Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Những bệnh nào có thể dùng thuốc Phụ Tử Lý Trung Hoàn

Bệnh Dương Nuy

Minh có người anh 43 tuổi có triệu chứng đi tiêu chảy buổi sáng sớm, gặp phụ nữ thì không có hứng thú với chuyện tình dục hoặc đang giao hợp thì xìu xuống, thường hay đổ mồ hơi (tự hãn),hay tê tay chân và có khi tê luôn dương vật, theo Minh nghĩ có thể anh ấy thuộc thể thận dương hư kèm khí huyết ứ trệ, Minh xin thỉnh giáo ý kiến các Vị Lương Y có phải là thể thận dương hư không? Nếu cần khai thác thêm triệu chứng gì để chuẩn đoán không?và nếu thể thận dương hư thì mình có thể sư dụng bài Bát vị quế phụ không (anh ấy không có cao huyết áp).
Xin Cảm ơn

--------------------------------------------------------------------------

Chào bạn Minh102c
Trong này có thầy Luanle và thầy Đỗ đức Ngọc có thể giúp bạn. Vậy bạn hãy vui lòng chờ đợi và nhanh chóng trả lời những yêu cầu về bệnh lý của người anh để hai vị này khỏi mất thời gian.
Thí dụ : Trước khi xảy ra những triệu chứng trên , sức khoẻ anh ta thế nào? Bình thường? hay cơ thể tàn tật ốm yếu từ nhỏ. Hoặc vừa trải qua một cơn bạo bệnh và mới khỏi. Có bị bệnh tâm thần không hay có bị bệnh trầm cảm không?
Bị tiêu chảy hay bị chứng đi phân lỏng? Bao nhiêu lần một ngày?
Ăn uống có ngon miệng không, ngủ có đủ giấc không. Có vợ chưa hay độc thân. Trước khi xảy ra bệnh có hứng thú về tình dục không? ( Thủ dâm quá độ cũng gây ra chứng dương bất cử khi gặp hồng nhan, hoặc sử dụng thuốc kích dâm cũng gây ra chứng tê dương vật )
Đã từng uống những loại thuốc gì Tây Y ( kể tên thuốc ra )? Đông Y ( kê tên thuốc ra liều lượng )
Bạn kể vắn tắc quá mấy thầy muốn giúp cũng khó khăn
Bạn ghi là Dương nuy? Có phải ý bạn nói là Dương suy không? Nếu đúng thì bạn sửa lại nhé. Lần đầu tiên tôi thấy chử Dương Nuy nên không biết là nghĩa gì
Mến
Trái Sầu Riêng
---------------------------------------------------------------------------

Trước tiên Minh Cám ơn Trái Sầu Riêng đã quan tâm chỉ giáo.
Sức khoẻ ông anh Minh trước giờ bình thường không bệnh tật hay ốm yếu gì hết
Anh ấy không bị tâm thần hay trầm cảm. Anh ấy đi tiêu chảy, thường vào1 lần buổi sáng sớm,ăn uống bình thường nhưng không thích ăn mỡ hôm qua mình quên đề cập anh ấy đi xét nghiệm triglycerid và cholesterol máu tăng nhẹ. Ngủ thường không đủ giấc vì nghề anh ấy là tài xế, anh ấy có vợ rồi và trước khi bệnh vẫn có hứng thú với chuyện tình dục, Ảnh nói hồi lúc 20 tuổi 1 ngày quan hệ hơn 7 lần mà không thấy bị gì cả.
Anh chưa dùng thuốc tây điều tri, nhưng dùng các thuốc bổ thận theo đông y(anh ta không nói rõ thuốc gì) thì đều bị xuất tinh sớm hay di tinh
Chữ Dương Nuy mình viết vì mình đã từng đọc qua tài liệu y học cổ truyền trong sách diễn tả :
Dương vật xìu không lên khi quan hệ hoặc đang quan hệ không cương cứng được gọi là dương nuy. Nếu có gì
sai xin các thầy chỉ giúp
Xin Cảm ơn
---------------------------------------------------------------------------

