Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

CCĐY 5 – CHỮA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG VÀ BIẾN CHỨNG

Phân tích những bài thuốc kinh nghiệm đông y : Chữa bệnh tiểu đường và biến chứng

Chúng ta thường có thói quen khi bị bệnh, gặp bạn bè hay người thân thuộc chỉ mách cho một toa thuốc gia truyền của gia đình đã từng chữa khỏi giống như bệnh mà mình đang mắc phải để mình uống thử xem sao. Đôi khi mình dùng may ra khỏi bệnh, có khi lại không thấy bớt mà không hiểu tại sao.

Vì toa thuốc được viết ra sau khi thầy thuốc đã chẩn mạch chỉ áp dụng riêng cho bệnh nhân đó, dựa trên những biến đổi rối loạn chức năng phủ tạng của mỗi người mỗi khác. Thầy thuốc đông y giỏi vừa phải biết tìm ra sự mất quân bình khí hóa của tạng phủ nào theo bát cương về khí, huyết, hư thực, hàn nhiệt, biểu lý, vừa phải biết tính dược của loại cây cỏ nào về tính, khí, vị từng loại, liều lượng bao nhiêu cho vào cơ thể để tái lập lại quân bình khí hóa chức năng tạng phủ, như thế thì bệnh sẽ hết.

Nếu những bài thuốc đó có kết qủa, mà đem áp dụng lại cho những bệnh nhân khác có cùng bệnh chứng và mạch bệnh mà thầy thuốc cho là giống nhau, lại có kết qủa như thế từ đời này sang đời khác, thì đó chính là những bài thuốc kinh nghiệm nhân gian.

Một thầy thuốc giỏi, sau khi đã chẩn bệnh bắt mạch cho một bệnh nhân, nếu bệnh nhân đưa cho thầy thuốc một toa thuốc gia truyền hay toa thuốc kinh nghiệm mà bạn mình uống đã khỏi bệnh, để hỏi thử thầy thuốc xem mình có dùng được không, thầy thuốc cũng phải đối chứng vị thuốc trong toa có phù hợp với chứng bệnh của người bệnh không mới quyết định cho dùng hay không, và thầy thuốc phải giải thích tại sao dùng được hay tại sao không dùng được. Cho nên chúng ta không phải là thầy thuốc làm sao dám bảo đảm toa thuốc kinh nghiệm nhân gian ấy có hợp với bệnh của bạn mình hay không mà mách giúp. Bởi lẽ đó mà những bài thuốc kinh nghiệm nhân gian dần dần mất đi sự tin cậy của bệnh nhân.

May mắn thay, ngày nay khoa học tiến bộ, ngành khoa học thực nghiệm tiến vào lãnh vực phân chất dược tính cây cỏ và trải qua nhiều cuộc thử nghiệm đã cho thấy nhiều kết qủa đáng tin cậy, thí dụ ngày xưa một người bệnh có triệu chứng cổ khô khát, uống nhiều không đã khát, người nóng, đầu căng, da đỏ khô ngứa, gãi xước da, vết xước lâu lành, những dấu hiệu đó ngày nay tây y cho thử máu và đo áp huyết sẽ kết luận là bệnh tiểu đường và áp huyết cao, nhưng thầy thuốc đông y không gọi tên bệnh như tây y, mà gọi theo chứng bệnh của tạng phủ, thí dụ như chứng nhiệt thịnh nội táo, chứng khí âm lưỡng hư, chứng can thậm âm hư, chứng âm dương lưỡng hư, chứng tiêu khát...và cho toa thuốc phù hợp với chứng bệnh, bệnh nhân được khỏi bệnh mà không cần biết con số chính xác áp huyết cao bao nhiêu, lượng đường trong máu bao nhiêu. Những vị thuốc trong toa được tây y đem phân chất, thí nghiệm trên thỏ, tiêm vào thỏ cho tăng lượng đường trong máu hay cho tăng áp huyết, sau đó chích vào thỏ dung dịch chiết suất từ dược thảo mà đông y dùng, đều nhận thấy hoạt chất trong dược thảo ấy có tác dụng làm giảm đường huyết hoặc làm hạ áp huyết. Cứ tiếp tục thử nghiệm trên nhiều vị thuốc đông y khác, các nhà khoa học trên khắp thế giới có nhiều những cuộc thử nghiệm khác nhau đều cho những kết qủa giống nhau về tính dược đông y theo tiêu chuẩn tây y. Những hiểu biết về tính dược đông y do kinh nghiệm chữa bệnh nhiều đời để lại, tuy là những câu rất ngắn ngủi nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa rất có giá trị cho các thầy thuốc đời sau dùng để đối chứng trị liệu lâm sàng. Còn đối với chúng ta, nhờ có những phân tích theo tây y cho từng loại dược thảo ghi trong bài thuốc kinh nghiệm nhân gian, chúng ta mới có thể tự mình so sánh lợi hại để ứng dụng xem bài thuốc nào phù hợp với chứng bệnh của mình một cách tương đối chính xác đáng tin cậy hơn. Nhưng trước hết chúng ta phải biết triệu chứng bệnh như thế nào mới gọi là bệnh tiểu đường, bệnh đang ở giai đoạn nào, và nguyên nhân tại sao gây ra bệnh tiểu đường theo cách nhìn tổng hợp của đông tây y :

I- DẤU HIỆU CỦA NGƯỜI SẮP BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG.

Bệnh tiểu đường là một loại bệnh thuộc về dinh dưỡng thường gặp ở lứa tuổi 40 trở lên, đông y gọi là bệnh Tiêu khát và Đái tháo đường.

Dấu hiệu ở đàn ông, tự nhiên mập phì ở vai, cổ và ngực.

Dấu hiệu ở phụ nữ tự nhiên béo phì ở háng, đùi, hoặc béo phì ở mặt, cổ và trên thân mình có vết rạn da mầu tía kèm theo huyết áp cao.

A- NGUYÊN NHÂN :

1- Ăn nhiều chất ngọt, kẹo, bánh mứt, chocolat, trái cây đóng hộp, rượu, nước ngọt, thói quen uống nước nhiều.. tất cả những yếu tố trên làm tăng cân, nhưng ít vận động chân tay để chuyển hóa năng lượng dư thừa của cơ thể.

2- Do chấn thương sọ não, do đụng chạm tổn thương tủy sống, do thời kỳ thai nghén ăn dư thừa chất bột, chất đường, chất béo.

3- Do biến chứng của bệnh quai bị, thương hàn, bệnh lao.

4- Do xáo trộn tuyến nội tiết như bệnh cường giáp làm tăng calci gây ra bướu cổ.

5- Do bệnh ở tụy tạng thuộc tỳ không thu nạp chất ngọt được.

6- Do xáo trộn sự chuyển hóa của gan, trong gan có nhiều độc tố như rượu, cà phê, thuốc lá, cholesterol, làm gan tăng chuyển hóa đường vào máu dư thừa.

7- Do tăng đường huyết nguyên nhân do tăng tiết hormone glucocorticoid của vỏ tuyến thượng thận thuộc hội chứng Cushing có dấu hiệu loãng xương, mệt mỏi, teo cơ, rậm lông ở mặt.

8- Do lạm dụng thuốc corticoid, ACTH, và thuốc lợi tiểu.

B- TRIỆU CHỨNG chung :

Khi bệnh còn nhẹ, cơ thể bình thường không có triệu chứng gì khó chịu, chỉ khi nào thử máu và nước tiểu lúc đó mới biết mình có bệnh tiểu đường.

Cơ thể lúc đói, bình thường lượng đường trong máu từ 0,8 -1,0 gram/lít. Khi bị bệnh, đường trong máu sẽ có từ 1,5-3,0 gram/lít và đường trong nước tiểu từ vài gram đến 100 gram/lít.

Trường hợp không phát giác kịp để điều chỉnh lại vấn đề ăn uống, bệnh sẽ tiến triển và hiện rõ những dấu hiệu đông y gọi là BA NHIỀU : Khát nước uống nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều.

Khát, uống nhiều : Người bị bệnh tiểu đường cảm thấy khô họng khát nước, cơ thể bắt phải uống nước rất nhiều trong ngày .

Ăn nhiều : Ăn rất nhiều mà cơ thể cứ suy yếu dần đến gầy ốm, sức khỏe yếu, tình dục yếu kém.

Tiểu nhiều : Tiểu ra từ 2 đến 10 lít nước tiểu mỗi ngày, khi tiểu nước tiểu nổi bọt lâu tan nhất là lần tiểu đầu trong ngày vào buổi sáng ,bọt nổi lên sau hơn nửa giờ mới tan. Khi bệnh nặng hơn thì số lượng nước tiểu ra nhiều hơn số lượng nước uống vào làm cơ thể suy nhược gầy ốm do mất nước.

C- BIẾN CHỨNG :

Bệnh tiểu đường có thể sẽ kèm theo những biến chứng hại đến chức năng của thận như bị ngứa vùng cơ quan sinh dục, nếu hại đến chức năng của gan sẽ làm mờ mắt, đau võng mạc, mắt kéo mây, mắt cườm, glocôme, nếu hại đến chức năng của phế sẽ dễ bị nhiễm trùng ngoài da gây mụn nhọt, lở loét, khi da bị trầy xước, hoặc phỏng sẽ lâu lành, nếu hại đến chức năng tuần hoàn huyết thuộc tâm và tâm bào sẽ làm tăng áp huyết, nếu hại đến chức năng thần kinh thì da thịt cảm thấy có nơi đau nhức hoặc tê mất cảm giác hoặc bại liệt khó vận động.

II- PHÂN LOẠI BỆNH CHỨNG :

A. BỆNH CHỨNG CHUNG KHI MỚI PHÁT :

Đầu nặng, lừ đừ, mệt mỏi, muốn ngủ, nóng nhức trong đầu óc, da khô sần lở ngứa, khát nước, mau đói, họng khô do táo khí của phế bị kết nhiệt lâu ngày.

Đông y phân loại bệnh chứng diễn tiến phản ảnh qua hệ tam tiêu theo đường kinh của các tạng phủ thành 3 giai đoạn tiến triển của bệnh có liên quan đến bệnh tiêu khát và đái tháo đường.

B. BỆNH Ở THƯỢNG TIÊU :

Trước hết khi bệnh còn ở thượng tiêu có dấu hiệu lưỡi khô nứt rát làm cho bị khát phải uống nhiều nước mà không đã khát.

Gốc của bệnh tiểu đường do chức năng gan có nhiệt tà sinh phong hỏa xung lên tim làm tim nóng và đau, tâm thuộc hỏa gặp phong hỏa hại phế kim làm khô kiệt tân dịch trong phổi, nên kim không sinh thủy khiến cơ thể nóng phát nhiệt, môi ,lưỡi, miệng và da khô nóng phải tự động cầu cứu nước uống bên ngoài giúp thận đủ thủy để ức chế hỏa của tâm, nhưng uống vào bao nhiêu cũng không đủ để ức chế hỏa mà ngược lại còn bị hỏa vượng đốt cháy hết, đông y gọi là chứng Tâm hỏa khắc phế kim, cho nên phổi càng khô ( táo càng thêm táo ) vì vậy uống hoài vẫn thấy khát mới gọi là bệnh tiêu khát.

C. BỆNH Ở TRUNG TIÊU :

Có dấu hiệu mau đói, ăn rất nhiều, da thịt vẫn teo gầy, ra mồ hôi, đại tiện khô, tiểu nhiều do khí hóa của tỳ không hấp thụ.

Nguyên nhân do tâm hỏa bị nhiệt đốt truyền xuống vị thổ làm bao tử nóng khô cứng như đất nung, thức ăn vào bao tử bị đốt cháy tiêu hóa nhanh không biến thành chất bổ nên mau đói, khi bệnh còn ở trung tiêu thì ăn nhiều mà vẫn ốm, bao tử cứng bên trong và hay đi tiểu nhiều lần, mỗi lần ra từng tí một.

D.BỆNH Ở HẠ TIÊU :

Có dấu hiệu nóng sốt trong người, thèm nước, uống nhiều, vành tai khô nứt, tiểu ra chất đục như mỡ, bắp chân teo, đi đứng nặng nề do thận dương ( chức năng thận ) không chuyển hóa, nguyên nhân do thận thủy hư bởi mẹ là phế kim đang bị tâm hỏa thiêu đốt, phổi khô nóng nên không sinh thủy để nuôi thận, do đó thận thủy không đủ sức ức chế hỏa, phải tự động uống nước bên ngoài vào, nhưng hỏa tà làm tâm hư không giao hỏa xuống mệnh môn tam tiêu để hóa thủy khí cho nên nước uống vào bị đẩy hết xuống ra ngoài theo bàng quang. Khi bệnh ở hạ tiêu còn nhẹ thì uống vào bao nhiêu nước tiểu ra bấy nhiêu, nước theo tỷ lệ uống vào một tiểu ra một. Khi bệnh nặng uống vào một tiểu ra hai, nghĩa là nó rút thêm nước dự trữ trong cơ thể theo ra luôn làm cho cơ thể mất trọng lượng gầy ốm dần cho đến kiệt sức .

E. PHÂN LOẠI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG THEO CHỨNG :

a-Chứng nhiệt thịnh nội táo :

Dấu hiệu lâm sàng :
Miệng khát, uống nhiều, ăn nhiều mau đói, người vẫn ốm, tiểu nhiều, nước tiểu vàng, sắc lưỡi đỏ, mạch sác ( nhiệt ).

Đối chứng trị liệu :
Phải tư âm thanh nhiệt, trong bài thuốc phải có những vị như Sinh địa, Mạch môn đông, Hoa phấn là chính.

b-Chứng khí âm lưỡng hư :

Dấu hiệu lâm sàng :
Miệng khát, uống nhiều, tiểu nhiều, người gầy ốm, đại tiện khi bón khi tiêu chảy, sắc lưỡi nhạt, mạch tế sác.

Đối chứng trị liệu :
Phải ích khí dưỡng âm, trong bài thuốc phải có những vị như Hoàng kỳ, Hoài sơn, Sinh địa, Ngũ vị tử, Thiên hoa phấn là chính.

c-Chứng can thận âm hư :

Dấu hiệu lâm sàng :
Đi tiểu nhiều lần, lượng nước nhiều, đầu váng, hoa mắt, nhức mỏi lưng gối, nam di tinh, nữ kinh nguyệt không đều, sắc lưỡi đỏ nhạt, mạch tế sác.

Đối chứng trị liệu :
Phải tư bổ can thận, giảm tiểu tiện, trong bài thuốc phải có những vị như Thục địa, Hoài sơn, Kỷ tử, Ngũ vị tử là chính.

d-Chứng âm dương lưỡng hư :

Dấu hiệu lâm sàng :
Bệnh đã lâu ngày chưa khỏi khiến đi tiểu nhiều lần, ra nhiều, họng khô, lưỡi khô, chân tay lạnh, sợ lạnh, yếu sinh lý, mạch tế vô lực .

Đối chứng trị liệu :
Phải ôn dương, tư âm bổ thận, trong bài thuốc phải có những vị như Hoàng kỳ, Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù là chính.

III . ĐIỀU DƯỠNG :

Biết cách nghỉ ngơi và chọn lựa những thứ ăn uống đúng theo nhu cầu cơ thể cần cho mỗi giai đọan đang bị bệnh.

A. NGHỈ NGƠI :

Phải nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí mát mẻ tinh sạch, tắm mát mỗi ngày, ăn uống chừng mực.

B. Điều chỉnh bằng ĂN UỐNG để phòng bệnh :

Khi có dấu hiệu bệnh ở thượng tiêu nên ăn hoặc uống mướp đắng, rau má, bình bát, bù ngót, lá sen. .

Khi có dấu hiệu bệnh ở trung tiêu nên nấu củ khoai mài ( hoài sơn ) với hột sen, ăn để tăng tính hấp thụ đường của tỳ để nuôi cơ bắp làm giảm lượng đường trong máu và trong nước tiểu.

Khi có dấu hiệu bệnh ở hạ tiêu nên nấu nước đậu đenrễ qua lâu (rễ qủa dưa núi còn gọi là Thiên hoa phấn hay qua lâu căn ).

IV. NHỮNG MÓN ĂN THAY THUỐC PHÒNG VÀ CHỮA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG :

A- Phòng bệnh bằng nước uống :

1-Phòng bệnh và chữa bệnh bằng mướp đắng :

a-Ngày dùng 1-2 qủa mướp đắng còn xanh bỏ hạt nấu chín, ăn cái uống nước mỗi ngày.

b-Mướp đắng phơi khô tán bột :
Chữa bệnh đái tháo đường do bao tử nhiệt, huyết áp cao, không phụ thuộc insulin :
Dùng qủa mướp đắng còn xanh thái mỏng phơi khô, tán bột. Mỗi ngày uống 12-20g chia làm 2-3 lần uống sau bữa ăn với nước.ấm.

Chỉ có lợi cho người bị bệnh tiểu đường có thân nhiệt cao, người nóng, cổ khô khát, áp huyết cao, bệnh thuộc thực nhiệt. Người bị thực chứng khi dùng nó một thời gian thấy khoẻ, lượng đường và áp huyết ổn định thì ngưng, nếu uống tiếp bệnh trở thành hư chứng làm cơ thể suy nhược thêm.

Chống chỉ định :
Không có lợi cho người bị bệnh tiểu đường thuộc hư nhiệt, hư chứng, tim suy, người lạnh, áp huyết không cao, nếu dùng nó lượng đường và thân nhiệt xuống thấp làm cho người yếu sức, chân tay bủn rủn, chóng mặt, biếng ăn, mệt tim.

Phân tích công dụng của Mướp đắng theo tây y :
Mướp đắng hay khổ qua có tên là Momordica charantia L. có chứa các glucoside triterpenic, các chất hạ đường huyết, các protein, các acid amine, các lipid, các sắc tố, các vitamine B1,B2, PP, E, Béta caroten, các chất khoáng Ca, Mg, Cu, Fe, Zn, các hợp chất lectin..

Khi thử nghiệm cho chuột trắng uống đường glucose 45 phút trước khi cho uống dịch ép qủa mướp đắng rồi đo lại lượng glucose trong máu thấy giảm. Nó làm đường huyết giảm và làm tăng tính hấp thụ dung nạp glucose mà không phụ thuộc insulin được điều trị hoặc phụ thuộc vào sự hấp thụ glucose qua ruột và có liên quan đến tác dụng ngoài tụy tạng ( tỳ ).

Phân tích theo đông y :
Qủa và lá mướp đắng có vị đắng, tính hàn ( lạnh mát), hạt có vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận trường, bổ thận, giảm tiêu khát, lợi tiểu.

Quả mướp đắng dùng làm thuốc mát, chữa hạ sốt, đái buốt ra ít một, bệnh phù thủng do gan nhiệt. Quả mướp nấu nước tắm trừ rôm sẩy cho trẻ em.

Lá mướp đắng khô 12g tán bột hòa với nước dùng làm thuốc uống kết hợp với lá tươi giã nát đắp trên nhọt sưng tấy nhiễm độc.

Hoa mướp đắng phơi khô tán bột uống chữa đau bao tử nhiệt, loét.

Nước ép của lá liều cao có độc dùng để gây nôn, trị giun sán, hoặc đắp vào chỗ vết rắn cắn.

Chất đắng vào tim, tính hàn của mướp khắc chế tâm hỏa tà nên hỏa tà không hại được phế kim, lúc đó phế khí sẽ phục hồi làm chứng khô cổ khát nước không còn nữa, khi phế kim mạnh sẽ sinh thủy giao xuống thận để nuôi thận. Thận đầy đủ thủy sẽ khí hóa thành thủy khí qua mệnh môn tam tiêu lên tâm để khắc chế tà nhiệt trong tim và phục hồi sự khí hóa thủy hỏa được quân bình. Tính dược của mướp đắng còn điều hòa tỳ vị làm tiêu chất cứng khô nóng ở bao tử, làm hết khát nước, trị vọp bẻ khi thổ tả, trừ thấp nhiệt, tiêu sưng phù, ngăn tiêu chảy và trợ tỳ hấp thụ được chất ngọt. Khi bị bệnh tiểu đường thì tỳ hư không hấp thụ và chuyển hóa được chất đường, nên chất đường cứ trôi theo trong máu khiến máu tăng nồng độ khi đường lên men làm tâm thêm nhiệt tà truyền xuống thận theo hệ tam tiêu nên lượng đường cũng có trong nước tiểu, trong khi đó tạng tỳ không chuyển đường để nuôi cơ bắp và da thịt, khiến cơ thể mệt mỏi, da thịt teo gầy, cho nên mướp đắng là vị thuốc trị tiểu đường rất công hiệu tả tà nhiệt ở tâm làm hết tiêu khát, giúp tạng tỳ tăng tính hấp thụ chất ngọt.

2- Phòng bệnh và chữa bệnh bằng rau má :

Dùng 30-40g rau má tươi luộc ăn như rau, hoặc nhai sống vớI ít muối, hoặc giã vắt lọc lấy nước uống, hay trộn với dầu dấm ăn như rau trộn.

Phân tích công dụng của Rau má theo tây y :
Rau má có tên khác là liên tiền thảo, tên khoa học là Centella asiatica (L.) Urban có chứa triterpen, tinh dầu, các hợp chất polyacetylen, flavonoid, steroid, dầu béo, acid amine..

Phân tích theo đông y :
Rau má có vị đắng hơi ngọt, mùi thơm, tính mát dùng để thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, cầm máu, tiêu viêm, lợi tiểu, nhuận gan.

Công dụng dùng chữa sốt, mụn độc, bệnh gan vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón, tiểu rắt buốt, khí hư bạch đái, mất sữa, chữa phong lao, cảm mạo đau đầu, amygdale, mắt đỏ, đau răng đau gan do siêu vi, eczema, mẩn ngứa, ho gà, uống nước rau má dùng làm giải khát, đắp lá rau má giã nát để cầm máu, chữa vết thương, bong gân gẫy xương.

3-Phòng và chữa bệnh bằng bình bát :

Qủa xanh thái mỏng phơi khô, sắc 8-12g uống như trà.

Phân tích công dụng của Bình bát theo tây y :

Bình bát có tên khác là đào tiên, tên khoa học là Annona reticulate L.

Hạt có chứa nhiều chất acetogenin reticulatain, squamocin có độc tính với côn trùng.

Lá có chất acetogenin annoreticuin.

Vỏ thân vỏ rễ có các alkaloid anomontin có độc tính đối với tế bào.

