Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Cao đắp rốn chữa bệnh trẻ em ra mồ hôi trộm ban đêm

Khi trẻ em sinh ra, nguyên khí kém do bẩm sinh nên chức năng thận dương hoạt động kém không bảo vệ được dương khí nên đêm ngủ hay ra mồ hôi ướt cả người, ưa bị tiêu chảy, ăn nhiều mà không lớn... và chữa thuốc gì cũng không khỏi bệnh ra mồ hôi trộm ban đêm .

Tôi xin giới thiệu với qúy vị một bài thuốc cao dán rốn mà tôi đã áp dụng cho con trai tôi cách nay gần 40 năm, chỉ đắp có 3 đêm là bệnh dứt tuyệt cho đến bây giờ .

Cách làm cao đắp rốn :
Ra tiệm thuốc bắc mua 1 lạng Hà thủ ô, 1 lạng Ngũ bội tử, nhờ họ tán thành bột, nếu chưa tán kỹ, đem về nhà dùng máy xay tiêu xay chung lại cho nhuyễn.

Lấy một nhúm bột bỏ vào lòng bàn tay, hòa với nước miếng của mình trộn đều cho sền sệt, đắp vào lỗ rốn đứa trẻ, lấy băng keo dán đè lên để giữ thuốc trước khi đi ngủ, sáng dậy gỡ bỏ cao ra. Làm 3 ngày liên tiếp và để ý đứa trẻ đã hết ra mồ hôi trộm .

Như vậy tính của thuốc là bổ dương, tính ôn, Khí làm thăng dương. Vị của thuốc là đắng, chát, ngọt. Vị đắng vào tâm, vị ngọt vào tỳ, vị chát là thu liễm cầm giữ dương khí cho tâm tỳ. Đông y có câu : Dương hư tự hãn (dương hư tự thoát ra mồ hôi không phải do làm việc mệt, gọi là thoát dương làm mất tân dịch sẽ làm tổn hại huyết ) nên bài thuốc này phù hợp.

Chỉ cần biết tính-khí-vị vào kinh nào, bổ hay tả cũng đủ để chữa bệnh bằng nhiều cách sáng tạo như chế rượu để xoa, cao dán ở lưng ngay huyệt Mệnh môn, ở rốn là huyệt Thần khuyết, ở gan bàn chân là huyệt Dũng tuyền, ở đỉnh đầu là Bách hội, ở gan bàn tay huyệt Lao cung …

Ngày xưa mấy bà Mụ ở thôn quê đỡ đẻ những trường hợp khó, sản phụ không có cái may mắn hưởng được những phương tiện y khoa mổ xẻ tiên tiến như hiện nay, thai nhi không ra có thể làm chết cả mẹ lẫn con, người xưa đã dùng quả đu đủ chín bổ đôi, đắp vào gan bàn chân để cho thai nhi ra, sau đó lấy một nửa quả đu đủ xanh đắp lại lên đỉnh đầu để rút tử cung lên, nhờ thế mà mẹ tròn con vuông. Nếu giải thích tính dược theo tây y thì không có chất nào có thể làm được như vậy, nhưng giải thích theo tính khí vị thì đu đủ chín tính mát, khí hạ, vị ngọt . Đu đủ xanh tính mát, khí thăng, vị hăng hơi cay . Nếu giải thích có chất gì trong đu đủ thì chẳng có gì liên quan đến công dụng làm hạ thai, ngay cả ăn đu đủ cũng không làm hạ thai được.

Đó cũng là một phương pháp sáng tạo trong cách chữa theo kinh nghiệm của đông y cổ truyền từ ngàn xưa để lại vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay.

doducngoc