Chào bạn Minh102c,
Cám ơn anh TSR đã đặt câu hỏi và 'săn sóc' cho Minh .
Theo như Minh đã tả, tôi nghĩ cũng như M. là ông anh bị thận dương suy yếu, khí yếu với các triệu chứng như đi tiêu lỏng, đổ mồ hôi, liệt dương,... Bị bệnh này thì dùng bài bát vị quế phụ để bổ thận dương là đúng.
Cần phải định bệnh chính xác vì hai loại bệnh (thận dương thận âm) dùng thuốc khác nhau. Nếu muốn kiểm lại tiệu chứng cho chắc ăn thì có thể so sánh với các hội chứng về thận âm và dương như sau :

- Thận âm hư có các triệu chứng biểu hiện ra trên lâm sàng như: bứt rứt, hồi hộp, khó ngủ, người mau quên, tiểu nhiều vào ban đêm, đau lưng, mỏi gối, ù tai, giảm thính lực, hoa mắt, nóng về đêm, ra mồ hôi trộm, người khô khát, cầu táo, tiểu vàng, huyết áp dao động, lòng bàn tay, bàn chân nóng... còn gọi là "Âm hư sinh nội nhiệt". Nhất là quan hệ tình dục không có "lực" hay mất sức, xuất tinh sớm, dù người đàn ông có muốn chăng nữa, nhưng "nó" vẫn không thể làm theo ý muốn

- Thận dương hư, người đàn ông sẽ có một số triệu chứng trên lâm sàng như: thận âm hư, và những biểu hiện nổi bật như di tinh, hoạt tinh, dương nuy bất cử, giao hợp hay bị tình trạng xuất tinh sớm, "không lực", nước tiểu trong dài, tiểu về đêm nhiều, người cảm thấy lành lạnh ở phần thắt lưng và hai chân, hay bị rối loạn tiêu hóa và thường đi cầu vào lúc sáng sớm, có khi lạnh buốt hai chân, lòng bàn tay, bàn chân hay lạnh - tình trạng "Dương hư sinh ngoại hàn".
- Nguồn:h**p://www6.thanhnien.com.vn/TNTS/2008/8/8/255132.tno

Nếu Minh cho biết thêm ông anh đã dùng loại thuốc gì để bổ thận mà bị xuất tinh sớm thì sẽ giúp cho việc chẩn đoán thêm chính xác hơn.
- Nếu lưỡi bị trắng và đóng bợn thì cũng cần phải chữa thêm tỳ vị và bổ khí mới mau khỏi .
Tôi thì nghi ngờ ông anh bị bệnh tỳ vị và cả hai trái thận đều yếu bởi vì theo lời mô tả của ổng (lúc 20 tuổi 1 ngày quan hệ hơn 7 lần ... ) thì có lẽ ổng sử dụng bộ máy nhiều quá cho nên nó mau 'rệu' . Chiếc xe hơi chạy vài trăm ngàn cây là hết, nên nhớ là trái tim ta chỉ đập được bao nhiêu vạn lần mà thôi, và thận của ta cũng chỉ lọc từ máu được một số lượng tinh giới hạn nào mà thôi, sử dụng nhiều quá thì thận chịu không nổi, sẽ bị 'lủng' (di tinh,...).
- Những bệnh do tà khí làm ô nhiễm thì dễ trị hơn, còn những bệnh do cái tánh sanh thì rất khó trị. Điển hình như các ông vua ngày xưa có rất nhiều thầy thuốc giỏi hầu hạ nhưng ông nào cũng mất sớm vì có cả ngàn cung nữ phục vụ.
Luanle

---------------------------------------------------------------------------

Phần phân tích theo Đông Y Khí Công :