Rễ có các alkaloid acqualin, acid kaur 16-en-19 oic có tác dụng kháng khuẩn chữa lỵ và nhiễm khuẩn hô hấp. Hai acetogenin mới là annoreticuin và isoannoreticuin có tác dụng giết tế bào ung thư phổi, ung thư kết tràng ở người và ung thư bạch cầu dòng lympho ở chuột trắng..

Phân tích theo đông y :
Toàn cây bình bát có vị chát, có độc ở hạt và vỏ thân để sát trùng. Qủa bình bát chín ăn được, vị hơi chát, ít ngọt, không thơm. Qủa xanh chữa nóng sốt, tiêu chảy, kiết lỵ, giun sán, sát khuẩn đường hô hấp, nhưng độc gây dị ứng ngoài da, giải độc bằng dịch qủa chanh, nên bình bát thường dùng rễ.

4-Phòng và chữa bệnh bằng trà ngó sen tươi :

Dùng 200g ngó sen rửa sạch, giã lọc lấy 150g nước, đun sôi uống thay trà, ngày 3 lần.

5-Phòng và chữa bệnh bằng trà gương sen khô :

Dùng gương sen khô 50g sắc nhỏ như trà khô, nấu với nửa lít nước cho sôi , uống thay trà, ngày 3 lần.

Phân tích công dụng của Sen theo tây y :
Sen có tên khác là liên, tên khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn.

Tâm sen có chất liensinin làm hạ áp huyết và một loại alkaloid khác không kết tinh chuyển liensinin dưới dạng amoni bậc 4 có tác dụng hạ áp huyết kéo dài lâu hơn, chống kích động loạn thần kinh gây hung dữ tương đương với amineazin trong điều trị tâm thần phân liệt mà không có độc tố như thuốc amineazin, tâm sen cũng có tác dụng an thần nhưng yếu hơn tác dụng của lá sen. Nhị sen có tác dụng ức chế tụ cầu vàng.

Lá sen có chất nuciferin tác dụng ức chế thần kinh trung ương chống viêm, giảm đau, ho, an thần, kéo dài giấc ngủ, tăng thành phần sóng chậm delta, giảm thành phần sóng nhanh béta, tăng trương lực cơ, giải co thắt cơ trơn, ức chế loạn nhịp tim gây ra bởi calci clorid vì nó làm tăng ngưỡng kích thích tâm trương và tăng giai đoạn trơ của cơ tâm nhĩ và tâm thất, chống choáng, chữa chảy máu như đại tiểu tiện ra máu, xuất huyết dưới da, chân răng chảy máu.

Phân tích theo đông y :
Tâm sen gọi là liên tâm, có vị đắng, tính lạnh, vào kinh tâm, có tác dụng thanh tâm hỏa, điều nhiệt, chữa tâm phiền muộn người hâm hấp khó chịu, ít ngủ, khát, thổ huyết.

Lá sen gọi là liên diệp có vị đắng, tính mát vào 3 kinh can tỳ vị làm thanh thử lợi thấp, chữa tức ngực nóng sốt, tán ứ, chỉ huyết.

Hạt sen gọi là liên nhục, gương sen đã lấy quả là liên phòng, Hạt sen trắng (quả sen bóc bỏ vỏ là liên thạch) có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh tâm tỳ thận, có tác dụng bổ tỳ hư kém ăn, dưỡng tâm trị mất ngủ hồi hộp, cố tinh, chữa di mộng tinh, sáp trường (làm chặt ruột ) chữa khí hư đi kiết lỵ.

Hoa sen có vị ngọt đắng, tính ấm làm an thần và cầm máu.

Tua sen bỏ hạt gạo ở đầu gọi là liên tu vị chát, tính ấm, vào 2 kinh tâm-thận, có tác dụng cố tinh, ích thận chữa di mộng tinh, thanh tâm trị mất ngủ, chỉ huyết cầm máu khi làm băng, thổ huyết.

Gương senngó sen hay thân rễ là liên ngẫu, có vị đắng chát, tính mát, tác dụng như thuốc ngủ và lợi tiểu, thu liễm, cầm máu khi đại tiểu tiện ra máu, tử cung xuất huyết, bạch đới, chảy máu cam..

6-Nước trà đậu đen, rễ qua lâu :

Đậu đen, Rễ qua lâu mỗi thứ 1 lạng, nấu uống như nước trà mỗi ngày làm tăng chức năng thận giúp thận dương chuyển hóa.

Phân tích công dụng của Đậu đen theo tây y :
Đậu đen có tên khoa học Vigna cylindrica (L.)Skeels, chứa 24,40% protein, 1,70% lipid, 53,30% glucid, 4% cellulose. Trong 100g đậu có 5mcg Vit.A, 0,5mg Vit.B1, 0,21 mg Vit.B2, 1,8mg Vit.PP, 8mg Vit.C, 970mg lysine, 310mg tryptophan, 1160mg phenylalanine, 56mg Ca, 354mg P, 6 mg Fe.. Nó có tác dụng chống oxy hóa ở mức độ vừa phải, lợi tiểu.

Phân tích theo đông y :
Đậu đen có vị ngọt nhạt, tính bình mát, bổ gan thận, bổ huyết trừ phong, thanh thấp nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, giải độc, tiêu khát.

Phân tích công dụng của rễ Qua lâu theo tây y :
Thiên hoa phấn hay Qua lâu còn gọi là dưa trời, dưa núi, tên khoa học Trichosanthes kirilowi Maxim. Rễ tán bột dùng ngoài trị eczema, nước hãm rễ qua lâu rửa vết thương. Trong rễ qua lâu có chứa các protein như Karasurin A,B,C, có tính kềm mạnh dễ làm sẩy thai, trichosanthin và TAP-29 có hoạt tính chống u bướu, virus kể cả HIV (Nghiên cứu của Thorup John E CA,1996), các polysaccharide gồm glycose, galactose, fructose, manose, xylose làm hạ đường huyết và chống tăng đường trong máu.

Phân tích theo đông y :
Qua lâu có vị ngọt đắng tính mát, vào hai kinh phế vị, tác dụng thanh phế nhiệt, hóa đàm, nhuận phế, hoạt trường. Rễ qua lâu có vị ngọt chua, tính mát, giáng hỏa sinh tân dịch, lợi sữa, chữa nhiệt bệnh, tiêu khát, vàng da, đau vú, trĩ dò, lở ngứa, sưng tấy.

7- Uống nước sắc bông ổi (cứt lợn) uống thay trà.

Dùng toàn cây bông ổi bỏ rễ lấy 40g , Có thể nấu chung với hoài sơn, rễ qua lâu , mỗi thứ 10g, sắc uống thay trà.

Phân tích công dụng của Bông ổi theo đông tây y :

Tên khoa học Lantana camara L. chứa các hợp chất triterpen, acid, tinh dầu.. Lá hơi có độc, có mùi hôi, tính mát, tác dụng kháng khuẩn, chống sốt rét, hạ sốt, tiêu sưng, nhưng có chứa triterpenoid pentacyclic gây ứ mật hại cho gan, sẽ có triệu chứng chán ăn, táo bón, vàng da, nhậy cảm với ánh sáng. Hoa có vị ngọt nhạt, tính mát có tác dụng cầm máu, tiểu đường. Rễ có vị ngọt dịu, đắng, tính mát có tác dụng hạ sốt, giải độc, tiêu độc, giảm đau.

8-Nước Cây tầm phỏng tươi.

Dùng 60g.cây tươi. Sắc uống mỗi ngày.

Phân tích công dụng Cây tầm phỏng theo đông tây y :
Tên khoa học Cardiospermum halicacabum L., tên khác là xoan leo, phong thuyền cát, có vị đắng hơi cay, tính mát, có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, thủng, lương huyết, giải độc, mau làm lành vết thương. Rễ làm ra mồ hôi, lợi tiểu, khai vị, nhuận trường, chữa viêm đường niệu, phù thận, thấp khớp, tiểu đường.

9-Trà Hạt qủa vối rừng phơi khô, tán bột.

Dùng 50g hạt qủa vối rừng phơi khô, tán bột, hãm nước sôi uống thay trà.

Phân tích công dụng của Hạt qủa vối rừng theo đông tây y :

Tên khoa học Syzygium cuminii (L.) Skeels, tên khác là hậu phác nam, chứa các flavonoid chữa tiểu đường, dùng lá khô sắc theo tỷ lệ 2,5g trong 1 lít nước. Lá vối rừng vị cay, đắng, the, tính ấm, vào 2 kinh tỳ vị làm lợI tỳ, tiêu thực lợi tiêu hóa, khử ứ trệ, táo thấp, làm long đờm suyễn, bổ phế, cầm ho suyễn, thông trung tiện. Lá vối rừng nấu nước uống như lá vối, mỗi ngày dùng 8-10g. Qủa vối rừng được bán ở chợ như một loại trái cây,ăn ngon như qủa roi ( mận ).

10- Nhân sâm, Rễ qua lâu, tán bột :

Bài thuốc chữa tiểu đường, thiếu khí, mất ngủ : MỗI thứ 3 chỉ, nghiền thành bột. Uống mỗi ngày như trà.

Phân tích công dụng của Nhân sâm theo tây y :
Tên khoa học Panax ginseng C.A.Mey. tăng cường qúa trình hưng phấn của vỏ đại não, kháng mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ rõ rệt, tăng sức đề kháng chống độc của cơ thể như bị nhiễm chiếu xạ, nhiễm virus, cấy ghép ung thư, nhiễm độc rượu, carbon, thiếu oxy, sốc điện hoặc cử động bị gò bó, thúc đẩy tuyến thượng thận tiết hormone corticosteron thúc đẩy qúa trình phân hủy đường, tăng cường chuyển hóa năng lượng có tác dụng làm tăng hàm lượng erythropoietin trong tủy sống, thúc đẩy qúa trình tổng hợp acid mucleic, protein trong tế bào gan, tinh hoàn, tủy xương và tổng hợp albumin trong huyết thanh.

Phân tích theo đông y :
Nhân sâm vị ngọt, hơi đắng, tính ôn vào các kinh tỳ, phế, tâm, có tác dụng đại bổ nguyên khí ngũ tạng, phục mạch cố thoát, sinh tân, an thần, trừ tà khí, minh mục, khai tâm ích trí, tăng thể lực trí lực, trị thở khó, ho hen, tim đập hồi hộp, tổn thương tân dịch, miệng khát, đái đường, suy nhược cơ thể, mất máu, tỳ hư tiết tả.

11-Phá cố chỉ, Tiểu hồi tán bột :

Chữa biến chứng tỳ thận suy, tiểu nhiều của bệnh tiểu đường :

Phá cố chỉ ngâm rượu sao, Tiểu hồi sao mỗi vị 100g, tán bột làm viên, mỗi ngàu uống 5g, ngày hai lần.

Phân tích công dụng của Phá cố chỉ theo tây y :
Tên khoa học Psoralea corylifolia L.,trong hạt chứa hợp chất flavonoid chống kết tập tiểu cầu, hoạt chất bakuchiol chống u bướu, có hỗn hợp psoralen và isopsoralen chữa bệnh bạch biến không do giang mai, các nguyên bào sắc tố đen được kích thích làm cho da trở nên hồng hào.

Phân tích theo đông y :
Phá cố chỉ vị cay, đắng, mùi thơm hắc, tính nóng vào 3 kinh tỳ, thận, tâm bào có tác dụng bổ mệnh môn hỏa, nạp thận khí, chữa đau lưng, tỳ thận hư, mỏi gối, tiểu tiện nhiều, khí hư, hoạt tinh, liệt dương, thuốc bổ cho người già, chữa được bệnh lang ben có nguồn gốc giang mai giúp da trở nên hồng hào. Hạt phá cố chỉ dùng làm thuốc nhuận trường, kích dục, trừ giun, lợi tiểu, cho xuất mồ hôi khi bị sốt, chữa thiếu máu do thiểu năng tạo máu của tủy xương. Bột nhão làm thuốc bôi da chữa viêm da, bạch biến, vẩy nến.

Chống chỉ định :
Người âm hư hỏa vượng, tiểu ra máu, đại tiện táo bón không nên dùng.

Phân tích công dụng của Tiểu hồi theo tây y :
Tên khoa học Foeniculum vulgare Mill. chứa các glucoside, acid petroselinic làm giảm cholesterol trong máu, chống co thắt, giảm áp huyết nhẹ, có độ hòa tan cao trong lipid ức chế dòng Ca2+ đi vào và dự phòng sự tăng độ thấm của Na+ và phong bế dẫn truyền thần kinh, trợ tim.

Phân tích theo đông y :
Tiểu hồi có vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào 4 kinh phế, thận, tỳ, vị, tác dụng lý khí, khử hàn, đau đầy bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, đau lưng do thận suy, ngộ độc thức ăn.

Chống chỉ định :
Âm hư hỏa vượng không dùng được.

12- Rễ tầm xuân

Chữa đái tháo đường, khát uống nhiều, đái dắt nhiều lần,

đái dầm : Dùng 20-30g rễ khô sắc uống thay trà trong ngày.

Phân tích công dụng của Rễ tầm xuân theo tây y :
Tên khoa học Rosa multiflora Thumb. còn có tên là hoa hồng dại, dã tường vi.. Qủa chứa multiflorin A,B và dầu béo, có vị chua, tính bình, thanh nhiệt, hoạt huyết, lợi thủy, giải độc, dùng làm thuốc nhuận trường, lợi tiểu mạnh, chữa phong thấp nhức mỏi, hành kinh đau bụng, kinh nguyệt không đều, lá giã để đắp vết thương lở loét, bong gân. Hoa chứa astragalin, lá chứa Vit.C, Chất multiflorin gây tiêu chảy, làm hạ lipid huyết, cholesterol, ức chế hiện tượng ngưng tập tiểu cầu do ADP, chống viêm, giảm đau.

Phân tích theo đông y :
Lá có vị đắng chát, tính hàn, thanh nhiệt, hóa trọc, thuận khí, hòa vị, chữa ho, nóng ngực, tâm phiền, miệng khát.

Rễ có vị đắng chát, tính mát dùng để thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, khu phong, hoạt lạc, chữa bệnh chảy máu mũi, bệnh tiêu khát đái tháo đường, tiểu nhiều của người già.

13- Dùng dịch ép hành tây :

Làm giảm đường huyết, áp huyết cao, vàng da :

Dùng nửa củ hành tây ép lấy nước, mỗi sáng uống l muổng với nước pha loãng.

Phân tích công dụng của Hành tây theo tây y :
Tên khoa học Allium cepa L. Trong 100g hành tây có 88g nước, 1.8g protid, 8.3g glucid, 0.1g chất xơ, 0.8g chất tro, 38 mg Calci, 58mg phosphor, 0.8mg sắt, 0.03 mg carotene, 0.03mg Vitamine B1, 0.04mg B2, 0.2mg PP, 10mg Vit.C, các muối khoáng khác như Na, K, S,I,Si., H3PO3.. ngoài ra còn các hoạt chất khác như methyl disulfid. Allyl monosulfid, các acid amine, vỏ ngoài có kaempferol , saponin.

Phân tích theo đông y :
Theo kinh nghiệm cổ truyền của nhiều nước, hành tây ngoài việc dùng làm gia vị, còn dùng để chữa bệnh tẩy giun sán, tiêu chảy, kích dục, điều kinh, long đờm, vết thương lở loét, sẹo, thâm tím, viêm phế quản, đau bụng đầy hơi, đau tai, sốt, ho, nhức đầu, áp huyết cao, vàng da, tiểu đường.

14-Bạch thược, Cam thảo :

Chữa tiểu đường, háo khát, chân gối đau nhức, khó co duỗi, đau bụng:

Bạch thược 8g, Cam thảo 4g, sắc hoặc tán bột uống chia 2 lần trong ngày.

Phân tích công dụng của Bạch thược theo tây y :
Tên khoa học Paeonia lactiflora Pall., tên khác là Mẫu đơn trắng, chứa hoạt chất paeoniflorin, oxypaeoniflorin, albiflorin, benzoyol paeoniflorin, hợp chất triterpen, flavonoid, có tác dụng kháng khuẩn, kích thích co bóp, kháng cholin, giảm đau, điều kinh.

Phân tích theo đông y :
Bạch thược có vị đắng chua, hơi chát vào 3 kinh can tỳ phế, chữa đau bụng, tả lỵ do ruột co bóp, lưng ngực đau, chân tay nhức mỏi, nhức đầu, hoa mắt, viêm mạch huyết khối, tắc mạch máu não, kinh nguyệt không đều, bế kinh, xích bạch đới, tiểu khó.

Phân tích công dụng của Cam thảo theo tây y :
Có hai loại mang tên khoa học Glycyrrhiza uralensis Fisch. và G. glabra L. Chứa 4-6% chất vô cơ carbohydrat ( glucose và saccharose ), 3-5% manitol, tinh bột 25-30%, lipid 0,5-1%, asparagin 2-4%, nhựa 5%, có độ ngọt gấp 60 lần saccharose, nếu phối hợp với mía độ ngọt có thể tăng gấp 100 lần. Glycyrhizin gồm có 2 phân tử acid glucuronic và 1 phân tử acid glycyrhetic cấu tạo gần giống như cortisone có nhiều đồng phân chữa được bệnh Addison, có tác dụng chuyển hóa các chất điện giải, giữ natri và clorid trong cơ thể làm tăng áp huyết, giúp sự bài tiết kali. Ở trong cây, glycyrhizin tồn tại ở dạng muối Ca và Mg. Cam thảo có tác dụng gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, giảm thể nhiệt, giảm hô hấp, giảm ho, giải co thắt cơ trơn, chữa loét đường tiêu hóa bao tử và ruột, bảo vệ gan khi bị viêm gan, tăng tiết mật, chống dị ứng, giải độc mạnh đối với độc tố của bạch cầu, của cá, của nọc rắn, của strychnine, của uốn ván, của cocain và chlorat hydrate. Cam thảo dùng chung với cortisone làm giảm tác dụng của cortisone.

Phân tích theo đông y :
Rễ cam thảo bắc vị ngọt, tính bình, để sống có tác dụng giải độc, tả hỏa, chích cam thảo loại tẩm mật sao vàng có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Riêng cam thảo chữa cảm ho, mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau bao tử, ỉa chảy, ngộ độc. Chích cam thảo bổ tỳ vị hư nhược, ỉa lỏng, thân thể mệt mỏi, kém ăn.

15-Cỏ bờm ngựa, Bạch qủa :

Chữa tiểu đường, viêm thận, thiếu máu não.

Cỏ bờm ngựa ( Kim ty thảo ) 60g, Bạch qủa 12 hạt. Sắc uống.

Phân tích công dụng của Cỏ bờm ngựa theo đông tây y :
Cỏ bờm ngựa có còn gọi là kim ty thảo vị ngọt, nhạt, tính hơi mát, lợi thủy, thông lâm, thanh nhiệt, lương huyết, chữa nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm thận, thủy thủng, đái buốt, đái vàng, đái ra dưỡng trấp, tiểu đường, viêm gan, hoàng đản, sốt, cảm mạo.

Phân tích Bạch qủa theo tây y :
Tên khoa học ginkgo biloba L. tên khác là Ngân hạnh, chứa các flavonoid quercetin, kaempferol và isorhamnetin có tác dụng giãn mạch chống co thắt do histamine và bari clorid gây ra, bảo vệ gan làm giảm peroxy hóa gốc tự do-lipid gây ra bởi ciclosporin A, tác dụng chống oxy hóa của huyết tương kéo dài thời gian, chống tổn thương mô não, khỏi thiếu máu cục bộ ở não và tim, điều hòa lưu lượng máu não và tim, chữa phù não do các chất độc hại thần kinh, tăng trí nhớ, cải thiện chức năng tiền đình và thính giác, giảm đau, ức chế các vi khuẩn.

Cao bạch qủa tiêu chuẩn hóa với liều 120mg có tác dụng giống như dihydroergotoxin với liều 4,5mg có tác dụng điều trị bệnh tắc mạch ngoại biên làm đau, đi đứng khó khăn, chóng mặt ù tai, điếc, sa sút trí tuệ.

Phân tích theo đông y :
Trong y học dân gian, Bạch qủa dùng trị giun, thúc đẻ, viêm phế quản, viêm mũi mạn tính, cước khí, viêm khớp và phù chân tay, xanh tím đầu chi do viêm tĩnh mạch.

16- Dùng quả chuối hột còn xanh :

Chữa tiểu đường, mờ mắt, táo bón, cao áp huyết, sạn thận :

Dùng qủa chuối hột còn xanh 30g sắc uống hằng ngày.

Phân tích công dụng của Chuối hột theo đông tây y :
Tên khoa học Musa brachycarpa Back. Tên khác là chuối chát, để chữa sạn thận, bàng quang, dùng 30-50g quả chuốt chát thái mỏng sao vàng hạ thổ rồi sắc 4 chén còn 1 chén uống mỗi ngày, hoặc hãm nước sôi uống như trà mỗi ngày thờì gian 1 tháng có kết quả vừa có tác dụng giải độc, kích thích tiêu hóa. Nước tiết ra từ thân cây chuối hột chữa tiểu đường, quả chuối hột chữa tiểu đường, viêm thận, cao áp huyết.

17-Rau bợ nước, Rễ qua lâu :

Chữa tiểu đường, tiêu khát :

Rau bợ nước, Rễ Qua lâu, mỗI vị 15g, tán bột hoà với sữa uống.

Phân tích công dụng của Rau bợ nước theo tây y :
Tên khoa học Marsilea quadrifolia L., tên khác là tứ diệp thảo, chứa nước, protid, glucid, carotene, vit.C, cyclau, acid nucleicdenol có tác dụng lợi tiểu làm tăng 20% lượng nước tiểu hơn bình thường.

Phân tích theo đông y :
Rau bợ nước có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu sưng, giải độc, nhuận gan, sáng mắt, trấn tĩnh. Là loại rau ăn sống, xào, luộc, nấu canh. Chữa được bệnh viêm phù thận, sạn thận, bàng quang, tiểu ra máu, tiểu đường, sốt cao, viêm gan, viêm kết mạc, viêm lợi đau răng, nhọt vú, tắc tia sữa, khí hư, bạch đới.

18-Sâm cuốn chiếu, Bạch qủa :

Chữa tiểu đường, tiêu khát :

Sâm cuốn chiếu, Bạch qủa mỗi thứ 30g. Sắc với 1 lá mía heo.

