PHẦN MỘT :Những dấu hiệu báo trước của Bệnh cao áp huyết
Có những lúc bạn cảm thấy cơ thể bạn có gì trục trặc không ổn, sức khỏe mỗi ngày một biến đổi đáng lo ngại, cần phải đi khám tổng quát xem có bệnh hay không. Đôi khi kết qủa khám tổng quát là tốt nhưng bạn vẫn cảm thấy những biến đổi đang âm thầm đe dọa đến sức khỏe của bạn mà tây y chưa tìm ra dấu hiệu cụ thể.
Đối với đông y những biến đổi đó có để lại những dấu hiệu rõ ràng, nhờ đó bạn có thể biết để phòng ngừa được một số bệnh tật. Chẳng hạn như một người nghiện cà phê hay thuốc lá, khi số lượng caféine hoặc nicotine tích lũy vượt qúa sức chịu đựng của cơ thể làm cho mất ngủ, suy nhược thần kinh, hay ho, táo bón, đau xót bao tử..thì đó là dấu hiệu báo cho bạn biết để dừng lại, nhưng một số người chủ quan cho rằng đi chụp phổi, khám bao tử vẫn tốt nên vẫn ngoan cố tiếp tục tái phạm. Do đó, bệnh cao áp huyết cũng không phải tự nhiên mà có, nó chỉ là hậu qủa tất yếu do nhiều nguyên nhân tích lũy đã tiềm ẩn trong cơ thể bởi ăn uống sai lầm, bởi điều kiện khí hậu, môi trường sống và làm việc, bởi ít vận động chân tay và bởi xáo trộn tâm lý, thay đổi tính tình.. đông y quy về ba yếu tố chính là tinh-khí-thần.
Theo đông y TINH có được là do tinh chất của thức ăn tạo ra dưỡng trấp thành huyết, sinh tinh hóa tủy để nuôi dưỡng cơ thể.
KHÍ là do hơi thở, là một trong những chức năng làm biến đổi đồ ăn chuyển hóa thành năng lượng, làm lưu thông khí huyết đi khắp nơi để nuôi dưỡng và bảo vệ cơ thể, khí trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng và lệ thuộc vào môi trường không khí ,thời tiết bên ngoài tạo điều kiện cho sự khí hóa của cơ thể tốt hay xấu.
THẦN là hệ thần kinh, bộ não, tình cảm tâm lý, tinh thần, tính nết do di truyền và do học hỏi ở mỗi người mỗi khác.
Đối với đông y, bộ ba tinh-khí-thần phải hòa hợp thuận với sự khí hóa ngũ hành của cơ thể thì con người mới khỏe mạnh, nếu không hòa hợp, làm mất quân bình sự khí hóa của cơ thể sẽ sinh bệnh.
1- Sự khí hóa ngũ hành là gì ?
Đông y mượn 5 yếu tố mộc (m), hỏa (h), thổ (t), kim (k), và thủy (th) gọi là ngũ hành, dùng làm quy ước để lý giải mọi hiện tượng biến đổi của vũ trụ, thiên nhiên và con người theo thuyết thiên nhân đồng nhất thể. Quy ước này giống như một định đề toán học, nó chi phối bởi 3 luật tương sinh, tương khắc, và chế hóa.
Ngũ hành tương sinh :
Mộc sinh hỏa ( ví như củi sinh ra lửa )
Hỏa sinh thổ ( lửa cháy thành tro đất )
Thổ sinh kim (trong đất sinh quặng mỏ, kim loại )
Kim sinh thủy ( kim chảy lỏng ra nước )
Thủy sinh mộc ( nước làm cho cây mọc )
Ngũ hành tương khắc :
Mộc khắc thổ ( cây cọc làm cừ chặn đất lở )
Thổ khắc thủy ( đất làm đê đập chặn nước )
Thủy khắc hỏa ( nước dập tắt lửa )
Hỏa khắc kim ( lửa làm chảy kim loại )
Kim khắc mộc ( dao chặt được cây )
Luật chế hóa ngũ hành :
Trên lý thuyết, ngũ hành không sinh không khắc tuyệt đối, nếu chỉ sinh hoặc chỉ khắc sẽ làm mất quân bình sự tuần hoàn tự nhiên .Để giữ được quân bình và hòa hợp sự khí hóa chung của tổng thể ngũ hành tạng phủ vì mục đích sinh tồn và bảo toàn năng lượng nên ngũ hành tự động hòa hợp để bảo vệ cho nhau mà không tiêu diệt nhau.
Mỗi một hành đều có hai nhiệm vụ chính , một nhiệm vụ nuôi dưỡng theo vòng tương sinh ( thuận theo vòng tròn ) là hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa. Một nhiệm vụ khác là bảo vệ theo vòng tương khắc ( thuận theo chiều ngôi sao ), không để cho một hành phát triển sự hoạt động thái qúa thí dụ như hỏa hoạt động mạnh qúa do mộc sinh ra hỏa nhiều qúa, lúc đó thay vì thủy đáng lẽ sinh thêm mộc, nhưng mộc đã dư thừa mới làm cho hỏa mạnh, thì thủy tự động không sang mộc mà cần phải sang hỏa để khắc bớt hỏa cho yếu đi.
Sự hoạt động tự động theo luật chế hóa ngũ hành, được vẽ tượng trưng bằng một vòng tròn ngoài và một ngôi sao nội tiếp gọi là vòng chế hóa ngũ hành.
2-Định đề liên kết Tinh-Khí-Thần theo ngũ hành:
Cơ sở lý luận bệnh chứng của đông y dựa trên định đề liên kết tinh-khí-thần quy về ngũ hành tạng phủ để truy tìm nguyên nhân bệnh, và cũng nhờ ngũ hành mới tìm ra cách chữa bệnh có hiệu qủa.
A-NGŨ HÀNH VỚI CƠ THỂ:
Ngũ hành : Mộc (m), Hoả (h), Thổ (t), Kim (k), Thuỷ (th)
Tạng âm : Can Tâm Tỳ Phế Thận
Phủ dương : Mật Tiểu trường Vị Đại trường Bàng quang
Thông với : Mắt Lưỡi Miệng Mũi,Da,lông Tai
Tạo ra : Gân,móng Máu Thịt Mạch Xươngrâutóc
Dịch chất : Nướcmắt Mồ hôi Nước bọt Nước mũi Nướcdãi,tinh
B-Ngũ hành hợp với Tinh ( Tính khí, mùi, vị của thức ăn uống ):
Tính khí : Phong Nhiệt Thấp Táo Hàn
Mùi : Khai Khét Thơm Tanh Thối
Vị : Chua Đắng Ngọt Cay Mặn
C-Ngũ hành hợp với khí hậu,thời tiết :
ThờI tiết: Xuân Hạ Trường hạ Thu Đông
Thời khí : Phong Thử Thấp Táo Hàn
Phương vị : Đông Nam Trung ương Tây Bắc
Khí hóa : Sinh Trưởng Hóa Thâu Tàng
D-Ngũ hành hợp với thần ( Tâm tánh ) :
Tâm : Lành Tham Xao loan Dữ Si,dâm
Tánh : Giận Vui mừng Lo nghĩ Buồn Sợ
Tâm linh : Hồn Thần Ý Phách Chí
Âm thanh : La hét Cười Ca hát Khóc Rên
Mầu sắc : Xanh Đỏ Vàng Trắng Đen
Theo bảng định đề liên kết trên cho thấy ngũ hành liên quan đến hai yếu tố chính là âm và dương mới tạo ra khí hóa của cơ thể và sự tuần hoàn của trời đất.
Tuần hoàn của trời-đất dựa vào hỏa khí của mặt trời ( dương hỏa ), tác động với thủy khí của nước biển ở qủa đất (âm thủy) tạo ra mưa thuận gió hòa, do tỷ lệ tác động khác nhau tạo ra thời tiết của một ngày đêm như sáng có gío mát (phong), trưa oi bức (thử ), sau trưa ẩm thấp ( thấp ), chiều tối khô khan ( táo ), đêm lạnh lẽo ( hàn ), và của các mùa trong năm,( xuân sinh phong khí thuộc mộc, hạ sinh nhiệt khí thuộc hỏa, trường hạ sinh thấp khí thuộc thổ, thu sinh táo khí thuộc kim, đông sinh hàn khí thuộc thủy) cứ tái diễn đều đặn liên tục. Nếu sự tuần hoàn trục trặc thất thường, con người sẽ bị mất mùa, đói khát, bệnh hoạn, tai ương.
Tuần hoàn ở con người gọi là sự khí hóa phải nhờ đến hơi thở dẫn khí nóng của qủa tim ( dương hỏa ) xuống đến thận (âm thủy) để tạo ra khí của ngũ tạng, phong khí thuộc gan, hỏa khí thuộc tim, thấp khí thuộc tỳ, táo khí thuộc phổi, hàn khí thuộc thận. Mỗi loại khí có nhiệm vụ riêng của nó. Thí dụ vị cay vào phổi, tính chất cay là nóng thuộc hỏa vào phế giúp cho phế không bị hơi nước ẩm ướt làm khó thở, nó rút khí ẩm thành khô (táo ), vì thế phế khí cần táo khí, nhưng nếu ăn cay qúa sinh nhiều hỏa lại hại phế xuất hết chất nước ra ngoài làm chảy nước mắt, chảy mồ hôi khiến phổi qúa khô sinh ho. Chức năng phế và đại trường ( ruột già ) cần táo khí làm khô rút nước của cặn bã đồ ăn thành phân giống như mùa thu đất rút hết nước thành khô, co rút các tạp chất trong lòng đất thành quặng mỏ kim khí, vì vậy phế và đại trường là táo khí thuộc kim trong ngũ hành.
Hơi thở là khí nối hoả khí của tâm và thủy khí của thận tạo ra ngũ tạng khí của lục phủ ngũ tạng, gọi chung là KHÍ được dẫn truyền bởi màng lưới tam tiêu là những lớp màng mỡ,gân mỏng ,dây thần kinh, mao mạch, li ti huyết quản bao bọc quanh xương, gân, sớ thịt, màng óc, màng tim, màng phổi, màng bụng, màng gan, màng ruột, màng thận, các màng bao quanh các cơ quan tạng phủ và khắp cơ thể không thiếu sót chỗ nào. Cơ sở vật chất của các màng liên kết ấy dùng để chuyển khí huyết nuôi dưỡng và bảo vệ cơ thể, chúng ta có thể thấy được gọi là hệ tâm bào. Chức năng đặc biệt của màng tam tiêu chuyển các dịch chất như huyết, nước, mỡ..để nuôi cơ thể gọi là tam tiêu âm ,còn chức năng chuyển huyết thành khí để bảo vệ cơ thể thì chúng ta chưa có máy móc để nhìn thấy được sự chuyển hóa mà chỉ cảm nhận được qua khí sắc hồng hào khỏe mạnh, gọi là tam tiêu dương.
Tam tiêu âm-dương hoạt động được liên tục, bền bỉ, giữ được quân bình sự khí hóa cho khí huyết vừa đúng và đủ, không dư khí thiếu huyết, không dư huyết thiếu khí là phải nhờ đến bộ não và các dây thần kinh dẫn truyền. Như vậy thần kinh cũng có âm dương, âm để chuyển tín hiệu giao cảm, dương để chuyển tín hiệu phản xạ và có một trung khu thần kinh trung ương để điều hòa âm dương, cho nên đông y rất xem trọng đến màng tam tiêu và xếp thành một cặp tạng phủ riêng biệt, tạng là hệ thống tâm bào, phủ là chức năng hoạt động của màng tam tiêu chia làm ba vùng hoạt động, vùng thượng tiêu từ hoành cách mô, tim phổi, đầu và hai tay, vùng trung tiêu từ hoành cách mô xuống rốn bao gồm những hoạt động của gan mật, tỳ vị, ruột non, vùng hạ tiêu từ rốn xuống dưới đến hai chân bao gồn hoạt động của ruột gìa thận, bàng quang, sinh dục. Tâm bào thuộc tim mang hành hỏa âm, thì tam tiêu mang hành hỏa dương, cho nên lục phủ là tam tiêu, tiểu trường ( hỏa), Vị (thổ), Đại trường (kim), Bàng quang (thủy), Đởm (mộc) tạo ra khí, gọi là ngũ hành dương ,còn ngũ tạng là Tâm và tâm bào (hỏa), Tỳ (thổ), Phế (kim), Thận (thủy), Can (mộc) tạo ra huyết gọi là ngũ hành âm.
3- Lý luận bệnh theo ngũ hành :
Khi chúng ta bị bệnh, theo xét nghiệm của tây y, phải thấy được rõ ràng qua cân đong đo đếm cụ thể và có bị tổn thương thực thể mới thấy được. Đối với đông y thì sự khám phá như thế qúa muộn màng. Đông y nhờ vào học thuyết ngũ hành có thể biết trước được sự xáo trộn chức năng khí hóa do ảnh hưởng của tinh-khí-thần đã làm hỏng chức năng chế hóa ngũ hành.
Thí dụ, ai cũng biết nếu hút thuốc lá liên tục 3000 điếu trong ba tháng sẽ dẫn đến bệnh phổi, nhưng khi chụp phổi đâu có thể nào biết được nó đã hút độc tố vào phổi là bao nhiêu điếu, có khi hút đến 1000 điếu chụp hình phổi vẫn thấy tốt, nhưng đông y thấy được cả một qúa trình khí hóa đã bị xáo trộn ở phần khí lẫn phần huyết trước khi gan và phổi bị tổn thương thực thể. Chất cay của thuốc vào phổi làm phổi càng khô táo, độc tố nicotine vào phổi làm gan phải tăng cường chức năng lọc thải độc nên hành mộc phải tăng mộc làm mạnh chức năng hoạt động của mình, mộc sinh từ thận thủy bị hao kiệt, mặt khác mộc tăng sinh hỏa tăng, đốt phế kim càng khô, chức năng của phế kim nuôi dưỡng thận thủy không có, vòng chế hóa ngũ hành mất quân bình dẫn đến dấu hiệu thủy kiệt không nuôi mộc giúp gan lọc thải độc, không khắc chế được hỏa để hỏa tự do hại phế kim dần dần phổi bị tổn thương thực thể khi bị ho tạo thành vết nứt rách các xoang phổi thành bệnh phổi. Khi phổi bệnh do tâm hỏa đốt khiến độ ẩm của phổi bốc hơi sinh đổ mồ hôi, mất nước ,táo khí âm của phổi càng khô khiến táo khí dương của đại trường cũng khô sinh táo bón, phản ứng tự nhiên của cơ thể cần uống nước nhiều để giúp phổi đỡ khô khát, bù thêm nước cho thận thủy, nhưng táo khí trong phổi qúa khô, tim qúa nhiệt, số nước vào biến thành mồ hôi, và chức năng thận suy yếu không cầm giữ lại được nước trong cơ thể lâu, nên uống nước vào bị đẩy ra đường tiểu ngay. Khi chức năng phổi suy khiến hô hấp kém làm tim mạch đập không đều, máu thiếu oxy làm giảm hồng cầu ( khi máu đen oxyde sắt nhị O2Fe3 nhận được oxy nhiều khi thở vào sẽ biến máu đen thành máu đỏ oxyde sắt tam O3Fe3 ). Nhiệm vụ của phế kim phải khắc chế gan mộc để mộc đừng sinh hỏa hại kim, nhưng chức năng gan mộc hư, phế kim hư, thận thủy hư, tâm hỏa hư ,tâm hỏa phải sinh thổ để nuôi dưỡng tỳ thổ cũng hư nên ăn uống kém không chuyển hóa tốt. Gan tàng huyết ( chứa máu theo định đề liên kết )nên gan có độc tố nicotine thì huyết cũng bị nhiễm độc, khi thử máu, tỷ lệ thành phần máu biến đổi càng ngày càng tệ, khi chức năng lọc độc của gan hư yếu thì độc tố trong phổi không được lọc sẽ từ từ bám vào phổi thành vết nám, bắt đầu thành hình tổn thương thực thể lúc đó chụp hình mới thấy được.
Nhờ vào học thuyết ngũ hành để lý luận bệnh chứng qua sự xáo trộn khí hóa của vòng chế hóa ngũ hành tạng phủ, tạo ra những dấu hiệu mất quân bình. Trước khi bị bệnh rõ ràng, nó để lại rất nhiều dấu hiệu từ đơn giản đến phức tạp để thầy thuốc tìm ra nguyên nhân, trước hết là mất quân bình về chức năng thì tây y chưa khám phá được, khi mất quân bình về cơ sở nhưng chưa có tổn thương thực thể, tây y cũng chưa thấy được, nhưng thầy thuốc đông y thấy được những dấu hiệu thay đổi đó một cách rõ ràng của mỗi giai đoạn biến đổi tốt xấu khác nhau từng giờ từng ngày bằng phương pháp khám theo tứ chẩn vọng ,văn, vấn, thiết. (nhìn hình, khí, thần, sắc, nghe tiếng nói hơi thở, hỏi những điều chẩn đoán còn nghi ngờ, bắt mạch đập, sờ nắn, khám huyệt để tìm nguyên nhân do khí hay huyết, do tạng phủ nào bệnh, tạng phủ nào không bệnh.).
4-Những dấu hiệu dẫn đến bệnh cao áp huyết :
Ở đây chúng ta chỉ xét đến những dấu hiệu trước khi thành hình bệnh cao áp huyết bằng phương pháp tứ chẩn : Vọng, văn, vấn, thiết qua kinh nghiệm của Khí Công Chữa Bệnh.
A-VỌNG ( Quan sát ) : Xem hình tướng và khí sắc :
a-HÌNH TƯỚNG:
1-Bạn không thể quay cổ ra phía sau tối đa sang trái, sang phải dễ dàng như trước kia vì khi quay làm đau hai bên gân cổ, vì chóng mặt, vì cứng cổ gáy, vì khối thịt to dầy nổi lên như cái gò sau cổ gáy lầm tưởng là mập. Khi đứng thẳng tập thế vặn mình ra sau 90 độ không được bị tức đau hai hông sườn trên.
2-Cái gò này làm tắc khí huyết ở đầu. Khí huyết lên được mà tắc không xuống được làm nhức đầu sau gáy, mỏi cổ gáy nơi chân tóc, hai bên gáy. Nếu nhức đầu sau gáy rồi nhức lan lên đến đỉnh đầu, da đỉnh đầu lùng bùng chạm vào đau là đã có bệnh cao áp huyết. Nếu khí huyết xuống được mà không lên được sinh chóng mặt là thiếu máu lên đầu, nếu máu không lên đầu ở một bên đầu cũng làm cho đau nhức đầu bên trong khi lấy tay sờ vào đầu không đau ( migraine ) để lâu không chữa cho máu lưu thông được sẽ thành khối u sọ não.
3-Bạn đứng dang chân rộng, tập thế vỗ tay hai nhịp, hai tay dang thẳng vỗ mạnh hai bàn tay ra phía sau lưng, hai bàn tay không chạm được với nhau.
4-Bạn không thể tập thế điều hòa âm dương, nhón gót ,lưng thẳng và ngồi xuống cho mông chạm gót chân, vì lý do cứng gân đùi, đau căng đầu gối, ngồi mất thăng bằng hay bị té ngã.
5.Tập đứng hạc tấn mở mắt, hai cánh tay dang ngang bằng vai như cánh chim, co một chân cao ngang hông, đứng một chân như con chim hạc. Bạn không thể đứng lâu qúa 30 giây, và mỗi khi đứng đổi chân, thời gian đứng mỗi bên chân có sự khác biệt. Người không có bệnh cao áp huyết đứng mỗi bên được lâu hơn 60 giây, người có triệu chứng áp huyết hơi cao nhưng Tây y chưa cần phải cho uống thuốc sẽ đứng được 30 giây trở lại, áp huyết càng cao càng không đứng được lâu, chỉ mới co chân lên đếm 1,2,3 là đã mất thăng bằng muốn ngã. Nếu có sự chênh lệch thời gian giữa hai bên chân trái phải qúa nhiều, chứng tỏ sự tuần hoàn khí huyết nửa bên đầu bị tắc sau sẽ dẫn đến hậu quả tê liệt bên tắc bị đứt mạch máu não.
6- Khi đi hơi nghiêng về một bên hoặc hay bị nhủi đầu về phía trước dễ bị vấp té, vì cảm thấy một bên chân yếu, hoặc lên xuống cầu thang cảm thấy mệt, hoặc không thể chạy nhanh trên 100 mét. Khi bị cao áp huyết thực sự, tướng đi sẽ chậm chap lù đù không nhanh nhẹn như trước.
7-Nếu nằm úp thấy khó thở, khi nằm úp người khác giúp mình xếp gập đầu gối cho gót chân chạm mông sẽ thấy có một chân yếu khi gập vào mềm nhũn vô lực, chân kia gập vào bị cứng đau.
8-Thỉnh thoảng đổ mồ hôi nhẹ, hoặc ở trán, hoặc ở quanh tai, hoặc sau gáy.
9-Bạn soi gương có nhìn thấy bộ mặt bị biến dạng như có khối thịt to hai bên mang tai như cái nọng heo trong khi cơ thể không có vẻ gì là mập, hoặc có sự khác biệt 2 bên má hình dạng không đều, bên lõm vào là van tim bên đó bị hẹp, bên phình ra là van tim bên đó bị hở.
10-Nếu người có bệnh hở van tim nặng thì môi dưới nở to ngả mầu hơi đen và xệ xuống, khi nói hai môi không khép kín được, các đầu ngón tay đen như nhuộm chàm..
b-KHÍ SẮC :
1-Da mặt mầu sắc không tươi sáng mà hơi xạm đen đều khắp mặt.
2-Hoặc da mặt đỏ hơn người khác mà sờ trán nóng.
3-Hoặc chỉ đỏ ở đầu mũi, hoặc vừa đầu mũi vừa trên trán đỏ, các chỗ khác trên mặt không đỏ.
4-Thỉnh thoảng mặt đỏ như lên cơn sốt nhưng không phải sốt, chỉ thoáng qua rồi hết.
5-Đầu lưỡi đỏ hơn giữa lưỡi, giữa lưỡi khô, dầy, hai cạnh lưỡi không bằng phẳng mà có hình như răng cưa.
6- Hai mắt đỏ nhưng còn thần, nếu hai mắt đỏ lờ đờ kém nhanh nhẹn là đã có bệnh.
7-Nếu người có bệnh hở van tim nặng có mầu sắc của môi như tụ máu bầm và đầu các ngón tay như bị nhuộm mực đen mà chưa rửa sạch.
B-VĂN (Nghe ) :
Nghe hơi thở và tiếng nói có gì khác biệt so với người bình thường :
1-Làm việc gì hơi qúa sức một tí thì mệt thở hổn hển vã mồ hôi.
2-Bình thường hơi thở ngắn, nhanh, gấp. Nhịp thở người khỏe mạnh 18 hơi vào-ra trong một phút, người nào thở nhiều hơn 18 hơi một phút là có bệnh.
3-Hơi thở to, không êm nhẹ.