Theo định nghĩa Dương Nuy (nuy là teo) là liệt dương, dương sự bất cử. Nguyên nhân do tình dục qúa độ, hoặc thủ dâm làm tinh khí cạn kiệt, mệnh môn hỏa hư không tạo ra tinh, thường mỏi mệt, choáng váng, lưng chân mềm yếu. Một nguyên nhân khác cũng làm cho Mệnh môn hỏa suy yếu là Tâm-Tỳ bị tổn hại, bệnh nhân làm nghề lái taxi, giờ giấc bất thường, có tình trạng bệnh thuộc ngũ lao, như tâm lao thì hại huyết, can lao thì hại thần, tỳ lao hại tiêu hóa ăn không hấp thụ chất bổ, phế lao hại khí, thận lao hại tinh. Năm nguyên nhân dẫn đến ngũ lao, như nhìn lâu hại huyết (tâm), nằm lâu hại khí (phế), ngồi lâu hại cơ nhục (tỳ), đứng lâu hại xương (thận), đi lâu hại gân (gan). Tâm tỳ bệnh cũng còn do nguyên nhân tư lự, lo lắng, giấc ngủ không yên. Thận bệnh do sợ hãi. Triệu chứng đi tiêu chảy vào buổi sáng là thận hư.

Lý luận ngũ hành : Mệnh môn hỏa hư do Tâm Thận bất giao. Tâm hỏa không đủ khí dẫn xuống Mệnh môn tam tiêu để giúp thận âm chuyển hóa. Tâm hư do Tỳ hư vì phải nuôi Tỳ theo quan hệ Mẹ con, nên không còn khí lực giùp Mệnh môn chuyên hoá. Mặt khác thận âm hư vì tinh cạn kiệt lại do phế khí suy nguyên nhân do Tỳ không nuôi phế. Chức năng tỳ hư thì tiêu chảy, tâm hư thi người lạnh, thận hư thì đi tiêu vào lúc sáng sớm.
Bệnh để lâu không chữa đúng gốc bệnh sau này sinh biến chứng Tâm-Phế-Tỳ-Thận hư sẽ phải bị lọc thận.

Nguyên tắc chữa bệnh theo đông y khí công :
Làm mạnh tỳ vị thổ để dưỡng tâm hỏa, thổ là mẹ của kim, giúp phế kim mạnh sinh thận thủy âm và điều dương khí cho đại trường. Dùng Phụ tử tăng hỏa cho Tâm, tiểu trường, Tam tiêu, Mệnh môn để giúp chuyển hóa thận âm hóa khí làm thận dương mạnh, làm điều chỉnh chức năng khí hóa của 12 kinh mạch được điều hòa khiến cho các triệu chứng của bệnh nhân đã kể ở trên dần dần biến mất.

Cách chữa : Dùng Bổ trung ích khí là đúng bệnh, nhưng kết qủa chậm, vì không tăng được hỏa của Tâm và tam tiêu mệnh môn giúp chuyển hóa và phục hồi chức năng Tâm-Thận. Phải dùng bài thuốc : Phụ Tử Lý Trung Hoàn, có bán sẵn ở tiệm thuốc bắc dưới tên thương mại : FU TZU LI CHUNG WAN, loại thuốc tễ được bào chế theo toa thuốc căn bản (academic) Phụ Tử Lý Trung thang nổi tiếng hơn một ngàn năm đến nay.

Thành phần thuốc :Phụ Tử Lý Trung Thang
Bạch Truật   12g
Chích thảo     4g
Phụ tử chế     2g
Càn khương   8g
Đảng sâm    20g

Cách dùng : Đổ 4 chén nước sắc cạn còn 1 chén. Mỗi ngày uống 1 thang khi còn ấm vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Phân tích thành phần tính dược của toa thuốc theo đông-tây y :

Bạch truật :

Phân tích công dụng của Bạch truật theo tây y :
Tên khoa học là Atractylodes macrocephala Koidz.,bộ phận dùng là rễ củ, vỏ mầu nâu, ruột trắng ngà ức chế vi khuẩn gây ra bệnh ngoài da, nước sắc của bạch truật có chất glucoside kali atractylat làm hạ đường huyết trong gan xuống thấp có thể tới mức gây co giật, nhưng lượng glycogen trong tim hơi tăng, ức chế sự đông máu, tăng chức năng hoạt động của gan, chống loét các cơ quan thuộc đường tiêu hóa, chống viêm khớp.