Phân tích công dụng của Sâm cuốn chiếu theo đông tây y

Tên khoa học Spiranthes sinensis ( Pers.) Ames ,tên khác là Bàn long sâm, chứa 6 hợp chất thuộc nhóm dihydrophenanthren đặt tên là sinensol A-F. Có vị ngọt, nhạt, tính bình, để tư âm, dưỡng khí, lương huyết, giải độc, nhuận phế, cầm ho, tiểu đường.

19-Cải xoong :

Dùng cải xà lách xoong trộn dầu dấm, hoặc uống nước ép rau tươi.

Phân tích công dụng của Cải xoong theo tây y :
Còn gọi là xà lách xoong, tên khoa học Nasturtium officinale R.Br., ngoài 93,7% nước còn có chứa các thành phần khác như protid, glucid, cellulose, iod, Vit.C, A, Calci, mangan, natri, kali, sắt, kẽm, magnesium, đồng, phosphore, có chất sulfat kali hydrogen có mùi vị đặc biệt để chữa ho, có một loại sulfur là gluconasturtiosid ở dạng muối dễ bị thủy phân thành glucose.

Phân tích theo đông y :
Là loại rau ăn sống hoặc nấu chín ăn để chữa bệnh, vị hơi cay, tính mát để thanh huyết, giải độc. Cho nên cải xoong có tính kháng khuẩn tăng bài niệu, trị ho, lao phổi, viêm phế quản mạn tính, khô họng, cảm lạnh bệnh thiếu Vit.C, bệnh tiểu đường, bệnh ngoài da, đái són. Giã đắp bướu cổ, polyp ở mũi. Uống nước ép rau tươi hay ăn rau trộn sống có kết qủa để chữa bệnh hơn là nấu chín sẽ bị mất hoạt chất.

20-Cam thảo đất :

Mỗi ngày dùng 8-12g dược liệu khô của toàn cây cam

thảo đất, tên thương mại là thổ cam thảo, cam thảo nam, nấu sắc uống như trà.

Phân tích công dụng của Cam thảo đất theo tây y :
Tên khoa học Scoparia dulcis L. trong có chứa hợp chất Amellin giống như insulin chữa bệnh albumin niệu, ceton niệu, đường niệu, đường huyết, nhưng nó làm giảm lượng đường trong máu và nước tiểu từ từ đến mức bình thường và làm tăng hồng cầu. Nó cũng làm tăng mức dự trữ chất kềm bị hạ thấp ở người đái tháo đường, làm giảm hàm lượng sắt trong huyết thanh cùng các chất tạo ceton trong máu, tăng tính hấp thụ protein, giảm mỡ trong mô mỡ, chữa các biến chứng khác của bệnh tiểu đường như làm lành các vết thương lở loét ngoài da lâu lành, viêm võng mạc.

Phân tích theo đông y :
Có vị đắng ngọt, tính mát, bổ tỳ, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc, giải khát, an thần.

21- Chua me lá me :

Dùng chua me lá me để nấu canh chua cá hay canh chua rau muống.

Phân tích công dụng của Chua me theo đông tây y :
Tên khoa học Biophytum sensitivum (L.) DC.,toàn cây chứa một loại muối oxalat kali, và một chất giống insulin để chữa tiểu đường.

Là loại rau dân gian dùng nó nấu canh ăn để chữa bệnh tiểu đường, nó có vị chua, tính mát thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm.

22-Trái nhàu :

Rễ thái nhỏ phơi khô sắc nước uống 10-20g thay trà, sau 15 ngày có kết qủa.

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Morinda citrifolia L. Vỏ rễ nhàu chứa morindon dưới dạng glucoside. Rễ chứa acid rubicloric, alizarin alpha, methyl ether..Qủa chứa ít tinh dầu có acid hexoic, octoic, paraffin và ester của alcohol ethylic và méthylic. Nhàu có tác dụng hạ áp huyết, giãn mạch, đối kháng với tác dụng gây tăng áp huyết do adrenalin, noradrenalin và làm mất tác dụng của nicotin.

Phân tích theo đông y :
Qủa nhàu chín ăn với muối có tác dụng giúp tiêu hóa nhuận trường, lợi tiểu, điều kinh, chữa sung huyết, trĩ, xuất huyết não. Nước ép từ qủa chữa ho sốt, tiểu khó, đái đường, giun sán, kinh nguyệt không đều.

23-Trà cỏ ngọt :

Mỗi ngày uống 10g lá cỏ ngọt chia làm 4 lần trong ngày.

ở ngoài thị trường có bán sẵn gói trà cỏ ngọt.

Phân tích công dụng của Cỏ ngọt theo tây y :
Tên khoa học Stevia rebaudiana (Bertoni )Hemsley. Lá cỏ ngọt chứa các ent-kauren diterpen glycoside như steviosid, rebaudiosid A,B,C,D,E, dulcosid, steviobiosid, có các vị ngọt khác nhau, nhưng có độ ngọt 150-300 lần đường mía. Có tác dụng hạ đường huyết, glycogen gan giảm. Thí nghiệm trên những người bị bệnh tiểu đường thấy glucose huyết giảm 35%, có tác dụng thư giãn mạch, và mạch tiểu cầu thận, tăng bài niệu và tăng thải trừ natri. Nếu người cao áp huyết,uống trà cỏ ngọt liên tiếp 30 ngày thấy áp huyết cả tâm trương lẫn tâm thu giảm khoảng 9.5%.

Phân tích theo đông y :
Cỏ ngọt có vị ngọt rất đậm, chữa được bệnh tiểu đường, có khả năng làm giảm nhu cầu chất ngọt và chất bột nên có tác dụng chữa bệnh béo phì. đường ngọt trong cỏ ngọt hiện nay thay thế đường saccharose trong kỹ nghệ làm bánh kẹo.

Chống chỉ định :

Không dùng cho trường hợp người gầy ốm suy nhược vì nó phân hủy chất bột làm cho người gầy ốm suy nhược thêm.

24-Bồ công anh :

Phân tích công dụng của Bồ công anh theo tây y :
Có hai loại, loại có tên khoa học Lactuca indica L. còn gọi là cây diếp dại, cây mũi mác. Chứa khoảng 90% nước, còn lại là protid, glucid, xơ, tro, caroten , vit.C, chất đắng chính là lactucin và lactucopicrin, beta amyrin, taraxasterol, germanicol. Có tác dụng ức chế men oxy hóa khử peroxydase và catalase.

Loại khác tên khoa học Taraxacum dens-leonis Desf. Gọi là bồ công anh thấp hay bồ công anh Trung quốc, chứa flavonoid toàn phần, nhựa, tinh dầu, pectose, acid béo, sáp, có tác dụng kháng khuẩn, virus, virus bệnh đậu bò, nấm, chống amip, tác dụng trên nhịp thở và biên độ hô hấp, chống tế bào ung thư trên biểu mô mũi, thanh quản, ung thư bạch cầu dòng lympho, tế bào sarcom 180 và tế bào gây u gan, giảm glucose huyết.

Phân tích theo đông y :
Bồ công anh Lactuca có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn để giải nhiệt độc, tiêu viêm, thanh nhiệt, tán kết, điều trị tỳ vị uất hỏa, sưng vú, áp xe, tràng nhạc, mụn nhọt.

Loại Bồ công anh thấp Taraxacum có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, hơi hàn, vào kinh tỳ vị, thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tiêu ung, thông sữa lợi tiểu, ăn ngon, các loại bệnh về gan mật, các bệnh về tiêu hóa, suy thận, sạn thận, cholesterol huyết, xơ vữa động mạch, bệnh ngoài da, thấp khớp, thống phong, suy nhược thiếu máu..

Chống chỉ định :
Không dùng trong trường hợp âm hư, tràng nhạc hay ung nhọt đã vỡ mủ.

25-Nước uống Thiên môn :

Mỗi ngày dùng 6-12g dây tóc tiên ( Thiên môn ) dưới dạng thuốc sắc., uống như nước trà

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr., Hoạt chất chính là saponin steroid, sau khi thủy phân cho các đường glucose, rhamnose và xylose. Rễ củ thiên môn chứa polysaccharide, các amine tự do như asparagin. Thân và lá chứa rutin, glycoside. Các hoạt chất này có tác dụng kháng khuẩn, ức chế men dihydrogenase của tế bào bệnh bạch cầu lympho cấp tính, tế bào bệnh bạch cầu mạn tính và tế bào bệnh bạch cầu đơn nhân. Dịch chiết thiên môn có tác dụng kích thích sự hoạt động của interferon.

Phân tích công dụng của Thiên môn theo đông y :
Tên khác là Thiên môn đông, dây tóc tiên, có vị ngọt, đắng, tính đại hàn, vào các kinh phế thận, tư âm, nhuận táo, thanh phế, lợi tiểu, sinh tân, hóa đờm tức ở phổi, chữa ung thư phổi, hư lao, ho, thổ huyết, nhiệt bệnh, tiêu khát đái đường, tân dịch hao tổn, táo bón.

26-Nước sắc Kỷ tử :

Dùng 6-12g kỷ tử (hạt cây câu kỷ ) sắc nước uống như trà mỗi ngày.

Đông y đánh giá Kỷ tử là loại thuốc bổ toàn thân, làm hạ cholesterol, hạ đường huyết, hạ áp huyết, bảo vệ gan, làm chậm sự lão suy, dùng cho cơ thể suy nhược, can thận âm suy, tinh huyết kém, thần kinh suy nhược, trí nhớ kém, lưng gối mỏi đau, hoa mắt, thị lực giảm, di tinh, đái đường.

Chống chỉ định :
Khi có bệnh ngoại tà, thực nhiệt, tỳ hư, tiêu chảy thì ngưng không được dùng.

27-Trà địa cốt bì :

Dùng 10-15g địa cốt bì (vỏ rễ cây câu kỷ )nấu 500cc nước cạn còn 200cc, uống như trà mỗi ngày.

Tiệm thuốc bắc có bán bột địa cốt bì đóng thành gói sẵn như gói trà, cho vào 2 ly nước hâm nóng 10 phút cho tan ngấm thuốc là uống được.

Dùng trong trường hợp hư lao triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, ho hen, nôn ra máu, chảy máu cam, tiểu ra máu, đái đường, cao áp huyết, mụn nhọt.

28-Trà tiêu khát địa cốt bì kỷ tử :

Nấu chung 20g địa cốt bì , 20g kỷ tử với 500cc nước cạn còn 300cc, nước thuốc có vị hơi đắng ngọt dễ uống hơn.

Địa cốt bì và câu kỷ tử tuy cùng một cây là phần qủa và phần rễ, nhưng địa cốt bì là vị thuốc đắng, hàn, thanh lý hư nhiệt trong gan thận, ích tinh khí, trị thổ huyết, tiểu ra máu, đau đầu, đau bắp thịt. Câu kỷ tử thì vị ngọt, tính bình, tuy thành phần đường cao nhưng lại làm hạ đường trong máu và có nhiều chất bổ dưỡng giúp nhuận phế, dưỡng gan, bổ thận, sáng mắt. Kết hợp lại thì chữa được chứng miệng khô khát, khát nước, nó làm cho sinh nước miếng và làm cho chân tay hết mệt mỏi uể oải.

29-Nước sắc Hoàng kỳ :

Dùng 6-12g dạng sống hay 3-9g dạng chín, sắc nước uống mỗi ngày.

Chữa thận hư, viêm thận tiểu cầu mãn tính, đái tháo đường, đái đục, phong thấp, đau xương.

30-Trà Hà thủ ô :

Trà gói Hà thủ ô có bán sẵn pha nước uống.

Làm hạ lipid huyết và cholesterol, dự phòng xơ mỡ động

mạch, bổ gan thận, bổ máu, chữa thận suy, gan yếu, mất ngủ, thiếu máu, đau lưng, khí hư, làm đen râu tóc.

Chống chỉ định :
Người có áp huyết thấp và đường thấp không dùng được hà thủ ô, kiêng hành tỏi, củ cải.

31-Nước sắc hạt mã đề :

Hạt mã đề ( 4-8g ) sắc uống .

Chữa tiểu đường, khó tiêu, ho, và bệnh hiếm muộn ở nam nữ.

Chống chỉ định :
Người gìa thận suy kém hay tiểu đêm không nên dùng.

32-Nước vỏ quả dưa hấu :

Vỏ qủa dưa hấu thái nhỏ 300g nấu với 300cc nước cho sôi kỹ, vớt vỏ ra cho vào 30g kỷ tử, và 9g đẳng sâm, nấu cạn còn 200cc. Uống như nước giải khát thay trà..

B. Phòng bệnh bằng thức ăn :

1- Phòng và chữa bệnh bằng canh bù ngót :

Dùng 100g rau ngót nấu canh với giò sống ăn thường xuyên.

Phân tích công dụng của Rau bù ngót theo tây y :
Bù ngót còn có tên bồ ngót, rau ngót, tên khoa học là Sauropus adrogynus (L.) Merr. Có chứa nhiều chất dinh dưỡng hàm lượng protein cao gồm 79,80g nước, 7,80g protein, 1,80g chất béo, 6,90g carbohydrate, 1,90g chất xơ, vit.A 10000 đơn vị, B1 0,23mg, B2 0,15mg, C 136mg, Ca 234mg, P 64mg, Fe 3,10mg, ngoài ra còn có lysine, methionin, valin, tryptophan, phenylalanine, threonin, valin, leucin, isoleucin.

Phân tích theo đông y :
Lá rau ngót có vị ngọt, tính mát. Rễ có vị ngọt nhạt hơi đắng, tính mát, có tác dụng lương huyết, hoạt huyết, giải độc, lợi tiểu, chữa sót nhau, tưa lưỡi, đái dầm, tiểu khó, nghẹt bàng quang.

Chống chỉ định :
Nước ép rau ngót tươi làm co bóp tử cung, dùng để chữa bệnh sót nhau sau khi sanh, nên phụ nữ có thai cấm dùng.

2-Canh hoặc chè khoai mài hột sen :

Dùng 100g khoai mài, 50g hột sen nấu canh thịt, xương heo. Hoặc khoai mài khô trong tiệm thuốc bắc bán gọi là hoài sơn, nấu chung với hột sen, cho ít đường phèn ăn như chè.

Phân tích công dụng của Khoai mài theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Khoai mài chứa 63,25% tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đới, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

3-Canh bí ngô, khoai mài :

Dùng bí ngô 150g, Củ khoai mài 100g, thịt heo nạc băm nhỏ ướp muối 100g. Bí ngô, khoai mài sắc thành miếng nhỏ, cho 300cc nước đun nhỏ lửa cho nhừ, rồi cho thịt vào quậy đều đến khi canh sôi thì ăn được.

4-Canh bí đao, giá đậu xanh :

Dùng bí đao xanh 2.,5 kg gọt vỏ thái miếng nhỏ, giá đậu xanh 100g, thịt heo nạc băm nhỏ ướp muối vừa đủ. Cho thịt vào nồi với 250cc nước đun sôi nhỏ lửa, khi thịt chín ,bỏ bí và giá đậu xanh vào quậy đều cho canh sôi thì ăn được.

5-Ăn chè bắp ngô non nấu với củ mài :

Dùng bắp ngô non còn tươi bào hột lấy 200g cho thêm 100g củ khoai mài, nấu hơi sền sệt, có vị hơi ngọt ăn như chè.

6- Canh rau khoai lang đỏ :

Dùng 200g rau khoai lang đỏ luộc, nêm muối cho vừa làm canh ăn mỗi ngày.

Phân tích công dụng của Khoai lang theo đông tây y :
Tên khoa học Ipomoea batatas (L.) Lamk. chứa các protein, acid amine, pectic, chất khoáng Ca, Mn, Kali, Na, Phosphor, Clor, Sulfur, Fe, Iode, Cu, Zn, các enzyme, chất béo, chất xơ, lá chứa vit E, có hoạt tính ức chế mạnh aldose reductase ở thủy tinh thể trong bệnh tiểu đường, kháng nấm, vi khuẩn.

Khoai lang có vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ, nhuận tràng làm phân mềm không đau bụng. Dùng 1 củ khoai lang sống giã nhỏ, chế nước sôi uống vào sáng sớm để chữa táo bón. Ăn khoai chín đại tiện sẽ thông.

7- Cháo đậu xanh :

Dùng 50g đậu xanh còn vỏ, 50g gạo tẻ nấu chung thành cháo ăn mỗi ngày để chữa tiểu đường, khát nhiều, uống nhiều tiểu nhiều .

8-Cháo Lá mía heo :

Dùng lá mía heo 1 cái, Hoài sơn 60g, Ý dĩ 120g. Nấu cháo ăn trong ngày.

Chữa tiểu đường kèm theo sạn mật .

9-Cá diếc hấp lá chè khô :

Hai con cá diếc 300g làm sạch, bỏ vây vẩy, ướp muối, lá chè khô 6g lót bọc chung quanh con cá đem hấp cách thủy, khi chín, bỏ lá chè ra chỉ ăn cá. Ăn luôn 5 ngày.

10-Cháo kê :

Hạt kê 200g, bột bắp 50g nấu với 300cc nước đun nhỏ lửa, khuấy đều đến khi chín ăn với muối .Có thể nấu cháo với thịt heo nạc xay. Ăn vào buổi sáng mỗi ngày.

11-Canh hạt đậu chiều ( đậu cọc rào ).

Vỏ và qủa hạt đậu chiều 50-100g luộc làm canh ăn .

Phân tích công dụng của Hạt đậu chiều theo đông tây y :
Tên khoa học Cajanus cajan (L.) Millsp., chứa nhiều protein, amineo glucoside cajamineose có tác dụng điều trị bệnh thiếu máu tế bào hình liềm, Phenylalamine chứa trong hạt có hiệu lực ức chế sự phát sinh hồng cầu hình liềm, lectin, cajaflavanon, globulin, arabinan, các men urea, dầu béo, các acid linoleic, caprylic, laureic, oleic và eicosenoic.

Hạt đậu chiều là nguồn protein được dùng làm thực phẩm, vỏ qủa đậu còn xanh dùng làm rau ăn. Ăn hạt sống làm xuất mồ hôi. Hạt và rễ chữa sốt, viêm phổi, giải độc, chữa bệnh lậu, đau răng lợi, tiêu thủng, tiểu đêm. Rễ thái mỏng ngậm chữa ho viêm họng.

12-Canh rau câu kỷ :

Dùng 200g lá câu kỷ nấu canh với giò sống.Ăn cái uống nước.

Lá Câu kỷ có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc máu, chữa các chứng đau nhức xương khớp và bệnh lở ngứa ngoài da do nóng trong người hay nhiễm trùng, nhọt độc, táo bón.

13-Canh thịt địa cốt bì :

Dùng địa cốt bì, trần bì, thần khúc mua ở tiệm thuốc bắc,

mỗi vị 10g nấu canh với 250g thịt ( một trong các loại sau : dê, cừu, gan cừu, gan heo..)

Để bổ dưỡng cơ thể bị ốm lâu suy nhược gầy yếu.

14- Cháo Ý dĩ hạt sen :

Dùng 50g Ý dĩ, 20g hạt sen và 100g thịt heo nạc xay nấu thành cháo.

Là món ăn cho những người cơ thể gầy yếu suy dinh dưỡng.

15- Ăn kỷ tử khô :

Có thể ăn từ 30-50g kỷ tử khô mỗi ngày như nho khô.

Khi dùng để ăn nên mua loại hột to, chín già, nếu ăn khô có thể bị bón hoặc sợ qúa ngọt thì rửa sạch rồi bỏ trong ly chế nước sôi vào ngâm cho nở ra trong 5-10 phút, múc ăn cả cái lẫn nước. Mỗi ngày dùng nó để tăng cường hệ miễn dịch tăng cường trí nhớ cho người lớn tuổi.

V- NHỮNG BÀI THUỐC KINH NGHIỆM CHỮA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG CỦA ĐÔNG Y :

Ngoài ra trong nhân gian còn nhiều bài thuốc kinh nghiệm gia truyền khác, nếu đem phân tích tính dược theo tây y hay đông y cũng đều có giá trị để chữa bệnh tiểu đường, nhưng tại sao lại không thống nhất một toa mà phải nhiều toa như vậy thì làm sao bệnh nhân bị tiểu đường như chúng ta biết cách dùng. Thật ra đông y có một phương pháp chẩn mạch bệnh và viết toa có nguyên tắc. Mạch bệnh nào cần phải chữa ưu tiên thì phải dùng vị thuốc tương ứng với bệnh có hàm lượng nhiều hơn gọi là chọn quân (=vua, vị thuốc chính), vị thuốc nào có công năng giúp vị thuốc chính được phát huy tính dược tối đa cho mạnh hơn lên thì được chọn làm thần, vị thuốc nào dùng để phò tá gia giảm sức công phá hay độc hại của thuốc được chọn làm , vị thuốc nào dẫn thuốc đến nơi bệnh để chữa được chọn làm sứ giả gọi là sứ thì hàm lượng thuốc ít hơn. Khi bài thuốc được viết ra, người ta sẽ đọc tên tắt của vị thuốc từ vị thuốc chính trước. Thí dụ như bài thuốc Lục vị địa hoàng gồm có địa, linh, đơn, tả, thù, dược.

Sau đây chúng ta sẽ tham khảo đến những bài thuốc kinh nghiệm khác cũng dùng để chữa bệnh tiểu đường và biến chứng, để tiện việc nghiên cứu được trọn bài thuốc, chúng tôi không ngại lập đi lập lại những phân tích đông tây y của các vị thuốc có trong bài thuốc để tránh mất thời giờ của đọc giả phải tìm lại những vị thuốc đã phân tích ở những trang trước :

Bài thuốc thứ 1 :

Bài thuốc chữa đái tháo đường do tâm nhiệt, khát uống nhiều, cao áp huyết :

Sa sâm, Thiên môn, Mạch môn, Hoài sơn, Bạch biển đậu, Ý dĩ, mỗi vị 12g, Tâm sen 8 g.

Bỏ chung đổ 4 chén nước sắc cạn còn gần 1 chén ( 8 phần 10 chén), mỗi ngày uống một thang cho đến khi người khỏe mạnh, đo lượng đường trong máu xuống mức bình thường thì ngưng.

Công dụng của sa sâm :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Glehnia littoralis F.Schmidt ex Miq. Rễ có chứa panaxydol, furocoumarin, tinh dầu, các loại acid triterpenic , có tác dụng giảm đau, hạ sốt, điều chỉnh phục hồi co bóp của tim mạch loạn nhịp, làm tăng áp huyết, tăng hô hấp khi cắt dây thần kinh phế vị tác dụng trên vẫn tồn tại. Chất polysaccharide của Sa sâm Bắc giống như hydrocortisone có tác dụng ức chế miễn dịch.