4-Khi nói âm thanh hơi bị rè, đứt đoạn, hoặc hay gắt gỏng, gằn tiếng.
5-Khi áp huyết cao mới phát, tiếng nói to, áp huyết cao mãn tính, cơ thê suy nhược, tiếng nói nhỏ không ra hơi, nhưng thở gấp.
C-VẤN (Hỏi ) :
Bình thường thầy thuốc hỏi những điểm còn nghi ngờ sau khi đã qua giai đoạn vọng văn. Nhưng tự mình có thể đoán bệnh cho mình bằng cách theo dõi vấn đề ăn uống, tiêu hóa, tiêu tiểu, ngủ nghỉ, nóng lạnh bằng những câu hỏi sau :
1-Bạn có thường hay bị táo bón mặc dù có uống nước nhiều hay không ?
2-Hay buồn ngủ ban ngày, mất ngủ ban đêm không?
3-Hay chóng mặt nhức đầu hoa mắt, mắt như có gì vướng cản tầm nhìn hoặc như có hình ruồi, lăng quăng vờn quanh mắt không ?
4-Có hay đi tiểu đêm hoặc khi uống nước vào phải đi tiểu ngay ?
5-Có đau mỏi tê ngón tay, bàn tay, lạnh chân, đầu nặng chân nhẹ, đau mỏi lưng đùi không ?
6-Có bị tê đường gân từ cùi chỏ đến ngón tay út không, da thịt có chỗ tê, ngắt nhéo không có cảm giác hay không ?
7-Thỉnh thoảng có dấu hiệu giựt gân trên mặt ?
8-Khi ngủ hơi thở có đều hay thỉnh thoảng hơi thở bất bình thường như bị ngắt đoạn, thở dài hơn, ngắn hơn, kèm theo tiếng kêu, tiếng mớ, tiếng rên. ?
9-Có hay ăn chất béo, chất cay, chất mặn nhiều không ?
10-Có bị đổ mồ hôi vô cớ không ?
11-Có đàm nhớt vướng cổ làm thở khò khè không ?
12-Sáng ngủ dậy có choáng váng lảo đảo không ?
13-Ăn có tiêu hóa tốt hay chậm tiêu hay ợ hơi, tức ngực, khó thở ?
14-Có thường bị chảy máu cam khi trời nóng hay khi trời lạnh hay khi ăn nhiều chất cay nóng hay ăn chocolat, uống cà phê, các trái cây nóng như nhãn,xoài, sầu riêng, chôm chôm,..?
C-THIẾT : Là phương pháp sờ nắn, bắt mạch, khám huyệt :
1-Bạn tự rờ xem nhiệt độ trên trán và dưới cổ chân có thấy sự khác biệt như đầu nóng chân lạnh không ?
2-Dùng tay nhéo nhẹ hai bên má có nhận thấy nửa mặt bị tê, một bên có cảm giác đau một bên mất cảm giác ?
3-Dùng ngón tay gõ trên đầu có nhận thấy bị tê nửa đầu hoặc có cảm giác chỗ tê chỗ đau khác biệt ?
4-Chụm 5 ngón tay gõ vào hai bên mang tai cảm thấy đau nhói không bình thường hoặc bên đau bên không đau.
5-Dùng ngón tay cái đè vào phía trước tai 5-6cm ở hai bên má có cảm giác một bên đau một bên không đau ( khi há miệng có hở chỗ lõm, khi ngậm miệng chỗ lõm bị khớp hàm trên đóng lại, đó là huyệt Hạ Quan ).
6-Dùng ngón tay cái vuốt qua huyệt Chiên Trung nằm trên đường giữa ngực, giao điểm với đường ngang giữa hai núm vú, cảm thấy đau nhói một chỗ, còn chỗ khác không đau.
7-Dùng tay nắn tìm điểm đau bên hông sườn trái có một chỗ đau nhói ( ở nơi huyệt Chương Môn ).
8-Dùng ngón tay cái bấm vào giữa lòng bàn tay trái ( huyệt Lao Cung ) và giữa cổ tay trái ( huyệt Đại Lăng ), cảm thấy rất đau, tùy theo mức độ đau nhiều hay đau ít để biết áp huyết cao nhiều hay ít.
9-Nếu khám cho người khác hoặc nhờ người nhà khám cho mình bằng cách vuốt mạnh nhanh dọc theo cột sống từ trên cổ gáy xuống xương cùng, nhiều lần, xem có đoạn nào bị đau nhói hay không, nếu có bệnh cao áp huyết hoặc bệnh tim mạch sẽ nhận ra được vùng sau tim và ngang thắt lưng bị đau, như vậy có nghĩa là khí huyết bị tắc không thông .
10-Dùng tay này bẻ gấp các khớp đầu ngón của bàn tay kia cảm thấy có ngón đau có ngón không đau.
11-Nếu đau nhiều ở khớp ngón tay giữa bên trái hơn các ngón khác là bạn đã có nhiều cholestérol trong động mạch tim, nếu đau nhiều ở ngón tay giữa bên phải là có mỡ đóng ở quanh màng bao tim.
12-Nếu hai ngón tay giữa cứng, khi bẻ vào không vuông góc mà không cảm thấy đau, chỉ có cảm giác dai và cứng là không có cholestérol trong máu trong tình trạng hiện thời, có hai lý do, lý do thứ nhất trước kia đã có nhiều cholestérol đóng cứng vào vách thành mạch làm hẹp ống mạch, lý do thứ hai đã và đang dùng thuốc làm giãn ống mạch.
13-Nếu chỉ có ngón tay thứ tư ( ngón đeo nhẫn) khi bẻ vào cảm thấy đau nhiều hơn các ngón khác là sự tuần hoàn khí huyết bị tắc không lưu thông tốt, đau ngón thứ tư bên trái chỉ cho biết huyết tắc nơi tim ngực và bộ đầu thuộc vùng thượng tiêu, đau ngón thứ tư bên phải chỉ cho biết tắc tuần hoàn khí giữa thượng tiêu và trung tiêu như hơi bao tử không tiêu hóa tạo ra hơi đưa dội lên tim thỉnh thoảng làm khó thở trong bệnh đau nhói tức ngực ( angine ).
14-Nếu cả hai ngón 3-4 của cả hai bàn tay khi bẻ gập vào đều đau, chỉ cho biết vừa có cholestérol ở tĩnh mạch, động mạch, vừa bị tắc tuần hoàn cả khí và huyết mới làm cho đau đầu, chóng mặt, hở van tim, hẹp van tim .
15-Nếu chỉ có ngón út bên trái bẻ thấy đau hơn các ngón khác là dấu hiệu hẹp van tim, ngón út bên phải đau là đáy tim nở lớn. Cả hai ngón út đều đau là là có bệnh tim mạch.
16-Hai bàn tay không nắm lại chặt lại được vì bị cứng các khớp ngón tay hoặc khí huyết không ra đến đầu ngón tay khiến bàn tay vô lực..
Tất cả những dấu hiệu này là do xáo trộn ở nhiều tạng phủ bị ảnh huởng của TINH sai, KHÍ thiếu, THẦN hư, làm hỏng sự chế hóa ngũ hành bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Không nhất thiết bạn có đủ những dấu hiệu trên mới sợ mắc phải bệnh cao áp huyết, mà chỉ cần thấy có vài dấu hiệu là phải lo đề phòng bằng cách điều chỉnh ăn uống, tập luyện khí công phần động công để tăng cường khí, phần tĩnh công để dưỡng thần, tập sao cho đạt trạng thái ‘’ Điềm đạm hư vô, thân nào mà bệnh tật ‘’như cổ nhân đã từng nói đến, đó là trạng thái khí hóa quân bình nhất của âm dương ngũ hành trong con người để giữ cho tinh-khí-thần hòa hợp.
PHẦN HAI : BỆNH CAO ÁP HUYẾT TẠI SAO KHÓ CHỮA ?
A-NGUYÊN NHÂN :
Bệnh cao áp huyết tại sao khó chữa ?
Đó là một câu hỏi còn nhiều thắc mắc nghi ngờ của cả hai giới, bệnh nhân và thầy thuốc. Có thể nói bệnh cao áp huyết còn khó chữa hơn bệnh nghiện ma túy, vì nghiện ma túy là một đam mê tự nguyện, ngày nào đó tỉnh ngộ có thể dứt bỏ mà tánh mạng không bị đe dọa, ngược lại, thuốc trị bệnh cao áp huyết hiện nay dù biết nó không thể trị dứt mà không bệnh nhân nào dám bỏ, phải dùng suốt đời cho đến khi chết, đó là điều nghịch lý đã làm cho ngành y khoa phải khổ tâm tìm tòi, nghiên cứu, phát minh không ngừng nghỉ.
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân của bệnh cao áp huyết từ đâu đến theo hai quan niệm của Tây y và Đông y hầu tìm ra được phương pháp chữa thích hợp có hiệu qủa.
1-Theo quan điểm Tây y :
Bệnh cao áp huyết là bệnh thuộc tim mạch, có hai nguyên nhân là nguyên phát gây ra bệnh cao áp huyết thường xuyên và nguyên nhân thứ phát gây ra bệnh cao áp huyết bởi ảnh hưởng của một bệnh khác .
Tuy nhiên trên thực tế Tây y cũng đặt ra nhiều nghi vấn và giả thuyết để từ đó mới quyết định xem cần xét ngiệm cái gì để tìm nguyên nhân bệnh.
1-Về Khám Bệnh :
Thầy thuốc có thể nghi nguyên nhân do các loại thuốc khác gây ra bệnh cao áp huyết thứ phát như :
Thuốc ngừa thai, thuốc có chất cam thảo như Malox trị bệnh bao tử, thuốc xịt mũi làm co mạch để chữa bệnh nghẹt mũi, thuốc trị co giật trong bệnh Parkinson, thuốc trị phong thấp khớp, thuốc calcium trị bệnh xương, loại thuốc chữa bệnh trầm cảm I.M.A.O ( Inhibiteurs de Mono-Amine-Oxydase ),thuốc ức chế enzyme monoaminoxydaza, các loại thuốc chữa dépression, thuốc suyễn, Histamine, Sulpirid, lạm dụng Vitamine D bị ngộ độc, lạm dụng thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận trường, thuốc adrénaline, corticoĩde, dùng thức ăn có chất men tyramine như rượu, frommage, men bia, nấm, gan gà..
Thầy thuốc phải khám tim, động mạch, đáy mắt, chức năng thận, bàng quang và gửi đi xét nghiệm những gì cần thiết có liên quan đến chẩn đoán, để so sánh những kết qủa với những điều mình nghi ngờ khi chẩn đoán có đúng không, rồi mới quyết định cách chữa.
2-Về xét nghiệm :
Phòng xét nghiệm thường xét nghiệm máu và nước tiểu để biết uré-huyết, glucoza-huyết, acide-uric-huyết, aldostérone-huyết, kali-huyết, lipide-huyết, calci-huyết, natri-huyết, phosphate-huyết, créatinine, ion đồ máu và nước tiểu, protéine-niệu, cặn Addis, vi khuẩn trong nước tiểu, natri-niệu, kali-niệu, định lượng VMA (Vanillyl Mandelic Acide ) trong nước tiểu..
Chụp X-quang ngực xem động mạch, tĩnh mạch bị phình hay hẹp, X-quang đường niệu để tìm ra sự chậm bài tiết, vết tổn thương đường niệu, chụp thận, bàng quang tìm xem thận bị ứ nước hay ứ mủ hay teo thận, sỏi thận, đau nang, phình động mạch thận ( khi nghe có tiếng thổi cạnh rốn ), xét điện tâm đồ, điện não đồ xem có tổn thương não, viêm não, áp lực sọ não hoặc do nguyên nhân tâm lý lo âu xung động mãnh liệt (raptus anxieux )đã làm cho biểu đồ dao động bất bình thường. Chụp đầu tìm khối u như u nguyên bào thần kinh giao cảm, u hạch thần kinh, u nguyên bào thận, u mạch tế bào quanh mao mạch thận hoặc do nội tiết tăng năng tuyến giáp, tăng năng vỏ thượng thận, hay suy thận, hay tắc mạch máu não...
3-Về định bệnh :
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc khám phá và tìm bệnh, tìm nguyên nhân của một căn bệnh càng ngày càng nhanh chóng và dễ dàng hơn xưa, và với kinh nghiệm của thầy thuốc dựa vào kết qủa xét nghiệm, chúng ta có thể phân biệt được thế nào là cao áp huyết mãn tính, cao áp huyết do thuốc, cao áp huyết cấp tính kịch phát, cao áp huyết tâm thu, cao áp huyết tâm trương, cao áp huyết khi mang thai, cao áp huyết với giảm kali-huyết, cao áp huyết do dư calci trong máu, cao áp huyết do dư đường trong máu, cao áp huyết do thiếu máu nghiêm trọng hémoglobine dưới 7g/100ml, cao áp huyết do xáo trộn nội tiết dư hoặc thiếu hormone nhất là trong thời kỳ tiền mãn kinh, tăng tuyến hạch, u bướu, cao áp huyết do tim mạch như hở lỗ động mạch chủ, rò động mạch, tĩnh mạch, xơ gan, tổn thương thận..
Như vậy do xét nghiệm chúng ta thấy có hàng chục loại bệnh cao áp huyết do nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu không truy tìm nguyên nhân, chỉ dùng máy đo áp huyết, thấy lúc nào cũng cao hơn tiêu chuẩn bình thường ( trên 140mmHg/90mmHg) và có những dấu hiệu đau đầu ở phía gáy, ù tai, chóng mặt, mệt mỏi, cảm giác ruồi bay trước mắt, chảy máu cam, tim đập bất bình thường.. ai cũng biết đó là bệnh cao áp huyết.
Bệnh cao áp huyết không đơn giản dừng lại ở đây mà nó cứ phát triển mãi càng ngày càng nặng, Tây y chia ra làm 4 giai đoạn :
a-Giai đoạn một :
Đo áp huyết thấy cao thường xuyên, mà xét nghiệm không thấy có tổn thương thực thể ở tim, gan, thận, mạch, chỉ thấy có cholestérol hoặc, calci, hoặc Chlor, hoặc Natri trong máu cao, trong nước tiểu tăng.. cho nên người bệnh cần phải cữ ăn chất béo, chất mặn. Vì chất béo làm tăng cholestérol trong máu sẽ làm nghẽn hẹp ống mạch bao quanh tim, ăn mặn làm số lượng muối ClNa vào cơ thể không chuyển hóa và đào thải kịp làm tăng Chlor và Natri trong máu và trong nước tiểu. Có dư Natri- huyết dễ làm kết tủa cholestérol tập trung nơi ống mạch máu về tim làm tắc nghẽn những ống mạch quanh tim sẽ dẫn đến bệnh sang giai đoạn hai.
b-Giai đoạn hai :
Nếu cơ thể khỏe mạnh, phản ứng tự nhiên là ‘’ khi ăn mặn, phải khát nước’ ’tức là phản ứng tự động của cơ thể đòi tiếp tế thêm nước để chuyển hóa Cl và Na dư thừa ra đường tiểu để bảo vệ máu không dư Natri, nếu không Natri sẽ kết tủa chất béo làm tổn thương thực thể như tim bị dầy tâm thất bên trái, hẹp động mạch võng mạc, có protéine niệu hoặc créatinine huyết tương tăng nhẹ.
c-Giai đoạn ba :
Dầy thất trái dẫn đến suy thất trái khiến qủa tim co bóp để cho huyết lưu thông không đều, xuất huyết não thành biến chứng tê liệt, nhẹ thì liệt mặt méo miệng do liệt thần kinh ngoại biên, nặng thì thêm bệnh Parkinson co giật đầu và tay chân, nặng nữa thì bán thân bất toại. Nếu không tổn thương não thì tổn thuơng đáy mắt làm xuất huyết võng mạc, sụp mí mắt, phù gai thị, nếu không tổn thương não, tổn thương mắt thì bị cơn đau thắt ngưc
(angine) làm nhồi máu cơ tim (crise cardiaque), nếu qủa tim còn khỏe sẽ có tổn thương thận như suy thận..
d-Giai đoạn bốn :
Cao áp huyết ác tính thuộc giai đoạn bốn thường gặp ở những người đã có bệnh ở các giai đoạn trên dù bệnh còn nhẹ hay vừa nhưng chữa không đúng nguyên nhân, chỉ chữa cầm chừng ngăn ngừa không cho áp huyết tăng lên chứ không làn áp huyết hạ xuống mức bình thường, có khi không phải thuốc mà do sai lầm ăn uống, biến đổi tâm lý thần kinh, tự nhiên đau đầu dữ dội, đáy mắt xuất huyết độ 3 hoặc phù gai thị độ 4, huyết áp lên cao cả tâm thu lẫn tâm trương ( cả số đo trước, số đo sau ),khát nước nhiều, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, bệnh tiến nhanh làm tai biến mạch máu não hoặc tai biến ở tim (stroke) dẫn đến tử vong.
2-Theo quan điểm đông y :
Từ khi Đông y thuở sơ khai ,chưa dựa vào học thuyết âm dương ngũ hành của Khoa triết học đông phương để lập nên hệ thống lý luận kinh mạch tạng phủ và sự liên kết khí hóa, chỉ xem như là một giả thuyết chưa qua kinh nghiệm thực hành cách nay khỏang 6000 năm, mà nhu cầu đối phó với bệnh tật con người ở thời nào cũng có, do đó các thầy thuốc Trung Quốc thời cổ đại muốn nghiên cứu lý thuyết kinh mạch, tạng phủ, ngũ hành trên cơ thể con người để tìm hiểu thấu đáo về nguyên nhân bệnh tật, đã được phép nhà vua cho sử dụng tử tội để mổ xẻ nghiên cứu trên thân thể sống của tử tội, phải mất một thời gian dài hàng ngàn năm khám phá ra huyệt đạo, kinh mạch, được thử và theo dõi những loại thuốc đang nghiên cứu đưa vào cơ thể tội nhân, cứ thế từ đời này sang đời khác để bảo đảm công việc nghiên cứu dựa trên mọi giả thuyết đã được chứng minh là đúng trong cùng một điều kiện có kết qủa như nhau ở mọi thời đại, cuối cùng đông y đã đúc kết kinh nghiệm hoàn chỉnh thành hệ thống lý luận căn bản trong việc khám và chữa bệnh. Về châm cứu có quyển Hoàng Đế Nội Kinh, về dược thảo có Bản Thảo Thần Nông. Các đời sau có các thánh y bổ sung thêm kiến thức làm cho sáng tỏ và vững chắc rõ ràng hơn như thần y Tần Việt Nhân hiệu Biển Thước soạn ra quyển Nạn Kinh, Hoa Đà dạy mổ xẻ và bào chế thuốc. Càng về sau càng có nhiều danh y áp dụng càng thấy chính xác và có cái hay độc đáo của nó. Có thể nói hơn 2000 năm, những giả thuyết, những nghi ngờ đều dùng thân sống của tử tội để mổ xẻ chết biết bao nhiêu người để đúc kết một phương pháp chữa bệnh hoàn chỉnh và độc đáo của đông y, cuối cùng các thầy thuốc không dám lạm dụng thân sống của tử tội để thử nghiệm những cái gì đã biết do kinh nghiệm tiền nhân để lại, cho nên họ nói rằng ‘’ cái gì chưa biết mới phải thử, cái gì đã biết rồi khỏi cần phải thử nữa ‘’.
Do đó, suốt 2000 năm tây lịch, y học phương tây phát triển giỏi về khoa giải phẫu mà không hề thấy bên đông y có thuật giải phẫu, cho nên khi so sánh hai cách chữa bệnh của đông-tây y thì đông y có về lỗi thời, khám bệnh bằng nghe 28 bộ mạch đập ở cổ tay có vẻ mơ hồ khó tin, còn châm cứu dựa vào huyệt đạo kinh mạch lại mơ hồ giả tưởng vì khi giải phẫu hoặc chụp hình cơ thể không thấy. Nhưng kết qủa chữa bệnh thì không thể phủ nhận được.
Đúng ra 6000 năm qua nó phải lỗi thời, ai mà chẳng muốn sửa đổi, nhưng qủa thật nó qúa đơn giản đến mức không thể sửa đổi căn bản, nó là chân lý, nhờ chân lý người ta có thể gia tăng nhiều sáng tạo hơn. Nó đơn giản chỉ có 5 hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ tượng trưng cho tạng âm là phổi, gan, thận, tim, lá mía và phủ dương là ruột già, túi mật, bàng quang, ruột non, bao tử . Nó là một môn khoa học như toán học, cả thế giới đều công nhận chỉ có 10 con số từ 0 đến 9 và 4 phép toán cộng ,trừ, nhân, chia, không bao giờ thay đổi. Mười con số và 4 phép toán đã phát minh ra từ thời con người biết sống thành đoàn thể để giao tiếp hàng ngày về buôn bán, phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật, các nhà bác học cũng dựa vào chân lý đơn giản này mà đã sáng tạo được nhiều môn học như đại số, số học, hình học, cơ học, lượng giác, giải tích, tích phân, vật lý, hóa học, vi phân, vi tính,,,phát minh ra nhiều phép tính, ra nhiều máy móc điện toán cũng không ngoài 10 con số và 4 phép tính căn bản, đơn giản này.
Lý thuyết âm dương ngũ hành giống như một định đề toán học, có chấp nhận nó mới dùng nó để chứng minh các bài toán học, đó là sự tiến bộ của khoa học, cũng như thế, từ lý thuyết đến lý luận của âm dương ngũ hành dựa theo triết học của môn dịch-lý , mọi sự vật đều biến đổi theo một quy luật cực âm sinh dương, cực dương sinh âm, giữa hai giai đoạn có sự biến đổi âm dương là sinh, trưởng, hoá , thâu, tàng nối tiếp nhau liên tục như trái rụng xuống đất, hạt nẩy mầm (sinh ), lớn lên thành cây ( trưởng ), đơm hoa ( hoá ), kết trái (thâu ),rụng xuống đất ủ thành mầm ( tàng ), rồi lại sinh, trưởng, hoá, thâu tàng liên tục.
Đem áp dụng học thuyết âm dương ngũ hành tạng phủ trong việc trị bệnh cho con người, các thầy thuốc đông y đã biết phối hợp chặt chẽ về cách khám và cách chữa đối chứng trị liệu lâm sàng vào mỗi lúc mỗi biến đổi bệnh tình khác nhau, họ đã ghi nhận được những giai đoạn biến đổi bệnh lý bằng phương pháp khám bệnh theo tứ chẩn : vọng văn vấn thiết thay cho môn khoa học xét và thử nghiệm của tây y, và đã thống kê được kinh nghiệm 28 loại mạch khác nhau do sự biến đổi của bệnh tình dựa vào 8 yếu tố căn bản như kim chỉ nam của đông y gọi là bát cương như âm-dương, hư-thực, hàn-nhiệt, biểu-lý.
A-Về Khám Bệnh :
Xét bệnh theo Âm-Dương :
Âm bệnh thuộc về huyết bệnh, do tạng nào bệnh, bệnh về cơ sở hay bệnh về chức năng.