Phân tích theo đông y :
Bạch truật có mùi thơm nhẹ, vị ngọt đắng, tính ấm, kiện tỳ, táo thấp, hòa trung, lợi tiểu, giảm phù nhẹ, an thai, chống loét dạ dày, tăng cường chức năng giải độc của gan và chống viêm, nếu bạch truật sao chế với giấm sẽ làm tăng tiết mật. Đông y xem nó như là một loại thuốc bổ chữa các bệnh hư chứng như đau bao tử, giảm đau bụng đầy trướng có cảm giác nóng rát vùng thượng vị làm nôn mửa, giúp ăn được, chữa bệnh chậm tiêu, thấp nhiệt, tiêu chảy phân sống, viêm ruột mãn tính, chữa sốt ra mồ hôi.
Ngày dùng 1,5-3,0 chỉ ( 6g-12g )sắc nước uống.

Chống chỉ định :

Người có bệnh đau bụng do âm hư nhiệt trướng, táo bón, háo khát không dùng được.

Chích thảo :

Phân tích công dụng của cam thảo theo tây y :
Có hai loại mang tên khoa học Glycyrrhiza uralensis Fisch. và G. glabra L. Chứa 4-6% chất vô cơ carbohydrat ( glucose và saccharose ), 3-5% manitol, tinh bột 25-30%, lipid 0,5-1%, asparagin 2-4%, nhựa 5%, có độ ngọt gấp 60 lần saccharose, nếu phối hợp với mía độ ngọt có thể tăng gấp 100 lần. Glycyrhizin gồm có 2 phân tử acid glucuronic và 1 phân tử acid glycyrhetic cấu tạo gần giống như cortisone có nhiều đồng phân chữa được bệnh Addison, có tác dụng chuyển hóa các chất điện giải, giữ natri và clorid trong cơ thể làm tăng áp huyết, giúp sự bài tiết kali. Ở trong cây, glycyrhizin tồn tại ở dạng muối Ca và Mg. Cam thảo có tác dụng gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, giảm thể nhiệt, giảm hô hấp, giảm ho, giải co thắt cơ trơn, chữa loét đường tiêu hóa bao tử và ruột, bảo vệ gan khi bị viêm gan, tăng tiết mật, chống dị ứng, giải độc mạnh đối với độc tố của bạch cầu, của cá, của nọc rắn, của strychnine, của uốn ván, của cocain và clhorat hydrate. Cam thảo dùng chung với cortisone làm giảm tác dụng của cortisone.

Phân tích theo đông y :
Rễ cam thảo bắc vị ngọt, tính bình, để sống có tác dụng giải độc, tả hỏa, chích cam thảo loại tẩm mật sao vàng có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Riêng cam thảo chữa cảm ho, mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau bao tử, ỉa chảy, ngộ độc. Chích cam thảo bổ tỳ vị hư nhược, ỉa lỏng, thân thể mệt mỏi, kém ăn.

Phụ tử chế :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Aconitum fortunei, tên gọi Ô đầu, tên khác là Phụ tử, Xuyên ô…
Tây y chế Ô đầu dùng làm thuốc chữa ho sưng đau dưới dạng elixir có độc xếp loại bảng A, khi dùng phải cẩn thận. Theo kết qủa thử nghiệm của tây y :

1-Tác dụng với tim mạch :
Chất aconitine rất độc đối với tim, biểu hiện trên điện tâm đồ đầu tiên làm giảm nhịp tim sau đó dẫn truyền nhị thất bị phong bế, xuất hiện ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất, cuối cùng tim ngừng đập do tính hưng phấn của cơ tim tăng cao. Nhưng sản phẩm thủy phân của aconitine là aconine lại có tác dụng cường tim và độc tố của nó rất thấp không đáng kể 1/400. Trong Ô đầu có nồng độ Ca++ 0,24% , nhưng dùng các biện pháp hóa học loại Ca++ thì tác dụng cường tim biến mất và giảm độc tính.