Phân tích theo đông y :
Sa sâm Bắc vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn vào hai kinh phế vị, có tác dụng dưỡng âm, thanh phế, phế nhiệt ho khan lâu ngày, lao phổi đờm lẫn máu, ích vị, sinh tân, khử đờm.

Công dụng của Thiên môn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr., Hoạt chất chính là saponin steroid, sau khi thủy phân cho các đường glucose, rhamnose và xylose. Rễ củ thiên môn chứa polysaccharide, các amine tự do như asparagin. Thân và lá chứa rutin, glycoside. Các hoạt chất này có tác dụng kháng khuẩn, ức chế men dihydrogenase của tế bào bệnh bạch cầu lympho cấp tính, tế bào bệnh bạch cầu mạn tính và tế bào bệnh bạch cầu đơn nhân. Dịch chiết thiên môn có tác dụng kích thích sự hoạt động của interferon.

Phân tích theo đông y :
Tên khác là Thiên môn đông, dây tóc tiên, có vị ngọt, đắng, tính đại hàn, vào các kinh phế thận, tư âm, nhuận táo, thanh phế, lợi tiểu, sinh tân, hóa đờm tức ở phổi, chữa ung thư phổi, hư lao, ho, thổ huyết, nhiệt bệnh, tiêu khát đái đường, tân dịch hao tổn, táo bón.

Công dụng của Mạch môn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker.-Gawl. Tên khác là Mạch môn đông, tóc tiên, có 5 loại glucoside tác dụng hạ đường huyết, chống viêm cấp tính và mãn tính, gây teo tuyến ức, ức chế tương đối khá trên phế cầu, tụ cầu vàng.

Phân tích theo đông y :
Mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, chữa ho khan, viêm họng, lao phổi nóng âm ỉ về chiều, sốt cao, tâm phiền khát nước, cầm máu như máu cam, thổ huyết, làm mát tim, thanh nhiệt, chữa khó ngủ, lợi tiểu, thiếu sữa, điều hòa nhịp tim, táo bón, lở ngứa, bệnh gan, thận và ruột.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đới, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của bạch biển đậu :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dolichos lablab L., tên khác là Đậu ván trắng, chứa 82.4% nước, 4.5% protein, 0.1% lipid, 1% chất vô cơ, Ca, P, Fe, Vit.C, B1, Cu, Zn, Ni, V, As, Mg, Sn, Ba, Ti, Mn, Sr, Al, Ag., các Pectic polysaccharide, đặc biệt có hemaaglutinin làm ngưng kết hồng cầu, kéo dài thời gian đông máu, làm hạ sốt, kiện vị, giải co thắt cơ trơn.

Phân tích theo đông y :
Đậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ôn, vào 2 kinh tỳ, vị, trừ thấp, tiêu thử, hòa trung. Qủa non đậu ván trắng là món ăn giầu chất bổ, qủa già cho hạt làm thuốc bồi bổ cơ thể, chữa tỳ vị hư nhược, chán ăn, tiêu chảy lâu ngày, đau bụng nôn mửa, đầy bụng khó tiêu, sốt cao, co giật, giải nhiệt độc.

Công dụng của ý dĩ :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Coix lacryma-jobi L. tên khác là dĩ mễ, bo bo. Chứa 50-79% tinh bột, 16-19% protein, 39.8 ppm sắt, dầu béo coixenolid, lipid, glypolipid, thiamine, acid amine, adenosine. Có tác dụng đối với cơ vân và đầu cuối dây thần kinh vận động, kéo dài thời gian gây ngủ, ức chế biên độ co bóp tim mạch, hoạt chất coixenolid chống ung thư.

Phân tích theo đông y :
Ý dĩ có vị ngọt, nhạt, tính mát, vào các kinh tỳ, phế, thận để bổ phế kiện tỳ, thanh nhiệt, lợi thấp, chỉ tả, bài mủ, chữa rối loạn tiêu hóa, phù thủng, bí tiểu, ung thư ruột, phong thấp lâu ngày không khỏi, gân co quắp khó cử động. Ý dĩ hầm với hạt sen và thịt nạc là món ăn cho những người cơ thể gầy yếu suy dinh dưỡng. Nước sắc Ý dĩ 20g cho 600cc nước nấu cạn còn 200cc uống liên tục mỗi ngày để chữa đi tiểu có sạn, uống đến khi nào tiểu bình thường thì thôi.

Chống chỉ định :
Người có bệnh đau bụng do âm hư nhiệt trướng, táo bón, háo khát không dùng được.

Công dụng của sen :

Phân tích theo tây y :
Sen có tên khác là liên, tên khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn.

Tâm sen có chất liensinin làm hạ áp huyết và một loại alkaloid khác không kết tinh chuyển liensinin dưới dạng amoni bậc 4 có tác dụng hạ áp huyết kéo dài lâu hơn, chống kích động loạn thần kinh gây hung dữ tương đương với amineazin trong điều trị tâm thần phân liệt mà không có độc tố như thuốc amineazin, tâm sen cũng có tác dụng an thần nhưng yếu hơn tác dụng của lá sen. Nhị sen có tác dụng ức chế tụ cầu vàng.

Lá sen có chất nuciferin tác dụng ức chế thần kinh trung ương chống viêm, giảm đau, ho, an thần kéo dài giấc ngủ, tăng thành phần sóng chậm delta, giảm thành phần sóng nhanh béta, tăng trương lực cơ, giải co thắt cơ trơn, ức chế loạn nhịp tim gây ra bởi calci clorid vì nó làm tăng ngưỡng kích thích tâm trương và tăng giai đoạn trơ của cơ tâm nhĩ và tâm thất, chống choáng, chữa chảy máu như đại tiểu tiện ra máu, xuất huyết dưới da, chân răng chảy máu.

Phân tích theo đông y :
Tâm sen gọi là liên tâm, có vị đắng, tính lạnh, vào kinh tâm, có tác dụng thanh tâm hỏa, điều nhiệt, chữa tâm phiền muộn người hâm hấp khó chịu, ít ngủ, khát, thổ huyết.

Lá sen gọi là liên diệp có vị đắng, tính mát vào 3 kinh can tỳ vị làm thanh thử lợi thấp, chữa tức ngực nóng sốt, tán ứ ,chỉ huyết.

Hạt sen gọi là liên nhục, gương sen đã lấy quả là liên phòng, Hạt sen trắng (quả sen bóc bỏ vỏ là liên thạch) có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh tâm tỳ thận , có tác dụng bổ tỳ hư kém ăn, dưỡng tâm trị mất ngủ hồi hộp, cố tinh, chữa di mộng tinh, sáp trường (làm chặt ruột ) chữa khí hư đi kiết lỵ.

Hoa sen có vị ngọt đắng, tính ấm làm an thần và cầm máu.

Tua sen bỏ hạt gạo ở đầu gọi là liên tu vị chát, tính ấm, vào 2 kinh tâm-thận, có tác dụng cố tinh, ích thận chữa di mộng tinh, thanh tâm trị mất ngủ, chỉ huyết cầm máu khi làm băng, thổ huyết.

Gương senngó sen hay thân rễ là liên ngẫu, có vị đắng chát, tính mát, tác dụng như thuốc ngủ và lợi tiểu, thu liễm, cầm máu khi đại tiểu tiện ra máu, tử cung xuất huyết, bạch đới, chảy máu cam..

Bài thuốc thứ 2:

Bài thuốc chữa bệnh tiểu đường do suy thận :

Đậu đen, Thiên hoa phấn (= rễ qua lâu ) mỗi vị 50g, tán bột, uống chung với nước sắc đậu đen 30 g.

Công dụng của đậu đen :

Phân tích theo tây y :
Đậu đen có tên khoa học Vigna cylindrica (L.)Skeels, chứa 24,40% protein, 1,70% lipid, 53,30% glucid, 4% cellulose. Trong 100g đậu có 5mcg Vit.A, 0,5mg Vit.B1, 0,21mg Vit.B2, 1,8mg Vit.PP, 8mg Vit.C, 970mg lysine, 310mg tryptophan, 1160mg phenylalanine, 56mg Ca, 354mg P, 6mg Fe.. Nó có tác dụng chống oxy hóa ở mức độ vừa phải, lợi tiểu.

Phân tích theo đông y :
Đậu đen có vị ngọt nhạt, tính bình mát, bổ gan thận, bổ huyết trừ phong, thanh thấp nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, giải độc, tiêu khát.

Công dụng của thiên hoa phấn :

Phân tích theo tây y :
Thiên hoa phấn hay Qua lâu còn gọi là dưa trời, dưa núi, tên khoa học Trichosanthes kirilowi Maxim. Rễ tán bột dùng ngoài trị eczema, nước hãm rễ qua lâu rửa vết thương. Trong rễ qua lâu có chứa các protein như Karasurin A,B,C, có tính kềm mạnh dễ làm sẩy thai, trichosanthin và TAP-29 có hoạt tính chống u bướu, virus kể cả HIV (Nghiên cứu của Thorup John E CA,1996), các polysaccharide gồm glycose, galactose, fructose, manose, xylose làm hạ đường huyết và chống tăng đường trong máu.

Phân tích theo đông y :
Qua lâu có vị ngọt đắng tính mát, vào hai kinh phế vị, tác dụng thanh phế nhiệt, hóa đàm, nhuận phế, hoạt trường. Rễ qua lâu có vị ngọt chua, tính mát, giáng hỏa sinh tân dịch, lợi sữa, chữa nhiệt bệnh, tiêu khát, vàng da, đau vú, trĩ dò, lở ngứa, sưng tấy.

Bài thuốc thứ 3:

Bài thuốc chữa tiêu khát tiểu đường, suy thận, biến chứng mắt mờ đục thủy tinh thể :

Thục địa, Hoài sơn mỗi vị 20g, Đơn bì, Kỷ tử, Thạch hộc, mỗi vị 12g, Sơn thù, Sa sâm, Rễ qua lâu mỗi vị 8g.

Sắc uống mỗi ngày một thang. Khi đo lượng đường ổn định thì ngưng.

Công dụng của thục địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.. Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởi biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược .

Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đới, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của đơn bì :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Paeonia suffruticosa Andr., tên khác là Mẫu đơn bì. Rễ mẫu đơn chứa alkaloid, saponin và một ít chất thuộc nhóm anthocyanin, tinh dầu. Vỏ rễ chứa acetophenon, pantagaloylglucose... Có tác dụng chống co thắt, chống viêm, giảm đau, ức chế kết tập tiểu cầu, ức chế đông máu trong mạch, kháng tiêu fibrin, chống độc hại gan gây ra bởi carbon tetraclorid, ức chế aldose reductase của thủy tinh thể trong biến chứng tiểu đường sang thận, võng mạc và thần kinh trầm cảm, hạ sốt, chống co giật. Chất Paeoniflorin có tác dụng chống loét bao tử do stress, làm giãn mạch ngoại biên để hạ áp huyết, điều trị rối loạn nhận thức, sa sút trí tuệ ở ngườigià.

Phân tích theo đông y :
Mẫu đơn vị cay, đắng, mùi thơm, tính bình vào các kinh tâm, can, thận. Có tác dụng trấn kinh, giảm đau, nóng sốt âm về chiều và đêm, không ra mồ hôi, phát sốt do huyết sưng ứ, nhức đầu, đau lưng, đau khớp, đau bụng kinh, trị thoát mạch, viêm rễ thần kinh, co giật, co thắt cơ bắp chân (chuột rút), sa sút trí tuệ, chữa bệnh gan siêu vi, cổ trướng, viêm da dị ứng lở loét.

Chống chỉ định :
Phụ nữ có thai không được dùng, có tác dụng gây vô sinh, sẩy thai.

Công dụng của kỷ tử :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Lycium chinense Mill .Trái của cây câu kỷ gọi là kỷ tử mầu đỏ cam, trong trái có chứa tinh dầu, acid béo, betain, zeaxanthin, physalien, chứa 8-10% acid amine trong đó chừng một nửa dạng tự do gồm có acid aspartic, prolin, acid glutamic, alanin, arginin, serin, và 9 acid amine khác.

Những người già trên 60 tuổi hoặc những người bị bệnh ung thư, nếu ăn sống mỗi ngày 5g hạt kỷ tử khô trong 10 ngày liên tiếp thì hoạt độ men superoxid dismitase (SOD) tăng 48%, Hemoglobin (Hb) tăng 12% và Lipid peroxyd giảm 65%, nó làm tăng cường hệ miễn dịch đã bị suy giảm ở người già, điều chỉnh được tỷ lệ chuyển hóa của nguyên bạch cầu (leukocytoblast ), globulin miễn dịch trong huyết thanh như IgG, IgA và IgM đều tăng, nước sắc kỷ tử uống liên tục mỗi ngày trong 4 tuần lễ thì cholestérol huyết, beta lipoprotein và triglyceride đều giảm, lượng bạch cầu tăng và ngăn ngưà hiện tượng giảm bạch cầu do cyclophosphamid gây nên trong điều trị ung thư.

Phân tích theo đông y :
Kỷ tử có vị ngọt tính bình, vào hai kinh can thận, có công dụng dưỡng gan, sáng mắt, bổ phế thận, ích tinh, nó được coi là vị thuốc bổ toàn thân dùng cho cơ thể suy nhược, tinh huyết bất túc, có tác dụng bổ huyết, ức chế tế bào ung thư.

Công dụng của thạch hộc :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dendrobium nobile Lindl.,tên khác là Hoàng thảo cẳng gà. Có chứa hoạt chất dandrobin tương tự về mặt định tính như strychnin làm giảm đau, hạ nhiệt, làm tăng đường huyết vừa phải, chống khối u phổi, buồng trứng và bệnh bạch cầu .

Phân tích theo đông y :
Thạch hộc vị hơi ngọt, mặn, tính hơi lạnh vào 3 kinh phế, vị, thận. Giúp bao tử tăng tiết dịch, dưỡng âm chữa sốt nóng, cổ khô khát, chữa đau lưng chân tay nhức mỏi, làm thuốc bổ ngũ tạng âm, sinh tân dịch, chữa hư lao, ra mồ hôi trộm, di tinh, đau bao tử, ợ chua, gầy yếu kém ăn, thị lực giảm.

Công dụng của sơn thù du :

Phân tích theo tây y :

Tên khoa học Cornus officinalis Sieb. Et Zucc. Qủa có chứa moronisid, methylmoronisid, swerosid, loganin, acid ursolic, galic, amine, Vit.A, saponin. Lá có lomgicerosid. Có tác dụng chữa suy nhược cơ thể, cao áp ở người có bệnh thận, bệnh tim, thiếu máu, loét tá tràng, bao tử, xơ gan, viêm cầu thận mãn tính, khí hư, đái đường.

Phân tích theo đông y :
Sơn thù du vị chua, tính bình, vào phần khí của hai kinh can, thận, có tác dụng sáp tinh, bền khí, thông khiếu, giữ không ra mồ hôi, chữa phong hàn, tê thấp, đau đầu, lưng, mỏi gối, ù tai, thận suy, tiểu nhiều, di tinh, rối loạn kinh nguyệt.

Chống chỉ định :
Người hỏa thịnh có bệnh thấp nhiệt không nên dùng.

Công dụng của sa sâm :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Glehnia littoralis F.Schmidt ex Miq. Rễ có chứa panaxydol , furocoumarin, tinh dầu, các loại acid triterpenic , có tác dụng giảm đau, hạ sốt, điều chỉnh phục hồi co bóp của tim mạch loạn nhịp, làm tăng áp huyết, tăng hô hấp khi cắt dây thần kinh phế vị tác dụng trên vẫn tồn tại. Chất polysaccharide của Sa sâm Bắc giống như hydrocortisone có tác dụng ức chế miễn dịch.

Phân tích theo đông y :

Sa sâm Bắc vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn vào hai kinh phế vị, có tác dụng dưỡng âm, thanh phế, phế nhiệt ho khan lâu ngày, lao phổi đờm lẫn máu, ích vị, sinh tân, khử đờm.

Công dụng của thiên hoa phấn :

Phân tích theo tây y :
Thiên hoa phấn hay Qua lâu còn gọi là dưa trời, dưa núi, tên khoa học Trichosanthes kirilowi Maxim. Rễ tán bột dùng ngoài trị eczema, nước hãm rễ qua lâu rửa vết thương. Trong rễ qua lâu có chứa các protein như Karasurin A,B,C, có tính kềm mạnh dễ làm sẩy thai, trichosanthin và TAP-29 có hoạt tính chống u bướu, virus kể cả HIV (Nghiên cứu của Thorup John E CA,1996), các polysaccharide gồm glycose, galactose, fructose, manose, xylose làm hạ đường huyết và chống tăng đường trong máu.

Phân tích theo đông y :
Qua lâu có vị ngọt đắng tính mát, vào hai kinh phế vị, tác dụng thanh phế nhiệt, hóa đàm, nhuận phế, hoạt trường. Rễ qua lâu có vị ngọt chua, tính mát, giáng hỏa sinh tân dịch, lợi sữa, chữa nhiệt bệnh, tiêu khát, vàng da, đau vú, trĩ dò, lở ngứa, sưng tấy.

Bài thuốc thứ 4 :

Bài thuốc chữa tiểu đường, người lạnh suy nhược, viêm gan, sưng phù , bí tiểu :

Hoài sơn 15g, Sơn thù du 10g, Phục linh 12g, Trạch tả, Sinh địa mỗi vị 10g. Mẫu đơn bì 6g, Quế 3g.

Sắc 4 chén nước cạn còn1 chén uống mỗi ngày.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đới, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của sơn thù du :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Cornus officinalis Sieb. Et Zucc. Qủa có chứa moronisid, methylmoronisid, swerosid, loganin, acid ursolic, galic, amine, Vit.A, saponin. Lá có lomgicerosid. Có tác dụng chữa suy nhược cơ thể, cao áp ở người có bệnh thận, bệnh tim, thiếu máu, loét tá tràng, bao tử, xơ gan, viêm cầu thận mãn tính, khí hư, đái đường.

Phân tích theo đông y :
Sơn thù du vị chua, tính bình, vào phần khí của hai kinh can, thận, có tác dụng sáp tinh, bền khí, thông khiếu, giữ không ra mồ hôi, chữa phong hàn, tê thấp, đau đầu, lưng, mỏi gối, ù tai, thận suy, tiểu nhiều, di tinh, rối loạn kinh nguyệt.

Chống chỉ định :
Người hỏa thịnh có bệnh thấp nhiệt không nên dùng.

Công dụng của phục linh :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Poria cocos Wolf, có chứa hoạt chất Polysaccharide, Pachymaran có tính chất kháng ung thư mạnh, các acid pinicolic, poriatin, adenine, ergosterol, cholin, lecithin, cephalin, histamine, histidin, sucrose, fructose, protease, dầu béo, muối vô cơ, tác dụng lợi tiểu, chống nôn, kháng khuẩn, kháng estrogen, chữa phù thủy thủng, tiêu chảy kéo dài, chữa ung thư bảo vệ tủy xương, cải thiện chức năng gan thận, tăng sức tăng cân, tăng thị lực, tăng cường miễn dịch, tác dụng an thần, chống loét bao tử, hạ đường huyết và bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Phục linh vị ngọt nhạt, tính bình, vào các kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm an thần. Chữa suy nhược, chóng mặt, di mộng tinh, lợi tiểu chữa phù thủy thủng, bụng trướng, tiêu chảy, tỳ hư kém ăn, mất ngủ.

Công dụng của trạch tả :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Alisma plantago-acquatica L. Thân rễ chứa tinh dầu, nhựa, protid, tinh bột, alismol, alisman Si, chữa các rối loạn ở gan giúp chuyển hóa mỡ, giảm uré và cholesterol trong máu, lợi tiểu, chống viêm, hạ áp huyết, ức chế trực khuẩn lao, chứa các alisol A,B,C monoacetat có tác dụng bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Trạch tả vị ngọt, tính hàn, vào hai kinh thận, bàng quang, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp để chữa bệnh thủy thủng, viêm thận, bể thận, tiểu khó, đái ra máu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Công dụng của sinh địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch..Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởi biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược.

Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện.

Công dụng của đơn bì :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Paeonia suffruticosa Andr., tên khác là Mẫu đơn bì. Rễ mẫu đơn chứa alkaloid, saponin và một ít chất thuộc nhóm anthocyanin, tinh dầu. Vỏ rễ chứa acetophenon, pantagaloylglucose... Có tác dụng chống co thắt, chống viêm, giảm đau, ức chế kết tập tiểu cầu, ức chế đông máu trong mạch, kháng tiêu fibrin, chống độc hại gan gây ra bởi carbon tetraclorid, ức chế aldose reductase của thủy tinh thể trong biến chứng tiểu đường sang thận, võng mạc và thần kinh trầm cảm, hạ sốt, chống co giật. Chất Paeoniflorin có tác dụng chống loét bao tử do stress, làm giãn mạch ngoại biên để hạ áp huyết, điều trị rối loạn nhận thức, sa sút trí tuệ ở người già.

Phân tích theo đông y :
Mẫu đơn vị cay, đắng, mùi thơm, tính bình vào các kinh tâm, can, thận. Có tác dụng trấn kinh, giảm đau, nóng sốt âm về chiều và đêm, không ra mồ hôi, phát sốt do huyết sưng ứ, nhức đầu, đau lưng, đau khớp, đau bụng kinh, trị thoát mạch, viêm rễ thần kinh, co giật, co thắt cơ bắp chân (chuột rút), sa sút trí tuệ, chữa bệnh gan siêu vi, cổ trướng, viêm da dị ứng lở loét.

Chống chỉ định :
Phụ nữ có thai không được dùng, có tác dụng gây vô sinh, sẩy thai.

Công dụng của quế :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Cinnamomum cassia Blume. Vỏ thân cành gọi là quế chi, vỏ thân gọi là quế nhục có chứa tinh dầu aldehyde cinnamic, tannin, chất nhựa, chất đường, calci oxalate, chất nhầy, chất vô cơ, coumarin. Có tác dụng diệt khuẩn lao, tiêu chảy, siêu vi khuẩn, trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh, nấm, Quế chi làm giãn mạch ngoại biên giúp giảm áp huyết, làm tăng lực co cơ mạch tim, chống huyết khối, chống viêm, ức chế sự phát triển của tế bào bạch cầu, chống đái tháo đường.