Dương bệnh thuộc về khí bệnh, do phủ nào bệnh, bệnh về cơ sở hay bệnh về chức năng.
Xét bệnh theo Hư-Thực :
Hư là hoạt động yếu kém, thiếu hụt về khí hay về huyết, về cơ sở hay về chức năng ở tạng nào, phủ nào, đã tổn thương thực thể hay chưa .
Thực là dư thừa, hoạt động qúa mạnh làm mất sự quân bình của tổng thể làm xáo trộn khí hay huyết, về cơ sở hay về chức năng ở tạng nào phủ nào, đã tổn thương thực thể hay chưa.
Xét bệnh theo Hàn-Nhiệt :
Vì mất quân bình âm dương của tạng phủ do hư hay thực, cơ thể sinh ra phản ứng nóng hay lạnh khác nhau, như hư hàn, hư nhiệt hay thực hàn, thực nhiệt. Đông y phân biệt ra chứng hàn, chứng nhiệt của từng tạng phủ từ đơn giản đến phức tạp.
Xét bệnh theo Biểu-Lý :
Tùy theo đường kinh của tạng phủ bị bệnh, đông y biết được bệnh tình nhẹ thuộc biểu, hoặc bệnh đã tiến sâu vào phủ tạng thành bệnh nặng thuộc lý.
B-Về Định Bệnh :
Qua kinh nghiệm tứ chẩn Vọng, Văn, Vấn, Thiết đều quy về bát cương âm-dương, hư-thực, hàn-nhiệt, biểu-lý , đông y nhận thấy những biến đổi và diễn tiến của bệnh tình từ nặng sang nhẹ là bệnh thuyên giảm hoặc từ nhẹ sang nặng là bệnh tình trở nên nặng hơn, và đã đúc kết được những kinh nghiệm của những loại bệnh luôn luôn có những biến đổi giống nhau gọi là dấu hiệu lâm sàng ,từ đó, đông y lý luận sắp loại thành hơn một ngàn loại bệnh chứng kèm theo dấu hiệu lâm sàng lập thành môn học triệu chứng lâm sàng . Như vậy phần định bệnh phải chỉ rõ nguyên nhân của những dấu hiệu lâm sàng do âm hay dương, do tạng hay phủ, hư hay thực, hàn hay nhiệt, biểu hay lý và gọi chúng là một chứng bệnh.
Bệnh cao áp huyết đối với đông y có hư, có thực, hoặc hư thực lẫn lộn do nhiều nguyên nhân khác nhau như do chức năng gan thận, do tổn thương cơ sở ở tim, ở gan, thận, có thể do can phong, do ứ huyết, do đờm..nhưng phải xếp theo bát cương thành một chứng, và có 4 chứng chính thường gặp gồm có :
1-Dương cang can nhiệt chứng , hay là bệnh cao áp huyết do gan nhiệt :
Dãu hiệu lâm sàng : Đầu váng căng đau, trán nóng, buồn bực, dễ cáu giận, họng khô, ráo, nóng, thích uống nước mát, đại tiện khô, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. Đối chứng trị liệu phải than nhiệt bình can.
2-Âm hư dương can chứng, hay do thận hư gan thực :
Dấu hiệu lâm sàng : Đầu váng căng đau, dễ cáu giận, miệng họng khô, lưỡi đỏ,rêu lưỡi khô, lưng gối nhức mỏi, mạch huyền. Đối chứng trị liệu phải Tư thận bình can.
3-Can thận âm hư chứng, hay là do gan và thận âm hư :
Dấu hiệu lâm sàng: Váng đầu, hoa mắt, hay quên, mất ngủ, sắc lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, lưng gối nhức mỏi ,kinh nguyệt không đều, mạch huyền sác. Đối chứng trị liệu lâm sàng phải Tư Bổ Can Thận.
4-Âm-Dương lưỡng hư chứng, do gan thận âm dương đều hư :
Dấu hiệu lâm sàng giống trường hợp 3 có thêm hiện tượng tiểu đêm nhiều, thỉnh thoảng chân lạnh, mạch xích vô lực. Đối chứng trị liệu lâm sàng phải Tư âm ôn thận.
Ngoài 4 trường hợp trên thuộc loại cao áp huyết mãn tính cần chữa trị lâu dài, còn có một số bệnh cao áp huyết do nguyên nhân thứ phát, ảnh hưởng bởi một chứng bệnh khác như :
5-Trường vị thực nhiệt chứng : để lâu không chữa khỏi sau làm thành bệnh loét bao tử hoặc viêm loét ruột..
6-Tâm, Tâm bào thực nhiệt : sau thành bệnh viêm màng bao tim, bệnh mạch vành, bệnh đau thắt tim ( angine ), nhồi máu cơ tim.
7-Can vị nhiệt : sinh phong đờm hỏa làm hẹp động mạch gây tắc nghẽn tuần hoàn tim mạch.
8-Tỳ thực, Vị suy : ăn nhiều, bao tử không chuyển hóa chất bổ thành khí huyết mà biến thành đờm làm tắc ống mạch ( cholestérol nằm trong trường hợp này ).
9-Viêm mũi : làm co dãn mạch bất thường, chỗ co chỗ dãn.
10-Tâm can hư : làm tim bị thòng, áp huyết cao thường xuyên trên 180/100 mmHg, nếu hạ áp huyết xuống 160/100 mmHg bệnh nhân cảm thấy mệt, vì đối với bệnh cao áp huyết mãn tính, áp huyết có khi tăng cao trên 220/100 mmHg.
11-Thận nhiệt : là một loại bệnh của Tiểu đường, hai gan bàn chân nóng cũng làm áp huyết tăng cao do Glucoza-huyết tăng.
12-Cao áp huyết do phong thấp : khi dùng thuốc, calci- huyết tăng làm suy thận, sạn thận.
B-CÁCH CHỮA :
1-Theo phương pháp Tây y :
Tên thuốc thương mại mang nhiều tên khác nhau,
nhưng các nhóm thuốc để phối hợp trị bệnh cao áp huyết
gồm có :
1-Thuốc lợi tiểu, có 3 loại :
a-Lợi tiểu hạ Kali-huyết
b-Lợi tiểu giữ Kali-huyết
c-Lợi tiểu phối hợp.
2-Thuốc phong bế giao cảm có hai nhóm :
a-Phong bế giao cảm tác dụng trong nơ-ron.
b-Tác dụng lên thụ thể trung ương loại alpha, loại béta.
3-Thuốc giãn mạch.
4-Thuốc chẹn dòng calci.
5-Thuốc ức chế chuyển dạng Angiotensin
Theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới, cách trị bệnh cao áp huyết chia ra 3 giai đoạn :
Giai đoạn một :
Bệnh nhân dưới 45 tuổi, dùng thuốc chẹn béta.
Bệnh nhân trên 45 tuổi, dùng thuốc lợi niệu.
Dùng liều trung bình, nếu cần, tăng liều dần, nếu không có kết quả chuyển sang giai đoạn hai.
Giai đoạn hai :
Phối hợp cả hai vừa thuốc chẹn béta vừa thuốc lợi niệu, liều tăng dần, nếu không có kết qủa chuyển sang giai đoạn ba.
Giai đoạn ba :
Phối hợp thuốc chẹn béta, lợi niệu và một trong các loại thuốc khác như :
Hydralazine ( thuốc giãn mạch ).
Méthyldopa hoặc Clonidine tác dụng lên thụ thể trung ương.
Hoặc Guanéthidine ( tác dụng trong nơ-ron )
Nếu chưa bớt thì dùng 2 trong 3 loại thuốc kể trên.
Khi có chống chỉ định dùng thuốc chẹn béta, đổi công thức như sau :
Giai đoạn một : Lợi niệu.
Giai đoạn hai : Lợi niệu và Alpha Méthyldopa hoặc Clonidine.
Giai đoạn ba : Lợi niệu và Alpha Méthyldopa hoặc Clonidine và thuốc giãn mạch.
Trường hợp áp huyết dao động, không cao lắm không cần dùng thuốc.
Về ăn uống : Cữ rượu, giảm chất béo, hạn chế ăn muối.
Về tinh thần : Tránh stress, thư giãn, bỏ thuốc lá, cà phê, có thể dùng thuốc an thần nhẹ.
Về vận động : Thực hành thư gìãn.
2-Theo phương pháp đông y :
Phương pháp chữa của đông y đa dạng, hoàn toàn khác hẳn Tây y. Có nhiều vị bác sĩ Tây y học qua đông y, hiểu biết tường tận về phương pháp lý luận âm dương ngũ hành đều có chung một nhận xét : Tây y chữa vào organes, đông y chữa vào systèmes.
Một thí dụ đơn giản A đánh nhau với B.
Cách giải quyết của Tây phương nhờ cảnh sát can thiệp, người bị thương đi bệnh viện, người có tộI đi tù. Như vậy chưa giải quyết được nguyên nhân, sau hai người gặp lại nhau sẽ đánh nhau nữa.
Cách giải quyết của Đông phương là can gián sự xung đột, tìm người liên hệ là mẹ hay con của A hoặc B để xử lý theo nguyên tắc con hư bổ mẹ, mẹ thực tả con .
Trường hợp A thực ,có lỗi đã gây chuyện với B. B yếu thế hơn gọi là hư, cần mẹ giúp sức để có cách tự bảo vệ mình làm cho A không dám đánh, hoặc B dọa nếu A đánh nó, nó sẽ đánh con của A làm A sợ không dám gây chuyện nữa, sau này hai người có gặp lại nhau cũng không đánh nhau nữa, đó là cách chữa gốc thuộc bản, can thiệp là chữa ngọn thuộc tiêu .
Nguyên tắc chữa của đông y là Đối chứng trị liệu lâm sàng do đó khi khám bệnh phải tìm được nguyên nhân gốc do chứng nào làm ra, mới có thể dùng phương pháp đối chứng trị liệu lâm sàng được. Đối chứng trị liệu lâm sàng có nhiều cách như hư thì bổ, thực thì tả, nhiệt thì làm mát, làm mất nhiệt, hàn thì làm ấm theo nguyên tắc con hư bổ mẹ, mẹ thực tả con .Tuy nhiên, đông y phải chọn cách nào tối ưu để điều chỉnh lại sự khí hóa âm dương, ngũ hành của tổng thể, lập lại quân bình hòa hợp sự hoạt động của tạng phủ về cả ba phương diện khí hóa là TINH-KHÍ-THẦN, làm cho hòa hợp, cơ thể sẽ khỏe mạnh tự hết bệnh tật.
1-Điều chỉnh yếu tố do TINH :
Là điều chỉnh lại sự ăn uống, thuốc men làm sao cho phù hợp với nhu cầu của cơ thể mà không làm hại cơ thể căn cứ vào chứng.
Thí dụ bệnh thuộc âm, hư, hàn, cần ăn uống và thuốc men có tính chất thuộc âm giúp cho âm bổ mạnh lên, có tính chất làm ấm để trị hàn. Chống chỉ định là không được ăn hoặc uống thuốc làm cho âm hư thêm, hàn thêm.
Thí dụ bệnh âm hư, dương hư, âm thuộc huyết, dương thuộc khí, cần ăn hoặc uống thuốc phải bổ được cả khí cả huyết, nếu cơ thể hàn phải chọn loại bổ có tính tăng nhiệt, nếu cơ thể nhiệt, phải chọn loại bổ có tính làm mát, thanh nhiệt..
Nếu điều chỉnh TINH đúng, cơ thể sẽ hấp thụ và chuyển hóa thức ăn, uống và thuốc men giúp cơ thể lập lại quân bình, khí huyết lưu thông đầy đủ, cơ thể biến chuyển tốt hơn, mạnh hơn, bệnh sẽ thuyên giảm, mau bình phục. Ngược lại, thức ăn uống, thuốc men dù bổ nhưng không hợp đúng với nhu cầu cơ thể cần sẽ làm cho cơ thể tiêu hao năng lượng để đào thải ra ngoài khiến cơ thể suy yếu dần.
Điều chỉnh TINH đúng nhu cầu, sự khí hoá sẽ sinh khí sinh huyết nuôi dưỡng và bảo vệ cơ thể khỏe mạnh phòng chống bệnh hữu hiệu, điều chỉnh sai không đúng nhu cầu sẽ hao mất khí mất huyết khiến cơ thể suy nhược bệnh trở nên trầm trọng.
2-Điều chỉnh yếu tố KHÍ :
Là chú trọng đến sự tuần hoàn của khí và huyết trong cơ thể xem thiếu hay đủ, thông hay tắc, thuận hay nghịch, mạnh hay yếu, nóng hay lạnh.
Sự thiếu hay đủ khí huyết lệ thuộc và sự điều chỉnh ăn uống ( yếu tố tinh ).
Sự thông hay tắc ở ống mạch tuần hoàn hoặc ở đường kinh dẫn khí lưu thông phải nhờ vào châm cứu day bấm huyệt để giải tắc, tán tà.
Sự thuận hay nghịch chiều lưu thông của khí huyết phải nhờ vào thuốc hoặc bằng ngoại dược ( thuốc uống ) hoặc nội dược (thuốc tự cơ thể tiết ra do kích thích huyệt ) để làm cho khí huyết đi thuận đường kinh, hoặc qua chức năng của huyệt có thể tái lập lại chương trình hoạt động của hệ thần kinh trung ương làm cho nó có thể kiểm soát được sự khí hoá của kinh mạch tạng phủ, hòa hợp được sự quân bình của cả tổng thể âm dương ngũ hành về hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết, sinh dục được tốt.
Sự mạnh hay yếu phải nhờ vào sự vận động, thể dục thể thao, bơi lội, dưỡng sinh, tập luyện khí công. Về phương diện phòng bệnh, đông y chú trọng đến khí công dưỡng sinh. Về phương diện chữa bệnh trực tiếp cho từng loại bệnh, đông y chú trọng đến khí công chữa bệnh gồm hai phần tĩnh công và động công, giúp cho tăng khí huyết, lưu thông mạnh hơn, thuận theo chiều kinh mạch, hợp với nhu cầu cơ thể cần, có loại khí công cơ thể không cần sẽ làm cho hư thêm hư, thực thêm thực ,không chữa được bệnh mà khiến bệnh trở nặng thêm, vì khí công chữa bệnh cũng phải thuận với khí của ngũ hành mà cơ thể đang cần mới có thể chữa được bệnh.
3-Điều chỉnh yếu tố THẦN :
Thánh nhân từng nói : ‘’Điềm đạm hư vô, thân nào mà bệnh tật ‘’chứng tỏ yếu tố tinh thần rất cần thiết trong việc chữa bệnh.
Qủa thật đa số bệnh do yếu tố tinh thần như lo âu, buồn rầu, bực tức, bất mãn, vộI vã, căng thẳng, sợ hãi, nóng nẩy giận dữ, chán đời bị ảnh hưởng bởi đời sống, môi trường sinh hoạt cũng làm tổn thương thực thể hoặc làm xáo trộn sự quân bình khí hóa của âm dương ngũ hành tạng phủ.
Như vui qúa hại Tim, áp huyết tim mạch đập bất bình thường, loạn nhịp, hại thần kinh, cổ nhân thường nói vui qúa hóa điên dại vì tinh thần mất tự chủ để kiểm soát hành động cử chỉ qúa trớn của mình.
Lo qúa ăn mất ngon hại Tỳ Vị làm không muốn ăn, hoặc ăn không tiêu hóa, thức ăn chứa lâu trong bao tử không chuyển hóa sẽ lên men làm loét bao tử.
Buồn quá hại Phổi, hay thở ra làm teo phổi, thở ra nhiều mà không hít vào nhiều làm máu thiếu oxy, tuần hoàn huyết chậm lại sẽ suy nhược thần kinh, cơ thể gầy yếu, kém trí nhớ, ưa thở dài gây đau nhói tim ngực, ở phụ nữ thời kỳ cho con bú sẽ mất sữa, nếu không sẽ dẫn đến bệnh ung thư vú.
Sợ qúa hại thận, thực tế sợ qúa toát mồ hôi, vãi đái, xanh mặt, đều hại đến thần kinh và tế bào não..
Giận qúa bầm gan tím ruột hại đến sự hoạt động của gan, khiến các gân co rút, chân tay run rẩy, nếu có bệnh cao áp huyết, các ống mạch thắt hẹp lại máu sẽ dồn lên não làm đứt mạch máu não hoặc sung huyết não sinh tê liệt, bán thân bất toại, hôn mê (coma ).
Muốn điều chỉnh được tinh thần thì cứ để mọi chuyện tự nhiên, không vui qúa, không buồn qúa, không giận qúa, không lo qúa, không sợ qúa. Cần định tâm bằng cách thư giãn hoặc tập tĩnh công để dưỡng thần, tham dự các buổi sinh hoạt tập thể nhẹ nhàng, ca hát, bơi lộI, thể dục nhịp điệu.. Khi mắt thấy tai nghe những điều gì bất ý, tâm dừng lại không phân tích đào sâu vào chi tiết diễn tiến của sự việc để tâm đừng dấy động..
Nguyên tắc chữa bệnh của đông y là sau khi định được bệnh chứng sẽ có phương pháp đối chứng trị liệu tùy theo nguyên nhân, và áp dụng cả ba yếu tố tinh-khí-thần trong việc trị liệu.
4-Áp dụng phương pháp đông y chữa bệnh cao áp huyết
Theo đông y, bệnh cao áp huyết mãn tính có 4 trường hợp thường gặp, cách chữa sẽ tùy theo mỗi trường hợp mỗi khác tùy theo nguyên nhân gây bệnh :
Trường hợp một o dương cang can nhiệt chứng
Đối chứng trị liệu : Dùng phép Thanh nhiệt ,bình can.
Theo đông y, gan chứa huyết, trong huyết có dư calci làm máu nóng tụ ở gan sinh ra gan bị nhiệt, máu dãn nở thể tích làm căng các ống dẫn máu sẽ gây ra bệnh sung huyết não.
a-Điều chỉnh TINH :
Những loại nước uống hay thức ăn phải làm cho mát gan, mát máu, không được ăn uống những thứ làm tăng nhiệt nóng máu hại gan.
Về dược thảo :
Dùng các vị Quyết minh, sinh địa, hạ khô thảo, xa tiền thảo, cúc hoa, hy thiêm thảo. Tỷ lệ phần trăm các loại thuốc phù hợp với nhu cầu cơ thể do tỷ lệ phần trăm của bát cương âm dương, hư thực, hàn nhiệt, biểu lý ở mỗi người mỗi khác, do thầy thuốc đông y khám và định phân lượng, phải vừa đúng, đủ, thích hợp để tạo ra năng lượng khí hóa, nếu thiếu sẽ không đủ sức khí hóa, nếu dư làm cơ thể hao tốn thêm năng lượng để đào thải ra ngoài cơ thể, nếu không đào thải, chất dư thừa tích lũy lại tạo thành biến chứng một bệnh khác.
b-Điều chỉnh KHÍ :
Bằng nội dược ( dùng huyệt ) :
Can huyết nhiệt thịnh phải tả con của can mộc ở kinh Tâm Bào hỏa là huyệt Đại Lăng bên trái để hạ hỏa, bấm Thái Xung ở kinh can trái để chỉnh lại can khí. Đó là hai huyệt chính thuộc quân thần trong một thế trận, thầy châm cứu phải thêm các huyệt khác phò tá, hổ trợ, dẫn đạo cho đầy đủ liều lượng quân, thần, tá, sứ để thành bài thuốc.
Bằng khí công chữa bệnh :
Động công :Tập các động tác hạ hỏa, tăng thủy,( thế tấn ngũ hành bổ phế, bổ thận ) và động tác điều hòa âm dương.
Áp dụng động công bằng bài thể dục khí công, hạc tấn mở mắt.
c-Điều chỉnh THẦN :
Tập tĩnh công, nằm ngửa hai tay úp trên bụng dưới nơi đan điền tinh ( huyệt khí hải, quan nguyên ), cuốn lưỡi, ngậm miệng nối Nhâm Đốc điều hòa âm dương, để kích thích nước miếng trào ra cổ họng không bị khô, tránh tẩu hỏa nhập ma, thở bình thường, nhắm mắt tập trung ý vào bụng dưới xem mạch đập hoặc khí ở bụng dưới đập vào lòng bàn tay càng nghe rõ càng có kết qủa tăng thủy để khắc chế hỏa giúp cho cơ thể tăng cường khí huyết lưu thông giúp thân nhiệt trở nên mát, tiêu hóa tốt, ăn ngủ ngon, hạ áp huyết.
Trường hợp hai : do chứng âm hư dương can :
Đối chứng trị liệu : Dùng phép Tư thận, bình can.
Theo đông y, âm hư là gan tổn thương, con hư phải bổ mẹ là bổ thận. Dương can là gan khí thực, do can âm hư thì can dương vượt lên làm lệch quân bình, phải bình can là điều hòa lại sự khí hóa của gan trở lại quân bình cho âm dương bằng nhau, dương khí của gan sẽ đi xuống trở về gan sẽ làm giảm áp lực của các ống mạch máu.
a-Điều chỉnh TINH :
Những loại nước uống và thức ăn làm cho thận chuyển hóa chất bổ nuôi con là gan âm mà không làm cho can khí dương tăng lên trên đầu.
Về dược thảo :
Có huyền sâm, bạch truật, hoài ngưu tất ( cho khí xuống chân), câu đằng, chích quy bản, thiên đông, con hào sống.. liều lượng do thầy thuốc định theo tỷ lệ bát cương cho đúng và đủ thành thế trận quân thần tá sứ.
b-Điều chỉnh KHÍ :
Bằng nội dược : (dùng huyệt ) :
Bổ thận âm bằng huyệt Phục Lưu làm tăng thận âm, bổ Thái Khê để thông kinh thận và chuyển hóa nuôi gan. Bình can bằng huyệt Thái Xung giúp gan khí đi xuống về gan. Bổ Can Du thông khí hoạt động của gan.Huyệt Phục Lưu làm quân, Thái Khê làm thần,Thái Xung làm tá, thêm huyệt làm sứ thành thế trận.
Bằng khí công chữa bệnh :
Động công :Tập các động tác làm mạnh Phế thận ( bài vỗ tay 4 nhịp ). Phế khí chủ đi xuống, can khí thuộc mộc vượng đi nghịch lên bị phế kim mạnh sẽ khắc mộc đẩy can khí về gan. Phế khí kim mạnh giúp thận thủy chuyển hóa, lọc máu, giúp gan lọc và thải độc trong gan.
Tĩnh công : Như bài trên, giúp bổ âm, tăng thủy, hạ hỏa.
c-Điều chỉnh THẦN :
Tập tĩnh công : Nằm nghỉ, để hai bàn tay úp vào nơi rốn, tai nghe mạch đập dưới lòng bàn tay, hơi thở bình thường, nhắm mắt, cuốn lưỡi lên vòm họng trên, nghe có cảm giác dưới hai bàn tay nóng ấm, khí tụ tại Đan điền tinh làm mạnh thận, tăng cường hệ thống miễm nhiễm, áp lực huyết dồn về bụng, giúp bổ âm tăng thủy, hạ hỏa , hạ áp huyết.
