Kính Thưa Thầy,
Con có một người bạn mang bệnh bác sĩ gọi là Ulcer Active Colitics. Xin Thầy hướng dẫn cho cách điều tri.
Xin cám ơn Thầy.
Sáu Chí.
Thân gửi Sau Chi,
Xin vui lòng đánh chữ Ulceractive colitis lên khung Google, click GO, họ sẽ cho biết chi tiết triệu chứng, nguyên nhân của nhiều loại bệnh này theo tây y. Và loại bệnh này đông y gọi là loét đại tràng, loét tá tràng, loét trực trường, loét trường vị, trường vị nhiệt, đại trường thấp nhiệt hoặc viêm loét ruột thừa..., để tìm xem người bệnh thuộc loại nào, thường xuyên đi cầu tiêu chảy hay táo bón, đi ra phân có máu hay không, đau bụng bên trái hay phải, trước hay sau khi ăn bị đau bụng, hay bị đau bụng thường xuyên, sờ có chỗ đau nhất định hay không, áp huyết đo bao nhiêu, có bị tiểu đường hay không, môi khô khát hay không, ......
Đông y có các chứng bệnh làm ra tên bệnh này như:
Chứng vị thực, chứng vị thực nhiệt, chứng đại trường thấp nhiệt, chứng trường vị thực nhiệt, chứng đại trường ung, chứng nhiệt kết bàng lưu, chứng cận huyết...Mỗi chứng sẽ có cách chữa khác nhau.
Xin cho biết chi tiết đầy đủ rõ ràng, nếu chỉ có một tên bệnh theo tây y thì không đủ yếu tố định bệnh, đông y chữa vào nguyên nhân là chứng bệnh chứ không chữa vào tên bệnh.
Thân
doducngoc
Người bạn con mang bệnh ulceractive colitis nói là:
- Bụng phía dưới bên phải ấn vào đau
- Đi cầu thỉnh thoảng chảy có máu (vì đang uống thuốc).
Sáu Chí
Thân gửi Sáu Chí
Đông y có chứng Nhiệt kết trường ung có những dấu hiệu như sau :
Là dấu hiệu của bệnh viêm ruột thừa cấp tính do thấp nhiệt, khí trệ và huyết nhiệt độc ứ kết lưu trú ở khúc ruột thừa nên đau bụng dưới bên phải dữ dội, có điểm đau rõ rệt, làm đầu gối phải co lại mới đỡ đau, nếu cấp tính thì kèm theo sốt nóng lạnh, xuất mồ hôi, lợm giọng. Nếu cục bộ đã vỡ mủ bên trong tụ thành một khối làm đau cứng căng bụng dưới sẽ sốt cao, nếu vỡ mủ phía ngoài sẽ làm viêm màng bụng, đi cầu ra máu đỏ nâu bầm.
Nếu đại trường thực nhiệt thì có dấu hiệu táo bón đi cầu không thông, chỉ đi ra nước chứ không ra phân cục như táo bón thông thường.
Còn chứng cận huyết thì đi ra máu nhỏ giọt trước khi ra phân là do nhiệt độc kết ở trực trường.
Ngoài ra, nếu nhiệt kết trường vị lâu ngày làm chậm tiêu hoá sẽ gây ra bệnh loét bao tử, loét tá tràng, loét trực trường.. gọi chung là loét trường vị.
Bệnh của bạn Chí nếu sưng đau một chỗ ở bụng dưới bên phải ,có thể là sưng ruột thừa cấp tính, phải cẩn thận, nếu đau dữ dội cần phải đi bệnh viện trong trường hợp phải mổ.
Còn chữa theo đông y khí công thì điều chỉnh cả 3 yếu tố tinh-khí-thần :
A- Điều chỉnh tinh là điều chỉnh ăn uống thay thuốc :
1- Tiêu thấp nhiệt : Ăn Cháo ý dĩ vào mỗi buổi sáng :
Ý dĩ mua ở tiệm thuốc bắc (loại bo bo trắng nhỏ hột thường dùng nấu chè sâm bửu lượng). Dùng 2 nắm nấu với 1 lít nước cho nở và cạn như cháo, không nêm muối đường gì cả, ăn nhạt, đông y có câu nhạt tháo thấp ,
Công dụng : Ý dĩ vị ngọt nhạt, tính mát, vào các kinh tỳ, phế, thận, thanh nhiệt, lợi thấp, cầm tiêu chảy, tiêu mủ, chữa loét đại trường ,bụng sưng trướng.