Phân tích theo đông y :
Quế vị ngọt cay, mùi thơm, tính rất nóng, tác dụng bổ tăng hỏa, hồi dương, ấm thận tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích. Dùng để cấp cứu chân tay hàn lạnh, mạch chậm nhỏ, hôn mê, đau bụng trúng thực, phong tê bại, tiêu hóa kém, tả lỵ, phù thủy thủng do bí tiểu tiện, kinh bế, rắn cắn, ung thư.

Bài thuốc thứ 5 :

Bài thuốc chữa tiểu đường, chân phù, viêm thận tiểu cầu mãn tính :

Hoàng kỳ 65g, Đảng sâm 25g, Hoài sơn 15,5g, Bạch truật, Phục linh mỗi thứ 12,5g.

Nấu sắc 500cc nước cạn còn 200cc chia làm ba lần uống trong ngày. Đo lượng đường mỗi ngày thấy ổn định thì ngưng.

Công dụng của Hoàng kỳ :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Astragalus membranaceus (Fisch. ) Bunge. Chứa chất polysaccharide giúp tăng hoạt tính interleukin-2 làm tăng thực bào của hệ lưới nội môi và tế bào đa nhân thuộc hệ thống miễn dịch, sinh thêm tế bào và duy trì tuổi thọ tế bào, là loại thuốc hồi dương, giúp tim co bóp bình thường trong trường hợp suy tim, vừa làm giãn mạch tim và mạch thận khiến áp huyết hạ và giúp máu qua thận nhiều hơn vừa bảo vệ mạch không vỡ do chiếu tia X-quang, tăng sự thẩm thấu của huyết tương qua thành mạch. Chất Saponin astramembrannin làm tăng sinh tổng hợp ADN trong gan và trong qúa trình tái sinh gan khi gan bị cắt, ngăn ngừa sự giảm glycogen, có tính kháng khuẩn, trực khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng, phế cầu.

Phân tích theo đông y :
Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn vào 2 kinh phế tỳ, bổ khí, thăng dương, liễm hãm, lợi tiểu, giải độc, chữa thận hư, viêm thận tiểu cầu mãn tính, đái tháo đường, đái đục, phong thấp, đau xương.

Công dụng của đảng sâm :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Codonopsis javanica (Blume) Hook.f. Rễ có đường, chất béo, không có saponin, người ta chiết xuất được triterpenglucoside và đặc biệt là các polysaccharide có tác dụng lên hệ miễn dịch, chống viêm, tăng chức năng tủy xương sinh sản tế bào có hoạt tính miễn dịch và dưỡng bào, tăng hồng cầu, giảm bạch cầu, hạ áp huyết ngoại vi và ức chế tác dụng gây tăng áp huyết của adrenalin.

Phân tích theo đông y :
Rễ đảng sâm có vị ngọt, tính bình, có tác dụng chữa tỳ vị suy nhược, phế khí kém, biếng ăn, đại tiện lỏng, thiếu máu, vàng da, tăng bạch cầu, viêm thận, nước tiểu có albumin, chân phù đau.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đới, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của BẠCH TRUẬT :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học là Atractylodes macrocephala Koidz., bộ phận dùng là rễ củ, vỏ mầu nâu, ruột trắng ngà ức chế vi khuẩn gây ra bệnh ngoài da, nước sắc của bạch truật có chất glucoside kali atractylat làm hạ đường huyết trong gan xuống thấp có thể tới mức gây co giật, nhưng lượng glycogen trong tim hơi tăng, ức chế sự đông máu, tăng chức năng hoạt động của gan, chống loét các cơ quan thuộc đường tiêu hóa, chống viêm khớp.

Phân tích theo đông y :
Bạch truật có mùi thơm nhẹ, vị ngọt đắng, tính ấm, kiện tỳ, táo thấp, hòa trung, lợi tiểu, giảm phù nhẹ, an thai, chống loét dạ dày, tăng cường chức năng giải độc của gan và chống viêm, nếu bạch truật sao chế với giấm sẽ làm tăng tiết mật. Đông y xem nó như là một loại thuốc bổ chữa các bệnh hư chứng như đau bao tử, giảm đau bụng đầy trướng có cảm giác nóng rát vùng thượng vị làm nôn mửa, giúp ăn được, chữa bệnh chậm tiêu, thấp nhiệt, tiêu chảy phân sống, viêm ruột mãn tính, chữa sốt ra mồ hôi.

Ngày dùng 1,5-3,0 chỉ ( 6g-12g )sắc nước uống.

Chống chỉ định :
Người có bệnh đau bụng do âm hư nhiệt trướng, táo bón, háo khát không dùng được.

Công dụng của phục linh :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Poria cocos Wolf, có chứa hoạt chất Polysaccharide, Pachymaran có tính chất kháng ung thư mạnh, các acid pinicolic, poriatin, adenine, ergosterol, cholin, lecithin, cephalin, histamine, histidin, sucrose, fructose, protease, dầu béo, muối vô cơ, tác dụng lợi tiểu, chống nôn, kháng khuẩn, kháng estrogen, chữa phù thủy thủng, tiêu chảy kéo dài, chữa ung thư bảo vệ tủy xương, cải thiện chức năng gan thận, tăng sức tăng cân, tăng thị lực, tăng cường miễn dịch, tác dụng an thần, chống loét bao tử, hạ đường huyết và bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Phục linh vị ngọt nhạt, tính bình, vào các kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm an thần. Chữa suy nhược, chóng mặt di mộng tinh, lợi tiểu chữa phù thủy thủng, bụng trướng, tiêu chảy, tỳ hư kém ăn, mất ngủ.

Bài thuốc thứ 6 :

Chữa đường huyết , áp huyết cao và biến chứng lở ngứa mụn nhọt ngoài da :

Rễ Ngưu bàng 20g (5 chỉ), Hà thủ ô, Thiên hoa phấn mỗi vị 12g.

Sắc 4 chén cạn còn 1 chén, uống mỗi ngày, khi hết mụn nhọt lở ngưá và lượng đường huyết xuống thì ngưng.

Công dụng của Ngưu bàng :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Arctium lappa L.,Vị cay đắng, tính hàn, vào hai kinh phế, vị, có tính kháng khuẩn cao , ức chế HIV cao. Qủa gọi là ngưu bàng tử có chứa các chất thuộc nhóm lignan và các thành phần khác như acid clorogenic, matairesinol, germacranolid. Rễ chứa inulin, polyacetylen, các acid bay hơi, các acid không có nhóm OH, men peroxidase. Lá chứa articol. Tây y dùng rễ ngưu bàng làm thuốc lợi tiểu, tẩy máu, ra mồ hôi, đau sưng thấp khớp, bệnh ngoài da. Lá và thân chữa tiểu đường có tác dụng hạ glucose trong máu và tăng lượng glycogen trong gan.

Phân tích theo đông y :
Đông y dùng qủa chữa cảm cúm, tiểu tiện không thông, sốt, sưng vú, họng, viêm phổi, viêm tai giữa, tràng nhạc và làm hạ đường huyết trong bệnh tiểu đường.

Công dụng của Hà thủ ô Đỏ :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Fallopia multiflora (Thumb.) Haraldson, có chứa lecithin tác dụng làm tan đường huyết, suy nhược thần kinh, sinh huyết dịch, giúp cải thiện chuyển hóa chung, chứa antraglucoside kích thích tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng, chống co thắt phế quản, chống viêm, có hợp chất stiben kháng khuẩn, nấm, gây hạ lipid huyết và cholesterol, dự phòng xơ mỡ động mạch.

Phân tích theo đông y :
Rễ Hà thủ ô đỏ có vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm, bổ gan thận, bổ máu, ích tinh tủy, hòa khí huyết, mạnh gân cốt, chữa thận suy, gan yếu, mất ngủ, thiếu máu, đau lưng, khí hư, làm đen râu tóc.

Chống chỉ định :
Người có áp huyết thấp và đường thấp không dùng được hà thủ ô, kiêng hành tỏi, củ cải.

Công dụng của thiên hoa phấn :

Phân tích theo tây y :
Thiên hoa phấn hay Qua lâu còn gọi là dưa trời, dưa núi, tên khoa học Trichosanthes kirilowi Maxim. Rễ tán bột dùng ngoài trị eczema, nước hãm rễ qua lâu rửa vết thương. Trong rễ qua lâu có chứa các protein như Karasurin A,B,C, có tính kềm mạnh dễ làm sẩy thai, trichosanthin và TAP-29 có hoạt tính chống u bướu, virus kể cả HIV (Nghiên cứu của Thorup John E CA,1996), các polysaccharide gồm glycose, galactose, fructose, manose, xylose làm hạ đường huyết và chống tăng đường trong máu.

Phân tích theo đông y :
Qua lâu có vị ngọt đắng tính mát, vào hai kinh phế vị, tác dụng thanh phế nhiệt, hóa đàm, nhuận phế, hoạt trường. Rễ qua lâu có vị ngọt chua, tính mát, giáng hỏa sinh tân dịch, lợi sữa, chữa nhiệt bệnh, tiêu khát, vàng da, đau vú, trĩ dò, lở ngứa, sưng tấy.

Bài thuốc thứ 7 :

Chữa bệnh tiểu đường ,cao áp huyết, phù thủng viêm thận :

Hoài sơn, Tang bạch bì, Câu kỷ tử mỗi vị 15g, Trạch tả, Ngọc trúc, Sa Uyển bạch tật lê mỗi vị 12g, Râu bắp 9g.

Sắc 4 chén cạn còn 1 chén, uống mỗi đợt 7 ngày nghỉ 1 tuần uống tiếp cho đến khi hết bệnh. Kiêng ăn thức ăn lạnh mát hoặc cay, thịt dê, cừu.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đớI, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của tang bạch bì :

Phân tích theo tây y :
Là vỏ rễ của cây dâu tằm, tên khoa học Morus acidosa Griff. Vỏ rễ có tác dụng tương tự như acetylcholin, các hoạt chất moracenin A,B,D. làm hạ áp huyết, hạ đường huyết, trấn tĩnh thần kinh, chống vi khuẩn.

Phân tích theo đông y :
Vỏ rễ chữa phế nhiệt ho ra máu, hen, ho đờm, trẻ con ho gà, phù thủng, bụng trướng, tiểu không thông, sốt, cao áp huyết, chữa rụng tóc bằng nấu nước sắc gội đầu..

Công dụng của kỷ tử :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Lycium chinense Mill .Trái của cây câu kỷ gọi là kỷ tử mầu đỏ cam, trong trái có chứa tinh dầu, acid béo, betain, zeaxanthin, physalien, chứa 8-10% acid amine trong đó chừng một nửa dạng tự do gồm có acid aspartic, prolin, acid glutamic, alanin, arginin, serin, và 9 acid amine khác.

Những người già trên 60 tuổi hoặc những người bị bệnh ung thư, nếu ăn sống mỗi ngày 5g hạt kỷ tử khô trong 10 ngày liên tiếp thì hoạt độ men superoxid dismitase (SOD) tăng 48%, Hemoglobin (Hb) tăng 12% và Lipid peroxyd giảm 65%, nó làm tăng cường hệ miễn dịch đã bị suy giảm ở người già, điều chỉnh được tỷ lệ chuyển hóa của nguyên bạch cầu (leukocytoblast ), globulin miễn dịch trong huyết thanh như IgG, IgA và IgM đều tăng, nước sắc kỷ tử uống liên tục mỗi ngày trong 4 tuần lễ thì cholestérol huyết, beta lipoprotein và triglyceride đều giảm, lượng bạch cầu tăng và ngăn ngưà hiện tượng giảm bạch cầu do cyclophosphamid gây nên trong điều trị ung thư.

Phân tích theo đông y :
Kỷ tử có vị ngọt tính bình, vào hai kinh can thận, có công dụng dưỡng gan, sáng mắt, bổ phế thận, ích tinh, nó được coi là vị thuốc bổ toàn thân dùng cho cơ thể suy nhược, tinh huyết bất túc, có tác dụng bổ huyết, ức chế tế bào ung thư.

Công dụng của trạch tả :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Alisma plantago-acquatica L. Thân rễ chứa tinh dầu, nhựa, protid, tinh bột, alismol, alisman Si, chữa các rối loạn ở gan giúp chuyển hóa mỡ, giảm uré và cholesterol trong máu, lợi tiểu, chống viêm, hạ áp huyết, ức chế trực khuẩn lao, chứa các alisol A,B,C monoacetat có tác dụng bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Trạch tả vị ngọt, tính hàn, vào hai kinh thận, bàng quang, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp để chữa bệnh thủy thủng, viêm thận, bể thận, tiểu khó, đái ra máu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Công dụng của Ngọc trúc :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Polygonatum officinale All. Chứa các glucoside convallamarin, azetidin acid carboxylic, flavonoid, các chất vô cơ Ca, P, K, Mg, Mn, Si. Dùng làm thuốc bổ phổi nhiệt, tiêu sưng, nóng sốt.

Phân tích theo đông y :
Ngọc trúc có vị ngọt, tính mát, vào hai kinh phế vị, có tác dụng tiêu đờm, nhuận táo, dưỡng âm, mát huyết, sinh tân dịch, chữa ho trừ khát, sốt nóng âm ỉ về đêm, kém ăn, khó tiêu, đái dắt, cơ thể suy nhược.

Công dụng của sa uyển bạch tật lê :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Tribulus terrestris L., có tên khác là qủy kiến sầu, gai chống, chứa nhiều saponin sterolic, glucoside, alkaloid harmin, norharman, tinh dầu, dầu béo.., làm giảm lipid-máu, trong huyết thanh và gan, giảm hoạt tính của enzyme phân hủy mỡ ở gan, bảo vệ tim.

Phân tích theo đông y :
Bạch tật lê có vị đắng, để sống có tính bình, đem sao có tính ấm vào hai kinh can, phế có tác dụng bình can, tán phong, thông huyết, trừ thấp, tả phế, sáng mắt, chữa đau mắt đỏ, chảy nước mắt nhiều, đau cổ họng, sưng vú, khí huyết kết trong bụng, bổ thận cường dương, trị đau lưng, tinh dịch không bền, chảy máu cam, dùng nước sắc súc miệng chữa loét miệng, giải độc.

Công dụng của râu bắp :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Zea mays L. chứa nhiều sucrose, chất béo, tinh dầu, chất gôm, nhựa, glucoside đắng, saponin, cryptoxanthin, vit.C, K, sitosterol, stigmasterol, nhiều acid hữu cơ, anthocyan. Có tác dụng lợi tiểu, thải trừ clorid, bài tiết mật, hạ đường huyết, hạ cholesterol, làm giảm mức độ bão hòa của Béta lipoprotein trong máu với cholesterol làm giảm xơ vữa động mạch, tan huyết khối tắc mạch ở người cao tuổi.

Phân tích theo đông y :
Râu bắp và ruột bấc trong thân cây bắp có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh thận và bàng quang có tác dụng lợi tiểu điều trị tiểu rắt buốt, nước tiểu vàng, viêm đường tiết niệu, phù thủng, huyết áp cao, thông mật trong điều trị viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật, vàng da.

Bài thuốc thứ 8 :

Bài thuốc chữa tiểu đường, cơ thể suy nhược khí huyết, suy nhược thể lực, trí lực :

Thiên môn 30g, Sơn thù du 25g, Nhân sâm, Sinh địa, Kỷ tử, mỗi vị 15g.

Sắc 4 chén nước cạn còn 1 chén uống mỗi ngày đến khi bình phục.

Công dụng của Thiên môn :

Phân tích theo tây y :

Tên khoa học Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr., Hoạt chất chính là saponin steroid, sau khi thủy phân cho các đường glucose, rhamnose và xylose. Rễ củ thiên môn chứa polysaccharide, các amine tự do như asparagin. Thân và lá chứa rutin, glycoside. Các hoạt chất này có tác dụng kháng khuẩn, ức chế men dihydrogenase của tế bào bệnh bạch cầu lympho cấp tính, tế bào bệnh bạch cầu mạn tính và tế bào bệnh bạch cầu đơn nhân. Dịch chiết thiên môn có tác dụng kích thích sự hoạt động của interferon.

Phân tích theo đông y :

Tên khác là Thiên môn đông, dây tóc tiên, có vị ngọt, đắng, tính đại hàn, vào các kinh phế thận, tư âm, nhuận táo, thanh phế, lợi tiểu, sinh tân, hóa đờm tức ở phổi, chữa ung thư phổi, hư lao, ho, thổ huyết, nhiệt bệnh, tiêu khát đái đường, tân dịch hao tổn, táo bón.

Để chữa các bệnh trên, mỗi ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.

Công dụng của sơn thù du :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Cornus officinalis Sieb. Et Zucc. Qủa có chứa moronisid, methylmoronisid, swerosid, loganin, acid ursolic, galic, amine, Vit.A, saponin. Lá có lomgicerosid. Có tác dụng chữa suy nhược cơ thể, cao áp ở người có bệnh thận, bệnh tim, thiếu máu, loét tá tràng, bao tử, xơ gan, viêm cầu thận mãn tính, khí hư, đái đường.

Phân tích theo đông y :
Sơn thù du vị chua, tính bình, vào phần khí của hai kinh can, thận, có tác dụng sáp tinh, bền khí, thông khiếu, giữ không ra mồ hôi, chữa phong hàn, tê thấp, đau đầu, lưng, mỏi gối, ù tai, thận suy, tiểu nhiều, di tinh, rối loạn kinh nguyệt.

Chống chỉ định :
Người hỏa thịnh có bệnh thấp nhiệt không nên dùng.

Công dụng của Nhân sâm :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Panax ginseng C.A. Mey., tên khác là Sâm Cao ly, chứa các saponin triterpen như ginsenosid Rc, Rg1 và Ro giúp hưng phấn của vỏ đại não, tăng cường ức chế, cải thiện hệ thần kinh, tăng cường thể lực, trí lực, có tác dụng ức chế phản xạ có điều kiện của morphin và ethanol, nhân sâm dùng dài ngày phòng ngừa được phản ứng gây sốt do tiêm vaccin gây ra, dịch chiết nhân sâm làm tăng cao hàm lượng adrenocorticotropic hormone (ACTH) và corticosteron. Các ginsenoid có tác dụng trên hệ nội tiết, ức chế rõ rệt những thay đổi về trọng lượng của tuyến thượng thận, tuyến ức, lách, và tuyến giáp trạng trong qúa trình phản ứng kích thích, kích thích tuyến yên phân tiết hormone sinh tinh, kháng lợi niệu, chuyển hóa đường khi thử nghiệm tiêm adrenalin hay dung dịch glucose vào thỏ rồi tiêm dịch nhân sâm thấy đường huyết hạ, nhưng không thể thay thế dược insulin giải quyết được rối loạn chuyển hóa đường và không ngăn ngừa được bệnh tái sinh, làm giảm rối loạn nhịp tim, có tác dụng giãn mach làm hạ áp huyết và ức chế sự thu nạp Ca+ trong màng cơ tim, có tác dụng thúc đẩy qúa trình tổng hợp acid nucleic, protein trong tế bào gan, tinh hoàn, tủy xương, và tổng hợp albumin huyết thanh.

Phân tích theo đông y :
Nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào các kinh tỳ, phế, tâm, có tác dụng bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát, sinh tân, an thần kinh, bổ tỳ ích phế, bổ ngũ tạng, trừ tà khí, minh mục, khai tâm ích trí, chữa bệnh tim mạch, tiểu đường, đoản khí, tâm hồi hộp, hư lao.

Công dụng của sinh địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch..Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởi biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược .

Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện.

Công dụng của kỷ tử :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Lycium chinense Mill .Trái của cây câu kỷ gọi là kỷ tử mầu đỏ cam, trong trái có chứa tinh dầu, acid béo, betain, zeaxanthin, physalien, chứa 8-10% acid amine trong đó chừng một nửa dạng tự do gồm có acid aspartic, prolin, acid glutamic, alanin, arginin, serin, và 9 acid amine khác.

Những người già trên 60 tuổi hoặc những người bị bệnh ung thư, nếu ăn sống mỗi ngày 5g hạt kỷ tử khô trong 10 ngày liên tiếp thì hoạt độ men superoxid dismitase (SOD) tăng 48%, Hemoglobin (Hb) tăng 12% và Lipid peroxyd giảm 65%, nó làm tăng cường hệ miễn dịch đã bị suy giảm ở người già, điều chỉnh được tỷ lệ chuyển hóa của nguyên bạch cầu (leukocytoblast ), globulin miễn dịch trong huyết thanh như IgG, IgA và IgM đều tăng, nước sắc kỷ tử uống liên tục mỗi ngày trong 4 tuần lễ thì cholestérol huyết, beta lipoprotein và triglyceride đều giảm, lượng bạch cầu tăng và ngăn ngưà hiện tượng giảm bạch cầu do cyclophosphamid gây nên trong điều trị ung thư.

Phân tích theo đông y :
Kỷ tử có vị ngọt tính bình, vào hai kinh can thận, có công dụng dưỡng gan, sáng mắt, bổ phế thận, ích tinh, nó được coi là vị thuốc bổ toàn thân dùng cho cơ thể suy nhược, tinh huyết bất túc, có tác dụng bổ huyết, ức chế tế bào ung thư.

Bài thuốc thứ 9 :

Bài thuốc chữa tiểu đường, viêm cầu thận, chân bụng sưng phù :

Hoài sơn 15.5g, Phục linh 12.5g, Sơn thù du, Trạch tả, Sinh địa mỗi thú 10g, Mẫu đơn bì 6g, Phụ tử chế 4g, Quế 3g.

Sắc 800cc nước cạn còn 300cc chia uống 3 lần trong ngày.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đớI, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của phục linh :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Poria cocos Wolf, có chứa hoạt chất Polysaccharide, Pachymaran có tính chất kháng ung thư mạnh, các acid pinicolic, poriatin, adenine, ergosterol, cholin, lecithin, cephalin, histamine, histidin, sucrose, fructose, protease, dầu béo, muối vô cơ, tác dụng lợi tiểu, chống nôn, kháng khuẩn, kháng estrogen, chữa phù thủy thủng, tiêu chảy kéo dài, chữa ung thư bảo vệ tủy xương, cải thiện chức năng gan thận, tăng sức tăng cân, tăng thị lực, tăng cường miễn dịch, tác dụng an thần, chống loét bao tử, hạ đường huyết và bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Phục linh vị ngọt nhạt, tính bình, vào các kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm an thần. Chữa suy nhược, chóng mặt di mộng tinh, lợi tiểu, chữa phù thủy thủng, bụng trướng, tiêu chảy, tỳ hư kém ăn, mất ngủ.