Trường hợp ba : chứng can thận âm hư :
Đối chứng trị liệu : Dùng phép :Tư can bổ thận.
Theo lý thuyết đông y ‘’âm hư hỏa vượng’’ hoặc ‘’âm hư sinh nội nhiệt‘’, người lạnh mà hai bàn tay đỏ, hâm hấp nóng, gọi là hư hỏa, phải bổ can âm và thận âm để cho can khí và thận khí không thoát ra theo đường mồ hôi làm mất âm huyết thêm.
a-Điều chỉnh TINH :
Những loại nước uống và thức ăn phải ấm nóng, không được lạnh, không làm thoát dương theo đường mồ hôi, và không được kích thích cho đi tiểu nhiều mới bảo tồn được âm dương.
Về dược thảo:
Có Kỷ cúc, địa hoàng, huyền sâm, bạch truật, hoài ngư tất, đơn bì, câu đằng, tùy theo bát cương định tỷ lệ liều lượng của quân thần tá sứ.
b-Điều chỉnh KHÍ :
Bằng nội dược (dùng huyệt ) :
Bổ thận âm bằng huyệt Phục Lưu, Thái Khê , hai huyệt này làm quân. Bổ can âm bằng huyệt Khúc Tuyền, bổ âm, tồn âm huyết bằng huyệt Khí Hải, Quan Nguyên, ba huyệt này làm thần. Dùng huyệt Tam âm Giao làm tá. Cho thuốc chạy vào gan thận thì dùng Can du và Thận du làm sứ.
Bằng khí công chữa bệnh :
Động công : Tập thế đứng tấn ngũ hành chuyển khí vào thận.
c-Điều chỉnh THẦN :
Tĩnh công : Như bài tập trên, nằm ngửa hai bàn tay đặt úp lên bụng dưới, cuốn lưỡi ngậm miệng, thở bình thường, theo dõi hơi thở phồng-xẹp nơi bụng dưới, để chuyển âm khí tụ về Khí Hải, Quan Nguyên, để bổ dưỡng huyết, mát máu, ăn ngủ được.
Trường hợp bốn : Chứng âm dương lưỡng hư :
Đối chứng trị liệu : Dùng phép Tư âm ôn thận.
Theo đông y, âm dương lưỡng hư là cả khí và huyết đều thiếu ở gan và thận. Gan trữ máu, thận lọc máu đều không hoạt động tốt, cần phải phục hồi chức năng của gan thận và bổ cả khí và huyết. Bệnh cao áp huyết trong trường hợp này có tổn thương thực thể ở gan hoặc thận, không đủ khí huyết tuần hoàn làm tim phải co bóp mạnh, làm thất trái qủa tim bị dầy khiến cơ tim bị căng, để lâu không chữa sẽ suy tim.
a-Điều chỉnh TINH :
Nước uống, thức ăn phải nóng ấm, nhẹ, dễ tiêu, có dược tính làm mạnh gan thận.
Về dược thảo:
Có Đỗ trọng, sinh địa, thục địa, huyền sâm, tang ký dinh, hoài ngưu tất, ích trí nhân. Tùy theo bát cương định tỷ lệ quân thần tá sứ.
Nếu do đờm tắc làm tức ngực, khó thở, buồn nôn thêm Pháp bán hạ, toàn qua lâu.
b-Điều chỉnh KHÍ :
Bằng nội dược ( dùng huyệt ) :
Hơ bổ huyệt Chiên Trung làm quân để tăng cường tông khí giúp vinh vệ khí hoạt động tốt. Dùng huyệt Trung Quản tăng tính hấp thụ và chuyển hóa thức ăn giúp sinh khí huyết, dùng huyệt Khí Hải làm mạnh thận âm, hơ bổ huyệt Quan Nguyên làm mạnh chức năng thu rút chất bổ của thức ăn biến thành máu bổ sung nuôi dưỡng gan, tỳ, thận, ba huyệt này làm thần. Dùng huyệt Thiên Xu làm mạnh hệ tiêu hóa, bài tiết độc tố theo đại tiện ra ngoài cơ thể, và bổ Thận du giúp thận nạp được âm khí, hai huyệt này làm tá. Tất cả hiệu lực của thuốc âm khí âm huyết phải được chuyển hóa thành dương khí làm mạnh hệ miễn nhiễm, sinh tinh hóa tủy nuôi não, nuôi tế bào, thần kinh và thải độc, cần phải dùng huyệt Mệnh Môn làm sứ để dẫn thuốc vào Mệnh môn, giúp thận âm hóa khí, đồng thời Mệnh Môn tự điều chỉnh lượng nước, acide, muối, và đường trong máu, giúp cho sự chuyển hóa của gan, tỳ, vị, thận hoạt động đều mạnh.
Bằng khí công chữa bệnh :
Động công : Bài tập Cào đầu, giúp hệ thần kinh tỉnh táo, hầu có thể kiểm soát được mọi chức năng hoạt động của cơ thể và làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Bài tập Vỗ tay bốn nhịp, để tăng cường tông khí, thêm oxy cho phế khí, tăng hồng cầu, mạnh tiêu hóa, tăng sức hấp thụ, mạnh cột sống, mạnh gan thận, tăng cường hệ miễn nhiễm.
Bài tập Điều hòa âm dương, để thăng thanh giáng trọc, khí huyết được lưu thông từ đầu xuống chân, chỉnh lại hai bán cầu não.
c-Điều chỉnh THẦN :
Tập tĩnh công : Nằm quán hơi thở ở hai bàn tay úp nơi đan điền thần ( trên xương ức nơi giao điểm của hai xương sườn nơi ngực, mỏm đầu xương mũi kiếm ). Tâm không nghĩ những chuyện bên ngoài thân, chỉ chú ý tập trung lắng nghe hơi thở tự nhiên và nhịp mạch đập ở dưới hai bàn tay. Bài tập này giúp tăng dương khí chuyển hóa của lục phủ ngũ tạng giúp cơ thể ấm, tăng tính tiêu hóa và hấp thụ nhanh.
5-Điều chỉnh cách ăn uống :
Người bị bệnh cao áp huyết có thể thường xuyên ăn rau cần, mộc nhĩ, hải đới, đậu xanh có vỏ, dưa chua, sơn tra.
Rau cần :
Vắt lấy nước uống làm giảm áp huyết và làn hạ cholestérol, có thể nấu canh rau cần với thịt heo nạc không cần cho muối.
Mộc nhĩ :
Bổ thận âm, chữa gan thận âm suy, thường nấu canh với nấm hương, thịt heo nạc, chữa bệnh gan thận âm hư suy, và bệnh xơ cứng động mạch.
Hải đới :
Nấu nước uống hoặc nấu canh làm hạ nhiệt, hạ áp huyết và hạ mỡ trong máu.
Đậu xanh có vỏ :
Giúp thanh nhiệt, tả hỏa, chữa bệnh gan nhiệt, chữa chứng can nhiệt, can dương thượng kháng, giải độc, trị táo bón.
Dưa chua , sơn tra :
Ăn dưa chua hoặc nấu canh dưa chua, canh sơn tra thường xuyên làm giảm nguy cơ xơ cứng động mạch, tan mỡ trong máu, hạ cholestérol.
Ngoài ra, nếu can thận âm hư sinh đờm nhiều, khí trệ khó thở, nên ăn canh củ cải, uống sữa hạnh nhân, ăn qủa dâu, làm tan đờm thông khí.
Khi có đờm, không được ăn cam, chuối, bơ sữa bò, nước cốt dừa, nước đá lạnh, nước cốt trái cam, hoặc nhiều chất bột làm bánh để nguội lạnh, vì âm hư hàn gặp thêm chất hàn sẽ không chuyển hóa dưỡng trấp thành huyết mà biến thành đờm .(đờm là tên gọi chung của đông y bao gồm cholestérol và các loại dầu mỡ chậm tan, chậm chuyển hóa ở nhiệt độ thấp của cơ thể ).
Bệnh cao áp huyết cơ thể hay bị nóng, nhiệt, táo bón, dấu hiệu lâm sàng mặt đỏ trán nóng, hai bàn tay bàn chân nóng, khó thở, suyễn nhiệt, cấm kỵ không được ăn những chất làm tăng nhiệt, áp huyết sẽ đột nhiên tăng, căng các ống mạch làm đứt mạch máu não mặc dù có đang dùng thuốc giãn mạch. Các loại ăn uống tăng nhiệt nhanh như nhãn, xoài, chôm chôm, vải, sầu riêng, mít, khô mực, bún bò huế, canh chua cay thái lan, thịt dê hầm, nước cà rốt làm bón..
C-NHẬN XÉT HAI CÁCH CHỮA :
1-Theo cách chữa của Tây y :
Cách Khám bệnh, xét nghiệm, tìm và định bệnh của cả hai phương pháp tuy khác nhau nhưng rất chính xác, công phu, nhưng khác nhau ở cách chữa.
Cách chữa của tây y tùy theo sự tiến bộ của khoa học được chia thành bốn thời kỳ :
1-Thời kỳ chưa có máy đo áp huyết :
Khi chưa có máy đo áp huyết, tây y chưa định danh được bệnh cao áp huyết, đều chữa theo triệu chứng do bệnh nhân khai bệnh :
-Nếu nhức đầu, cho uống thuốc nhức đầu.
-Nếu táo bón, chữa táo bón.
-Nếu mất ngủ, chữa mất ngủ.
-Nếu mệt mỏi, cho thuốc bổ.
-Nếu chảy máu cam, chữa chảy máu cam ( Vitamine K )
Thời kỳ này tây y dùng thuốc rất đơn giản, bệnh nhân có thể bớt được vài chứng bệnh như hết bón, hết nhức đầu, ngủ được, ăn được. Bệnh nhân tin ở bác sĩ, không phải lo lắng gì, vì những triệu chứng riêng rẽ như thế không phải là bệnh nan y.
Nếu có bệnh nhân thường xuyên tái đi tái lại, bác sĩ cảm thấy các loại thuốc bào chế sẵn không mấy hiệu nghiệm, phải viết toa bào chế riêng , công thức do bác sĩ sáng tạo cho phù hợp với chứng bệnh, bệnh nhân cầm toa ra viện bào chế ở các nhà thuốc tây lớn chờ họ bào chế xong đem về dùng, uống một thời gian ngắn một tuần các chứng giảm dần, bác sĩ điều chỉnh lại toa thuốc khác, chừng vài lần thay đổi toa bệnh nhân thấy hết hẳn một thời gian lâu không tái phát, tinh thần bệnh nhân sung sướng, không phải lo lắng hoặc bị ám ảnh mình đang bị một chứng bệnh nan y mà ngày nay phải uống thuốc suốt đời cho đến khi lìa đời mới chấm dứt cả mạng cả thuốc.
Việc khám bệnh, định bệnh cho toa thuốc trị bệnh cao áp huyết thời đó hoàn toàn do tài năng của bác sĩ. Cách suy tư, tài lý luận biện chứng để cho ra một phương thuốc riêng cho một bệnh nhân có thể nói là một sự sáng tạo đúng, chính xác, đơn giản, hiệu nghiệm.
2-Thời kỳ máy đo áp huyết ra đời và sự phát triển của ngành dược:
Mọi bệnh nhân khi có 5 chứng bệnh khai ở trên, đều được đo thử áp huyết để bác sĩ rút tỉa kinh nghiệm, có chứng lúc đo áp huyết thấy tăng cao, có chứng khi đo áp huyết không cao, nhưng phương pháp chữa vẫn cổ điển, dùng thuốc theo toa bào chế riêng cho từng người có thể nói đa số có kết qủa.
Thời kỳ kinh tế thế giới phát triển, thuốc thành phẩm được chế hàng loạt, giá rẻ, tiện lợi nhanh chóng không phải bào chế riêng vừa chờ đợi bào chế, vừa đắt tiền, có khi không đủ nguyên liệu ở một nhà thuốc, kinh tế thị trường nghiêng về lợi nhuận, bán chạy ít kẹt vốn, cho nên nhà thuốc nghiêng về nhập cảng và bán những thuốc thành phẩm bào chế sẵn, các bác sĩ dù có giỏi lý luận và kinh nghiệm chữa bệnh bằng cách cho toa thuốc riêng từng người thì ở nhà thuốc không có nguyên liệu bào chế nữa, đành phải sử dụng những thuốc thành phẩm có sẵn ở thị trường, hiệu nghiệm của thuốc kém đi nhiều.
Khi bệnh nhân được đo áp huyết bác sĩ thấy áp huyết cao, thuốc thành phẩm không đáp ứng nhu cầu, mới nẩy sinh ra nhu cầu cần phải phát minh tìm tòi chế ra thuốc trị bệnh cao áp huyết. Đầu tiên, theo nhận xét chung của tây y, áp huyết tăng là do co mạch, dễ bị biến chứng đứt mạch máu nên ngành dược chế ra thuốc làm giãn mạch.
Các bác sĩ đo áp huyết bệnh nhân thấy cao, nên điều trị các chứng nhức đầu, táo bón, phối hợp thêm thuốc giãn mạch, kết qủa cũng khả quan, liều lượng gia giảm tùy theo kinh nghiệm riêng của bác sĩ.
Một thời gian sau ngàng y lại khám phá ra nguyên nhân bí tiểu cũng có thể làm căng mạch máu, ngành dược lại chế ra thuốc thành phẩm lợi tiểu cũng góp phần làm hạ áp huyết.
3-Thời kỳ máy thử cholestérol ra đời:
Giới y học nhận xét đa số bệnh nhân cao áp huyết, nếu là người mập do ăn nhiều, dư thừa chất béo, ngành xét nghiệm đã thử chất béo trong máu gọi là cholestérol, nên ngành khoa học kỹ thuật tìm cách phát minh ra máy đo cholestérol và ngành dược phát minh ra thuốc hạ mỡ trong máu, cũng nằm trong danh sách thuốc trị bệnh cao áp huyết.
4-Thời kỳ phát triển khoa tâm lý thần kinh :
Người ta để ý rằng các bệnh nhân cao áp huyết đã dùng thuốc được ổn định, nhưng khi giận dữ, làm việc căng thẳng đầu óc, bực bội khó chịu, thì tự nhiên áp huyết tăng vọt lên làm đứt mạch máu não gây tê liệt, làm té ngã bị hôn mê bất tỉnh (coma ),bị tử vong. Từ đó rút ra được kết luận do biến đổi tâm lý làm biến đổi thần kinh khiến gân mạch co rút áp huyết tăng nhanh đột ngột, nên ngành dược lại phát minh ra thuốc phong bế giao cảm, loại tác dụng lên thụ thể trung ương làm ức chế dao động thần kinh làm cho người như ngây như dại, ít cảm giác, ít xúc động hồi hộp, xem chừng như có vẻ hiệu nghiệm, tên thuốc thị trường lúc đó thịnh hành thuốc Clonidine như là một loại thần dược, sau này người ta khám phá ra sự tai hại của Clonidine. Khi có bệnh cao áp huyết dùng clonidine áp huyết hạ, nhưng người như đờ đẫn ngây dại không năng động, đó là phản ứng phụ của thuốc, cho nên tây y không muốn lạm dụng clonidine, cho bệnh nhân nghỉ dùng clonidine để thần kinh tỉnh táo lại thì gặp trở ngại áp huyết lên đột ngột làm chết người, ngành y dược khuyến cáo không được bỏ hẳn mà phải uống liều giảm dần cầm chừng cho đến suốt đời.
5-Những biến chứng của thuốc trị cao áp huyết :
Chiều hướng dùng thuốc chẹn dòng giao cảm, ngoài Clonidine ức chế thần kinh qúa mạnh, khi giảm và ngưng nó có thể gây nguy hiểm đến tánh mạng, ngành dược cố gắng phát minh ra các loại thuốc mới thay thế. Tuy nhiên ức chế giao cảm làm hệ thần kinh đối giao cảm, thần kinh phản xạ, thần kinh chức năng, thần kinh hưng phấn, thần kinh trung ương chỉ huy sự hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết, sinh dục.. mất khả năng khí hóa, dần dần suy nhược làm suy tim, suy hô hấp, suy thận, suy gan, suy tỳ.. sinh ra biến chứng của bệnh cao áp huyết , có 11 trường hợp chính được ghi nhận như sau :
1-Biến chứng suy tim do thuốc giãn mạch :
Dùng thường xuyên thuốc giãn mạch làm ống mạch giãn mỏng và dai, thể tích ống mạch to ra, lượng huyết chứa trong ống sẽ tụt xuống tạo sự giảm áp huyết giả tạo, cho nên biên độ giao động của áp huyết khi áp huyết tăng cao có thể lên 240/100 mmHg vẫn không nguy hiểm, khi áp huyết tụt xuống chỉ đến mức 150/100 mmHg là mạch còn an toàn không nguy hiển tánh mạng, nhưng khi ống mạch màng bao tim giãn sẽ làm cho qủa tim bị thòng xuống khiến nhịp tim đập rất chậm, mạnh, không đều, chỉ nghe được nhịp đập ở đáy tim đưa đến tình trạng suy tim. Khi áp huyết bệnh nhân xuống dưới 140/100 mmHg bệnh nhân cảm thấy rất mệt khó thở.
2-Biến chứng suy hô hấp do thuốc giãn mạch và thuốc chẹn dòng giao cảm :
Thuốc chẹn giao cảm làm giảm bớt chức năng hưng phấn thần kinh, có ảnh hưởng đến hô hấp và tuần hoàn, cho nên suy hô hấp là tình trạng thiếu khí trong phổi, thiếu oxy trong máu, giảm oxy-huyết làm các đầu ngón tay xanh tím không cảm giác, ý thức u ám, đờ đẫn, ngủ gà. Bệnh sẽ trở nặng thêm nếu dùng thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc lợi tiểu gây kiềm, hoặc áp dùng liệu pháp oxy không phải lúc cần thiết đúng bệnh, hoặc áp suất không khí thay đổi như đi nghỉ hè thay đổi không khí ở vùng cao độ.
Thuốc giãn mạch liều cao có thể làm khó thở thêm, xét điện tâm đồ có dấu hiệu suy thất phải, nếu có dấu hiệu ho ban đêm là dấu hiệu xẩy ra sớm của suy thất trái.
3-Biến chứng suy thận do hạ áp huyết và thuốc lợi tiểu :
Thuốc hạ áp là một trong nhiều nguyên nhân khác nhau làm suy thận chức năng, làm tăng uré-huyết gắn liền với mất cân bằng nước-điện giải, và mất cân bằng trong tuần hoàn làm giảm kali-huyết và mất nước.
Ngược lại, lạm dụng thuốc lợi tiểu làm mất thêm nước, có dấu hiệu nhăn da, đau thắt lưng, vọp bẻ, đau bụng, giảm glucoza-huyết, giảm natri-huyết, có thể tăng kali-huyết gây nên biến chứng suy thượng thận cấp.
4-Chứng suy thận mãn tính :
Lạm dụng thuốc hạ áp huyết lâu dài để ổn định áp huyết sẽ có dấu hiệu thiếu máu, áp huyết thấp, buồn nôn, vọp bẻ, khi xét nghiện máu thấy uré-huyết tăng, nhiễm acide chuyển hóa, créatinine-huyết tăng, acide uric-huyết tăng đó là dấu hiệu của chứng suy thận mãn.
Còn có một nguyên nhân suy thận mãn do thói quen uống nhiều nước quá gọi là ‘’ngộ độc nước’’, không phải trong nước có độc, mà do lượng nước nhiều làm hại chức năng lọc của thận khiến thận bị suy yếu dần.
5-Biến chứng lách to do thuốc phong bế giao cảm :
Do lạm dụng thuốc phong bế giao cảm loại tác dụng lên thụ thể trung ương Alpha-Méthyl-dopa ( như Aldomet ) cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm lách sưng to, cũng là dấu hiệu thiếu máu do tan máu, đôi khi có hội chứng tan máu uré-huyết với suy thận.
Ở người lớn, lách có thể sờ nắn được là lách bị bệnh, thấy có một khối ở hạ sườn trái, có thể nhìn thấy khối u thượng thận trái ở lưng không di động theo nhịp thở, lách to làm hạ góc kết tràng trái xuống thấp làm đùa bao tử sang phía phải, đấu hiệu lâm sàng trong chứng bệnh này là vàng da, nước tiểu đỏ hoặc đen (hémoglobine niệu ) và phân mầu sậm do thuốc L-dopa .
6-Biến chứng đau lưng nhức mỏi, phong thấp khớp :
Những người bị bệnh cao áp huyết khi dùng thuốc lâu dài, áp huyết được ổn định, khi ngưng thuốc đột ngột, áp huyết tăng trở lại như cũ nên phải dùng thuốc suốt đời, cho nên tình trạng áp huyết giảm sẽ làm cho khí huyết không đủ áp lực thúc đẩy tuần hoàn đi đến các khớp, các khe kẽ của khớp xương, đốt sống lưng, đốt ngón tay, khớp khuỷu tay, khớp vai, khớp đầu gối, khớp mắt cá cổ chân, cổ tay, huyết không đến nuôi dưỡng, bệnh nhân cảm thấy đau nhức, tê, bệnh kéo dài khiến gân, sụn, đầu xương khô , bị thoái hóa biến dạng như gai cột sống, vẹo khớp ngón tay chân, nổi khối u như lồi xương giữa hai khớp, đầu gối cứng khô, mòn, đau bên trong khó cử động.
Nếu chú trọng đến việc chữa bệnh cao áp huyết sẽ làm giảm áp lực tuần hoàn khí huyết sinh bệnh thoái hóa xương khớp sinh đau nhức phong thấp khớp gia tăng.
Nếu chữa bệnh phong thấp đau nhức khớp làm tăng áp lực tuần hoàn khí huyết để hết đau nhức thì áp huyết lại tăng cao, có triệu chứng sung huyết não, mất ngủ, nhức đầu, mệt tim. Khi nổi giận dễ bị đứt mạch máu não.
Vì theo tây y, bệnh xương bị đau nhức không chữa sau dễ bị xốp xương hoặc ung thư xương, nên bác sĩ chuyên khoa xương cho bệnh nhân dùng calcium để bổ xương, phụ nữ dùng thêm hormone. Nhưng khi thử máu lại có dư calci-huyết làm tăng áp huyết, bác sĩ chuyên trị áp huyết lại cho dùng thuốc chặn dòng calci để làm giảm calci-huyết để cho áp huyết hạ thì bệnh đau nhức xương khớp tái phát. Đó là cách chữa mâu thuẫn của chuyên khoa, không kết hợp với nhau, vả lại hiện nay tây y dược chưa có một loại thuốc thích hợp dung hòa để chữa chung cho cả hai bệnh cùng một lúc đựợc hoàn chỉnh, còn nếu chữa riêng rẽ thì vẫn có mâu thuẫn, chữa được bệnh này lại hại bệnh kia.
