân ngồi la liệt trên các dẫy ghế sắp ngay lối vào. Ở trong, thầy Ngọc và các đệ tử của ông đang bấm huyệt chữa bệnh. Ngoài những bệnh nhân người Việt, Khôi còn thấy những người bệnh ngoại quốc. Những người này đã đến theo lời giới thiệu của những người bạn Việt. Rồi sau đó chính những bệnh nhân ngoại quốc này lại giới thiệu những bạn bè ngoại quốc đến xin chữa bệnh. Sau này khi đã học được một thời gian, thì chàng biết các bệnh nhân này thuộc đủ mọi quốc tịch : Ấn độ, Bồ đào Nha, Ý Đại Lợi, Pakistan..

Sau khi đến ghi tên ở chị Mai là người điều hợp viên của lớp và đóng tiền nguyệt liễm cho anh Tư, trưởng lớp, Khôi bắt đầu lẽo đẽo theo sau thầy Ngọc, nhìn thầy chữa bệnh : lịch trình là từ 11 giờ sáng đến 2 giờ trưa là giờ chữa bệnh, từ 2 giờ trưa cho đến 5 giờ chiều là giờ học. Vì bận rộn công việc làm, nên chàng ít khi nào có thể ở lại nguyên ngày, thường chỉ ở đến trưa là trốn. Nhưng thay vào đó, Khôi mua những băng DVD thâu lại các giờ dạy ở lớp học khí công của thầy Ngọc ở Montréal, và theo đó về nhà tự học thêm. Nhờ vào những buổi học chữa bệnh trong lớp mà Khôi đã hiểu biết ra những điều chàng đã đọc và không hiểu trong các sách báo ngoại quốc nói về môn khí công này những năm trước đó.

Quanh đi quẩn lại đã gần một năm. Tết Bính Tuất cũng sắp về. Trong một năm tuy học không đều đặn, ngày học ngày nghỉ, nhưng Khôi cũng đã học được rất nhiều điều hay. Theo như lời thầy Ngọc chỉ dẫn thì căn bản của môn khí công y đạo là học cách tự chữa bệnh cho mình bằng việc phối hợp về cách ăn uống, tập thể dục (động công) và tập thở. Trước đây đã có những bài cảm ơn đăng trên báo của nhiều bệnh nhân được thầy Ngọc chữa khỏi, như chuyện một bệnh nhân bị coma sau khi bị bệnh tai biến mạch máu não (stroke), bác sĩ chê không chữa, đã được thầy Ngọc cứu sống bằng cách bấm huyệt. Nhưng Khôi cũng như đa số mọi người khi đọc những bài này, đều không tin lắm. Chỉ khi thấy tận mắt có những người bệnh được chữa khỏi ngay tại lớp học thì lúc đó, chàng mới nhận ra sự kỳ diệu của môn khí công. Có một bà có tiếng tăm trong cộng đồng, đến với bệnh đau lưng nặng và bác sĩ chuyên khoa đòi cho đi mổ. Bà sợ qúa, không dám đi nhà thương nữa. Đến chùa, sau 15 phút được chữa, bà ta đã hết đau, không cần phải đeo những tấm độn sau lưng như lúc mới đến. Một tuần sau đó, Khôi gặp lại bà này trên sàn nhảy của một đêm dạ vũ cộng đồng. Một bệnh nhân người Ấn độ đến xin chữa bệnh đau lưng vì ông không ngồi được. Thầy Ngọc cho cào thần kinh tọa một lúc. Ông bệnh nhân đau qúa la om sòm bằng tiếng Ấn. Nhưng sau đó một hồi thì khỏi bệnh, ông ta ngồi lại được như thường.

Riêng đối với Khôi thì với một số căn bản học hỏi được, chàng đã dùng để chữa cho một số người thân : Nhờ vào cách bấm huyệt khí công, chàng đã duy trì lượng đường ở mức trung bình cho một người thân bị bệnh tiểu đường. Tuy không chữa khỏi hẳn nhưng đã giữ mức đường của người này không gia tăng và bệnh nhân đã khỏe khoắn, yêu đời hơn xưa. Chữa được bệnh đau chân cho một người thân khác mà bác sĩ gia đình đã chê, khuyến cáo phải đi bác sĩ chuyên khoa để mổ. Điều quan trọng nhất mà Khôi học được vẫn là học để tự chữa và phòng ngừa bệnh tật cho chính mình : tập thở, tập thể dục và cẩn thận trong việc ăn uống. Xin cảm ơn thầy Ngọc.

Môn học nào thì cũng có nhiều trình độ kể cả môn khí công. Trong một buổi học, thầy Ngọc cũng đã nói đến cách tập luyện là ‘’ môn khí công y đạo ở 9 trình độ khác nhau gọi là cửu chuyển. Mới bắt đầu là đệ nhất chuyển là cách thở căn bản, sau đó qua đệ nhị chuyển là việc thở phối hợp hai mạch nhâm đốc, để mở vòng tiểu chu thiên và giúp cơ thể đề kháng được bệnh tật. Còn học lên từ trình độ 3 thì khó hơn.’’

-Khó qúa không thầy ?

-Khó hơn là những người luyện phải ăn chay, diệt dục..

-nếu thế thì không có em ! Em chỉ xin học ‘’nửa vời’’ đến cấp hai để khỏe mạnh là tốt rồi ! Còn tu tiên mà lại phải diệt dục nữa thì khó qúa.

-???

Những điều mà Khôi thâu thập được sau một năm học là tập thở, là điều quan trọng cho việc bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Có nhiều bệnh như bệnh đau nhức có thể khỏi sau một lần chữa, nhưng có nhiều bệnh phải được bấm huyệt thường xuyên, cần chữa nhiều lần và liên tục như bệnh tiểu đường, bệnh cao áp huyết. Cách ăn uống và tập thể dục thêm là những yếu tố cần cho việc chữa bệnh, không phải chỉ xin đến bấm huyệt là khỏi những bệnh trường kỳ. Một điều buồn là có nhiều bệnh nhân người Việt đến, tuy còn trẻ, nhưng đã bị những bệnh nan y đã đến thời kỳ nặng mà nguyên nhân chính cũng vì không hoạt động đúng mức. Nếu biết vận động thân thể, biết hít thở thì chắc chắn họ đã không bị những bệnh khó khăn như thế !

Buổi học giáp tết, khu nhà bếp của chùa Linh Sơn lại đầy nhóc những chồng bánh chưng, bánh tét. Lại một mùa Xuân nữa lại về !

Khi Khôi vừa đi qua khỏi cửa lớp thì đụng đầu ngay chị Mai.

-Sao lâu qúa không thấy anh đi học, anh Khôi? Tối ngày trốn học, thầy đang kiếm anh đó..

-Mắc bận qúa chị Mai ơi.. Bận đi làm mà bây giờ còn mắc bận học nghề nữa chị..

-Anh học nghề gì mà sao không nghe nói ?

-Chị Mai không biết à, đó là nghề thợ.. lặn !

Nhà văn Nguyễn Tuấn Hoàng