Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

CCĐY 2 – SỰ LIÊN QUAN GIỮA KHÍ CÔNG VÀ HUYỆT

Chữa bệnh bằng khí công bao gồm phương pháp tập thở tĩnh công và tập thở động công để tăng cường tông khí, để củng cố chân khí tiên thiên và chân khí hậu thiên. Chân khí tiên thiên làm mạnh nguyên khí và hệ thống thần kinh trung ương giúp cho việc điều khiển kiểm soát sự khí hóa của lục phủ ngũ tạng hoạt động hữu hiệu, bền bỉ, làm trẻ hóa tế bào kéo dài tuổi thọ hơn. Chân khí hậu thiên giúp lục phủ ngũ tạng hấp thụ thức ăn và chuyển hóa thành khí huyết và năng lượng dự trữ để nuôi dưỡng và bảo vệ cơ thể. Khí nuôi dưỡng bảo vệ cơ thể có tính chuyển động khi thăng, khi giáng, khi hòa để giữ quân bình sự hoạt động cần thiết cho sự khí hóa .

Trong phần tập động công, chú ý các động tác theo hơi thở để vừa khai mở các huyệt đạo của Kỳ kinh bát mạch, thông tiểu đại chu thiên, thông xương khớp, kinh mạch, thúc đẩy khí huyết lưu thông khắp cơ thể vừa kích thích sự co bóp các cơ năng hoạt động của tạng phủ.

Trong phần tĩnh công chú ý đến điều hòa nhịp thở chậm, nhẹ, sâu, lâu, đều, giúp dưỡng thần, giảm đau, tăng cường hệ thần kinh, hệ miễn nhiễm, hệ nộI tiết, củng cố chức năng khí hóa, tái tạo tế bào.

Ngoài ra chữa bệnh bằng khí công cũng sử dụng đến huyệt để chuyển khí bằng nội khí trong cơ thể hay bằng ngoại khí do người khác truyền vào. Dù nội khí hay ngoại khí đi vào kinh mạch của cơ thể được hữu hiệu hay không cũng cần có sự tập trung của ý theo dõi những biến chuyển nơi huyệt và cũng cần khai thông kinh Tam Tiêu ở huyệt Ủy Dương và thông các huyệt nằm trên Mạch Nhâm-Đốc, lúc đó, tùy theo chức năng của huyệt được chọn sẽ tác động vào khí, vào huyết để chuyển hóa làm tăng, làm giảm, làm xuất, liễm, thăng, giáng, bổ, tả, làm thông, làm tiêu, làm hòa..

Cách bổ, tả huyệt theo phương pháp khí công khác với cách dùng kim châm. Bởi vì sau khi châm và lưu kim, bệnh nhân nằm chờ rút kim, thì tâm ý để ngoài thân để cho tâm viên, ý mã (tâm hoạt động lăng xăng như con vượn, ý suy nghĩ chạy tứ tung từ ý này sang ý khác như ngựa chạy )như vậy sự chuyển hóa của huyệt được kích thích kém hưũ hiệu. Còn chữa bệnh bằng khí công cần phải kích thích vào huyệt cho bệnh nhân có cảm giác hơi đau để bệnh nhân phải chú ý theo dõi những biến chuyển ở nơi bị đau khi day bấm hoặc vuốt trên huyệt, theo nguyên tắc khí công, ý ở đâu thì khí khí ở đó, như vậy bệnh nhân đã sử dụng nội khí tác động lên huyệt, người bấm huyệt truyền ngoại khí vào huyệt để dẫn nội khí đi theo kinh mạch vào chân khí, chuyển vào ngũ tạng lục phủ để điều chỉnh khí hóa hòa hợp, bệnh nhân ngậm miệng, cuốn cong lưỡi lên vòm họng trên để nối mạch Nhâm-Đốc và để tuyến hạch cổ tiết ra nước miếng giúp điều hòa âm dương thủy hỏa cho việc khí hóa .