Một đề nghị cho bệnh nhân bị cả hai bệnh mâu thuẫn trên thì chỉ nên dùng một loại thuốc trị bệnh cao áp, còn bệnh đau nhức xương khớp không nên dùng thuốc uống hay chích, mà nên dùng thuốc xoa bóp bên ngoài, tắm nước nóng ấm với bột gừng, châm cứu, tập vận động chân tay, co duỗi chân tay, thể dục nhịp điệu arobic, đi bộ đi xe đạp tại chỗ, bơi lội nhẹ với nước nóng ấm, hoặc tập khí công, và tập đều mỗi ngày giúp khí huyết lưu thông đều vào đến khe kẽ khớp xương sẽ hết đau nhức.
7-Bệnh tiểu đường do thuốc lợi tiểu :
Bệnh tiểu đường, ở Việt nam gọi là bệnh của người giầu, nói chung là bệnh ăn uống dư thừa về dinh dưỡng, người béo mập, ăn nhiều mà ít chịu vận động tay chân để chuyển hóa năng lượng, ngoài ra còn do nguyên nhân di truyền, do nguyên nhân bị thương tích sọ và tủy sống, biến chứng của bệnh quai bị, thương hàn, lao, thai nghén, xáo trộn tuyến nội tiết, lạm dụng thuốc kháng viêm corticoĩds, ACTH và đặc biết là lạm dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị bệnh cao áp huyết.
Bệnh tiểu đường và bệnh cao áp huyết cũng là một mâu thuẫn trong cách điều trị do thuốc. Dấu hiệu tiểu đường là khát nhiều do tăng năng tuyến giáp, tăng calci-huyết làm áp huyết tăng cao, mà thuốc lợi tiểu cũng làm tăng calci-huyết, tăng chlor-huyết và giảm kali-huyết làm xáo trộn tiêu hóa, xáo trộn nội tiết, xáo trộn chức năng thận, chức năng lá lách và tụy tạng mới sinh ra bệnh tiểu đường.
8-Biến chứng gỉảm áp huyết ở thế đứng do thuốc và do ăn uống :
Tất cả các loại thuốc giảm áp huyết và loại thuốc an thần kinh mạnh như Largactil,Aminazine.. thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận trường, L-dopa, sẽ làm giảm áp huyết ở thế đứng, có dấu hiệu khởi phát như đái dầm, liệt dương, mất ý thức, mạch không đập nhanh, cuối cùng có dấu hiệu run tay chân Parkinson, liệt mắt.
Giảm áp huyết ở thế đứng làm giảm chlor-huyết dưới 90 mmol/l do chế độ ăn uống như uống nước nhiều gọi là hội chứng ngộ độc nước, làm tăng ngấm nước ngoài tế bào khiến giảm natri-huyết gây phù nề, hoặc do chế độ ăn cữ muối lâu dài, hoặc do thuốc lợi tiểu loại thiazide hoặc do bệnh thần kinh đái tháo đường.
Hợp chất của muối ăn là ClNa, do chế độ ăn nhạt trong điều trị bệnh cao áp huyết làm chlor-huyết giảm, natri-huyết giảm dẫn đến hậu qủa giảm thẩm thấu huyết tương, làm tăng ngấm nước tế bào sẽ có rối loạn ở não và thận sinh chán không muốn ăn, ói mửa, kiệt sức, lú lẫn tâm thần, viêm bể thận, co giật chân tay như bệnh Parkinson. Khi cơ thể mất qúa nhiều muối sẽ vã mồ hôi, thử natri-huyết lúc đó dưới 135 mmol/l, nhất là ở người lớn tuổi dùng thuốc lợi tiểu không được theo dõi cẩn thận làm suy thượng thận, xơ gan, suy tuyến giáp vì phải tăng tiết hormone chống lợi tiểu.
9-Biến chứng hạ áp huyết ở thế đứng và thuốc hạ đường-huyết làm hại mắt:
Bệnh mắt do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thuốc trị bệnh cao áp huyết và thuốc hạ đường huyết, máu không đủ lên nuôi não làm nhức nửa đầu ( migraine) kéo dài một thời gian làm mù bán manh ( mờ một bên ), hoặc mắt mờ như thấy sương mù trước mắt.
Hai loại thuốc trị cao áp huyết và trị bệnh tiểu đường dùng chung không hợp lý xảy ra tai biến nhẹ gây rối loạn dẫn truyền máu ở tim, khiến tình trạng mắt nhìn thấy sương mù lúc có lúc không, lúc nhìn rõ, lúc thấy mờ mờ, bệnh mắt kéo dài sẽ có dấu hiệu xuất huyết thủy tinh thể, viêm dây thần kinh thị giác, tăng áp lực sọ não ( nhức đầu ),phù não ( não có nước ), bệnh viêm thận nặng, đục thủy tinh thể.
10-Phù gai thị do thuốc giãn mạch :
Phù gai thị có nhiều nguyên nhân, nhưng thuốc giãn mạch là một nguyên nhân, khám đáy mắt để chẩn đoán bệnh tăng áp lực sọ não, khi thuốc giãn mạch làm tăng áp lực sọ não sẽ làm giảm thị lực, mù bán manh, ý thức u ám, tâm thần chậm, có nguy cơ tiến triển làm giảm đồng tử một bên, liệt dây thần kinh số 3, cơn ngủ thoáng qua ( narcolepsie ) sau đó là hôn mê ( coma ),tuột tiểu não làm vẹo cổ, rung giật nhãn cầu.
11-Tai biến mạch máu não do dùng thuốc không hợp lý :
Biến chứng cuối cùng của bệnh cao áp huyết là tai biến mạch máu não do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân dùng thuốc trong điều trị không hợp lý làm rối loạn thần kinh não, tăng giảm áp lực sọ não bất thường bởi các chất Cl, Na, Kali, Calci, Glucoza, Uric tăng giản trong máu, trong nước tiểu. Làm mạch máu khi căng khi giãn, bất ngờ làm đau nhức đầu kịch liệt kéo dài 24 giờ, không kịp tìm nguyên nhân qua xét nghiệm để biết chính xác do hóa chất nào trong cơ thể làm biến đổi sự căng mạch thái qúa, mà chỉ tạm thời cho dùng thuốc an thần giảm đau cũng không thể nào ngăn chặn kịp thời tai biến mạch máu não.
Các thể bệnh thường gặp trong tai biến mạch máu não như :
a-Xuất huyết não.
b-Khối máu tụ trong não
c-Nhũn não
a-Xuất huyết não :
Dấu hiệu lâm sàng :
Nhức nửa đầu nhất là về đêm, kèm theo chóng mặt ù tai, đó là bên sẽ bị xuất huyết, có thể chảy máu cam, xuất huyết võng mạc. Bệnh tiến triển nhanh qua hai giai đoạn :
Giai đoạn mới phát :
Đột ngột té ngã hôn mê, hoặc bắt đầu bằng nhức đầu dữ dội, ý thức giảm dần, ngủ mê 1-2 giờ sau không chữa kịp sẽ tiến triển sang giai đoạn hai .
Giai đoạn nặng gồm ba hội chứng :
Hôn mê sâu : Rối loạn chức năng tiếp ngoại và chức năng thực vật ( coma ), mặt tái nhợt, thở như ngáy, rối loạn nước và các chất điện giải, rối loạn cơ vòng, toàn thân bất động, mất phản xạ giác mạc và đồng tử.
Liệt nửa người : Bên liệt giảm trương lực cơ, liệt mặt thể trung ương. Liệt tay chân cùng một bên.
Rối loạn chức năng thực vật : Làm tăng tiết phế quản gây ứ nghẹt, khó thở, loạn nhịp thở, nhịp tim, tăng nhiệt, tăng áp huyết cao, mặt xanh hoặc đỏ, rối loạn dinh dưỡng, phù nề, đổ mồ hôi bên liệt, đa số 2/3 trường hợp tử vong trong vòng 10 ngày. Nếu qua khỏi, vẫn còn nguy cơ biến chứng nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu, dinh dưỡng, nước và điện giải.
b-Khối máu tụ trong não :
Khi xuất huyết não, máu chảy ra không xâm nhập vào nhu mô não mà ứ đọng tại chỗ tạo thành một khối u do mạch qúa căng hoặc dị dạng mạch. Ở người trẻ còn khỏe mạnh, có triệu chứng liệt nửa người hoặc hôn mê ngắt quãng lúc tỉnh lúc mê, để lâu không chữa đúng và kịp lúc bệnh nặng hơn làm tăng áp lực sọ não, cần phẫu thuật thần kinh kịp thời tránh được tai biến mạch máu não.
c-Nhũn não :
Khi mô thần kinh thiếu máu nuôi dưỡng do các mạch máu bị tắc nghẽn, co thắt hay hẹp, tùy theo vị trí tắc nghẽn sẽ có những dấu hiệu lâm sàng để phân biệt như sau :
Rối loạn lời nói : Do thiếu máu nơi bán cầu não.
Rối loạn cảm giác : Do khu vực cảm giác thần kinh hư.
Hôn mê liệt nửa người : Do tắc mạch máu não, nhũn não xẩy đến từ từ, nếu không chữa kịp thời.
Qua giai đoạn cấp tính trong thời gian 10 ngày thoát khỏi tử thần, bệnh hồi phục dần, còn lại di chứng liệt cứng hoặc liệt mềm tay chân vô lực.
6-Nhận xét cách chữa của Tây y :
a-Ở thời kỳ chưa có máy đo áp huyết :
Cách chữa còn đơn giản, bệnh thuyên giảm từng phần, thuốc không gây rối loạn chức năng thần kinh nên không xẩy ra biến chứng .
b-Ở thời kỳ máy đo áp huyết ra đời :
Chưa thống nhất cách chữa, phương pháp chữa còn tùy thuôc vào tài năng và kinh nghiệm riêng của bác sĩ, vừa chữa gốc vừa dự phòng, vừa phải cho toa bào chế thuốc cho từng trường hợp, nên cách chữa an toàn không gây biến chứng hại chức năng thần kinh tạng phủ và não bộ.
c-Ở thời kỳ định bệnh bằng xét nghiệm :
Tây y đã phân biệt được bệnh cao áp huyết và những biến chứng do thuốc ở nhiều dạng khác nhau, nhưng có trường hợp tìm ra nguyên nhân bệnh qua xét nghiệm nhưng thị trường không có thuốc đặc trị nên cần phải có sự can thiệp của phẫu thuật, ngoài ra, sự phân quyền giữa bác sĩ tổng quát và bác sĩ chuyên khoa, nên biến chứng của bệnh cao áp huyết không được giải quyết kịp thời và đồng bộ, đôi khi cách chữa và cách cho dùng thuốc mâu thuẫn tương phản làm rối loạn chức năng thần kinh thêm trầm trọng, biến chứng do thuốc không biết trách nhiệm về ai. Mặt khác, nếu áp dụng công thức trị bệnh cao áp huyết theo hướng dẫn của y tế thế giới sẽ bị gò bó, không dám sáng tạo một cách chữa toàn diện theo như kết qủa xét nghiệm, vì thẩm quyền chuyên khoa của mình bị giới hạn. Vì thế một bệnh nhân có một bệnh cao áp huyết mà phải cần đến nhiều bác sĩ chuyên khoa khiến cho thuốc của mỗi người khác nhau làm cho phản ứng thuốc gây rối loạn trầm trọng thêm.
-Đứng trên lập trường của bác sĩ gia đình :
Mình cảm thấy bó tay khi không chữa được bệnh cao áp huyết, hình như chưa có loại thuốc nào hiệu nghiệm, an toàn, mặc dù xét nghiệm đã tìm được nguyên nhân, hoặc có những loại thuốc đặc trị lại không thuộc thẩm quyền cho toa sẽ dẫm chân lên lãnh vực chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa.
-Đứng trên lập trường của bác sĩ chuyên khoa :
Mình chỉ chữa những biến chứng thuộc lãnh vực chuyên môn và cho những thuốc thuộc lãnh vực thuộc thẩm quyền chuyên môn của mình, việc theo dõi chữa trị bệnh cao áp huyết thuộc trách nhiệm của bác sĩ gia đình. Cho nên bệnh cao áp huyết có nhiều biến chứng khác nhau phải qua nhiều bác sĩ chuyên môn khác nhau , thuốc chữa cũng khác nhau gây ra phản ứng thuốc kỵ nhau của nhiều loại thuốc chuyên trị, nào là thuốc trị cao áp huyết, nào là thuốc trị tim mạch, nào là thuốc trị Parkinson, nào là thuốc phong thấp đau nhức, nào là thuốc bổ xương , nào là thuốc thần kinh, thuốc trầm cảm trị stress, nào là thuốc trị depresse, nào là thuốc ngủ, an thần, nào là thuốc trị tiểu đêm, nào là thuốc táo bón, thuốc cholestérol, thuốc trị tiểu đường... hàng chục loại thuốc vào cơ thể một lúc gây nguy hiểm do phản ứng hóa dược tạo ra lại ngoài trách nhiệm của bác sĩ gia đình.
-Đứng trên lập trường của bệnh nhân :
Họ cảm thấy bệnh cao áp huyết là bệnh nan y khó trị, họ hoàn toàn tin vào lời dặn và cách chữa của bác sĩ gia đình suốt một thời gian dài khi thuốc chưa tạo ra biến chứng, nhưng phản ứng thuốc về lâu dài tạo ra biến chứng, sau khi xét nghiệm mới biết mình có nhiều bệnh nan y phải uống thêm nhiều loại thuốc khác của bác sĩ chuyên môn, chính nó là nguyên nhân do nhiều thuốc làm rối loạn chức năng thần kinh gây nguy hiểm hơn, nhưng không còn cách lựa chọn nào khác, đành phải nghe theo lời của nhiều thầy thuốc một lúc để tự mình hại mình một cách âm thầm cho đến khi chết mới không phải uống thuốc, đem theo nỗi oan mà không ai phải gánh trách nhiệm.
2-Theo cách chữa của đông y :
Đông y cổ đại chia làm 13 khoa gồm Nội khoa, Nhi khoa, Tạp y khoa ( tổng quát ), Phong khoa, Sản khoa, Nhãn khoa, Yết hầu khoa, Nha khoa, Chỉnh cốt khoa, Chấn thương khoa, Án ma khoa, Châm cứu khoa, Chúc do khoa. Nhĩ khoa nằm trong nội khoa, bao gồm các bệnh chuyên môn của lục phủ ngũ tạng mà không chia ra chuyên khoa tim mạch, khoa thần kinh, khoa gan ruột, thận, phổi. . như tây y.
Riêng khoa châm cứu chuyên chữa và điều chỉnh mọi chức năng thần kinh bằng châm cứu trên huyệt đạo kinh mạch. Nội khoa và Nhi khoa tên gọi thời Trung quốc cổ đại là Đại phương khoa và Tiểu phương khoa, đều chuyên sử dụng dược thảo một cách thấu đáo tường tận. Mỗi loại thuốc lấy từ cây cỏ phải biết đầy đủ các yếu tố tính-khí-vị để chữa trị như vị thuốc mặn, ngọt, chua, cay, đắng để dẫn tính thuốc và khí thuốc vào tạng phủ nào, dẫn vào mạnh gọi là vị hậu , dẫn vào yếu chậm, từ từ gọi là vị bạc.. Tính thuốc theo bát pháp như ôn, bổ, tả, tiết, hãn, xuất, liễm, thông hay hòa.. Còn khí thuốc làm cho tăng hay giảm hàn hay nhiệt, thăng lên hay giáng xuống, liễm vào hay xuất ra,làm cho thổ mửa ra hay làm cho hạ khiến đi cầu, hay có tính giảm đau an thần, loại thuốc bổ hay tả khí hay huyết..
Nếu chữa bằng huyệt đạo châm cứu, căn bản có 365 huyệt, khi huyệt được kích thích cũng có đầy đủ yếu tố tính , khí và vị hậu hay bạc như thuốc cây cỏ, còn vị giác để dẫn tính khí của thuốc vào tạng phủ như mặn vào thận, ngọt vào tỳ, chua vào gan, cay vào phế, đắng vào tim thì không có như thuốc cây cỏ, mà phải dùng huyệt trên đường kinh theo quy tắc riêng ‘’ con hư bổ mẹ, mẹ thực tả con ‘’.Cho nên dùng thuốc bên ngoài đưa vào cơ thể khi cơ thể gầy ốm, thiếu khí huyết không thể kích thích bằng huyệt, người ta gọi là phương pháp dùng ngoại dược, trong trường hợp cơ thể có da thịt, mập mạp khi bị bệnh, có thể không cần ngoại dược, chỉ cần kích thích huyệt tạo ra chất thuốc tương đương như ngoại dược mà không sợ có phản ứng phụ, người ta gọi là phương pháp dùng nội dược .
Do đó, bệnh cao áp huyết hoặc các biến chứng của bệnh cao áp huyết hay bất kỳ một bệnh nào khác cũng chỉ có một thầy thuốc nội khoa hoặc châm cứu có thể chỉnh lại mọi rối loạn bất thường của sự khí hóa của tổng thể ngũ hành tạng phủ để lập lại quân bình và tái tạo lại hệ thần kinh giúp cho tinh-khí-thần hòa hợp thì mọi bệnh tật sẽ tự động hết.
Sử dụng ngoại dược ( các vị thuốc cây cỏ ) và sử dụng nội dược (các huyệt ), nếu phù hợp với nhu cầu cơ thể qua phương pháp Tứ chẩn, định ra được mạch bệnh trong 28 bộ mạch, và lý luận tìm nguyên nhân gốc là bệnh có thể chữa hết. Bệnh tật của mọi thời đại giống nhau, nên đông y không có bệnh danh cao áp huyết, đông y chỉ coi như là một chứng bệnh, như phong thấp là dấu hiệu của một chứng, tiểu đường là dấu hiệu của một chứng, nhức đầu là dấu hiệu của một chứng... đối với tây y là một bệnh danh. Chứng của đông y phải nói lên được tính chất bệnh của tạng phủ hay khí huyết như : can hàn, thận nhiệt, can hư hàn, thận thực nhiệt, can thực thận hư...
1-Điểm tương đồng :
Đông và tây y đều phải xét nghiệm để định bệnh trước khi chữa, một bên xét nghiệm bằng tứ chẩn, một bên xét nghiệm bằng máy móc dụng cụ.
2-Điểm dị biệt :
Đông y chữa bệnh ở gốc tạng phủ theo chức năng và theo hệ thống khí hóa của ngũ hành chung của lục phủ ngũ tạng và chữa vào chứng bệnh thuộc hệ thống khí hóa. Còn tây y chữa trực tiếp vào cơ sở bị tổn thương thực thể bằng mổ xẻ như ống dẫn máu tắc nghẹt, van tim, tắc mạch máu não, hoặc chữa bằng thuốc bào chế sẵn theo bệnh danh như đường trong máu, mỡ trong máu, nhức đầu, căng mạch làm giãn mạch không chữa vào nguyên nhân gốc như đông y.
Đông y cũng có bệnh danh như bệnh cao áp huyết đơn thuần, bệnh cao áp huyết tiểu đường, bệnh cao áp huyết phong thấp, bệnh cao áp huyết phong đàm, hàn đàm, nhiệt đàm, bệnh cao áp huyết suy hô hấp, cao áp huyết suy thận, cao áp huyết suy tim, cao áp huyết xơ gan, cao áp huyết thai sản, cao áp huyết tâm lý thần kinh.. ..Tất cả các loại cao áp huyết ấy đều phải tìm nguyên nhân quy về chứng do tạng phủ nào làm ra. Biết được chứng bệnh ở tạng phủ nào thì mới có cách chữa là đối chứng trị liệu .
Bệnh cao áp huyết theo đông y định bệnh gồm các chứng như là Dương cang can nhiệt chứng, âm hư dương can chứng, can thận âm hư chứng, âm dương lưỡng hư chứng, can khí uất kết chứng, can uất tỳ hư chứng, can phong nộI động chứng, can khí nghịch chứng, can hỏa thượng viêm chứng, can dương thượng kháng chứng.. mỗi chứng và mỗi bệnh danh do chứng nào làm ra bệnh đều có trong danh mục bệnh của y học đông phương cổ đại, có chỉ dẫn những dấu hiệu lâm sàng khác nhau và phương dược căn bản để chữa khác nhau bằng nội ngoại dược. Nếu thầy thuốc không muốn áp dụng theo toa căn bản đã tích lũy kinh nghiệm nhiều đời vì hai lý do, một là chưa hiểu cách phối hợp kỳ diệu của cổ nhân tại sao phải phối hợp như vậy, hai là khi dùng toa căn bản để biết vị thuốc nào trong toa là chính dùng làm quân, thần, còn tá, sứ có thể phải thay đổi gia giảm cho phù hợp với điều kiện sức khỏe của bệnh nhân, cho nên khi đối chứng trị liệu lâm sàng giỏi thì phải thay đổi thành phần thuốc luôn luôn cho hợp từng giai đoạn tiến triển của bệnh, sau mỗi lần tái khám bằng tứ chẩn để gia giảm phương dược cho đến khi khỏi bệnh.
Hiện nay bên Trung Quốc cũng như Việt Nam, một thầy thuốc được đào tạo ra phải am tường cả đông lẫn tây y, và ngoài thuốc bắc phải dùng thang mỗi khi bắt mạch, đông y phải bào chế sẵn thuốc thành phẩm theo dạng tây y theo tiêu chuẩn của tây dược để bác sĩ có thể sau khi khám xét một căn bệnh và viết toa cho thuốc được cả hai loại đông tây dược.
Thay phần kết luận :
Nếu chỉ với mục đích phục vụ sức khỏe cho con người một cách ưu việt vẹn toàn, cả hai ngành đông tây y được liên kết trong chương trình đào tạo thầy thuốc tương lai trong tinh thần cởI mở, hòa hợp trong cách khám, chữa và dùng thuốc được chọn lựa tối ưu sẽ giảm thiểu được các phản ứng phụ cho bệnh nhân lại đỡ tốn kém khi xét nghiệm về cả thời gian, tiền bạc, và kết qủa chữa bệnh lại nhanh chóng, sức khỏe mau bình phục, đó là một may mắm cho bệnh nhân hơn là một phương pháp riêng lẻ đối chọi nhau như hiện nay làm cho bệnh nhân phải chịu nhiều thiệt thòi oan uổng trong những ca bệnh nan y .
PHẦN BA : TẬP KHÍ CÔNG CHỮA BỆNH CAO ÁP HUYẾT :
1-KHÍ CÔNG LÀ GÌ ?