2- Làm lành vết loét : Nước ép bắp cải :
Dùng 1kg lá bắp cải, rửa sạch, trần nước sôi rồi vớt ra để ráo nước, dùng máy ép ra nước cốt có mầu vàng chanh, bỏ bã , uống 2 lần trước bữa cơm.
Bắp cải chứa nhiều Vitamine K, U, và nhiều Calcium, A, B1,C...đông y dùng để bổ tâm thận, xương, tuỷ, chữa viêm loét bao tử, viêm loét ruột, làm lành vết loét.
3- Cầm máu, xuất huyết nội tạng : Râu bắp.
Trong trường hợp đái ra máu, đi cầu ra máu nhỏ ra từng giọt do các vết loét hoặc do các vết mổ làm xuất huyết nội tạng , đông y thường dùng râu bắp khô.
Mua 1 pound râu bắp khô ( mầu nâu) ở tiệm thuốc bắc, mỗi lần nấu 1/2 pound với 1 lít nước, cạn còn 1/2 lít dùng để uống vào buổi tối.
Râu bắp vị ngọt, tính bình, vào kinh thận và bàng quang có công dụng lợi tiểu, tiêu phù thủng, thông mật trị viêm gan mật, cầm máu làm tan huyết khối ứ tắc. Đã có một bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện bị xuất huyết theo đường tiêu tiểu hơn 1 tuần mà không có cách nào cầm, tây y cho là dấu hiệu của một căn bệnh ung thư mà chưa tìm ra ,gia đình bệnh nhân cho mời tôi, và tôi đã chỉ cho họ nấu nước râu bắp ,ngày uống 2 lần , mỗi lần 1/2 pound , uống trong 2 ngày là hết ra máu.
B- Điều chỉnh khí bằng tập luyện hơi thở làm thông khí huyết :
Tập tĩnh công ,trước khi đi ngủ, nằm ngửa đặt chồng 2 bàn tay ở dưới rốn ( đan điền tinh nơi huyệt Khí Hải), nam đặt bàn tay phải ở dưới, bàn tay trái ở trên, nữ làm ngược lại. Chỉ dùng ý khi hít vào cảm thấy bụng hơi phồng lên cảm nhận được ở 2 bàn tay, khi thở ra, tưởng tượng khí từ bụng nơi bàn tay thoát ra sau lưng giữa cột sống đối diện với rốn ( gọi là huyệt Mệnh môn).
Cách thở này là thu âm chuyển ra dương, huyết chuyển ra khí, làm tán nhiệt bị tích tụ ở trường vị.
Tập động công bài Vỗ tay 4 nhịp làm mạnh phế vị , Bài Cúi ngửa giúp chuyển hoá thức ăn không bị tích trệ.
C- Điều chỉnh thần :
Tránh giận dữ làm chức năng gan thực, mộc sẽ sinh hoả dư thừa làm tăng nhiệt trường vị , cộng thêm những thức ăn nhiều gia vị cay, nhiều dầu mỡ, ăn khô không có nước canh như mì gói, pizza..tạo ra trường hợp can vị bất hoà là nguyên nhân làm tích thực nhiệt lâu ngày không chuyển hoá kịp gây loét.
Không lo lắng, đông y có câu lo ăn mất ngon , lo lắng làm chức năng tỳ vị ngưng hoạt động, không thiết ăn uống , ăn uống thất thường, chuyển hoá chậm cũng là nguyên nhân gây loét.
Không buồn phiền thở dài, sẽ làm mất khí chuyển hoá trao đổi chất, làm thiếu khí tuần hoàn chung cho cả lục phủ ngũ tạng gây tắc nghẽn ứ đọng khí huyết.
Ăn uống điều độ, tập luyện và biết dưỡng thần, là điều chỉnh tinh-khí-thần hoà hợp, bệnh sẽ mau lành đó là nguyên tắc phòng bệnh và chữa bệnh của đông y khí công vậy.
Hy vọng bạn của Chí áp dụng theo để mau lành bệnh.
Thân,
doducngoc
Kính thưa Thầy,
Con xin cám ơn Thầy rất nhiều. Con sẽ theo lời hướng dẫn của Thầy để chỉ cho bạn con tự chữa bệnh.
Sáu Chí.