Công dụng của sơn thù du :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Cornus officinalis Sieb. Et Zucc. Qủa có chứa moronisid, methylmoronisid, swerosid, loganin, acid ursolic, galic, amine, Vit.A, saponin. Lá có lomgicerosid. Có tác dụng chữa suy nhược cơ thể, cao áp ở người có bệnh thận, bệnh tim, thiếu máu, loét tá tràng, bao tử, xơ gan, viêm cầu thận mãn tính, khí hư, đái đường.

Phân tích theo đông y :
Sơn thù du vị chua, tính bình, vào phần khí của hai kinh can, thận, có tác dụng sáp tinh, bền khí, thông khiếu, giữ không ra mồ hôi, chữa phong hàn, tê thấp, đau đầu, lưng, mỏi gối, ù tai, thận suy, tiểu nhiều, di tinh, rối loạn kinh nguyệt.

Chống chỉ định :
Người hỏa thịnh có bệnh thấp nhiệt không nên dùng.

Công dụng của trạch tả :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Alisma plantago-acquatica L. Thân rễ chứa tinh dầu, nhựa, protid, tinh bột, alismol, alisman Si, chữa các rối loạn ở gan giúp chuyển hóa mỡ, giảm uré và cholesterol trong máu, lợi tiểu, chống viêm, hạ áp huyết, ức chế trực khuẩn lao, chứa các alisol A,B,C monoacetat có tác dụng bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Trạch tả vị ngọt, tính hàn, vào hai kinh thận, bàng quang, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp để chữa bệnh thủy thủng, viêm thận, bể thận, tiểu khó, đái ra máu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Công dụng của sinh địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch..Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởi biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược .

Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện

Công dụng của đơn bì :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Paeonia suffruticosa Andr., tên khác là Mẫu đơn bì. Rễ mẫu đơn chứa alkaloid, saponin và một ít chất thuộc nhóm anthocyanin, tinh dầu. Vỏ rễ chứa acetophenon, pantagaloylglucose... Có tác dụng chống co thắt, chống viêm, giảm đau, ức chế kết tập tiểu cầu, ức chế đông máu trong mạch, kháng tiêu fibrin, chống độc hại gan gây ra bởi carbon tetraclorid, ức chế aldose reductase của thủy tinh thể trong biến chứng tiểu đường sang thận, võng mạc và thần kinh trầm cảm, hạ sốt, chống co giật. Chất Paeoniflorin có tác dụng chống loét bao tử do stress, làm giãn mạch ngoại biên để hạ áp huyết, điều trị rối loạn nhận thức, sa sút trí tuệ ở người già.

Phân tích theo đông y :
Mẫu đơn vị cay, đắng, mùi thơm, tính bình vào các kinh tâm, can, thận. Có tác dụng trấn kinh, giảm đau, nóng sốt âm về chiều và đêm, không ra mồ hôi, phát sốt do huyết sưng ứ, nhức đầu, đau lưng, đau khớp, đau bụng kinh, trị thoát mạch, viêm rễ thần kinh, co giật, co thắt cơ bắp chân (chuột rút), sa sút trí tuệ, chữa bệnh gan siêu vi, cổ trướng, viêm da dị ứng lở loét.

Chống chỉ định :
Phụ nữ có thai không được dùng, có tác dụng gây vô sinh, sẩy thai.

Công dụng của Phụ tử :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Aconitum fortunei Hemsl. Tên khác là Ô đầu,chứa Aconitin làm hạ áp huyết nhưng rất độc đối với tim thúc đẩy màng tế bào khử cực hóa tăng nhanh nhịp đập, gây ức chế hô hấp. Ngộ độ aconitin biểu hiện trên điện tâm đồ là làm giảm nhịp tim sau đó dẫn truyền nhĩ thất bị phong bế, xuất hiện ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất cuối cùng tim ngừng đập vì do tính hưng phấn của cơ tim tăng cao, nhưng sản phẩm thủy phân của aconitin là chất aconin là hoạt chất higenamine lại có tính chất cường tim do tăng Ca++ mà độc tính rất thấp chỉ bằng 1/2000 của độc tính aconitin, có chất ester làm tăng cường chuyển hóa các lipid no và cholesterol, lipid trong máu, chữa xơ mỡ động mạch, chống viêm, nước sắc làm giảm acid ascorbic trong tuyến thượng thận, làm giảm lượng bạch cầu ưa acid trong máu ngoại vi, tăng cường hoạt động men RNA polymerase trong gan.

Phân tích theo đông y :
Ô đầu và Phụ tử chế đều vị cay, ngọt, tính nhiệt có độc mạnh bảng A, có tác dụng khu phong, táo thấp, khử hàn, hồi dương cứu nghịch, vong dương, mạch gần như mất, chân tay quờ quạng, bổ hỏa, trục phong, hàn, thấp tà, chữa ho, sưng đau.

Công dụng của quế :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Cinnamomum cassia Blume. Vỏ thân cành gọi là quế chi, vỏ thân gọi là quế nhục có chứa tinh dầu aldehyde cinnamic, tannin, chất nhựa, chất đường, calci oxalate, chất nhầy, chất vô cơ, coumarin. Có tác dụng diệt khuẩn lao, tiêu chảy, siêu vi khuẩn, trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh, nấm, Quế chi làm giãn mạch ngoại biên giúp giảm áp huyết, làm tăng lực co cơ mạch tim, chống huyết khối, chống viêm, ức chế sự phát triển của tế bào bạch cầu, chống đái tháo đường.

Phân tích theo đông y :
Quế vị ngọt cay, mùi thơm, tính rất nóng, tác dụng bổ tăng hỏa, hồi dương, ấm thận tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích. Dùng để cấp cứu chân tay hàn lạnh, mạch chậm nhỏ, hôn mê, đau bụng trúng thực, phong tê bại, tiêu hóa kém, tả lỵ, phù thủy thủng do bí tiểu tiện, kinh bế, rắn cắn, ung thư.

Bài thuốc thứ 10 :

Bài thuốc chữa tiểu đường, cao áp huyết, suy tim.

Ngũ vị tử 35g, Thỏ ty tử 30g, Hoài sơn 18g, Liên tử 9g, Phục linh 4g.

Bỏ chung đổ 5 chén nước nấu cạn còn 1 chén uống mỗi ngày, khi đo lượng đường giảm xuống bình thường thì ngưng.

Công dụng của Ngũ vị tử :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Schisandra chinensis (Tuecz.) Baill., chứa tinh dầu mùi chanh, qủa chứa acid citric, malic, tartaric, dẫn chất của dibenzo a,c, có tác dụng trợ tim, tuần hoàn máu, kích thích hô hấp, giãn mạch ngoại biên làm hạ áp huyết, làm hạ đường huyết, giảm clorid máu, giảm lượng glycogen trong gan, tăng thị lực ban đêm và có tác dụng bổ.

Phân tích theo đông y :
Ngũ vị tử có vị chua chát, tính ấm, vào hai kinh phế thận, có tác dụng liễm phế, phế hư, ho tức ngực, suyễn, miệng khô khát, mỏi mệt, thận hư, liệt dương, di tinh, mồ hôi trộm, tả lỵ lâu ngày. đái dầm.

Chống chỉ định :
Không thích hợp cho người đang bị cảm sốt cao, lên sởi, phát ban.

Công dụng của thỏ ty tử :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Cuscuta hygrophilae H. W.Pearson ,tên khác là Tơ hồng vàng, chứa alkaloid, lignan, flavonoid, acid hữu cơ, dầu béo, làm hạ áp huyết, tăng trọng lá lách, tăng lượng protein và albumin toàn phần trong huyết thanh, chống ung thư.

Phân tích theo đông y :
Thỏ ty tử có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính bình, dùng làm thuốc bổ chữa liệt dương, di tinh, đau lưng nhức xương gân, bổ thận, ích tinh tủy, thông tiểu, nhuận trường, tiêu hóa kém, viêm khớp, trị ung thư não, loạn tâm thần.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đới, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của sen :

Phân tích theo tây y :
Sen có tên khác là liên, tên khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn.

Tâm sen có chất liensinin làm hạ áp huyết và một loại alkaloid khác không kết tinh chuyển liensinin dưới dạng amoni bậc 4 có tác dụng hạ áp huyết kéo dài lâu hơn, chống kích động loạn thần kinh gây hung dữ tương đương với amineazin trong điều trị tâm thần phân liệt mà không có độc tố như thuốc amineazin, tâm sen cũng có tác dụng an thần nhưng yếu hơn tác dụng của lá sen. Nhị sen có tác dụng ức chế tụ cầu vàng.

Lá sen có chất nuciferin tác dụng ức chế thần kinh trung ương chống viêm, giảm đau, ho, an thần kéo dài giấc ngủ, tăng thành phần sóng chậm delta, giảm thành phần sóng nhanh béta, tăng trương lực cơ, giải co thắt cơ trơn, ức chế loạn nhịp tim gây ra bởi calci clorid vì nó làm tăng ngưỡng kích thích tâm trương và tăng giai đoạn trơ của cơ tâm nhĩ và tâm thất, chống choáng, chữa chảy máu như đại tiểu tiện ra máu, xuất huyết dưới da, chân răng chảy máu.

Phân tích theo đông y :
Tâm sen gọi là liên tâm, có vị đắng, tính lạnh, vào kinh tâm, có tác dụng thanh tâm hỏa, điều nhiệt, chữa tâm phiền muộn người hâm hấp khó chịu, ít ngủ, khát, thổ huyết.

Lá sen gọi là liên diệp có vị đắng, tính mát vào 3 kinh can tỳ vị làm thanh thử lợi thấp, chữa tức ngực nóng sốt, tán ứ, chỉ huyết.

Hạt sen gọi là liên nhục, gương sen đã lấy quả là liên phòng, Hạt sen trắng (quả sen bóc bỏ vỏ là liên thạch) có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh tâm tỳ thận, có tác dụng bổ tỳ hư kém ăn, dưỡng tâm trị mất ngủ hồi hộp, cố tinh, chữa di mộng tinh, sáp trường ( làm chặt ruột ) chữa khí hư đi kiết lỵ.

Hoa sen có vị ngọt đắng, tính ấm làm an thần và cầm máu.

Tua sen bỏ hạt gạo ở đầu gọi là liên tu vị chát, tính ấm, vào 2 kinh tâm-thận, có tác dụng cố tinh, ích thận chữa di mộng tinh, thanh tâm trị mất ngủ, chỉ huyết cầm máu khi làm băng, thổ huyết.

Gương senngó sen hay thân rễ là liên ngẫu, có vị đắng chát, tính mát, tác dụng như thuốc ngủ và lợi tiểu, thu liễm, cầm máu khi đại tiểu tiện ra máu, tử cung xuất huyết, bạch đới, chảy máu cam..

Công dụng của phục linh :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Poria cocos Wolf, có chứa hoạt chất Polysaccharide, Pachymaran có tính chất kháng ung thư mạnh, các acid pinicolic, poriatin, adenine, ergosterol, cholin, lecithin, cephalin, histamine, histidin, sucrose, fructose, protease, dầu béo, muối vô cơ, tác dụng lợi tiểu, chống nôn, kháng khuẩn, kháng estrogen, chữa phù thủy thủng, tiêu chảy kéo dài, chữa ung thư bảo vệ tủy xương, cải thiện chức năng gan thận, tăng sức tăng cân, tăng thị lực, tăng cường miễn dịch, tác dụng an thần, chống loét bao tử, hạ đường huyết và bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Phục linh vị ngọt nhạt, tính bình, vào các kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm an thần. Chữa suy nhược, chóng mặt di mộng tinh, lợi tiểu chữa phù thủy thủng, bụng trướng, tiêu chảy, tỳ hư kém ăn, mất ngủ.

Bài thuốc thứ 11 :

Bài thuốc chữa tiểu đường, bao tử kết nhiệt, cổ khô khát.

Sinh địa, Thạch cao mỗi vị 8g ( 2 chỉ), Thổ hoàng liên 2g (0,5 chỉ ).

Sắc 4 chén nước cạn còn 1 chén uống mỗi ngày đến khi hết triệu chứng khô khát...

Công dụng của sinh địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch..Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởI biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược .

Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện

Công dụng của Thạch cao :

Phân tích theo đông tây y :
Tên khoa học Calch Sulpha, là đá mềm có thớ thẳng, khí lạnh, vị ngọt, không độc, chữa cảm nắng nóng, thở dốc, miệng khô cổ ráo, tiêu khát, khí kết rắn chắc trong bụng, mê man, nói lảm nhảm, nước tiểu đục.

Chống chỉ định :
Những người già suy nhược, khí huyết hư, yếu bao tử, không dùng được.

Công dụng của thổ hoàng liên :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Thalictrum foliolosum DC. Thân rễ chứa berberin 0,5%, magnoflorin, palmatin 0,03%, jatrorhizin 0,02%, thalictrin, có tác dụng kháng khuẩn tương tự gentamycin, neomycin.

Phân tích theo đông y :
Rễ thổ hoàng liên rất đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, dùng chữa lỵ, hoàng đản, đầy hơi, dùng ngoài chữa đau mắt, mụn nhọt.

Bài thuốc thứ 12 :

Bài thuốc chữa bệnh tiêu khát, giải nhiệt độc trong gan làm mờ mắt..

Rau má, Vỏ đậu xanh, Bạch biển đậu, Mạch môn đông, mỗi thứ 20g, Sinh địa 3 chỉ, Sa sâm, Lá tre, Cát căn, mỗi thứ 2 chỉ, Cam thảo 1,5 chỉ, Bạch chỉ 1 chỉ.

Sắc 5 chén nước cạn còn 8 phân, hay nấu loãng với 1 lít nước uống giải khát như nước trà trong ngày.

Công dụng của rau má :

Phân tích theo tây y :
Rau má có tên khác là liên tiền thảo, tên khoa học là Centella asiatica (L.) Urban có chứa triterpen, tinh dầu, các hợp chất polyacétylen, flavonoid, steroid, dầu béo, acid amine..

Phân tích theo đông y :
Rau má có vị đắng hơi ngọt, mùi thơm, tính mát dùng để thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, cầm máu, tiêu viêm, lợi tiểu, nhuận gan.

Công dụng dùng chữa sốt, mụn độc, bệnh gan vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón, tiểu rắt buốt, khí hư bạch đới, mất sữa, chữa phong lao, cảm mạo đau đầu, amygdale, mắt đỏ, đau răng, đau gan do siêu vi, eczema, mẩn ngứa, ho gà, uống nước rau má dùng làm giải khát, đắp lá rau má giã nát để cầm máu, chữa vết thương, bong gân gẫy xương.

Công dụng của vỏ đậu xanh :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Vigna aureus (Roxb.)N.D.Khoi , Đậu xanh là nguồn thực phẩm giầu lysin, chứa Vit.A, B1, B2, PP, B6, C, acid folic , panthotelic, các nguyên tố Na, K, Ca, P, Fe, Cu. Vỏ hạt đậu xanh chứa 0,8% flavonoid toàn phần bao gồm vitexin 90,5% và isovitexin 9,5%, có tác dụng phòng ngừa và điều trị hiện tượng tăng lipid huyết để làm giảm cholesterol huyết thanh.

Phân tích theo đông y :
Đậu xanh có vị ngọt, tính mát vào kinh tâm vị, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thử, lợi thủy, giải độc, chữa sốt nóng, phiền khát, phù thủng, tả lỵ, mụn nhọt sưng tấy, loét miệng lưỡi, các trường hợp ngộ độc. Vỏ đậu xanh giải nhiệt tiêu độc, làm cho mắt khỏi mờ.

Công dụng của bạch biển đậu :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dolichos lablab L., tên khác là Đậu ván trắng, chứa 82.4% nước, 4.5% protein, 0.1% lipid, 1% chất vô cơ, Ca, P, Fe, Vit.C, B1, Cu, Zn, Ni, V, As, Mg, Sn, Ba, Ti, Mn, Sr, Al, Ag., các Pectic polysaccharide, đặc biệt có hemaaglutinin làm ngưng kết hồng cầu, kéo dài thời gian đông máu, làm hạ sốt, kiện vị, giải co thắt cơ trơn.

Phân tích theo đông y :
Đậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ôn, vào 2 kinh tỳ, vị, trừ thấp, tiêu thử, hòa trung. Qủa non đậu ván trắng là món ăn giầu chất bổ, qủa già cho hạt làm thuốc bồi bổ cơ thể, chữa tỳ vị hư nhược, chán ăn, tiêu chảy lâu ngày, đau bụng nôn mửa, đầy bụng khó tiêu, sốt cao, co giật, giải nhiệt độc.

Công dụng của Mạch môn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker.-Gawl. Tên khác là Mạch môn đông, tóc tiên, có 5 loại glucoside tác dụng hạ đường huyết, chống viêm cấp tính và mãn tính, gây teo tuyến ức, ức chế tương đối khá trên phế cầu, tụ cầu vàng.

Phân tích theo đông y :
Mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, chữa ho khan, viêm họng, lao phổi nóng âm ỉ về chiều, sốt cao, tâm phiền khát nước, cầm máu như máu cam, thổ huyết, làm mát tim, thanh nhiệt, chữa khó ngủ, lợi tiểu, thiếu sữa, điều hòa nhịp tim, táo bón, lở ngứa, bệnh gan, thận và ruột.

Công dụng của sinh địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch..Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởi biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược.

Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện.

Công dụng của sa sâm :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Glehnia littoralis F.Schmidt ex Miq. Rễ có chứa panaxydol , furocoumarin, tinh dầu, các loại acid triterpenic , có tác dụng giảm đau, hạ sốt, điều chỉnh phục hồi co bóp của tim mạch loạn nhịp, làm tăng áp huyết, tăng hô hấp khi cắt dây thần kinh phế vị tác dụng trên vẫn tồn tại. Chất polysaccharide của Sa sâm Bắc giống như hydrocortisone có tác dụng ức chế miễn dịch.

Phân tích theo đông y :
Sa sâm Bắc vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn vào hai kinh phế vị, có tác dụng dưỡng âm, thanh phế, phế nhiệt ho khan lâu ngày, lao phổi đờm lẫn máu, ích vị, sinh tân, khử đờm.

Công dụng của lá tre :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Bambusa arundinacea Retz. Lá tre chứa cholin, betain, men urease, men proteslitic, diasttic và emulsion, lá tre là nguồn nguyên liệu để chiết xuất chlorophyll, có tác dụng an thần, lợi tiểu .

Phân tích theo đông y :
Lá tre có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính lạnh, vào kinh tâm phế để thanh nhiệt, chữa cảm sốt, khát nước ra nhiều mồ hôi, ho suyễn, thổ huyết, trẻ con kinh phong.

Công dụng của cát căn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Pachyrhizus erosus (L.) Urb. người ta thường gọi là củ sắn, củ đậu. Chứa khoãng 80% nước, 1,47% protein, đường, chất béo, các nguyên tố đa lượng đồng, sắt, calci, phosphor, vitamine B1, riboflavin, niacin, C, adenin, arginin, cholin, phytin, có tác dụng chống u độc.

Phân tích theo đông y :
Củ đậu có vị ngọt nhạt, tính mát, ăn sống thì giải khát, nấu chín thì bổ trường vị. Hạt và lá có độc chỉ được dùng ngoài da chữa ghẻ, lở loét da lâu ngày.

Công dụng của cam thảo :

Phân tích theo tây y :
Có hai loại mang tên khoa học Glycyrrhiza uralensis Fisch. và G. glabra L. Chứa 4-6% chất vô cơ carbohydrat ( glucose và saccharose ), 3-5% manitol, tinh bột 25-30%, lipid 0,5-1%, asparagin 2-4%, nhựa 5%, có độ ngọt gấp 60 lần saccharose, nếu phối hợp với mía độ ngọt có thể tăng gấp 100 lần. Glycyrhizin gồm có 2 phân tử acid glucuronic và 1 phân tử acid glycyrhetic cấu tạo gần giống như cortisone có nhiều đồng phân chữa được bệnh Addison, có tác dụng chuyển hóa các chất điện giải, giữ natri và clorid trong cơ thể làm tăng áp huyết, giúp sự bài tiết kali. Ở trong cây, glycyrhizin tồn tại ở dạng muối Ca và Mg. Cam thảo có tác dụng gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, giảm thể nhiệt, giảm hô hấp, giảm ho, giải co thắt cơ trơn, chữa loét đường tiêu hóa bao tử và ruột, bảo vệ gan khi bị viêm gan, tăng tiết mật, chống dị ứng, giải độc mạnh đối với độc tố của bạch cầu, của cá, của nọc rắn, của strychnine, của uốn ván, của cocain và chlorat hydrate. Cam thảo dùng chung với cortisone làm giảm tác dụng của cortisone.

Phân tích theo đông y :
Rễ cam thảo bắc vị ngọt, tính bình, để sống có tác dụng giải độc, tả hỏa, chích cam thảo loại tẩm mật sao vàng có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Riêng cam thảo chữa cảm ho, mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau bao tử, ỉa chảy, ngộ độc. Chích cam thảo bổ tỳ vị hư nhược, ỉa lỏng, thân thể mệt mỏi, kém ăn.

Công dụng của bạch chỉ :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Angelica dahurica (Fisch.ex Hoffm.) Benth. Et Hook.f. Rễ chứa tinh dầu, coumarin, isoimperatorin, imperatorin, berrgapten, phelopterin, oxypeucedanin, có tác dụng kháng khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn, kháng virus, hạ sốt, giảm đau, chống viêm khớp, kích thích thần kinh trung ương, tác dụng giải co thắt cơ trơn, bình suyễn, làm chậm nhịp tim, hạ áp huyết làm giãn mạch vành, làm giảm chảy máu do đặt dụng cụ tránh thai, chống khối u.

Phân tích theo đông y:
Bạch chỉ vị cay, tính ấm, vào các kinh phế, vị, đại trường có tác dụng tán phong, trừ thấp, giảm đau, tiêu phù thủng, tiêu mủ, thông khí huyết, chữa cảm cúm, sốt xuất huyết, nhức đầu, đau răng, thần kinh, viêm tuyến vú, mụn nhọt mưng mủ.

Bài thuốc thứ 13 :

Chữa tiểu đường, áp huyết cao, mắt mờ, mất ngủ .

Ngũ vị tử 350g, Thỏ ty tử 300g, Hoài sơn 100g, Liên tử 90g, Phục linh 40g.

Tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 1 muỗng với nước cơm.

Công dụng của Ngũ vị tử :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Schisandra chinensis (Tuecz.) Baill., chứa tinh dầu mùi chanh, qủa chứa acid citric, malic, tartaric, dẫn chất của dibenzo a,c, có tác dụng trợ tim, tuần hoàn máu, kích thích hô hấp, giãn mạch ngoại biên làm hạ áp huyết, làm hạ đường huyết, giảm clorid máu, giảm lượng glycogen trong gan, tăng thị lực ban đêm và có tác dụng bổ.

Phân tích theo đông y :
Ngũ vị tử có vị chua chát, tính ấm, vào hai kinh phế thận, có tác dụng liễm phế, phế hư, ho tức ngực, suyễn, miệng khô khát, mỏi mệt, thận hư, liệt dương, di tinh, mồ hôi trộm, tả lỵ lâu ngày. đái dầm.

Chống chỉ định :
Không thích hợp cho người đang bị cảm sốt cao, lên sởi, phát ban.

Công dụng của thỏ ty tử :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Cuscuta hygrophilae H. W.Pearson ,tên khác là Tơ hồng vàng, chứa alkaloid, lignan, flavonoid, acid hữu cơ, dầu béo, làm hạ áp huyết, tăng trọng lá lách, tăng lượng protein và albumin toàn phần trong huyết thanh, chống ung thư.

Phân tích theo đông y :
Thỏ ty tử có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính bình, dùng làm thuốc bổ chữa liệt dương, di tinh, đau lưng nhức xương gân, bổ thận, ích tinh tủy, thông tiểu, nhuận trường, tiêu hóa kém, viêm khớp, trị ung thư não, loạn tâm thần.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đới, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của sen :

Phân tích theo tây y :
Sen có tên khác là liên, tên khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn.

Tâm sen có chất liensinin làm hạ áp huyết và một loại alkaloid khác không kết tinh chuyển liensinin dưới dạng amoni bậc 4 có tác dụng hạ áp huyết kéo dài lâu hơn, chống kích động loạn thần kinh gây hung dữ tương đương với amineazin trong điều trị tâm thần phân liệt mà không có độc tố như thuốc amineazin, tâm sen cũng có tác dụng an thần nhưng yếu hơn tác dụng của lá sen. Nhị sen có tác dụng ức chế tụ cầu vàng.

Lá sen có chất nuciferin tác dụng ức chế thần kinh trung ương chống viêm, giảm đau, ho, an thần kéo dài giấc ngủ, tăng thành phần sóng chậm delta, giảm thành phần sóng nhanh béta, tăng trương lực cơ, giải co thắt cơ trơn, ức chế loạn nhịp tim gây ra bởi calci clorid vì nó làm tăng ngưỡng kích thích tâm trương và tăng giai đoạn trơ của cơ tâm nhĩ và tâm thất, chống choáng, chữa chảy máu như đại tiểu tiện ra máu, xuất huyết dưới da, chân răng chảy máu.

Phân tích theo đông y :
Tâm sen gọi là liên tâm, có vị đắng, tính lạnh, vào kinh tâm, có tác dụng thanh tâm hỏa, điều nhiệt, chữa tâm phiền muộn người hâm hấp khó chịu, ít ngủ, khát, thổ huyết.

Lá sen gọi là liên diệp có vị đắng, tính mát vào 3 kinh can tỳ vị làm thanh thử lợi thấp, chữa tức ngực nóng sốt, tán ứ, chỉ huyết.

Hạt sen gọi là liên nhục, gương sen đã lấy quả là liên phòng, Hạt sen trắng (quả sen bóc bỏ vỏ là liên thạch) có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh tâm tỳ thận, có tác dụng bổ tỳ hư kém ăn, dưỡng tâm trị mất ngủ hồi hộp, cố tinh, chữa di mộng tinh, sáp trường (làm chặt ruột ) chữa khí hư đi kiết lỵ.

Hoa sen có vị ngọt đắng, tính ấm làm an thần và cầm máu.

Tua sen bỏ hạt gạo ở đầu gọi là liên tu vị chát, tính ấm, vào 2 kinh tâm-thận, có tác dụng cố tinh, ích thận chữa di mộng tinh, thanh tâm trị mất ngủ, chỉ huyết cầm máu khi làm băng, thổ huyết.

Gương senngó sen hay thân rễ là liên ngẫu, có vị đắng chát, tính mát, tác dụng như thuốc ngủ và lợi tiểu, thu liễm, cầm máu khi đại tiểu tiện ra máu, tử cung xuất huyết, bạch đới, chảy máu cam..

Công dụng của phục linh :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Poria cocos Wolf, có chứa hoạt chất Polysaccharide, Pachymaran có tính chất kháng ung thư mạnh, các acid pinicolic, poriatin, adenine, ergosterol, cholin, lecithin, cephalin, histamine, histidin, sucrose, fructose, protease, dầu béo, muối vô cơ, tác dụng lợi tiểu, chống nôn, kháng khuẩn, kháng estrogen, chữa phù thủy thủng, tiêu chảy kéo dài, chữa ung thư bảo vệ tủy xương, cải thiện chức năng gan thận, tăng sức tăng cân, tăng thị lực, tăng cường miễn dịch, tác dụng an thần, chống loét bao tử, hạ đường huyết và bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Phục linh vị ngọt nhạt, tính bình, vào các kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm an thần. Chữa suy nhược, chóng mặt di mộng tinh, lợi tiểu chữa phù thủy thủng, bụng trướng, tiêu chảy, tỳ hư kém ăn, mất ngủ.

Bài thuốc thứ 14 :

Chữa tiểu đường , cao áp huyết, mắt mờ, khát nước, tiểu ra máu :

Hoàng tinh hoa đỏ, Sinh địa, Hoàng kỳ mỗi thứ 2 phần, Trạch tả, Hoàng liên, Nhân sâm, Địa cốt bì mỗi thứ 1 phần.

Tán bột, mỗi lần uống 5g, ngày 3 lần, hoặc sắc uống.

Công dụng của hoàng tinh hoa đỏ :

Phân tích theo tây y :
Có hai loại: Hoàng tinh hoa đỏ tên khoa học Polygonatum kingianum Coll. Et Hemsl. Hoàng tinh hoa trắng tên khoa học Disporopsis longifolia Craib, chứa manose, polysacharide, có tác dụng chống mệt mỏi, kháng oxy hóa nhờ hoạt tính của men superoxyd dismutase (SOD), giảm hàm lượng lipofuscin trong cơ tim, tác dụng kháng lão suy, tăng cường lưu lượng máu mạch vành, chữa thiếu máu cục bộ ở cơ tim, kháng khuẩn, khi đường huyết tăng cao do adrenalin thì hoàng tinh làm giảm đường huyết, tăng cường miễn dịch, thúc đẩy qúa trình tổng hợp DNA, RNA và protein trong cơ thể, thúc đẩy sự chuyển dạng của tế bào lympho, ức chế bệnh nấm.

Phân tích theo đông y :
Hoàng tinh hoa đỏ có vị ngọt, tính bình, vào kinh tỳ, phế, thận, có tác dụng chữa tỳ vị hư nhược, suy kiệt, mệt mỏi, miệng khô, biếng ăn, phế hư táo, ho, nội nhiệt, tinh huyết bất túc, tiêu khát tiểu đường.

Công dụng của sinh địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởi biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược .

Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện

Công dụng của rễ qua lâu :

Phân tích theo tây y :
Thiên hoa phấn hay Qua lâu còn gọi là dưa trời, dưa núi, tên khoa học Trichosanthes kirilowi Maxim. Rễ tán bột dùng ngoài trị eczema, nước hãm rễ qua lâu rửa vết thương. Trong rễ qua lâu có chứa các protein như Karasurin A,B,C, có tính kềm mạnh dễ làm sẩy thai, trichosanthin và TAP-29 có hoạt tính chống u bướu, virus kể cả HIV (Nghiên cứu của Thorup John E CA,1996), các polysaccharide gồm glycose, galactose, fructose, manose, xylose làm hạ đường huyết và chống tăng đường trong máu.

Phân tích theo đông y :
Qua lâu có vị ngọt đắng tính mát, vào hai kinh phế vị, tác dụng thanh phế nhiệt, hóa đàm, nhuận phế, hoạt trường. Rễ qua lâu có vị ngọt chua, tính mát, giáng hỏa sinh tân dịch, lợi sữa, chữa nhiệt bệnh, tiêu khát, vàng da, đau vú, trĩ dò, lở ngứa, sưng tấy.

Công dụng của Hoàng kỳ :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Astragalus membranaceus (Fisch.) Bunge , chứa 2 nhóm hoạt tính polysacharide và saponin, có tác dụng trên hệ miễn dịch, kháng khuẩn, làm tế bào sinh trưởng nhanh hơn, tuổi thọ tế bào kéo dài hơn, làm nhịp tim co bóp bình thường, làm giãn mạch giảm áp huyết, lợi niệu, làm tăng sinh tổng hợp ADN trong qúa trình tái sinh gan, bảo vệ gan, ngăn ngừa sự giảm glycogen trong gan, tăng protein và albumin toàn phần trong huyết thanh, chống viêm, tăng co bóp tử cung, ức chế aldose reductase.

Phân tích theo tây y :
Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn, vào 2 kinh phế tỳ, bổ khí, thăng dương, liễm hãm, lợi tiểu, giải độc, chữa bệnh tiểu đường, đái đục, đái buốt, phù thủng, viêm thận mạn tính, albumin niệu, lở loét, phong thấp, đau xương.

Công dụng của trạch tả :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Alisma plantago-acquatica L. Thân rễ chứa tinh dầu, nhựa, protid, tinh bột, alismol, alisman Si, chữa các rối loạn ở gan giúp chuyển hóa mỡ, giảm uré và cholesterol trong máu, lợi tiểu, chống viêm, hạ áp huyết, ức chế trực khuẩn lao, chứa các alisol A,B,C monoacetat có tác dụng bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Trạch tả vị ngọt, tính hàn, vào hai kinh thận, bàng quang, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp để chữa bệnh thủy thủng, viêm thận, bể thận, tiểu khó, đái ra máu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Công dụng của thổ hoàng liên :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Thalictrum foliolosum DC. Thân rễ chứa berberin 0,5%, magnoflorin, palmatin 0,03%, jatrorhizin 0,02%, thalictrin, có tác dụng kháng khuẩn tương tự gentamycin, neomycin.

Phân tích theo đông y :
Rễ thổ hoàng liên rất đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, dùng chữa lỵ, hoàng đản, đầy hơi, dùng ngoài chữa đau mắt, mụn nhọt.

Công dụng của nhân sâm :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Panax ginseng C.A.Mey. thành phần chính là các saponin triterpin gọi là ginsenosid Rc, Rb1, Rg1, Rg2, và Ro, có tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương làm hưng phấn đại vỏ não, làm tăng khả năng nhớ và lưu trữ, kháng mệt mỏi, trấn tĩnh, cải thiện giấc ngủ, ức chế sự thay đổi trọng lượng của tuyến ức, thượng thận, tuyến lách, tuyến giáp trạng trong quá trình phản ứng kích thích, kích thích tuyến yên phân tiết các hormone, chuyển hóa đường làm hạ đường huyết, làm giãn mạch ức chế sự thu nạp Ca trong màng cơ tim và trong màng sợi cơ, điều trị và phòng bệnh nhiễm xạ virus, cấy ghép ung thư, nhiễm độc rượu, carbon, thiếu oxy, sốc điện hoặc cử động bị gò bó, thúc đẩy tuyến thượng thận tiết hormone corticosteron thúc đẩy qúa trình phân hủy đường, tăng cường chuyển hóa năng lượng có tác dụng làm tăng hàm lượng erythropoietin trong tủy sống, thúc đẩy qúa trình tổng hợp acid mucleic, protein trong tế bào gan, tinh hoàn, tủy xương và tổng hợp albumin trong huyết thanh.

Phân tích theo đông y :
Nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào các kinh tỳ phế tâm, có tác dụng đại bổ nguyên khí, ngũ tạng, phục mạch cố thoát, sinh tân, an thần, trừ tà khí, minh mục, khai tâm ích trí, tăng thể lực, trí lực, chữa bệnh tim mạch, tiểu đường, thần kinh suy nhược, hen suyễn khó thở, hồi hộp hay quên, tổn thương tân dịch, miệng khát, mất máu.

Chống chỉ định :
Không dùng nhân sâm trong trường hợp thực chứng, nhiệt chứng, tỳ vị thực nhiệt, phế bị hỏa tà, nhiều đờm, táo bón, nấc cục, đau tức ngực, bụng có trùng tích.

Công dụng của địa cốt bì :

Phân tích theo đông tây y :
Tên khoa học Lycium chinense Mill. Là vỏ rễ cây câu kỷ, có vị ngọt, tính hàn vào các kinh phế can thận ,chứa alcaloic tên kukoamine và lyciumamid, có tác dụng hạ sốt, hạ đường huyết sau 4-5 giờ sau khi uống, hạ áp huyết nguyên nhân do thần kinh trung ương và sự phong bế các tận cùng của thần kinh giao cảm, kháng khuẩn bệnh đường ruột, ức chế virus cúm, có tác dụng lương huyết, thanh phế, giáng hỏa dùng trong trường hợp hư lao triều nhiệt, mồ hôi trộm, hư lao, chảy máu mũi, đái ra máu, mụn nhọt.

Bài thuốc thứ 15 :

Chữa tiểu đường , phù thủng, đau nhức .

Rễ cây lá lốt, rễ rau ngót, ý dĩ, cối xay, mỗi vị 20g.

Băm nhỏ sao, nấu 4 bát nước còn 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày.

Công dụng của rễ cây lá lốt :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Piper lolot C.DC., chứa alkaloid chính là beta caryophylen, bornyl acetate, tinh dầu, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, viêm cấp tính răng miệng, sâu răng và biến chứng.

Phân tích theo đông y :
Lá lốt vị cay thơm, tính ấm, lá và rễ vào 2 kinh tỳ phế, ôn trung tán hàn, hạ khí, giảm đau nhức phong thấp khớp nặng, nhức xương, tay chân tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi đau trướng bụng, tiêu chảy, thận và bàng quang lạnh, đau đầu, đau nhức răng miệng, chảy nước mũi hôi, ra mồ hôi tay chân, phù thủng.

Công dụng của rễ rau ngót :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Sauropus androgynus (L.) Merr. Tên khác là Bồ ngót, làm rau ăn, trong 100g chứa 86,4g nước, protein toàn phần 5,3g, carbohydrate 3,4g, Na 28mg, Ca 169mg, P 64,5mg, Fe 2,7mg, Vit.A 1037mcg, beta carotene 6220mcg, Vit.B1,B2, PP, C, lysine, methionin, tryptophan, phenylalamine, threonin, valin, leucin, isoleucin.

Phân tích theo đông y :
Rễ có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lương huyết, hoạt huyết, giải độc, lợi tiểu. Rau ngót ăn bổ mát được coi là loại rau đa dinh dưỡng, dùng chữa bệnh sót nhau, tưa lưỡi, đái dầm, tiểu tiện khó, tức chẹn bàng quang, lá và rễ tươi giã đắp ngoài chữa loét mũi.

Công dụng của ý dĩ :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Coix lacryma-jobi L. Chứa tinh bột 50-79%, protein 16-19%, dầu béo 2-7%, 39.8ppm sắt, dầu béo coixenolid, lipid, glycolipid, phospholipid, sterol, thiamine, acid amine, adenosin, chất vô cơ, lá và rễ chứa benzoxazolon, rễ chứa lignan và syringyl glycerol, có tác dụng đối với đầu cơ vân và đầu cuối dây thần kinh vận động, đối với hệ thần kinh trung ương làm giảm đau, kéo dài thời gian gây ngủ, dễ thở, đối với hệ tim mạch làm hạ áp huyết, ức chế biên độ co bóp tim mạch, chống ung thư do hoạt chất coixenolid, hạ đường huyết nhẹ.

Phân tích theo đông y :
Ý dĩ có vị ngọt, nhạt, tính mát, vào các kinh tỳ, phế, thận để bổ phế kiện tỳ, thanh nhiệt, lợi thấp, chỉ tả, bài mủ, chữa rối loạn tiêu hóa, phù thủng, bí tiểu, ung thư ruột, phong thấp lâu ngày không khỏi, gân co quắp khó cử động. Ý dĩ hầm với hạt sen và thịt nạc là món ăn cho những người cơ thể gầy yếu suy dinh dưỡng. Nước sắc Ý dĩ 20g cho 600cc nước nấu cạn còn 200cc uống liên tục mỗi ngày để chữa đi tiểu có sạn, uống đến khi nào tiểu bình thường thì thôi.

Chống chỉ định :
Người có bệnh đau bụng do âm hư nhiệt trướng, táo bón, háo khát không dùng được.

Công dụng của cối xay :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Abutilon indicum (L.) Sweet, tên khác là kim hoa thảo, chứa flavonoid, hợp chất phenol, acid amine, acid hữu cơ, đường glucose, fructose, galactose, có tác dụng kháng khuẩn, nấm, kháng đơn bào, hạ đường huyết, chống viêm đau sưng phù khớp, nhuận trường.

Phân tích theo đông y :
Cối xay có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt chữa cảm sốt, đau đầu, bí tiểu, phù thủng, kiết lỵ, mắt mộng, tai điếc, hoạt huyết.

Bài thuốc thứ 16 :

Chữa tiểu đường, phù thủng, đục thủy tinh thể, thiếu máu, tiểu ra máu .

Hoài sơn, Sinh địa, Phục linh, Phụ tử chế, mỗi thứ 15,5g, Sơn thù du, Trạch tả, Quế, Ngưu tất, mỗi vị 10g, Mẫu đơn bì, Hạt Mã đề mỗi vị 6g.

Làm thành viên 2,5g. Mỗi lần uống 4 viên, ngày 2 lần. Hoặc sắc 800c nước cạn còn 400cc, ngày uống 3 lần.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đới, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của sinh địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch..Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởi biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược .

Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện

Công dụng của phục linh :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Poria cocos Wolf, có chứa hoạt chất Polysaccharide, Pachymaran có tính chất kháng ung thư mạnh, các acid pinicolic, poriatin, adenine, ergosterol, cholin, lecithin, cephalin, histamine, histidin, sucrose, fructose, protease, dầu béo, muối vô cơ, tác dụng lợi tiểu, chống nôn, kháng khuẩn, kháng estrogen, chữa phù thủy thủng, tiêu chảy kéo dài, chữa ung thư bảo vệ tủy xương, cải thiện chức năng gan thận, tăng sức tăng cân, tăng thị lực, tăng cường miễn dịch, tác dụng an thần, chống loét bao tử, hạ đường huyết và bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Phục linh vị ngọt nhạt, tính bình, vào các kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm an thần. Chữa suy nhược, chóng mặt di mộng tinh, lợi tiểu chữa phù thủy thủng, bụng trướng, tiêu chảy, tỳ hư kém ăn, mất ngủ.

Công dụng của phụ tử :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Aconitum fortunei Hemsl. Tên khác là Ô đầu,chứa Aconitin làm hạ áp huyết nhưng rất độc đối với tim thúc đẩy màng tế bào khử cực hóa tăng nhanh nhịp đập, gây ức chế hô hấp. Ngộ độ aconitin biểu hiện trên điện tâm đồ là làm giảm nhịp tim sau đó dẫn truyền nhĩ thất bị phong bế, xuất hiện ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất cuối cùng tim ngừng đập vì do tính hưng phấn của cơ tim tăng cao, nhưng sản phẩm thủy phân của aconitin là chất aconin là hoạt chất higenamine lại có tính chất cường tim do tăng Ca++ mà độc tính rất thấp chỉ bằng 1/2000 của độc tính aconitin, có chất ester làm tăng cường chuyển hóa các lipid no và cholesterol, lipid trong máu, chữa xơ mỡ động mạch, chống viêm, nước sắc làm giảm acid ascorbic trong tuyến thượng thận, làm giảm lượng bạch cầu ưa acid trong máu ngoại vi, tăng cường hoạt động men RNA polymerase trong gan.

Phân tích theo đông y :
Ô đầu và Phụ tử chế đều vị cay, ngọt, tính nhiệt có độc mạnh bảng A, có tác dụng khu phong, táo thấp, khử hàn, hồi dương cứu nghịch, vong dương, mạch gần như mất, chân tay quờ quạng, bổ hỏa, trục phong, hàn, thấp tà, chữa ho, sưng đau.

Công dụng của sơn thù du :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Cornus officinalis Sieb. Et Zucc. Qủa có chứa moronisid, methylmoronisid, swerosid, loganin, acid ursolic, galic, amine, Vit.A, saponin. Lá có lomgicerosid. Có tác dụng chữa suy nhược cơ thể, cao áp ở người có bệnh thận, bệnh tim, thiếu máu, loét tá tràng, bao tử, xơ gan, viêm cầu thận mãn tính, khí hư, đái đường.

Phân tích theo đông y :
Sơn thù du vị chua, tính bình, vào phần khí của hai kinh can, thận, có tác dụng sáp tinh, bền khí, thông khiếu, giữ không ra mồ hôi, chữa phong hàn, tê thấp, đau đầu, lưng, mỏi gối, ù tai, thận suy, tiểu nhiều, di tinh, rối loạn kinh nguyệt.

Chống chỉ định :
Người hỏa thịnh có bệnh thấp nhiệt không nên dùng.

Công dụng của trạch tả :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Alisma plantago-acquatica L. Thân rễ chứa tinh dầu, nhựa, protid, tinh bột, alismol, alisman Si, chữa các rối loạn ở gan giúp chuyển hóa mỡ, giảm uré và cholesterol trong máu, lợi tiểu, chống viêm, hạ áp huyết, ức chế trực khuẩn lao, chứa các alisol A,B,C monoacetat có tác dụng bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Trạch tả vị ngọt, tính hàn, vào hai kinh thận, bàng quang, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp để chữa bệnh thủy thủng, viêm thận, bể thận, tiểu khó, đái ra máu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Công dụng của quế :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Cinnamomum cassia Blume. Vỏ thân cành gọi là quế chi, vỏ thân gọi là quế nhục có chứa tinh dầu aldehyde cinnamic, tannin, chất nhựa, đường, calci oxalate, chất nhầy, chất vô cơ, coumarin. Có tác dụng diệt khuẩn lao, tiêu chảy, siêu vi khuẩn, trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh, nấm, Quế chi làm giãn mạch ngoại biên giúp giảm áp huyết, làm tăng lực co cơ mạch tim, chống huyết khối, chống viêm, ức chế sự phát triển của tế bào bạch cầu, chống đái tháo đường.