KHÍ là hơi thở, CÔNG là một sự chuyển hóa, do tập luyện thường xuyên, do tập trung ý theo dõi hơi thở và động tác, giúp cho sự khí hoá của tạng phủ hoạt động quân bình, đều đặn. Muốn sự chuyển hóa tốt phải nhờ vào KHÍ, và phải biết cách tạo khí. Theo khí công thì khí có 5 loại khác nhau trong cơ thể :
a-Tông khí :
Là khí tăng cường của phổi, có được tông khí cần phải thở sâu, lâu, cho oxy chiếm tối đa dung tích của phổi, như các lực sĩ, võ sĩ, vì có tông khí mới tạo ra khí lực.
b-Nguyên khí :
Là khí lực bẩm sinh do cha mẹ truyền cho, là khả năng hoạt động của thận mạnh hay yếu. Chúng ta cũng có cách tập luyện để tăng cường bổ sung khí cho nguyên khí. Nguyên khí còn gọi là Chân khí, chân khí bẩm sinh là khí tiên thiên, chân khí hậu thiên do ăn uống để bồi bổ sức khỏe, là khí dư thừa, đã dự trữ tích lũy trong cơ thể lấy được từ khí huyết tạo ra tinh, tủy, não, thay cũ đổi mới tế bào, tăng cường tuổi thọ.
c-Ngũ tạng khí :
Là khí lực tự nhiên của lục phủ ngũ tạng như tâm khí, tỳ khí, phế khí, thận khí, can khí. Ngũ tạng khí tạo ra thần trong bộ ba tinh-khí-thần của đông y.
Bộ ba tinh-khí-thần này hòa hợp theo tự nhiên, bẩm sinh, nó hòa hợp được mạnh và bền chặt hơn do tập luyện, nó sẽ lập ra một chương trình hoạt động trong cơ thể chúng ta như sự hấp thụ, phân tích, tổng hợp, chọn lọc, phân phối, điều hành, để nuôi dưỡng phát triển và tăng cường bảo vệ cơ thể.
d-Vinh khí và vệ khí :
Chất liệu để tăng cường cho bộ ba tinh-khí-thần là tập luyện, và do khí từ ăn uống có được gọi là cốc khí ( khí của ngũ cốc ) để nó cho ra hai loại khí quan trọng khác là khí dinh dưỡng ( vinh khí ), và khí bảo vệ ( vệ khí bao gồm hệ miễn nhiễm, hồng cầu, bạch cầu và hệ nội tiết ).
Con người khỏe mạnh hay bệnh tật đều do tinh-khí-thần. Nếu sự hoạt động của tinh-khí-thần yếu kém,thí dụ chỉ hấp thụ được 10% khi ăn một tô súp có năng lượng 2000 calories, thì chỉ thu nhận được 200 calories, trong khi đó lại phải mất đi một số lượng calories để loại bỏ số dư thừa ra khỏi cơ thể không được hấp thụ, nếu không số dư thừa không chuyển hóa sẽ làm cho cơ thể bị bệnh, ngược lại một nông dân ăn cơm cà muối, hay dưa muối, mỗi bát cơm chỉ có 200 calories, nhưng sức hấp thụ nhiều và chuyển hóa nhanh, ăn 3 bát cơm còn thấy đói, ăn 6 bát mới đủ no, nếu hấp thụ được 70% thì cơ thể dung nạp được 840 calories, còn hơn một tô súp mà không thu nạp được bao nhiêu.
Chúng ta đừng tưởng ăn vào một chất đại bổ như sâm, nhung, linh chi hay các thức ăn uống khác như người ta thường nói, nó không nở bề dài chắc cũng nở bề ngang, thực ra rất tai hại. Thí dụ như đang bị sốt, sức hấp thụ 0% ăn vào sẽ ói ra ngay. Sự hấp thụ còn tùy thuộc vào nhu cầu của cơ thể theo quy luật khí hóa ngũ hành của tạng phủ. Thí dụ cơ thể cần mặn để sinh hàn, tăng thủy để khắc chế hỏa, mà lại ăn món cay để tăng hỏa, vệ khí sẽ bảo vệ cơ thể, nó tạo ra phản ứng ói mửa ra ngay.
Khi tập luyện khí công, bộ ba tinh-khí-thần sẽ bền chặt và mạnh hơn, vinh vệ khí mạnh hơn làm cho tăng tính hấp thụ. Nếu chỉ uống thuốc mà không tập luyện khí công, bộ ba tinh-khí-thần càng suy yếu, sức hấp thụ càng giảm, đó là lý do tại sao ăn uống bổ và thuốc men đầy đủ mà vẫn suy nhược không khỏi bệnh.
Vì vậy, cách chữa bằng khí công luôn luôn phối hợp cả ba tinh-khí-thần, âm dương ngũ hành, cùng một lúc để điều chỉnh sự khí hóa của tinh-khí-thần lúc nào cũng được quân bình hòa hợp.
2-TẠI SAO BỊ BỆNH CAO ÁP HUYẾT THEO KHÍ CÔNG?
Chúng ta hãy quan sát một nhiệt kế thủy ngân ở ba mức độ khác nhau :
Mức trung bình, nhiệt kế chỉ 37,5 độ C, tỷ trọng là 1.
Mức thấp, khi thời tiết lạnh hơn, trọng lượng thủy ngân không thay đổi, nhưng thể tích thủy ngân co lại do lạnh, làm tỷ trọng tăng, lớn hơn 1.
Mức cao, khi thời tiết nóng hơn, trọng lượng thủy ngân không thay đổi, nhưng thể tích giãn nở do thời tiết nóng, làm tỷ trọng giảm, nhẹ hơn 1, nếu thời tiết nóng qúa, thủy ngân giãn nở vượt qúa thể tích chứa của ống thủy tinh sẽ làm cho ống thủy tinh vỡ.
Áp huyết của con người cũng như thế, số lượng máu trong con người cũng giống như số lượng thủy ngân, ống mạch máu giống như ống chứa thủy tinh, 37,5 độ C là thân nhiệt trung bình của một người.
Đối với con người, nếu thân nhiệt cao hơn nhiệt độ trung bình, đông y gọi là nhiệt, thấp hơn gọi là hàn. Nếu cặp đo nhiệt độ ở nách, ở miệng, ở hậu môn, mỗi nơi chỉ mỗi khác. Riêng nhiệt độ nơi bao tử lý tưởng trung bình hoạt động tốt, nhiệt độ luôn luôn 41 độ C, là nhiệt độ thích hợp làm mau rục thức ăn hóa thành chất bổ nuôi cơ thể, ở nhiệt độ này đông y gọi là thấp khí.
Đối với cây cỏ. thấp khí cần thiết để chuyển hoá hạt thành mầm, cây muốn tăng trưởng cần thêm yếu tố ánh nắng ( nhiệt khí ), có nước ( hàn khí ), có gió ( phong khí, có khí khô ráo ( táo khí). Mỗi loại khí có nhiệt độ khác nhau tạo ra công năng chuyển hóa khác nhau tùy theo giai đoạn như sinh, trưởng, hóa, thâu, tàng. Giai đoạn hạt nẩy mầm là sinh, mọc thành cây là trưởng, kết nụ ra hoa là hóa, thành trái là thâu, trái khô rụng xuống đất giữ lại hạt là tàng cho chu kỳ sinh nối tiếp. Những biến chuyển đó đông y gọi là khí hóa. Trước khi tìm hiểu nguyên nhân tại sao áp huyết tăng cao, chúng ta nên biết qua sự khí hóa là gì ? Sự khí hóa dựa vào hai yếu tố chính là thủy và HỎA.
A-Sự khí hóa của thủy- hỏa đối với thời tiết :
Theo tỷ lệ tác động giữa mặt trời ( hỏa), và nước biển ( thủy), ở 5 mức độ khác nhau tạo ra 5 loại khí khác nhau trong 24 giờ.
Phong khí :
Buổi sáng ánh nắng mặt trời chiếu xuống mặt nước biển yếu, nước biển bốc hơi nhẹ sinh gió mát tạo ra phong khí.
Hỏa khí :
Buổi trưa nhiệt độ tăng sức nóng, nước biển bốc hơi mạnh làm nước cạn dần gọi là thủy triều xuống, đem theo khí nóng tạo ra hỏa khí.
Thấp khí :
Buổi chiều, nóng của mặt trời tuy bớt nhưng nóng của nước biển bốc lên không đủ sức vượt lên cao để thành mây mà cứ luẩn quẩn sát mặt đất sinh oi bức, ẩm thấp gọi là thấp khí .
Táo khí :
Buổi tối, đất còn nóng và nước biển cạn bớt, đất khô rút lại, không khí không còn ảnh hưởng của hỏa-thủy nhiều sinh khô ráo gọi là táo khí.
Hàn khí :
Ban đêm, hoàn toàn không có hỏa khí, nước hết nóng trở thành lạnh, cộng với số nước do mây tụ lại thành mưa trả nước về cho biển gọi là thủy triều lên, thủy khí nhiều nhất tạo ra khí lạnh gọi là hàn khí.
B-Sự khí hóa của thủy-hỏa đối với mùa :
Quả đất quay chung quanh mặt trời ở 5 vị trí khác nhau tạo ra 5 mùa hợp với 5 loại khí :
Phong khí thuộc mùa Xuân mát mẻ , thời tiết như buổi sáng .
Hỏa khí thuộc mùa Hạ nóng bức , thời tiết như buổi trưa.
Thấp khí thuộc mùa Trường hạ nóng ẩm thấp, thời tiết như buổi sau trưa đến chiều.
Táo khí thuộc mùa Thu khô ráo co rút, thời tiết như buổi chiều tối.
Hàn khí thuộc mùa Đông lạnh lẽo, thời tiết như ban đêm.
Dựa vào hiện tượng này Đông y rút ra kết luận :
Xuân sinh phong thuộc mộc .( Muà Xuân cây cỏ mọc )
Hạ sinh nhiệt thuộc hỏa.
Trường hạ sinh thấp thuộc thổ.
Thu sinh táo thuộc kim ( đất co rút nhiều chất, lâu năm thành quặng mỏ ).
Đông sinh hàn thuộc thủy.
C-Sự khí hóa của thủy-hỏa trong con người:
Trong con người, hỏa khí nhờ ở qủa tim, thủy khí nhờ ở thận. Khí của tâm thận giao nhau nhờ ở thức ăn uống thuộc TINH tạo ra năng lượng và nhiệt lượng , Khí giúp tâm-thận hoạt động được phải nhờ vào hơi thở thuộc KHÍ, hơi thở lệ thuộc vào thời tiết khí hậu bên ngoài và sự biến động tình cảm, tinh thần bên trong thuộc THẦN. Bộ ba tinh-khí-thần hoạt động đều đặn hòa hợp thì con người không bệnh tật, khi mất quân bình , mất hòa hợp sẽ tạo ra nhiều bệnh.
Nếu TINH do thức ăn từ ngoài vào cơ thể hợp với nhu cầu Tinh-khí-thần bên trong cơ thể đang cần, nó sẽ tạo ra sự chuyển hóa biến thành khí huyết nuôi da thịt, xương cốt, răng, gân, móng tóc, óc, tủy.., nếu không phù hợp nó tạo ra phản ứng chống đối để đào thải ra ngoài mặc dù những thức ăn uống ấy phân chất theo tây y là giầu chất bổ dinh dưỡng.
Nếu KHÍ bên trong cơ thể là khí của hơi thở và khí chuyển hóa của tạng phủ không thuận với khí bên ngoài là khí hậu, thời tiết cũng sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sự khí hóa của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể để chuyển tinh hóa khí, chuyển khí hóa thần.
Nếu THẦN trong cơ thể không được nuôi dưỡng bằng TINH, không được tăng cường bằng KHÍ đến từ hơi thở, từ sự chuyển hóa của tinh ra năng lượng, và không khí bên ngoài, thì thần cũng suy nhược, hoạt động điều tiết nội dược ( hormones ) bất bình thường sinh ra bệnh.
Chức năng hoạt động của thần là Ý, là cảm giác, giao cảm, phản xạ, hưng phấn, ức chế, vận động, đìều tiết hormones tạo ra các phản ứng hóa học cần thiết cho cơ thể bằng cách tự động vô ý thức, chủ động có ý thức và bán tự động do kích thích.
Thí dụ khi có thai, người mẹ sợ chất tanh, phản ứng tự nhiên của cơ thể sinh uạ mửa ( phản ứng không có ý thức xen vào ). Khi cơ thể kém tiêu hóa, bác sĩ khám thấy thiếu men tiêu hóa trong bao tử, cho uống men tiêu hóa active levure chẳng hạn để tạo ra phản ứng chủ động có ý thức xen vào làm cho bao tử tiêu hóa tốt. Còn bán tự động do kích thích huyệt nội dược làm hưng phấn chức năng tiêu hóa thì phản ứng thần kinh cũng tiết ra hormone làm tăng men tiêu hóa cho bao tử mà không cần dùng men tiêu hóa bên ngoài đem vào cơ thể.
Những phản ứng hóa học tự động vô ý thức, chủ động có ý thức và bán tự động do kích thích lại phần lớn lệ thuộc vào bên ngoài cơ thể là môi trường tình cảm, trình độ văn hóa, văn minh khoa học, nghệ thuật, phong tục, tập quán, thói quen.. ở mỗi người mỗi khác. Thí dụ như dân xứ nghèo lạc hậu, phong tục còn ăn bốc ở dơ, họ không sợ bệnh, do hệ miễn nhiễm ( là THẦN ) đã quen và tạo ra vệ khí mạnh, ngược lại chúng ta chỉ nhìn thấy cũng thấy ghê sợ và bị bệnh, nếu bị ép ăn như họ sẽ sinh bệnh nặng do ảnh hưởng của thần tác động xấu, ức chế thần kinh do sợ hãi.
Thần cũng có ngũ hành lệ thuộc vào những biến động tâm lý tình cảm : vui ( hỏa), lo ( thổ), buồn ( kim), sợ ( thủy), giận ( mộc ).
Bộ ba tinh-khí-thần bẩm sinh ( tiên thiên ) và do học hỏi (hậu thiên ) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo phản ứng hóa học trong cơ thể gọi là sự khí hóa. Theo tây y, thức ăn chuyển hóa thành nhiệt lượng calories, thành protide, glucide, lipide, và vitamines, chất khoáng.. Nhưng chuyển hóa được bao nhiêu, ít hay nhiều, thu nhận hay đào thải, theo đông y chúng đều lệ thuộc vào bộ ba tinh-khí-thần, vì mặc dù thức ăn giầu chất bổ, nhưng ăn không vui, ăn trong tủi nhục, giận hờn, chỉ nhét vào miệng cho đỡ đói, chẳng khác nào như bỏ đất vào miệng, sự khí hóa sẽ không chuyển hóa để thu nhận tối đa được, nếu ép ăn sẽ bị ói mửa sinh bệnh. Ngược lại các nhà nông quanh năm ăn cơm dưa muối, phân chất thành phần dinh dưỡng chẳng có gì mà họ vẫn khỏe mạnh hơn chúng ta, vì họ ăn với tinh thần vui vẻ như thi sĩ Tản Đà viết :’’ Cơm dưa muối khó khăn mới có. Của không ngon nhà khó cũng ngon. Khi vui câu chuyện thêm dòn. Chồng chồng, vợ vợ, con con, một đàn ‘’. Chúng ta phân chất thành phần dinh dưỡng trong cỏ khô cũng chẳng có gì, chỉ như rác, nhưng con bò ăn với tinh thần vô tư vui vẻ, thế mà cơ thể nó đã tạo ra sữa, máu, thịt. là những chất bổ dưỡng nuôi được con người.
Cho nên con người khỏe mạnh hay bệnh tật đều do bộ ba tinh-khí-thần điều khiển sự khí hóa tốt hay xấu. Nếu giúp cho sự khí hóa tốt bằng ăn uống hoặc dùng ngoại dược thì phải biết cái mà cơ thể đang cần để hưng phấn hay ức chế thần kinh tạo ra phản ứng hóa học cần thiết, nếu không cơ thể tạo ra phản ứng xấu làm cho bệnh trầm trọng thêm.
Vì thế bệnh cao áp huyết xét theo quy luật khí hóa giữa thủy với hỏa trong cơ thể thì hai yếu tố này quá chênh lệch, không quân bình hòa hợp. Có thể hỏa nhiều hơn thủy do TINH ăn uống những chất cung cấp nhiều nhiệt khí, ít hàn khí, do KHÍ hoạt động của tâm khí mạnh hơn thận khí, do THẦN biến động bởi tâm thần, tình cảm thiên về lo nghĩ, sợ hãi, giận hờn, bực tức. Nếu lo lắng thì ăn không tiêu hóa, sợ hãi thì thận khí không hoạt động, giận hờn bực tức thì mộc sinh hỏa khiến tâm tánh nóng nẩy. Khi hai yếu tố thủy-hỏa do sự khí hóa của tạng thận và tạng tâm bất bình thường thì khó có thể tìm ra nguyên nhân nào để điều chỉnh lại thức ăn thuốc uống cho phù hợp với nhu cầu mà cơ thể đang cần.
Nhưng điều chỉnh sự khí hóa thủy-hỏa bằng phương pháp khí công sẽ dễ dàng và có hiệu qủa. Vì Tinh-Khí-Thần trong cơ thể muốn khí hóa được tốt phải nhờ vào hơi thở tạo ra tông khí để tăng cường sự hoạt động của tinh-khí-thần, ngoài ra khí chuyển hóa thức ăn thuốc uống của lục phủ ngũ tạng có thể điều chỉnh được bằng huyệt để kích thích thần kinh bán tự động, để thần kinh tự điều chỉnh khí hóa lập lại quân bình của thủy-hỏa làm cho áp huyết được ổn định tự động.
3-CÁCH KHÁM BỆNH BẰNG KHÍ CÔNG :
Để tìm hiểu sự kỳ diệu của khí công tác động lên huyệt làm cân bằng sự khí hóa trong cơ thể như thế nào, chúng tôi xin cống hiến cho qúi vị cách tự khám và tự chữa bệnh cholestérol và bệnh cao áp huyết cho chính mình và cho người khác theo phương pháp sau :
Có những vị đang điều trị bệnh cao áp huyết theo tây y thì biết chắc là mình có bệnh cao áp huyết, tuy nhiên cách thử xem mình có bệnh cao áp huyết hay không cũng dễ dàng ai cũng có thể thử được, không cần phải có máy đo áp huyết.
Thử cholestérol trên ngón tay giữa (thứ ba ):
Để ngửa bàn tay trái tự nhiên, trên lòng bàn tay phải, dùng ngón tay cái của bàn tay phải gấp ngón tay giữa của bàn tay trái cho vuông góc ở đốt ngón ngoài .
Nếu mềm nhũn, bẻ vào không đau hoặc bẻ vào vuông góc cũng không đau là không có cholestérol. Nếu bẻ chưa vuông góc đã đau nhiều, không thể bẻ vào cho vuông góc được là có cholestérol ở động mạch, màng bao tim và trong máu.
Thử cao áp huyết trên ngón tay áp út (thứ tư ) :
Bẻ gập đầu ngón tay thứ tư bàn tay trái, chưa vào vuông góc đã bị đau là có bệnh cao áp huyết. Tùy theo đau nhiều là áp huyết cao nhiều, đau ít là áp huyết cao ít. Khi áp huyết đang phát triển thì trán nóng, mặt đỏ, đầu mũi đỏ, thở hổn hển, ưa cáu giận, la hét, bực bội, bàn tay nóng, có thể hơi ẩm mồ hôi. Có người mặt đỏ, trán đỏ, nhưng sờ vào trán mát là không có bệnh áp huyết.
Đau ngón tay thứ tư bên trái là số đo áp huyết đã cao hơn 140mmHg. Nếu đang dùng thuốc trị cao áp huyết, khi bấm vào có độ cứng mà không đau chứng tỏ rằng áp huyết còn, được ổn định do thuốc dãn ống mạch, thực sự áp huyết chưa xuống, chỉ cần một cơn giận dữ áp huyết sẽ lên đột ngột, khi té ngã sẽ đứt mạch thành liệt cứng ,chi co quắp.
Trường hợp đang điều trị bằng thuốc mà bấm ngón tay không đau, mềm nhũn, hãy coi chừng phải đi đo mạch lại, vì áp huyết đã tụt xuống thấp mà không hay, sắc mặt trở thành tái xanh, chóng mặt thiếu máu não, khi bị té ngã sẽ đứt mạch thành liệt, chi mềm nhũn.
Bẻ gập đầu ngón tay vào vuông góc có độ cứng mà không đau, là không có bệnh cao áp huyết.
Bẻ gập ngón tay vào mềm nhũn vô lực là áp huyết thấp, thiếu máu hay bị chóng mặt .
Thử xong hai ngón tay của bàn tay trái xong, tiếp tục thử hai ngón tay 3,4 của bàn tay phải.
Ngón ba của bàn tay phải bị đau chỉ cho biết có cholestérol bên ống tĩnh mạch và màng bao tim.
Ngón tư của bàn tay phải bị đau chỉ cho biết số đo áp huyết số sau trên 90 mmHg.
2-CÁCH ĐIỀU CHỈNH TINH-KHÍ-THẦN CHỮA BỆNH CAO ÁP HUYẾT :
A-Điều chỉnh TINH :
Là cách điều chỉnh thức ăn uống cái nào hợp giúp mau khỏi bệnh, cái nào hại làm cho bệnh không khỏi, càng ngày càng nặng thêm.
Hãy để ý đến các món ăn làm tăng áp huyết cần phải tránh không được dùng như cà rốt, cam thảo, khô mực, gan gà, thịt nướng, các loại mắm ruốc, mắm nêm, trái cây nhãn, xoài, ổi, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, quít, coca, cà phê, thuốc lá, cao hổ cốt, mật động vật, calcium, thuốc trị phong thấp, thuốc trị Parkinson là chất làm tăng áp huyết và tăng nhiệt, nước cốt dừa, đậu phộng, bơ đậu phộng, tôm, cam, sữa đặc, da gà, crème và các loại có nhiều chất béo là chất làm tăng cholestérol, sâm và các loại thuốc bổ khí và huyết sẽ làm xáo trộn áp huyết, khi cao qúa khi thấp qúa, hại cơ tim và mạch đập nhanh, tránh ăn no, ăn nhiều, bao tử bị căng ép dội lên buồng tim làm co thắt tức ngực ( angine )làm mệt tim, khó thở ....
B-Điều chỉnh KHÍ :
Điều chỉnh khí bằng huyệt :
Có hai phương pháp dùng huyệt : Phương pháp thứ nhất là day bấm huyệt tác động trên kinh mạch vật chất định hình để điều chỉnh sự khí hóa kinh mạch tái lập quân bình sự khí hóa của tổng thể ngũ hành, phương pháp thứ hai là vuốt huyệt truyền khí trên kinh mạch vật chất vô định hình, dễ làm và hữu hiệu hơn, qúy vị có thể tìm hiểu thêm ở bài Khả năng chữa bệnh kỳ diệu của huyệt.
Cả hai phương pháp đều là điều chỉnh sự khí hóa trên hệ nội dược ( système endocrine ) qua hệ thống kinh mạch huyệt đạo bằng các công thức phối hợp huyệt khác nhau, bỏ qua phần lý luận chuyên môn tại sao phải dùng huyệt này, không dùng huyệt kia, nếu có dịp chúng tôi sẽ nói đến ở đề tài chuyên môn khác trong bài chữa bệnh bằng huyệt.
a-Phương pháp day bấm huyệt :
Những huyệt có kết qủa để làm hạ áp huyết được an toàn ổn định là Lao Cung, Đại Lăng, Phục Lưu,Chiếu Hải.