2-Tác dụng với áp huyết :
Nước sắc phụ tử gây giãn mạch máu và mạch vành nên làm hạ áp huyết được một thời gian ngắn. Phụ tử có thành phần Ester có tác dụng tăng cường chuyển hóa lipid no và cholesterol, làm giảm hiện tượng lipid bám vào vách thành mạch, giảm lipid và cholesterol trong máu dùng trong điều trị xơ vữa động mạch vành có kết qủa.

3-Tác dụng giảm đau :

Alcaloid trong phụ tử có tác dụng giảm đau, ức chế dẫn truyền các xung thần kinh. Với liều cao làm tê liệt thần kinh mất khả năng dẫn truyền.

4-Tác dụng với hệ thần kinh :

Phụ tử gây cảm giác kích thích da nóng và bị ngứa. Liếu cao gây tê dại và ức chế trung khu hô hấp.

5-Tác dụng chống viêm :

Alcaloid có tác dụng ức chế hiện tượng tăng tính thẩm thấu của thành mạch, có tác dụng chống viêm khớp và sưng phù bàn chân, làm giảm lượng acid ascorbic trong tuyến thượng thận, làm giảm lượng bạch cầu ưa acid trong máu ngoại vi do phụ tử kích tuyến thượng thận để chống viêm có hiệu qủa.

6-Các tác dụng khác :

Alcaloid của phụ tử thúc đẩu qúa trình sinh tổng hợp protein RNA trong tế bào gan bằng  cách tăng cường hoạt độ men RNA polymerase. Chất glycan của Ô đầu như aconitan A,B,C,D có tác dụng làm hạ đường huyết.

7-Liều độc của Ô đầu 5-15g, phụ tử 25-100g aconitine. Triệu chứng ngộ độc như lưỡi tê, chảy nước bọt, nôn mửa, đi cầu, đau đầu chóng mặt, môi và chân tay tái tím, mạch chậm yếu, hô hấp khó khăn, thần trí không minh mẫn, tiêu tiểu không ự chủ, huyết áp hạ nhanh, than nhiệt thấp, loạn nhịp tim.

Trên lâm sàng tây y dùng Atropin hay Chlorid calci để giải do ngộ độc phụ tử. Qua thử nghiệm, phụ tử nấu chung với Cam thảo và gừng khô (Càn khương) làm giảm được độc tố của phụ tử rất nhiều.

Phân tích theo đông y :
Phụ tử là những củ nhánh bám vào một củ lớn tên là Ô đầu, khí nóng, vị cay, ngọt, rất độc được tây y xếp vào loại độc bảng A, tính của Phụ tử kỵ với 5 vị thuốc khác không được dùng chung như  Bán Hạ, Qua lâu, Bối mẫu, Bạch liễm, Bạch cập. Phụ tử sản xuất ở Tứ Xuyên, sắc đen, da mỏng, sớ thịt nhỏ mà chắc, được gọi là Hắc Phụ Tử. Củ to khi còn tươi nặng hơn 2 lạng. Vì nó có độc nên được chế biến cho hết độc, trọng lượng chỉ còn lại 1/4 gọi là Phụ tử chế.

Cách chế : Ngâm Phụ tử vào nước sôi cho bở ra, gọt bỏ vỏ, cắt núm, bổ ra làm 2-3 miếng nhỏ rửa sạch lại bằng nước muối, mỗi ngày ngâm nước sôi, rửa nước muối một lần trong 10 ngày, sau đó đem phơi ráo rồi thái mỏng, bỏ vào chảo đất sao cho chin làm mất chất độc, rồi tẩm với Cam thảo và đậu đen để giải độc xong đem phơi hay sấy khô trước khi dùng. (Muối ngâm để rút chất độc của Phụ tử rất độc, ăn phải muối này sẽ chết không cứu được).