Tùy theo cảm giác đau của huyệt khi dùng phép tả hay cảm giác nóng nơi huyệt khi dùng phép bổ, day ấn, cũng có tính chất dẫn truyền tín hiệu giao cảm lên não, não nhận được tín hiệu sẽ tiết ra một loại hormone tương xứng với yêu cầu của chức năng huyệt để tạo ra một phản xạ hóa học lập lại quân bình làm hết đau, hay làm mát hoặc làm ấm bằng số lượng hormone tương ứng. Đó chính là một loại thuốc thiên nhiên có sẵn trong cơ thể con người để tự chữa bệnh gọi là hệ nội dược ( médicaments internes ), nội dược được tiết ra do kích thích huyệt cho đến khi ngưng không kích thích, hoặc cứ tiếp tục kích thích, số lượng nội dược tiết ra nhiều cho đến khi bão hòa thì lập tức nơi huyệt sẽ có phản xạ né tránh không tiếp nhận. Ngược lại, khi vừa bấm vào huyệt bệnh nhân cảm thấy tự nhiên đau nhiều, có phản xạ chống đối ngay lập tức mặc dù bấm nhẹ, đó là phản ứng từ chối do thầy thuốc chọn huyệt sai không đúng với nhu cầu cần thiết của cơ thể, nếu cứ tiếp tục day bấm ở huyệt đó sẽ tạo ra phản ứng hóa học xấu. Còn có huyệt bệnh nhân cảm thấy đau chịu được, không có phản xạ chống đối, nếu thầy khí công sợ không dám bấm tiếp thì huyệt đó mớI chỉ truyền tín hiệu giao cảm báo đau, chưa tạo ra sự kích thích đủ để thần kinh vận động chuyển hóa khí, hệ nội dược chưa kịp tiết ra hormone để tạo ra một phản xạ chữa bệnh thì sẽ không có kết qủa.

Thí dụ như khi bấm vào huyệt Khí Hải,( dưới rốn 1,5 thốn) bệnh nhân bị đau, mình không dám bấm tiếp tục thì cơ thể không tạo ra thuốc chữa, nếu cứ bấm tiếp, bệnh nhân đau nhưng chịu được, dần dần hết đau và bệnh nhân cảm thấy có luồng khí ấm chuyển ra sau lưng vào huyệt Mệnh Môn sau lưng ( đối xứng với rốn ), sau đó bệnh nhân có cảm giác nơi huyệt Khí Hải hết đau tức, bụng dưới nhẹ nhõm không còn cảm giác căng đầy như lúc chưa bấm .

Khi bấm vào huyệt Quan Nguyên, duới rốn 3 thốn, phải thấy được hai bàn chân và ngón chân nhúc nhích, vì chức năng huyệt này là bổ huyết, dẫn máu xuống nuôi chân.

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Bấm hai huyệt Thái Khê, cạnh mắt cá chân trong, và huyệt Côn Lôn, cạnh mắt cá chân ngoài, khi nằm xấp, phải thấy được bàn chân và ngón chân bên kia nhúc nhích, chứng tỏ đường khí huyết dẫn truyền của hai huyệt đã đi thông suốt qua lưng, qua cột sống lên não, não nhận được tín hiệu, truyền phản xạ sang chân bên kia. Ngược lại nếu bấm hai huyệt bên đây mà không biết đau là hệ thống nhận tín hiệu giao cảm hư, chứng tỏ đoạn kinh dẫn truyền giao cảm hư, trong bệnh tê liệt, tổn thương não, nếu bệnh nhân kêu đau nhưng không có phản xạ là đường dẫn truyền phản xạ hư do bị bế tắc ở não hoặc ở trên đường kinh, còn nếu vừa biết đau vừa nhúc nhích chân bên đây mà không có phản xạ dẫn truyền sang chân bên kia là đường dẫn truyền phản xạ tắc do nửa bán cầu não bị tổn thương do máu vón, tắc mạch máu não.

Khi tắc mạch máu não, day bấm vào huyệt Chí Âm, đầu góc móng chân út phía ngoài để khai thông bế tắc làm tan máu bầm trên não,sẽ có cảm giác đau dẫn truyền lên não tạo phản xạ tức thời khiến chân bên kia co giật, nếu chân bên kia không co giật chứng tỏ máu tắc ở não qúa nhiều không thể thông bằng huyệt mà cần phải lấy máu bầm ra bằng phẫu thuật.

clip_image008

clip_image010

clip_image012

Cho nên cách chữa bệnh bằng khí công cũng dùng đến huyệt để chuyển nội khí hoặc truyền ngoại khí qua chức năng khí hóa của huyệt, nhưng phải dùng ý tập trung của bệnh nhân là chính. Có hai cách giúp cho ý phải tập trung vào huyệt :