Cách áp dụng :
Dùng đầu ngón tay cái phải, hay đầu bút bi bấm đau (gọi là tả) vào huyệt Lao Cung, trong lòng bàn tay trái của mình, người có bệnh cao áp mới bấm vào huyệt này cảm thấy đau như kim đâm,bấm mạnh và giữ lâu từ 1 phút trở lên bao giờ cảm thấy bấm vào không bị đau nữa mới chuyển sang huyệt Đại Lăng ở giữa cổ tay, cũng bấm đau như huyệt trước cho đến khi hết đau.Hãy để ý trước khi bấm huyệt thì trán nóng, hai ngón tay giữa và áp út gập vào cứng và đau, sau khi bấm thì trán mát, có khi còn xuất rịn mồ hôi, còn hai ngón tay bây giờ mềm gập bẻ vào dễ dàng. Sau đó dùng ngón tay cái day lâu từ 1 phút trở lên vào huyệt Phục Lưu ở hai chân, có cảm giác hơi đau ( gọi là day bổ ), rồi day bổ đến huyệt Chiếu hải ở hai chân cho đến khi cổ họng trào nước miếng, ướt lưỡi và đầu cảm thấy mát hẳn. Đó là nguyên tắc cắt hỏa nhiệt của tim mạch làm giảm trương lực mạch và bổ thủy cho thận làm giảm thân nhiệt.
Khi day bấm các huyệt này, hệ nội tiết tạo phản ứng điều chỉnh ra thuốc tự chữa bệnh, giống như khi uống thuốc vào, hệ thần kinh cũng tạo phản ứng tiết ra thuốc (nội tiết tố ) tự chữa bệnh, do đó huyệt cũng tương đương như thuốc, cần phải day bấm huyệt mỗi ngày 2-3 lần, nên đo áp huyết trước và sau khi bấm huyệt, khi có kết qủa áp huyết ổn định bình thường, hãy để ý, nếu tiếp tục dùng thuốc ngoài ( tây y hoặc đông y ) mà thấy áp huyết xuống càng ngày càng thấp, phải đi khám lại để đổi hoặc bớt số lượng thuốc.
b-Phương pháp vuốt huyệt truyền khí :
1- Trường hợp có bệnh cao áp huyết do ngón tay thứ ba đau nhiều hơn ngón thứ tư. ( Chữa ngọn )
Theo thứ tự, tả hỏa đoạn Tâm bào trước rồi mới Tả kinh Tâm bào sau. Dùng ngón tay cái, tự vuốt hơi mạnh theo chiều từ huyệt Lao Cung đến Đại Lăng. Mỗi đợt vuốt là 18 lần. Có thể vuốt 3 lần một ngày tương đương với kết qủa của 3 lần uống thuốc. Mục đích làm hạ nhiệt ở đầu, ở bàn tay, và làm hạ áp huyết, hạ sốt cấp kỳ, cánh tay vai đau co cứng, hạ cholestérol.
Nếu vuốt ngược lại sẽ làm tăng nhiệt và tăng áp huyết.
Sau khi vuốt tả hỏa đoạn Tâm Bào mới vuốt tiếp đoạn Tả Kinh Tâm Bào như sau : Dùng ngón tay cái tự vuốt hơi mạnh theo chiều từ huyệt Đại Lăng kéo về phía Gian Sứ ( cách cổ tay khoảng 3 ngón tay)
Mỗi đợt vuốt 18 lần giống như cách làm của Tả hỏa đoạn Tâm bào.
Mục đích lấy hết nhiệt hỏa còn dư sót lại trong hệ thống tim mạch sẽ không làm cho ống mạch bị căng cứng khiến áp huyết lên trở lại, nếu làm nhiều lần áp huyết sẽ xuống thấp hơn nữa như ý muốn.
Vuốt cả hai bên bàn tay, tay trái trước, tay phải sau, kiểm chứng lại tình trạng áp huyết bằng cách khám lại độ cứng của hai ngón tay 3,4 một lần nữa xem đã mềm, không đau, khác với lúc khám ban đầu không.
Sau khi làm có triệu chứng như hơi choáng váng, mắt nhìn hơi mờ khoảng 1-2 phút rồi hết, bàn tay mát, ngón tay mền, đầu nhẹ, đo áp huyết thấy xuống, đó chính là thuốc do cơ thể tạo ra theo phản ứng điều chế hợp chất của huyệt tác động lên thần kinh thuộc hệ nội tiết .
2-Trường hợp bệnh cao áp huyết nặng, cứng đau nhiều cả hai ngón tay 3,4 : (Chữa ngừa biến chứng )
Chúng ta vuốt thêm ở cánh tay mặt sau, tính từ khớp cùi chỏ đến khớp xương cổ tay chia làm 4 phần, lấy 1 phần là vị trí huyệt Chi Cấu, nằm trên bờ trong xương lớn. Huyệt Thiên Tĩnh nằm ngay trên chỗ lồi cùi chỏ thuộc phần cánh tay trong, nơi có lỗ trũng. Cách vuốt : Vuốt 6 lần, cánh tay trái trước, cánh tay phải sau. Dùng ngón tay cái bấm mạnh vào huyệt Thiên Tĩnh rồi vuốt xuống huyệt Chi Cấu theo mũi tên trên hình vẽ.
Nên bôi dầu vaseline hay dầu nóng cho trơn để dễ vuốt.
Vuốt xong hai bên cánh tay, rồi kiểm chứng lại xem ngón tay thứ tư còn cứng và đau hay không, nếu bên nào còn đau thì vuốt lại bên đó 6 lần nữa.
Mục đích tả hỏa đoạn Tam tiêu để giảm áp lực của khí và huyết ở thượng tiêu đã làm đau đầu, đau tim ngực, thở hổn hển khò khè và những co rút ở khớp tay vai cổ..
Nếu có bệnh cao áp huyết, chúng ta nên vuốt huyệt ngày 2-3 lần đỡ phải dùng hóa chất tây dược nhiều gây ra phản ứng phụ không có lợi cho sức khỏe.
3-Chữa gốc điều hòa tâm thận, ổn định áp huyết không tái phát.
Chúng ta vuốt thêm hai đoạn Bổ Bàng Quang và BổThận ,chân trái trước, chân phải sau theo chiều mũi tên trên huyệt.
C-Điều chỉnh THẦN :
Ngoài việc thực hiện sử dụng huyệt thay thuốc để chữa bệnh, chúng ta thường xuyên đi bác sĩ gia đình đo lại áp huyết, nếu áp huyết xuống hoặc ổn định, yêu cầu bác sĩ cho giảm liều thuốc xuống để tránh rủi ro áp huyết tụt thấp bị té ngã sẽ tê liệt tứ chi mềm vô lực.
Bấm huyệt là điều chỉnh khí, kiêng khem về ăn uống là biết điều chỉnh tinh ( chất bổ của đồ ăn ), còn phải biết điều chỉnh thần , lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan, yêu đời, nên tránh trầm uất, lo lắng, giận hờn, la hét, cáu kỉnh, sẽ làm tăng yếu tố cao áp huyết. Một trong ba yếu tố Tinh-Khí-Thần mất quân bình thì bệnh tật không bao giờ hết.
Ngoài việc chủ động giữ tinh thần điềm đạm để tránh tính tính thay đổi bất ngờ làm đảo lộn khí huyết kinh mạch dễ gây tai biến mạch máu não, chúng ta còn phải tập động công và tập thở tĩnh công theo các bài chỉ dẫn sau :
1-Cách điều chỉnh thăng bằng: Hạc tấn mở mắt :
Theo lý thuyết '' Ý tập trung ở đâu, khí sẽ theo đến đó, khí đến đâu huyết sẽ theo đến đó '', cho nên bài tập này sẽ tập đứng trên một chân để giữ thăng bằng cho cơ thể, vô tình khí và huyết đi xuống tập trung vào bàn chân, hỏa khí sẽ theo xuống làm giảm áp lực của hỏa trên đầu khiến cho áp huyết xuống.
Cách đứng hạc tấn mở mắt :
Các ngón tay chụm lại như mỏ con hạc, giống như các sợi dây điện chụm lại thành một bó cho chạm mát, sẽ làm rối loạn thần kinh, bắt bộ óc phải tự điều chỉnh hệ thần kinh, hai cánh tay dang ngang vai, các ngón tay úp xuống, đứng một chân, chân kia co cao lên ngang thắt lưng cho đùi song song với mặt đất, còn các đầu ngón chân chỉ xuống đất song song với cẳng chân kia. Cuốn lưỡi lên vòm họng trên, ngậm miệng, hít thở bằng mũi tự nhiên. Đứng như vậy, mỗi bên chân lâu 60 giây trở lên rồi lại đổi chân. Tập đứng 10-15 phút mỗi ngày. Nếu chưa đứng vững sợ ngã, nên đứng dựa tường hoặc tựa một tay vào tường.
Bài tập này cũng đánh giá được tình trạng cao áp huyết nặng hay nhẹ, nếu bệnh nặng sẽ không thể đứng lâu mỗi bên được 30 giây, nếu chỉ đứng được khoảng 5 giây bị mất thăng bằng là bệnh mãn tính, quá nặng do dùng thuốc, nếu dùng thuốc với liều nặng không đúng bệnh một thời gian tay chân run rẩy, chữa lầm sang bệnh Parkinson, áp huyết sẽ càng cao thêm khiến chân tay co rút, lúc đó không thể tập được bài này.
Tại sao phải chụm 5 ngón tay, cuốn lưỡi ngậm miệng? Năm ngón tay gồm 6 đường kinh ( có 4 kinh hỏa, 2 kinh kim ), dùng ý tập trung hỏa xuống chân làm tăng thủy lên hóa bớt hỏa, chân đứng vững làm mạnh kinh thận đem thủy lên họng tạo thành nước miếng, đầu lưỡi thuộc tim cuốn lên hàm trên để nối với Mạch Đốc, phần cuống lưỡi thuộc thận, thông với Mạch Nhâm, hai mạch nối vào nhau khiến cho âm dương hòa hợp, ngậm miệng để giữ khí và tích lũy khí.
2-Cách điều chỉnh âm dương hòa hợp :
Áp dụng cả 2 bài tập mỗi ngày :
Bài tập 1 : Đứng lên, ngồi xuống trên hai gót chân .( 20 lần)
Bài tập này giữ cho cột sống thẳng trong lúc tập, làm mạnh chân thuộc âm, thư giãn gân cơ đùi, đầu gối, nhón gót khi đứng ngồi sẽ kích thích huyệt Phục Lưu để bổ thận thủy đưa thủy khí lên để hạ áp huyết, ý tập trung ở hai bàn chân để chỉ huy động tác nhón gót, hạ gót cong ngón chân lên, cho đúng và nhịp nhàng với hơi thở, thì khí và huyết dẫn hỏa xuống theo, giúp thủy hóa khí theo cột sống đi lên mạch Nhâm-Đốc, âm dương sẽ được điều hòa. Người bị cao áp huyết lâu, đầu gối bị cứng khó ngồi, phải tập từ từ, nếu không thể tự đứng một mình, nên đứng vịn tay vào chỗ nào chắc chắn (như nắm cửa, lan can, thành giường..), hoặc cần phải vịn nhẹ 10 đầu ngón tay vào tường. Cuốn lưỡi, ngậm miệng, lưng thẳng, tập theo từng động tác sau :
Động tác 1- Hít vào:
Nhón hai gót chân cao lên từ từ theo hơi thở vào.
Động tác 2- Thở ra :
Hai gót vẫn nhón, lưng thẳng, hai tay vịn tường, từ từ ngồi xuống theo hơi thở ra cho đến khi mông chạm vào hai gót chân mới hết giai đoạn thở ra. Nếu mông chưa chạm được vào gót chân là còn bệnh cao áp huyết và phong thấp làm cứng gân mạch chân đùi. Cứ tiếp tục hạ thấp xuống được bao nhiêu hay bấy nhiêu, vừa hạ xuống vừa thở ra từ từ, sẽ làm gân đùi mềm hơn, (nếu trong khi hạ xuống mà nín thở, đùi sẽ cứng không ngồi xuống thấp được ), khi hạ thấp người cột sống lưng phải thẳng, không để lưng cong, hoặc khom xuống.
Động tác 3- Hít vào :
Gót vẫn nhón, lưng thẳng, tay vịn tường, đứng lên từ từ theo hơi thở hít vào, người thẳng như cũ, tiếp tục nhón gót lên cao mới hết giai đoạn hít vào.
Động tác 4- Thở ra :
Hai gót từ từ hạ chạm đất theo hơi thở ra, người đứng thẳng, rồi cho các ngón chân cong lên mới hết giai đoạn thở ra. Cong đầu ngón chân tạo thế mất thăng bằng cho ý tập trung để điều chỉnh lại thế thăng bằng cho cơ thể, bắt ý phải tập trung xuống dưới nhiều hơn để áp huyết xuống theo, khi cong ngón chân lên khí huyết sẽ chạy ra đến đầu ngón chân, làm mềm cổ chân và ngón chân, làm thông hai huyệt âm dương kiều mạch ở chân ( Chiếu Hải, Thân Mạch ) giúp cho thận hoạt động mạnh sẽ giảm nhiệt khí trong cơ thể.
Bài tập 2 : Điều hòa âm dương 4 nhịp : (20 lần ).
Khi đã tập quen bài tập 1, tay không cần vịn tường mới tập sang bài tập 2. Bài tập này có 4 động tác, vừa luyện ý, vừa luyện thần, điều chỉnh cho hai tay thuộc dương, hai chân thuộc âm lên xuống hòa hợp, khi lên cao là lên dương, các ngón tay phải chỉ xuống đất là âm, khi ngồi xuống thấp là âm, các ngón tay phải chỉ hướng lên trời là dương, theo nguyên tắc trong dương có âm, trong âm có dương ,thuận theo quy luật khí hóa của trời đất, vừa bảo toàn năng lượng, vừa tạo ra một lực khí hóa tự động ( giống như khi hít vào là dương, phải tự động thở ra là âm, cứ một âm một dương thay đổi liên tục). Nguyên tắc ở hai bàn tay của bài tập này là ‘ âm thăng, dương giáng ‘ , gồm 4 động tác sau :
Động tác 1- Hít vào :
Hai cánh tay song song thân người, cuốn lưỡi, ngậm miệng, khí hít vào, hai cánh tay thẳng nâng lên phía trước mặt độ cao ngang bằng vai, các ngón tay chỉ xuống đất, bàn tay mềm, không được căng cứng, bàn tay đang ở vị thế âm thăng, cùng lúc hai gót chân cũng nhón lên cao hết mức, hai động tác tay chân làm cùng một lúc theo hơi thở vào, khi xong động tác thì vừa hết hơi thở vào, ý điều chỉnh tinh-khí-thần để giữ thăng bằng cho chân, nên khí huyết phải xuống theo giúp cho mạnh chân, gối, các ngón chân và móng chân từ từ đỏ hồng lên.
Động tác 2- Thở ra :
Đổi chiều bàn tay các ngón tay hướng lên trời ở vị thế âm thành dương, lưng thẳng, vẫn nhón gót cao, khi thở ra từ từ ngồi xuống cho mông chạm gót, hai cánh tay tiếp tục hạ xuống kéo ra sau lưng, lúc đó mới hết một hơi thở ra, bàn tay lúc đó vẫn úp song song với mặt đất, các ngón tay hướng phía trước, bàn tay ở vị thế dương giáng .
Động tác 3- Hít vào :
Đổi chiều bàn tay dương thành âm, gập bàn tay vào cổ tay, lúc đó lòng bàn tay hướng lên trời các ngón tay chỉ ra sau, bắt đầu hít vào từ từ, vẫn ngồi, kéo hai cánh tay ra trước nâng lên cao song song ngang tầm mắt, ngang bằng vai, khi tay dừng lại thì tiếp tục giữ lưng thẳng từ từ đứng thẳng lên, vẫn nhón gót cao, động tác tay và chân làm vừa xong mới xong hơi thở vào, bàn tay ở vị thế âm thăng như vị thế của tay ở động tác 1.
Động tác 4- Thở ra :
Hai cánh tay đang ở song song trước mặt, ngón tay chỉ xuống đất, bây giờ đổi chiều bàn tay âm thành dương, lòng bàn tay hướng ra ngoài, ngón tay chỉ lên trời, bắt đầu thở ra từ từ cùng lúc hai cánh tay hạ xuống, gót chân hạ theo, tiếp tục kéo cánh tay ra tới sau lưng, lòng bàn tay lúc đó đang úp song song với mặt đất, các ngón chân nâng ngửa lên, tạo thế mất thăng bằng cho ý phải tập trung để điều chỉnh lập lại thăng bằng, lúc đó mới xong hơi thở ra, bàn tay ở vị thế dương giáng.
3-Cách điều chỉnh thần kinh ở đầu,cổ, gáy :
Tục ngữ thường nói sợ đứng tim, sợ vãi đái, giận căm gan.. tất cả những thay đổi tâm lý bất thường ấy quá mức chịu đựng của thần kinh sẽ tạo ra phản ứng xấu cho sức khỏe. Bệnh cao áp huyết lệ thuộc vào sự khí hoá của gan ,thận, tim mạch, nếu do tâm lý biến đổi sẽ làm áp huyết không ổn định ,mặc dù có dùng thuốc. Cho nên cách điều chỉnh thần kinh là để tăng cường và bảo vệ sự dao động của thần kinh được ổn định, áp huyết không bị xáo trộn, và giúp mau hồi phục sự quân bình âm dương của tạng phủ để có khả năng tự điều chỉnh áp huyết trở lại bình thường nhanh chóng.
Điều chỉnh thần kinh ở đầu cổ gáy có 7 bài tập. Nếu tập đủ theo thứ tự, có thể ngăn ngừa và chữa được tai biến mạch máu não.
Bài tập 1 : Cào đầu (10 lần)
Dùng 10 đầu ngón tay, để từ trước trán, cào mạnh, nhanh ra phía sau gáy ở 3 giải, giải 1 sát vành tai, giải 2 từ góc trán, giải 3 giữa đỉnh đầu. Để ý vùng da đầu chỗ nào đau là nơi đó tắc nghẽn do sung huyết, huyết tụ, vón máu.. cào như vậy máu tắc tụ ở đó sẽ tan đi và phân tán đều ra chỗ khác. Còn chỗ nào cào, ấn vào không cảm thấy đau, chỉ thấy tê, nặng, mất cảm giác là nơi đó máu không đến, bị nhức bên trong đầu một bên (thiên đầu thống =migraine )để lâu không chữa sẽ dễ tích tụ thành khối u sọ não. Dù cảm thấy đau hay không, cứ cào 10 lần, trong ngày cào nhiều lần để kích thích thần kinh hưng phấn, tỉnh táo, khí huyết lưu thông dễ dàng, các chứng bệnh đau đầu sẽ hết, ngừa được bệnh sung huyết não gây tai biến mạch máu não, nhưng buổi tối trước khi đi ngủ không được cào đầu sẽ làm tỉnh táo mất ngủ. Còn ban ngày, tinh thần bần thần mệt mỏi, ưa buồn ngủ, nên cào đầu làm hưng phấn thần kinh chống cơn buồn ngủ.
Bài 2 : Cào gáy (10 lần ).
Khi bị cao áp huyết, sau đầu gáy thường hay bị nhức, cứng cổ gáy, do huyết tắc nghẽn, xoay trở đầu cổ khó khăn. Hãy đè 10 đầu ngón tay ở giữa gáy, trên chân tóc, cào ra phía ngoài, để giải tắc khí huyết trong các động mạch và thần kinh bị nghẽn, nếu bị tắc, máu lên mà không xuống gây nhức đầu, máu xuống mà không lên gây chóng mặt, cũng tại chỗ này tập trung nhiều huyệt chữa mắt, giúp mắt sáng lên và không bị mỏi mắt.
Cào gáy thành 3 giải ngang :
a-Giải trên gáy, cào ngang đến tai trên : làm sáng mắt.
b-Giải giữa gáy, cào ngang đến chân tai : chữa hoặc ngừa cảm cúm.
c-Giải dưới nơi chân cổ gáy : cào ngang đén hõm vai : Chữa đau mỏi cổ gáy vai.
Bài 3 : Chà gáy quay cổ (10 lần ).
Đan 10 ngón tay lại, để ra sau gáy, vừa chà qua chà lại sau gáy vừa quay cổ, nhiều lần trong ngày để làm mềm dẻo động mạch sau gáy, hai bên cổ gáy, làm thư giãn và nhẹ được đầu, cổ, gáy,vai.
Bài 4 : Vuốt gáy quay cổ (10 lần )
Bàn tay phải vòng sau gáy, để vào chân tai trái, vuốt về bên tai phải, quay đầu về bên phải. Rồi đổi tay trái vòng sau gáy, để vào chân tai phải vuốt về bên tai trái, quay đầu về bên trái.
Cứ vuốt bên này, bên kia kể là một lần, vuốt 10 lần, và vuốt nhiều lần trong ngày.
Người có bệnh cao áp huyết, vùng chân tai hơi sưng to, lấy 5 ngón tay chụm lại gõ vào chân tai thấy đau, do huyết tụ căng cứng ở động mạch sau tai làm rối loạn thần kinh tiền đình khi đi sẽ lảo đảo mất thăng bằng.
Bài 5 : Vuốt cổ quay cổ (10 lần )
Bàn tay phải bắt chéo qua gáy trái vuốt xuống giữa cổ, quay cổ sang trái. Rồi đổi tay trái bắt chéo qua gáy phải vuốt xuống giữa cổ, quay cổ sang phải. Cứ mỗi bên vuốt một cái kể là một lần. Vuốt 10 lần,và vuốt nhiều lần trong ngày. Nó làm giãn, dẻo dai, bớt căng cứng động mạch cảnh quanh cổ giúp máu lưu thông dễ dàng và làm hạ áp huyết do tắc động mạch cảnh..
Bài 6 : Chà tai (10 lần )
Để ngón tay cái và ngón trỏ sau tai, 3 ngón còn lại phía trước tai, tất cả 5 ngón áp sát vào da mặt, kéo hai bàn tay chà lên cao khỏi đỉnh tai và kéo chà xuống dưới chân tai, cứ chà lên chà xuống nhiều lần, mỗi lần 10 cái. Hai tai thuộc thận, chà kích thích vùng tai giúp thận khí dương đi lên, đem sức nóng của tâm hỏa đi xuống, làm cơ thể ấm lên, áp huyết được ổn định. Người nào thường cảm thấy lạnh khi đi ra ngoài nên chà tai làm ấm đầu cổ và tăng thân nhiệt. Động tác này kích thích thần kinh tam thoa, thần kinh ngoại biên, trị bệnh trúng phong, liệt mặt, méo miệng, đớ lưỡi, điếc tai, bài tập này tránh được tai bị ù khi đi máy bay và ngừa được cảm lạnh phong hàn.