Phụ tử chế dùng để cứu cấp những bệnh nan y do tính khí của nó chạy khắp mọi chỗ trong kinh mạch, không nơi nào mà không đến được. Công dụng của Phụ tử chế theo kinh nghiệm của đông y, dùng để chữa các bệnh cấp cứu hồi dương sau đây :
Người mất sức nóng, cơ thể tứ chi lạnh dần, dương khí thoát, hơi thở lạnh, đại tiểu tiện không cầm, mất mạch dần, không đo bắt được mạch đập, chân tay môi miệng lạnh thâm, thần kinh vận động tê mất cảm giác, mất tri giác, da nổi gân xanh, sút kém thể lực, da thịt nhẽo, tạng phủ mất chức năng hấp thụ và chuyển hóa, thận không lọc đi tiểu ra trắng trong không mùi khai mà như mùi nước gạo thối, thoát dương lạnh trong ruột lạnh ra, đi tả như tháo chảy, phổi lạnh suyễn hơi thở ra lạnh, trúng phong mê man bất tỉnh, xuất mồ hôi lạnh, trong ngoài tạng phủ đều lạnh.

Rất tốt để phục hồi chân hỏa của Mệnh môn, Kinh Tam tiêu, thong 12 kinh lạc, trục phong hàn thấp tà, ho hắng khí nghịch do thời tiết lạnh, chân tay lạnh co quắp yếu không cử động, trục những bệnh trưng hà (một loại ung thư của tây y là những khối u đóng cục do hàn kết ở bụng), làm ấm tỳ vị, đau bụng lạnh ói ra giun, bế kinh do huyết hàn, cột sống lưng đau cứng lạnh toát do hàn. Chức năng chính của nó là công tà phục hồi chính khí.

Phụ tử và Nhân sâm là hai vị thuốc phối hợp theo Quân thần, các vị khác dùng làm Tá, Sứ, nhưng tính khí của Phụ tử rất mạnh, chỉ dùng phân lượng ít, Khi dùng nó một thời gian thấy cơ thể nóng, chóng mặt nhức đầu, táo bón là phải ngưng, không cần thiết phải dùng đến Phụ tử.

Chống chỉ định :

Chứng âm hư nội nhiệt, nhiệt giả hàn và phụ nữ có thai không dùng được, vì tính nóng, chạy mạnh sẽ làm hư thai.

Càn khương :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Zingiber officinale Roscoe, theo kinh nghiệm thử nghiệm của tây y, gừng có tác dụng :
Chất Cineol của gừng gây giãn mạch, tăng tỷ lệ protein toàn phần và gamma globulin, ức chế hoạt tính của histamine và acetylcholin giảm mức độ co thắt cơ trơn ruột, giảm cơn dị ứng, diệt khuẩn. Bột rễ gừng có tác dụng chữa mắt hột tốt hơn nhiều thuốc khác làm giác mạc bị biến đổi trở nên trong, làm tăng hoạt tính sống của mô mắt, giảm sự thẩm thấu dưới niêm mạc, trong gừng có yếu tố kháng histamin, ức chế thần kinh trung ương, tăng thờI gian gây ngủ của thuốc barbituric, chất shogaol và gingerol làm giảm sốt, giảm đau, giảm ho, chống co thắt, chống nôn, chống loét đường tiêu hóa, kích thích tuyến nước bọt, tăng vận chuyển bari sulfat trong đường tiêu hóa, ức chế tăng tính thẩm thấu các mao quản để chống viêm. Nếu ăn gừng cùng với những thức ăn có cholesterol thì gừng làm ngăn chặn sự tăng cholesterol trong máu, ức hế những thương tổn trong bao tử, kích thích bao tử dễ tiêu hóa, chống say sóng, ức chế men cyclooxygenase, điều hòa và kích thích miễn dịch