Chủ ý : Khi bệnh nhân còn tỉnh táo, dặn bệnh nhân chú ý theo dõi nghe những biến đổi xảy ra nơi huyệt được kích thích, trước có cảm giác đau, từ từ giảm đau, trước có cảm giác huyệt lạnh sau có cảm giác nơi huyệt nóng dần, trước không nghe dưới huyệt máy động, sau nghe dưới huyệt máy động, nghe được nhịp đập của mạch từ nhẹ ,không đều, sau nghe tiếng đập lớn, rõ và đều, có luồng khí chạy lên hoặc chạy xuống, có cảm giác ngứa, cảm giác tê, cảm giác chảy mồ hôi.

Khách ý : Là thầy khí công chọn huyệt thích hợp như muốn cho khí thăng, khí giáng, tăng nhiệt, hạ nhiệt, từ huyệt đó, hoặc bấm tả hoặc day bấm bổ, khi tinh thần bệnh nhân suy nhược, sự khí hóa hư yếu sẽ không có một cảm giác nào, thầy khí công cứ kích thích trên huyệt ấy một lúc khiến bệnh nhân có cảm giác đau, có phản ứng phòng chống lại cái đau, như vậy thầy khí công đã giúp cho bệnh nhân biết đặt ý vào nơi đau để biến thành chủ ý để theo dõi những biến chuyển của huyệt như trên thì cơ thể mới tạo ra thuốc tự chữa bệnh.

Một số huyệt quan trọng chính mà khí công tự chữa bệnh hay dùng :

clip_image014

Huyệt Ủy Dương :
Khai thông Kinh Tam Tiêu ở huyệt Ủy Dương, sau nhượng gối phía ngoài, để thông khí huyết ba vùng: Vùng thượng tiêu từ hoành cách mô, tim phổi, lên đầu, ra hai tay. Vùng trung tiêu từ hoành cách mô xuống rốn bao gồm bao tử, lá mía, gan, mật, ruột non. Vùng hạ tiêu từ rốn xuống chân bao gồm ruột già, thận, bàng quang.

clip_image016

Huyệt Chiên Trung :
Là đại huyệt trên Mạch Nhâm (giao điểm đường nối hai núm vú với đường thẳng đứng gữa ngực ) giúp tăng cường tông khí cho phổi, sự hít thở của phổi trung bình 3 lít không khí gọi là phế khí chỉ đủ để hô hấp bình thường của một người khỏe mạnh, khác với tông khí là khí tăng cường và tích lũy của phổi khi có tập luyện như thể dục thể thao hay tập khí công giúp phổi thu được nhiều oxy hơn, khoảng 5 lít không khí trong buồng phổi, 2 lít thặng dư đó mới gọi là tông khí. Cốc khí chuyển hóa thành khí dinh dưỡng và khí bảo vệ đều chạy qua huyệt Chiên Trung, nên huyệt này khí công gọi là huyệt vinh-vệ khí. Tập hít thở hay day bấm bổ huyệt này giúp cho phổI hít thở được thêm nhiều oxy thặng dư thành tông khí giúp tăng cường khí dinh dưỡng, khí bảo vệ được mạnh hơn so với người thường, có nghĩa là hồng cầu nhiều hơn khiến đỏ da thắm thịt, tăng thêm khí huyết là làm tăng khí lực giúp cho hệ miễn nhiễm mạnh hơn để bảo vệ cơ thể, và nuôi dưỡng phát triển cơ thể.

clip_image018

Huyệt Trung Quản :
Là đại huyệt trên Mạch Nhâm ( điểm giữa của đoạn giao điểm hai xương sườn nơi ức xuống đến rốn), giúp tăng cường sự khí hóa của lục phủ ngũ tạng làm tốt tiêu hóa, tăng tính hấp thụ và chuyển hóa chất bổ từ thức ăn uống thành khí huyết và đào thải cặn bã nhanh xuống hạ tiêu.

clip_image019

Huyệt Khí Hải :
Là đại huyệt trên Mạch Nhâm ( ở dưới rốn1,5 thốn ), nơi tích lũy khí lực thuộc âm chân khí, sẽ được chuyển sang Mệnh Môn biến thành dương chân khí theo cột sống lên não qua thần đoạn để khí hóa thần, tăng cường cho thần kinh vững mạnh để chống mệt mỏi, suy nhược, bồi bổ nguyên khí âm dương cho thận.