Bài tập 7 : Xoa mặt hình số 8 ( 10 lần )
Úp hai bàn tay song song vào giữa mặt, xoa sang góc trán phải kéo qua tai xuống hàm phải, chéo qua mũi lên góc trán trái, vòng qua tai trái xuống hàm trái, rồi lại chéo qua mũi lên góc trán phải, là đã hết một vòng số 8, đi đều khắp mặt mũi tai như rửa mặt khô, có tác dụng điều chỉnh âm dương, nóng lạnh trên mặt ( bên có cảm giác, bên mất cảm giác trong bệnh liệt một bên mặt ), chữa và ngừa liệt mặt, méo miệng, mắt xếch, kích thích máu nuôi da mặt tươi mịn, hồng hào, chữa mỏi mắt, cận thị, viễn thị, cườm mắt, mắt khô, quầng mắt thâm đen, đau tai, điếc tai, tê da mặt, đầu mũi lạnh, đau đầu trán, sổ mũi hắt hơi, da mặt khô, nổi mụn trứng cá.
4-Cách điều chỉnh bằng hơi thở.
Sau 9 giờ tối không được uống nước sẽ bị đi tiểu đêm làm mất ngủ, làm cho chức năng thận thủy hư yếu không khắc chế được hỏa của bệnh cao áp huyết.
Trước khi đi ngủ nửa giờ, nằm ngửa trên giường, đầu thấp, kê gối thấp hoặc không cần gối, hai gót chân chạm nhau. Cuốn lưỡi ngậm miệng, hít thở bằng mũi, hai bàn tay úp chồng lên bụng, khoảng dưới rốn ( đan điền tinh huyệt Khí Hải ) nam đặt bán tay phải ở dưới, bàn tay trái ở trên, nữ đặt bàn tay ngược lại . Nhắm mắt nghe và theo dõi hơi thở tự nhiên ở bụng nơi đan điền tinh xem có gì chuyển biến ở bụng nơi đặt tay.
a-Tập nghe hơi thở :
Khi thở vào nhẹ : Có nghe cảm giác bụng hơi phồng lên hay không.
Khi thở ra nhẹ : Có nghe cảm giác bụng hơi xẹp xuống hay không.
Nhớ là bụng phồng-xẹp theo hơi thở tự nhiên, không được cố ý gồng lên. Nếu bụng chưa phồng-xẹp tự nhiên thì phải tập luyện thành thói quen thuần thục trở thành một phản ứng tự nhiên.
b-Tập kiểm soát hơi thở :
Khi bụng phồng-xẹp tự nhiên theo hơi thở, lúc đó bắt đầu đếm thầm trong đầu cứ mỗi lần phồng lên, xẹp xuống đếm là 1 lần, rồi phồng-xẹp 2, phồng-xẹp 3, phồng-xẹp 4, phồng-xẹp 5, phồng-xẹp 6, phồng-xẹp 7, phồng-xẹp 8, phồng-xẹp 9, phồng-xẹp 10, rồi đếm trở lại từ phồng-xẹp 1 đến 10, nhiều lần.
Khi tập, đừng nản chí, đếm tới mấy ngàn lần cũng không sao, nó có hai điều lợi, khi còn tỉnh thức để đếm và theo dõi hơi thở thì thần kinh được thư giãn, cơ thể đang điều chỉnh khí huyết để tự chữa bệnh , vì ý tập trung ở bụng, nên khí huyết đến theo, giúp điều chỉnh khí hóa tam tiêu tốt, tâm, thận, âm dương hoà hợp, áp huyết và thân nhiệt trở lại bình thường. Khi hôn trầm ( buồn ngủ ), chúng ta quên đếm là đã rơi vào giấc ngủ sâu không mộng mị mà không cần dùng đến thuốc ngủ.( Qúy vị xem thêm chi tiết ở bài Dưới mắt khoa học tập thở khí công có lợi hay không ? để áp dụng tự phòng bệnh và chữa bệnh bằng hơi thở ).
Tóm lại, chúng ta đã biết nguyên nhân gây bệnh dù ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, bên trong, do thời tiết, môi trường, do ăn uống ngủ nghỉ sai lầm, không điều độ, dùng thuốc không thích hợp với cơ thể làm cho sự chuyển hóa của hệ thống tinh-khí-thần mất hòa hợp. Theo đông y, khí mất thì hình suy ( cơ thể bị bệnh ), nói như vậy thì khí là quan trọng để có thể điều chỉnh lại sự khí hóa âm dương ngũ hành của tạng phủ cho tinh-khí-thần hòa hợp lại, đó là chúng ta đã biết dùng khí công tự chữa bệnh cho mình. Đã có nhiều người theo phương pháp này tự chữa được bệnh cao áp huyết ổn định bình thường trong vài năm nay mà không có một triệu chứng xấu nào xảy ra. Mong qúy vị cố gắng tập luyện thường xuyên bền bỉ để bệnh cao áp huyết được mau bình phục.
PHẦN BỐN: BỆNH CAO ÁP HUYẾT CHỮA BẰNG ĂN UỐNG
Biểu hiện lâm sàng của bệnh huyết áp cao có 5 triệu chứng phân biệt khác nhau nên cách chữa khác nhau .Biết phân biệt đúng thì việc điều trị sẽ có kết qủa .
a-CAO ÁP HUYẾT DO GAN NÓNG ( Dương cang can nhiệt thịnh ).
Dấu hiệu lâm sàng :
Nhức đầu, váng đầu, căng đau, trán nóng, buồn bực, hay cáu giận, họng ráo miệng khô, thích uống nước mát, đại tiện khô, nước tiểu vàng ,chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.
ĂN : Cữ thức ăn cay nóng, ớt ,gừng, cà rốt ,các loại mắm, hút thuốc uống rượu, các chất lên mem làm hại gan ,các chất dầu mỡ chiên xào, chất béo làm tăng cholesterol làm hại gan thêm. Nếu mỡ trong máu cao làm xơ cứng động mach, thường xuyên ăn sơn tra ,dưa chua..Uống nước vắt rau cần hoặc nấu canh rau cần, canh hải đới nhạt ít muối, ăn thường xuyên làm giảm áp huyết và giảm cholestérol. Ăn cháo đậu xanh để thanh nhiệt tả hỏa giải độc. Canh nấm hương làm giãn mach hạ áp huyết.
UỐNG : Nấu nước với 15g dã cúc hoa, 15g hy thiêm thảo uống mỗi ngày làm mát gan hạ hỏa, hoặc thuốc thành phẩm Long đởm tả can hoàn, công dụng làm mát gan ,hạ hỏa, hạ áp huyết, uống theo chỉ dẫn trong toa.
Đề nghị vài món ăn thay thuốc :
1-Cháo rau má :
Nấu cháo gạo tẻ 50g. Rau má tươi 100g, đậu xanh còn vỏ 50g, nêm nếm vừa .Ăn một tuần 2 lần.
2-Cháo hoa cúc :
Nấu cháo gạo tẻ 100g, hoa cúc khô 10 cái, nêm nếm vừa ăn.
b-CAO ÁP HUYẾT DO CHỨC NĂNG GAN THẬN.(Âm hư dương can thịnh ).
Dấu hiệu lâm sàng :
Nhức đầu, váng đầu, căng đau, dễ cáu giận ,họng khô, lưỡI khô, rêu lưỡi khô, sắc lưỡi đỏ non, miệng ráo ,lưng gối nhức mỏi ,lòng bàn tay nóng, chân lạnh.
ĂN : Cữ ăn chua và mặn nhiều vì chua nhiều làm hại gan, mặn nhiều làm sưng chân.
UỐNG: Dùng thuốc thành phẩm Cao áp huyết tốc giáng hoàn hoặc Tri bá địa hoàng hoàn, công dụng bổ thận điều hòa gan ,lòng bàn tay sẽ mát, hết nhức mỏi lưng gối, áp huyết sẽ xuống. Uống khi áp huyết xuống thấp dưới 120/80 mmHg thì không nên uống nữa.
Uống với nước nóng ngày hai lần theo chỉ dẫn trong toa.
Đề nghị vài món ăn thay thuốc :
1-Cháo sò huyết :
Nấu cháo gạo tẻ 100g, sò huyết 10 con, trứng muối 1 qủa, nêm nếm vừa ăn.
2-Canh cá qủa :
Nấu canh cá qủa 1 con 300g, Rau muống 200 g, cần tây 100g, nêm nếm vừa ăn.
c-CAO ÁP HUYẾT DO TỔN THƯƠNG GAN THẬN.( Can thận âm hư ).
Dấu hiệu lâm sàng :
Váng đầu hoa mắt ,mắt mờ, hay quên, mất ngủ, rêu lưỡi ít, sắc lưỡi đỏ non, táo bón, lưng gối nhức mỏi.
ĂN : Cữ ăn nhiều chua, mặn, cam, chanh và chất béo . Nên nấu canh mộc nhĩ đan để bổ gan thận..
UỐNG : Dùng thuốc thành phẩm Kỷ cúc địa hoàng hoàn, công dụng bổ thận, mát gan, sáng mắt, hạ áp huyết, uống với nước nóng theo chỉ dẫn trong toa.
Đề nghị món ăn thay thuốc :
Cà rốt hầm thịt heo :
Cà rốt 200g, thịt nạc heo 150g, đậu cô ve 100g, nêm nếm vừa ăn.
d-CAO ÁP HUYẾT DO KHÍ HUYẾT GAN THẬN HƯ (Âm dương lưỡng hư ).
Dấu hiệu lâm sàng :
Triệu chứng gồm trường hợp ba là tổn thương gan thận lại có thêm hiện tượng tiểu đêm nhiều lần, chân hay lạnh.
ĂN : Cữ ăn cam, chanh, nước đá ,kem ,đậu xanh ,mướp đắng ,bí đao, dưa hấu và những chất mát làm đi tiểu đêm nhiều và làm cơ thể lạnh thêm.
UỐNG : Dùng thuốc thành phẩm Lục vị địa hoàng hoàn ,công dụng điều hòa khí huyết, điều hòa tam tiêu ,làm ấm thận, hết đau lưng mỏi gối ,giữ cho áp huyết trở lại bình thường mà không làm áp huyết xuống thấp, mọi người đều dùng làm thuốc bổ để điều hòa âm dương ,khí huyết cho cơ thể mà không sợ áp huyết tăng.
Đề nghị món ăn thay thuốc :
Cần tây xào thịt ngỗng :
Thịt ngỗng nạc thái mỏng, ướp gia vị mắm muối vừa đủ, xào bằng dầu thực vật ,khi chín cho cần tây 150 g, xào tiếp cho vừa ăn.
e-CAO ÁP HUYẾT CÓ BIẾN CHỨNG TỤ HUYẾT
Dấu hiệu lâm sàng :
Nhức đầu, trên lưỡi có tụ những nốt đỏ do huyết tụ đó là dấu hiệu trong máu có nhiều lượng đường của bệnh tiểu đường. đầu gối nóng đau hoặc sưng, gan bàn chân nóng, có thể tay chân khi va chạm có vết bầm máu lâu tan.
ĂN : Cữ ăn đường và bánh ngọt hoặc chè ,chocolat, cà phê, cà rốt.
UỐNG: Nấu nước với 15g đơn sâm, 12g ích mẫu thảo ,uống nóng, công dụng làm tan huyết bầm và giúp cho máu lưu thông không bị tụ lại. Có thể dùng thuốc thành phẩm Huyết phủ trục ứ hoàn ,uống theo chỉ dẫn trong toa.
Đề nghị món ăn thay thuốc :
Canh rau hẹ cá rô :
Nấu canh Cá rô 200g, rau hẹ 150g, nêm nếm vừa ăn.
f-BỆNH XƠ CỨNG ĐỘNG MẠCH VÀNH
Bệnh xơ cứng động mạch vành tạo ra cơn đau tim, cơn thắt cơ tim và nhồi máu cơ tim. Theo Tây y do nguyên nhân của bệnh cao áp huyết có nhiều chất calcium và cholestérol trong máu làm tắc nghẽn tuần hoàn huyết của động mạch quanh màng bao tim.
Theo đông y ,ở giai đoạn nhẹ làm đau tim do hai nguyên nhân bên trong và bên ngoài cơ thể làm ảnh hưởng đến bệnh đau tim. Nguyên nhân bên trong có thể do thận hư, tỳ hư, do tâm hư dương bất túc. Nguyên nhân bên ngoài có thể do nhiệt tà, hàn tà, làm cơ thể bị khí trệ, ứ huyết, đàm trọc .Vì do nhiều nguyên nhân kết hợp lại tất nhiên phải có thời gian dài đã làm xáo trộn chức năng của nhiều tạng phủ nên bệnh xơ cứng động mạch vành không phải tự nhiên mà có, nó thuộc loại mãn tính được báo hiệu bằng nhiều triệu chứng khác nhau. Đông y phân biệt tổng quát thành hai loại thực chứng .và hư thực thác tạp. (Bệnh mạch vành không do nguyên nhân hoàn toàn bởi hư chứng gây nên).
A-THỰC CHỨNG :
Đông y phân biệt dấu hiệu lâm sàng riêng biệt để tìm ra nguyên nhân ,nên nguyên nhân của thực chứng do ba yếu tố gây ra bệnh :
a-Chứng thực hàn :
Có triệu chứng đau ngực đột ngột dữ dội, càng gặp lạnh càng đau, rêu lưỡi trắng trơn bóng. Đối chứng trị liệu là phải khử hàn, thông mạch.
Ăn :Không nên ăn những chất hàn như rau xanh, cải xanh, bầu bí, đậu xanh, dưa gía, chè đậu xanh nước cốt dừa, không ăn chanh, cam, canh dưa chua, đồ biển. Nên ăn chất tạo nhiệt ấm như canh gà gừng non.,
Uống : Dùng 10g quế chi, 3g cam thảo, 1 g bạch thược, 10g gừng khô, nấu nước uống.
Hoặc nấu uống nước táo đỏ, hay trà táo đỏ.
Hoặc nấu đậu đỏ nhỏ hột uống nước ăn cái.
Đề nghị món ăn thay thuốc :
1.Cháo cá đậu đỏ :
Nấu 200g đậu đỏ nhỏ hạt với 1 lít cho chín nhừ, cho thêm 50g bột gạo tẻ vào, khuấy đều từ từ cho chín. Ăn với đường hay muối.
2.Cháo thịt dê :
Thịt dê 200 g, rửa sạch, thái nhỏ, ướp muối. Nấu Ba kích 20g, nhục thung dung 30g ( mua ở tiệm thuốc bắc ),với nửa lít nước, sôi cạn còn 300g, chắt nước bỏ cái dùng làm nước ninh nhừ thịt dê .Khi chín, cho gạo tẻ 50g đã xay thành bột vào nồi, khuấy từ cho chín là có thể ăn được.
b-Chứng thực đàm :
Bao tử không đủ nhiệt năng chuyển hoá dưỡng trấp thành huyết mà biến thành đàm, đàm là danh từ bao gồm cả chất béo, cholesterol, chúng ngăn chặn ở ngực, chung quang màng bao tim nên ngực đau tức, buồn nôn, rêu lưỡi trắng dính, nếu là đờm nhiệt (vàng ,sệt, dính ) thì đầu lưỡi đỏ, lòng phiền muộn.
Nếu chỉ do nhiều đờm, nên ăn uống những chất làm tiêu đờm ,kỵ ăn uống những chất sinh ra đờm.
Ăn : Nên ăn quýt, ăn cá. Không nên ăn cam,nước cốt dừa, chất béo ,mỡ, đậu xanh, sữa ,bơ, pho mát,canh cải xanh, kim châm.
Uống : Không nên uống nước mát, nước lạnh. Nên nấu nước uống cho thêm các chất có khí-tính-vị làm tiêu và hạ đờm như dùng 30g qua lâu, 10g pháp bán hạ, 10g phi bạch, 6g hậu phác ,nấu uống như nước trà.
Nếu do đờm nhiệt, nên ăn uống những chất thanh nhiệt hóa đàm.
Ăn : Thường xuyên ăn củ cải, sữa hạnh nhân.
Uống: Dùng 10g pháp bán hạ, 10g vỏ quýt khô, 10g chỉ sác sao, 10g toàn qua lâu ,nấu nước uống thay tra.
c-Chứng khí trệ :
Có dấu hiệu căng đau tức ngực, hay thở dài hơi mới cảm thấy dễ chịu, sắc lưỡi đỏ nhạt, rêu trắng mỏng. Nên ăn uống các chất làm thông hòa khí.
Ăn : Bớt ăn chất dầu mỡ, chất béo, chất bột. Ăn canh cá rô vắt chanh, canh gừng thịt heo nạc. Canh gà già hầm bắc kỳ, kỷ tử, đảng sâm, táo đỏ ( vớt bỏ váng mỡ).
Uống : Dùng 4g mộc hương, 10g uất kim, 3g cam thảo ,nấu nước uống thay trà.
d-Chứng huyết ứ :
Có dấu hiệu ngực đau như kim châm ở một chỗ cố định, chất lưỡi đỏ sậm hoặc có chấm tụ máu. Nên ăn uống các chất làm thông hoạt huyết hoá ứ.
Ăn :Canh kim châm mộc nhĩ.
Uống : Dùng bột Tam thất sống ,ngày 3 lần, mỗi lần nửa thìa nhỏ uống với nước nóng .Hoặc dùng thuốc thành phẩm Huyết phủ trục ứ hoàn, theo chỉ dẩn trong toa.
Đề nghị món ăn thay thuốc :
1.Canh mộc nhĩ đậu hũ :
Mộc nhĩ 30g, ngâm nở, thái nhỏ như miến đun sôi với 350 cc nước, sau thái đậu hũ thành miếng nhỏ bỏ vào và nêm nếm vừa ăn.
2.Chè đậu đen ích mẫu :
Nấu 400cc nước với cây ích mẫu 30g khi cạn còn 300cc, chắt nước bỏ bã, cho 50g đậu đen nấu tiếp cho nhừ rồi cho đường đỏ 30g khuấy cho tan đều là được.
3-Chè Ý dĩ đậu đỏ :
Ý dĩ 30g sao vàng tán bột, 30g ý dĩ không sao cũng tán thành bột. Nấu chín đậu đỏ với 400cc nước rồi cho bột ý dĩ vào, thêm đường đỏ 30g, gừng 2 lát giã nhỏ, khuấy cho chè sôi lại là được.
B-CHỨNG HƯ THỰC GIÁP TẠP:
Phân biệt dấu hiệu lâm sàng khác nhau, đông y tìm ra 5 nguyên nhân nên cách chữa trị cũng khác nhau.
a-Chứng khí hư kiêm ứ huyết :
Có dấu hiệu ngực đau ê ẩm, lúc mệt mỏi bị đau nhói nhiều hơn,tim đăp nhanh, hơi thở ngắn, người cảm thấy không có sức, sắc lưỡi nhạt có chấm tụ máu.
Ăn :Ăn uống cần chú ý đến chất giúp ích khí, hành huyết, thông lạc. Ăn loại canh nào có hành, gừng, nấm thường xuyên.
Ăn chè đậu đen ích mẫu.
Uống : Dùng 15g Hoàng kỳ, 10g Xuyên khung, 30g Đơn sâm ,nấu nước uống chung với nửa thìa nhỏ bột Tam thất sống.
b-Chứng khí hư kiêm ứ đàm :
Có dấu hiệu như kiêm ứ huyết nhưng rêu lưỡi trắng trơn, đờm mầu trắng, tính tình ưa tức giận vô cớ. Cần ăn uống những chất bổ khí, hoá đàm, hoạt huyết.
Ăn :Canh gà gừng non thêm vỏ quít khô.Hoặc canh gà gừng non với hành tây.
Uống: Dùng thuốc thành phẩm Hương sa lục quân tử hoàn chung với Huyết phủ trục ứ hoàn. Ngày uống hai lần chung cả hai thứ mỗi thứ l viên.
c-Chứng âm hư kiêm ứ huyết hoặc đàm.
Sau lúc làm việc mệt mỏi, thường lên cơn đau ê ẩm, chỗ đau cố định nhói như kim châm, hồi hộp, thở ngắn hơi, miệng khô, họng ráo, đổ mồ hôi, yếu sức ,rêu lưỡI ít, có chấm tụ máu, nếu kiêm đàm thì rêu lưỡi trắng trơn, có nhiều đàm ở ngực làm tức ngực, Nếu ứ huyết nên ăn uống các chất giúp ích khí, dưỡng âm, hoạt huyết. Nếu ứ đàm thì thêm chất hoá đàm.
Ăn : Canh mộc nhĩ hoặc canh gà gừng non.
Đề nghị món ăn thay thuốc :
1.Thịt dê hấp đương quy :
Thịt dê 200g rửa sạch, thái miếng ướp muối. Đương quy 50g, gừng tươi 10g giã nhỏ, quế chi bột 15g . Tất cả trộn đều rồi hấp vớI thịt dê cho chín .Ăn lúc nóng, bụng đói, 3 lần một tuần.
2.Cháo lá sen ngải cứu :
Lá sen non 30g, ngải cứu 10g, rửa sạch, giã nhỏ lọc lấy 250 cc nước. Bột gạo tẻ 50g cho vào nước đã lọc nấu thành cháo chín rồi cho 50g đường đỏ.
Uống : Dùng 30g bột hồng sâm, 30g bột mạch đông, 15g bột điền thất, trộn đều, mỗI lần uống 6g với nước nóng, ngày 3 lần.
Uống nước rau cần 30g nấu chín, hoặc luộc chín 150g hành tây, ăn cả hành và uống nước .
d-Chứng can thận âm hư kiêm ứ :
Khi mệt mỏi ngực đau nhói một chỗ cố định, bình thường ngực đau ê ẩm, váng đầu, hoa mắt, hay quên ,lưng gối mỏi, rêu lưỡi khô, ít rêu, có chấm tụ máu, sắc lưỡi đỏ ,phân khô. Nên ăn uống các chất giúp bổ gan thận,trục ứ, thông lạc.
Ăn :Trái dâu.
Thịt dê hấp đương quy (như trên)
Uống : Dùng thuốc thành phẩm Kỷ cúc địa hoàng hoàn để bổ gan thận, chung với Huyết phủ trục ứ hoàn để trục ứ thông lạc. Mỗi ngày hai lần, mỗi làn 1 viên mỗi loại.
e-Chứng dương hư kiêm ứ đàm.
Giúp ôn dương (bổ thận dương), hoá đàm, thông hoạt lạc.
Ăn : Cháo thịt dê hành tây :
Thịt dê non 150g thái nhỏ ướp muối rồi cho 350 cc nước nấu như canh cho chín, sau cho hành tây 30g thái nhỏ, bột gạo tẻ 30g, khuấy đều cho chín.
Uống :Dùng 10g pháp bán hạ, 10g phi bạch, 15g toàn qua lâu, 10g xuyên khung, 10g một dược, 20g đảng sâm, nấu nước uống chung với thuốc thành phẩn Kim qũy thận khí hoàn theo chỉ dẫn trong toa.