Phân tích theo đông y :
Gừng có tác dụng ôn trung, trục hàn, hồi dương, thông mạch. Công dụng theo từng loại:
1-Gừng tươi (sinh khương) vị cay, nóng, mùi thơm, tính ấm. Dùng để chữa cảm mạo phong hàn, nhức đầu, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, bụng đầy trướng, sát trùng, giải độc ngứa do vị thuốc bán hạ gây ra hay giải độc do cua, cá, chim, thú độc.. Dùng làm thuốc xoa bóp chữa sưng phù, đắp ngoài vết thương. Dùng làm gia vị kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết.
2-Gừng khô (càn khương) vị cay, nóng, mùi thơm hắc. Chữa đau bụng lạnh, bụng đầy trướng không tiêu, thổ tả, chân tay gía lạnh, mạch nhỏ, đàm ẩm, ho suyễn, thấp khớp.
3-Gừng nướng (bào khương) vị cay, đắng, tính đại nhiệt. Chữa đau bụng, bụng lạnh tiêu chảy nhiều.
4-Gừng đốt cháy tán thành bột (thán khương) vị cay, mùi thơm hắc, tính ấm.Chữa đau bụng lạnh, máu hàn, tay chân lạnh, nhức mỏi, tê bại, băng huyết.
5-Vỏ gừng (bì khương): vị cay, mát. Chữa phù thủng.
6-Lá gừng : Dùng để bọc thức ăn chống hư thối.
Chống chỉ định :Những bệnh như âm hư nội nhiệt sinh ho, biểu hư làm ra mồ hôi nhiều hoặc mất máu không nên dùng.

Đảng sâm :

Phân tích công dụng của đảng sâm  theo tây y :
Tên khoa học Codonopsis javanica (Blume) Hook.f. Rễ chứa đường, chất béo, không có saponin, người ta chiết xuất được triterpenglucoside và đặc biệt là các polysaccharide có tác dụng lên hệ miễn dịch, chống viêm, tăng chức năng tủy xương sinh sản tế bào có hoạt tính miễn dịch và dưỡng bào, tăng hồng cầu, giảm bạch cầu, hạ áp huyết ngoại vi và ức chế tác dụng gây tăng áp huyết của adrenalin.

Phân tích theo đông y :
Rễ đảng sâm có vị ngọt, tính bình, có tác dụng chữa tỳ vị suy nhược, phế khí kém, biếng ăn, đại tiện lỏng, thiếu máu, vàng da, tăng bạch cầu, viêm thận, nước tiểu có albumin, chân phù đau.

Ghi chú :
Những bệnh nhân đang bị lọc thận một tuần 3 lần, mà có những triệu chứng như chỉ mành treo chuông, cơ thể từ từ suy nhược, tinh thần giảm sút, mắt mất thần, người lạnh, ăn uống suy giảm, mất ngủ, mạch nhỏ, cơ thể trơ xương nhưng chân tay và mặt phù thủng to phình ra do ứ nước, không đi đứng cử động được. Đông y thường dùng Phụ Tử Lý Trung Hoàn để cứu tử hồi sinh, các triệu chứng trên sẽ biến mất. Đã có nhiều bệnh nhân được bác sĩ cho giảm dần số lần lọc thận, cho đến khi khỏi hoàn toàn không cần thiết phải lọc thận nữa. Cơ thể khỏe mạnh, ăn uống đi lại bình thường.

Những Thầy thuốc đông y giỏi đã biết phân tích tính khí vị của thuốc và lý luận ngũ hành để chọn thuốc chữa gốc bệnh, và nguyên nhân gây ra bệnh. Nên những triệu chứng của bệnh trên cần phải phục hồi chức năng tỳ vị để chữa gốc bệnh, mặc dù sự chỉ dẫn trên toa thuốc FU TZU LI CHUNG WAN ghi chủ trị chỉ có một vài bệnh tượng trưng như các bệnh gastric debility, dyspepsia, asthma, abdominal ache, vertigo...là do yêu cầu của Cơ Quan Y Tế, và trong thành phần toa thuốc không ghi chữ Phụ Tử là chất độc bảng A theo Tây y, nên được ghi thay thế bằng chữ Quế.
Thị trường có nhiều loại Phụ Tử Lý Trung Hoàn do nhiều Hãng Dược khác nhau sản xuất nhưng công hiệu để chữa bệnh giống nhau.

doducngoc