clip_image020

Huyệt Mệnh Môn :
Là đại huyệt trên Mạch Đốc ở sau lưng trên đường giữa cột sống, đối xứng với rốn. Chức năng của huyệt là thu âm chân khí ở Khí Hải chuyển sang để biến đổi tinh, huyết thành dương chân khí nuôi xương, tủy, não, thay cũ đổi mớI tế bào và nuôi dưỡng thần kinh.

clip_image022

Huyệt Thận Du :
Hai huyệt Thận du trên thăn lưng song song với Mạch Đốc cách nhau 1,5thốn, ngang với huyệt Mệnh Môn, thuộc Kinh Bàng Quang, có chức năng bổ thủy tráng hỏa, điều hòa tinh chất, dịch chất, hormones,lượng nước, muối, chất khoáng, acide, đường, cho đúng và đủ với nhu cầu cần thiết của cơ thể và giúp cho chức năng thận âm dương khí hóa tốt. Thận du khí hóa hai chiều với Mệnh Môn. Một chiều chuyển hỏa khí từ Mệnh Môn vào thận âm để thận thủy âm hóa khí ( thủy dương) và điều thủy. Một mặt lấy thủy khí từ thận vào Mệnh Môn chuyển thành dương chân khí lên theo cột sống nuôi tủy sống, tủy não và thần kinh não tủy giúp cho Mệnh Môn thông với Khí Hải mới có thể kiểm soát và điều hòa được khí và huyết của vòng khí hóa Nhâm-Đốc.

clip_image024

Huyệt Chiếu Hải:

Khí công cũng chú trọng đến hai huyệt Âm Dương Kiều Mạch ở dưới hai mắt cá chân trong và ngoài là cầu nối của âm dương thận khí. Huyệt Chiếu Hải nằm trên Kinh Thận, dưới mắt cá chân trong 1 thốn, là huyệt khai mở của Âm Kiều Mạch.

clip_image026

Huyệt Thân Mạch:
Nằm trên Kinh Bàng Quang, dưới mắt cá chân ngoài 1 thốn, là huyệt khai mở của Dương Kiều Mạch. Hai mạch Âm dương kiều hoạt động mạnh, khí hóa tốt sẽ giúp cho âm dương trong cơ thể được quân bình, khí hóa thủy hỏa của tâm thận hòa hợp, vệ khí được tăng cường.

Những người có tập tĩnh công (khí công thiền), thì vòng âm dương Nhâm-Đốc được khai thông tự nhiên, lúc đó sẽ có luồng khí chạy theo vòng tiểu chu thiên (vòng khí hóa của Nhâm-Đốc) tạo ra khí bảo vệ cơ thể và điều hòa được sự khí hóa của tạng phủ. Khi cơ thể có bệnh, huyệt được chọn để kích thích sẽ có phản ứng nhanh, dễ lập lại trật tự quân bình sự khí hóa giúp mau khỏi bệnh hơn người khác..

Sau khi chữa bằng huyệt theo phương pháp khí công, cần phải duy trì sự khí hóa được đều đặn, liên tục, để tăng cường sự tuần hoàn cho khí huyết thông suốt và để đề phòng tránh bị bế tắc trở lại, chúng ta cần phải tập động công, tùy theo mỗi bệnh có những thế tập khác nhau.

Tóm lại chữa bệnh bằng khí công phải phối hợp cả ba phương pháp một lúc là khai thông kinh, huyệt, tập tĩnh công, tập động công.

Bệnh nhân sau khi được chữa bằng huyệt để giải khai những bế tắc, đã lập lại quân bình sự khí hóa của âm dương ngũ tạng lục phủ, về nhà bệnh nhân tự mình có thể tiếp tục tự chữa cho mình bằng cách tập thở tĩnh công để giảm đau, an thần, ổn định thần kinh, ngủ ngon, tăng hồng cầu, tăng cường hệ miễn nhiễm, hấp thụ, tiêu hóa và chuyển hóa chất bổ để nuôi dưỡng cơ thể, và tập động công để khí huyết lưu thông dễ dàng giúp bệnh mau bình phục và tăng cường sức khỏe.

doducngoc