Phân tích theo đông y :
Quế vị ngọt cay, mùi thơm, tính rất nóng, tác dụng bổ tăng hỏa, hồi dương, ấm thận tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích. Dùng để cấp cứu chân tay hàn lạnh, mạch chậm nhỏ, hôn mê, đau bụng trúng thực, phong tê bại, tiêu hóa kém, tả lỵ, phù thủy thủng do bí tiểu tiện, kinh bế, rắn cắn, ung thư.

Công dụng của Ngưu tất :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Achyranthes bidentala Blume, rễ ngưu tất chống viêm mạnh gấp 4 lần, ức chế miễn dịch mạnh gấp 8 lần rễ cỏ xước, làm giảm cholesterol toàn phần, hạ áp huyết từ từ kéo dài, chữa thấp khớp đau lưng cấp tính do lạnh, té ngã, viêm răng, niêm mạc miệng, giảm tỷ lệ beta, alpha lipoprotein máu tương đương với clofibrat, giảm áp huyết trung bình từ 180/100mmHg xuống 145/90 mmHg và làm ổn định áp huyết, tương đương với thuốc alpha methyl-dopa, giảm chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, acid oleanolic trong ngưu tất làm giảm sự thoái hóa và hoại tử tế bào gan, chống loét.

Phân tích theo đông y :
Ngưu tất có vị đắng chua, tính bình, không độc, vào hai kinh can thận. Dạng sống có tác dụng hành huyết, tán ứ, tiêu ung, lợi thấp, chữa cổ họng viêm sưng đau, amygdale, mụn nhọt, đái rát buốt, ra máu, sạn bàng quang, bế kinh, bụng dưới kết hòn cục, chấn thương, ứ máu bầm, đầu gối nhức mỏi. Dạng chín bổ gan, thận, cường gân tráng cốt, chữa ù tai, đau lưng, mỏi gối, chân tay co quắp bại liệt.

Chống chỉ định :
Phụ nữ có thai, băng huyết không dùng được, nó có tác dụng kích thích tình dục, chữa liệt dương, tráng dương, làm sẩy thai.

Công dụng của đơn bì :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Paeonia suffruticosa Andr., tên khác là Mẫu đơn bì. Rễ mẫu đơn chứa alkaloid, saponin và một ít chất thuộc nhóm anthocyanin, tinh dầu. Vỏ rễ chứa acetophenon, pantagaloylglucose... Có tác dụng chống co thắt, chống viêm, giảm đau, ức chế kết tập tiểu cầu, ức chế đông máu trong mạch, kháng tiêu fibrin, chống độc hại gan gây ra bởi carbon tetraclorid, ức chế aldose reductase của thủy tinh thể trong biến chứng tiểu đường sang thận, võng mạc và thần kinh trầm cảm, hạ sốt, chống co giật. Chất Paeoniflorin có tác dụng chống loét bao tử do stress, làm giãn mạch ngoại biên để hạ áp huyết, điều trị rối loạn nhận thức, sa sút trí tuệ ở người già.

Phân tích theo đông y :
Mẫu đơn vị cay, đắng, mùi thơm, tính bình vào các kinh tâm, can, thận. Có tác dụng trấn kinh, giảm đau, nóng sốt âm về chiều và đêm, không ra mồ hôi, phát sốt do huyết sưng ứ, nhức đầu, đau lưng, đau khớp, đau bụng kinh, trị thoát mạch, viêm rễ thần kinh, co giật, co thắt cơ bắp chân, sa sút trí tuệ, chữa bệnh gan siêu vi, cổ trướng, viêm da dị ứng lở loét.

Chống chỉ định :
Phụ nữ có thai không được dùng, có tác dụng gây vô sinh, sẩy thai.

Công dụng của hạt mã đề :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Plantago major L., tên khác là xa tiền, chứa iridoid, acid phenolic, flavonoid, acid cinamic, acid p.coumaric, ferulic, cafeic, chlorogenic, carotene, Vit.K,C. Nước ép có tác dụng tiết dịch vị, chữa lao, ung thư, loét bao tử, tái sinh tế bào da, có hoạt chất plantagin làm tăng tiết niêm dịch phế quản và ống tiêu hóa, ức chế trung khu hô hấp làm cho thở sâu và chậm hơn, có tác dụng kháng khuẩn chống viêm mủ, bảo vệ gan bị tổn thuơng, chống ngộ độc nấm, Lá có tác dụng lợi tiểu mạnh hơn hạt mã đề thải trừ các chất điện giải trong nước tiểu, thúc đẩy sự bài xuất sỏi niệu, hạ sốt, hạ áp huyết, chất nhầy trong mã đề hạ đường huyết và cholesterol. Hạt mã đề nhuận trường, kích thích chuyển động của nhu động ruột.

Phân tích theo đông y :
Lá mã đề có vị nhạt, tính mát. Hạt có vị ngọt nhạt, nhớt, tính mát, vào 4 kinh can, phế, thận, tiểu trường, có tác dụng chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, thận, bàng quang, bí tiểu, tiểu ra máu, sỏi sạn, phù thủng, đau mắt sưng đỏ, chảy máu cam, ra mồ hôi, tiêu chảy, kiết lỵ, lá giã nát đắp mụn nhọt chóng lành. Hạt mã đề ( 4-8g ) sắc uống chữa tiểu đường, khó tiêu, ho, và bệnh hiếm muộn ở nam nữ.

Chống chỉ định :
Người gìa thận suy kém hay tiểu đêm không nên dùng.

Bài thuốc thứ 17 :

Chữa tiểu đường, uống nhiều, tiểu nhiều.

Địa cốt bì, Rễ qua lâu, mỗi thứ 45g, Mạch môn đông

60g, Đại táo 7 qủa.

Sắc 4 chén nước cạn còn 1 chén uống nóng.

Công dụng của địa cốt bì :

Phân tích theo đông tây y :
Tên khoa học Lycium chinense Mill. Là vỏ rễ cây câu kỷ, có vị ngọt, tính hàn vào các kinh phế can thận ,chứa alcaloic tên kukoamine và lyciumamid, có tác dụng hạ sốt, hạ đường huyết sau 4-5 giờ sau khi uống, hạ áp huyết nguyên nhân do thần kinh trung ương và sự phong bế các tận cùng của thần kinh giao cảm, kháng khuẩn bệnh đường ruột, ức chế virus cúm, có tác dụng lương huyết, thanh phế, giáng hỏa dùng trong trường hợp hư lao triều nhiệt, mồ hôi trộm, hư lao, chảy máu mũi, đái ra máu, mụn nhọt.

Công dụng của rễ qua lâu :

Phân tích theo tây y :
Thiên hoa phấn hay Qua lâu còn gọi là dưa trời, dưa núi, tên khoa học Trichosanthes kirilowi Maxim. Rễ tán bột dùng ngoài trị eczema, nước hãm rễ qua lâu rửa vết thương. Trong rễ qua lâu có chứa các protein như Karasurin A,B,C, có tính kềm mạnh dễ làm sẩy thai, trichosanthin và TAP-29 có hoạt tính chống u bướu, virus kể cả HIV (Nghiên cứu của Thorup John E CA,1996), các polysaccharide gồm glycose, galactose, fructose, manose, xylose làm hạ đường huyết và chống tăng đường trong máu.

Phân tích theo đông y :
Qua lâu có vị ngọt đắng tính mát, vào hai kinh phế vị, tác dụng thanh phế nhiệt, hóa đàm, nhuận phế, hoạt trường. Rễ qua lâu có vị ngọt chua, tính mát, giáng hỏa sinh tân dịch, lợi sữa, chữa nhiệt bệnh, tiêu khát, vàng da, đau vú, trĩ dò, lở ngứa, sưng tấy.

Công dụng của Mạch môn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker.-Gawl. Tên khác là Mạch môn đông, tóc tiên, có 5 loại glucoside tác dụng hạ đường huyết, chống viêm cấp tính và mãn tính, gây teo tuyến ức, ức chế tương đối khá trên phế cầu, tụ cầu vàng.

Phân tích theo đông y :
Mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, chữa ho khan, viêm họng, lao phổi nóng âm ỉ về chiều, sốt cao, tâm phiền khát nước, cầm máu như máu cam, thổ huyết, làm mát tim, thanh nhiệt, chữa khó ngủ, lợi tiểu, thiếu sữa, điều hòa nhịp tim, táo bón, lở ngứa, bệnh gan, thận và ruột.

Công dụng của đại táo :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Zizyphus jujuba Lamk.tên khác là táo tàu đen, táo tàu đỏ, thịt qủa chứa vit.A,B2,C, triterpen, flavonoid, Alkaloid, nucliotid, acid hữu cơ, acid amine tự do. Hạt chứa saponin, flavomoid, có tác dụng làm tăng thể trọng, tăng lực, bảo vệ gan, tăng hàm lượng protein, albumin, tăng hàm lượng AMP vòng ở tế bào bạch cầu trong qúa trình phosphoryl hóa điều hòa chuyển đổi các protein trong tế bào, tác dụng chống dị ứng đối kháng vớI serotonin và histamine, tác dụng an thần, hạ áp huyết.

Phân tích theo đông y :
Đại táo vị ngọt, tính ôn vào 2 kinh tỳ vị có tác dụng bổ tỳ dưỡng vị, ích khí, nhuận tâm phế, sinh tân dịch, điều hòa các thức uống chữa ho, cơ thể suy nhược, ăn uống kém.

Bài thuốc thứ 18 :

Chữa tiểu đường âm hư hỏa vượng :

Hoàng liên địa hoàng thang :

Hoàng liên, Sinh địa, Thiên hoa phấn, Ngũ vị tử, Đương quy, Nhân sâm, Cát căn, Bạch phục linh ( bỏ vỏ ), Mạch môn đông, Cam thảo, mỗI vị 30g.

Sắc 600cc nước cạn còn 200cc uống trong ngày.

Công dụng của thổ hoàng liên :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Thalictrum foliolosum DC. Thân rễ chứa berberin 0,5%, magnoflorin, palmatin 0,03%, jatrorhizin 0,02%, thalictrin, có tác dụng kháng khuẩn tương tự gentamycin, neomycin.

Phân tích theo đông y :
Rễ thổ hoàng liên rất đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, dùng chữa lỵ, hoàng đản, đầy hơi, dùng ngoài chữa đau mắt, mụn nhọt.

Công dụng của sinh địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch..Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởi biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược .

Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện

Công dụng của rễ qua lâu :

Phân tích theo tây y :
Thiên hoa phấn hay Qua lâu còn gọi là dưa trời, dưa núi, tên khoa học Trichosanthes kirilowi Maxim. Rễ tán bột dùng ngoài trị eczema, nước hãm rễ qua lâu rửa vết thương. Trong rễ qua lâu có chứa các protein như Karasurin A,B,C, có tính kềm mạnh dễ làm sẩy thai, trichosanthin và TAP-29 có hoạt tính chống u bướu, virus kể cả HIV (Nghiên cứu của Thorup John E CA,1996), các polysaccharide gồm glycose, galactose, fructose, manose, xylose làm hạ đường huyết và chống tăng đường trong máu.

Phân tích theo đông y :
Qua lâu có vị ngọt đắng tính mát, vào hai kinh phế vị, tác dụng thanh phế nhiệt, hóa đàm, nhuận phế, hoạt trường. Rễ qua lâu có vị ngọt chua, tính mát, giáng hỏa sinh tân dịch, lợi sữa, chữa nhiệt bệnh, tiêu khát, vàng da, đau vú, trĩ dò, lở ngứa, sưng tấy.

Công dụng của Ngũ vị tử :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Schisandra chinensis (Tuecz.) Baill., chứa tinh dầu mùi chanh, qủa chứa acid citric, malic, tartaric, dẫn chất của dibenzo a,c, có tác dụng trợ tim, tuần hoàn máu, kích thích hô hấp, giãn mạch ngoại biên làm hạ áp huyết, làm hạ đường huyết, giảm clorid máu, giảm lượng glycogen trong gan, tăng thị lực ban đêm và có tác dụng bổ.

Phân tích theo đông y :
Ngũ vị tử có vị chua chát, tính ấm, vào hai kinh phế thận, có tác dụng liễm phế, phế hư, ho tức ngực, suyễn, miệng khô khát, mỏi mệt, thận hư, liệt dương, di tinh, mồ hôi trộm, tả lỵ lâu ngày. đái dầm.

Chống chỉ định :
Không thích hợp cho người đang bị cảm sốt cao, lên sởi, phát ban.

Công dụng của đương quy :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Angelica spp. chứa tinh dầu có các hợp chất terpen, phenolic, các chất dẫn phtalid, coumarin, acid hữu cơ vanilic, palmitic, linoleic, nicotimic, sucinic, polysaccharide, các acid amine, vit.B1,B12, E, các nguyên tố Mg, Ca, Al, Cr, Cu, Zn, As, Pb, Cd, Hg, P, Fe, Si, Ni, V, brefedin..Đương quy được phân thành 4 loại : Quy đầu gồm phần đầu của rễ chính, đầu tù và tròn còn mang vết tích của lá. Quy thân là rễ đã loại bỏ phần đầu và đuôi. Quy vĩ là phần rễ phụ hay nhánh. Toàn đương quy gồm cả rễ cái và rễ phụ.

Đương quy có tác dụng ức chế sự co thắt cơ trơn ruột, chống thiếu máu ác tính, ức chế trực khuẩn dịch hạch, thương hàn, phế cầu khuẩn, ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, có khả năng bảo vệ hệ thống miễn dịch làm tăng lượng tế bào lympho T và phục hồi tái tạo hồng cầu, tăng sức đề kháng, ức chế sự giảm tỷ lệ huyết sắc tố, có khả năng điều trị huyết khối não viêm tắc, tăng cường tuần hoàn não bị ứ máu, chống loạn nhịp tim, tăng hoạt tính thực bào. Rễ đương quy có 2 thành phần: một thành phần không có tinh dầu kích thích tử cung làm tăng lượng AND, tăng lượng tiêu thụ oxy của gan, và tăng năng lượng sử dụng glucose của tử cung, một thành phần có tinh dầu khác ức chế tử cung.

Phân tích theo đông y :
Đương quy có vị ngọt hơi đắng, hơi cay, có mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều thông kinh, dưỡng gân, tiêu sưng, nhuận trường, dùng để chữa bệnh phụ nữ, dùng làm thuốc bổ chữa bệnh thiếu máu xanh xao, đau đầu, cơ thể gầy yếu, suy tim, mệt mỏi, đau lưng, ngực, bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại liệt, táo bón, mụn lở ngứa, ứ huyết, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, sa tử cung, chảy máu, làm thuốc giảm đau chống co giật trong bệnh ung thư.

Công dụng của Nhân sâm :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Panax ginseng C.A. Mey., tên khác là Sâm Cao ly, chứa các saponin triterpen như ginsenosid Rc, Rg1 và Ro giúp hưng phấn của vỏ đại não, tăng cường ức chế, cải thiện hệ thần kinh,tăng cường thể lực, trí lực, có tác dụng ức chế phản xạ có điều kiện của morphin và ethanol, nhân sâm dùng dài ngày phòng ngừa được phản ứng gây sốt do tiêm vaccin gây ra, dịch chiết nhân sâm làm tăng cao hàm lượng adrenocorticotropic hormone (ACTH) và corticosteron. Các ginsenoid có tác dụng trên hệ nội tiết, ức chế rõ rệt những thay đổi về trọng lượng của tuyến thượng thận, tuyến ức, lách, và tuyến giáp trạng trong qúa trình phản ứng kích thích, kích thích tuyến yên phân tiết hormone sinh tinh, kháng lợi niệu, chuyển hóa đường khi thử nghiệm tiêm adrenalin hay dung dịch glucose vào thỏ rồi tiêm dịch nhân sâm thấy đường huyết hạ, nhưng không thể thay thế dược insulin giải quyết được rối loạn chuyển hóa đường và không ngăn ngừa được bệnh tái sinh, làm giảm rối loạn nhịp tim, có tác dụng giãn mach làm hạ áp huyết và ức chế sự thu nạp Ca+ trong màng cơ tim, có tác dụng thúc đẩy qúa trình tồng hợp acid nucleic, protein trong tế bào gan, tinh hoàn, tủy xương, và tổng hợp albumin huyết thanh.

Phân tích theo đông y :
Nhân sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào các kinh tỳ, phế, tâm, có tác dụng bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát, sinh tân, an thần kinh, bổ tỳ ích phế, bổ ngũ tạng, trừ tà khí, minh mục, khai tâm ích trí, chữa bệnh tim mạch, tiểu đường, đoản khí, tâm hồi hộp, hư lao.

Công dụng của cát căn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Pachyrhizus erosus (L.) Urb. người ta thường gọi là củ sắn, củ đậu. Chứa khoãng 80% nước, 1,47% protein, đường, chất béo, các nguyên tố đa lượng đồng, sắt, calci, phosphor, vitamine B1, riboflavin, niacin, C, adenin, arginin, cholin, phytin, có tác dụng chống u độc.

Phân tích theo đông y :
Củ đậu có vị ngọt nhạt, tính mát, ăn sống thì giải khát, nấu chín thì bổ trường vị. Hạt và lá có độc chỉ được dùng ngoài da chữa ghẻ, lở loét da lâu ngày.

Công dụng của phục linh :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Poria cocos Wolf, có chứa hoạt chất Polysaccharide, Pachymaran có tính chất kháng ung thư mạnh, các acid pinicolic, poriatin, adenine, ergosterol, cholin, lecithin, cephalin, histamine, histidin, sucrose, fructose, protease, dầu béo, muối vô cơ, tác dụng lợi tiểu, chống nôn, kháng khuẩn, kháng estrogen, chữa phù thủy thủng, tiêu chảy kéo dài, chữa ung thư bảo vệ tủy xương, cải thiện chức năng gan thận, tăng sức tăng cân, tăng thị lực, tăng cường miễn dịch, tác dụng an thần, chống loét bao tử, hạ đường huyết và bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Phục linh vị ngọt nhạt, tính bình, vào các kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm an thần. Chữa suy nhược, chóng mặt di mộng tinh, lợi tiểu chữa phù thủy thủng, bụng trướng, tiêu chảy, tỳ hư kém ăn, mất ngủ.

Công dụng của Mạch môn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker.-Gawl. Tên khác là Mạch môn đông, tóc tiên, có 5 loại glucoside tác dụng hạ đường huyết, chống viêm cấp tính và mãn tính, gây teo tuyến ức, ức chế tương đối khá trên phế cầu, tụ cầu vàng.

Phân tích theo đông y :
Mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, chữa ho khan, viêm họng, lao phổi nóng âm ỉ về chiều, sốt cao, tâm phiền khát nước, cầm máu như máu cam, thổ huyết, làm mát tim, thanh nhiệt, chữa khó ngủ, lợi tiểu, thiếu sữa, điều hòa nhịp tim, táo bón, lở ngứa, bệnh gan, thận và ruột.

Công dụng của cam thảo :

Phân tích theo tây y :
Có hai loại mang tên khoa học Glycyrrhiza uralensis Fisch. và G. glabra L. Chứa 4-6% chất vô cơ carbohydrat ( glucose và saccharose ), 3-5% manitol, tinh bột 25-30%, lipid 0,5-1%, asparagin 2-4%, nhựa 5%, có độ ngọt gấp 60 lần saccharose, nếu phối hợp với mía độ ngọt có thể tăng gấp 100 lần. Glycyrhizin gồm có 2 phân tử acid glucuronic và 1 phân tử acid glycyrhetic cấu tạo gần giống như cortisone có nhiều đồng phân chữa được bệnh Addison, có tác dụng chuyển hóa các chất điện giải, giữ natri và clorid trong cơ thể làm tăng áp huyết, giúp sự bài tiết kali. Ở trong cây, glycyrhizin tồn tại ở dạng muối Ca và Mg. Cam thảo có tác dụng gây trấn tĩnh, ức chế thần kinh trung ương, giảm thể nhiệt, giảm hô hấp, giảm ho, giải co thắt cơ trơn, chữa loét đường tiêu hóa bao tử và ruột, bảo vệ gan khi bị viêm gan, tăng tiết mật, chống dị ứng, giải độc mạnh đối với độc tố của bạch cầu, của cá, của nọc rắn, của strychnine, của uốn ván, của cocain và chlorat hydrate. Cam thảo dùng chung với cortisone làm giảm tác dụng của cortisone.

Phân tích theo đông y :
Rễ cam thảo bắc vị ngọt, tính bình, để sống có tác dụng giải độc, tả hỏa, chích cam thảo loại tẩm mật sao vàng có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc. Riêng cam thảo chữa cảm ho, mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau bao tử, ỉa chảy, ngộ độc. Chích cam thảo bổ tỳ vị hư nhược, ỉa lỏng, thân thể mệt mỏi, kém ăn.

Bài thuốc thứ 19 :

Chữa đường huyết cao, mụn nhọt lở ngứa :

Mã đề, Sinh địa mỗi vị 16g, Ngưu bàng, Hoàng liên, Mộc thông, Khổ sâm bắc, Hoàng bá, mỗi vị 12g, Phục linh, Thương truật, mỗi vị 8g, Bạc hà 4g.

Sắc 800cc nước cạn còn 300cc, chia 3 lần uống trong ngày.

Công dụng của hạt mã đề :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Plantago major L., tên khác là xa tiền, chứa iridoid, acid phenolic, flavonoid, acid cinamic, acid p.coumaric, ferulic, cafeic, chlorogenic, carotene, Vit.K,C. Nước ép có tác dụng tiết dịch vị, chữa lao, ung thư, loét bao tử, tái sinh tế bào da, có hoạt chất plantagin làm tăng tiết niêm dịch phế quản và ống tiêu hóa, ức chế trung khu hô hấp làm cho thở sâu và chậm hơn, có tác dụng kháng khuẩn chống viêm mủ, bảo vệ gan bị tổn thuơng, chống ngộ độc nấm, Lá có tác dụng lợi tiểu mạnh hơn hạt mã đề thải trừ các chất điện giải trong nước tiểu , thúc đẩy sự bài xuất sỏi niệu , hạ sốt, hạ áp huyết, chất nhầy trong mã đề hạ đường huyết và cholesterol. Hạt mã đề nhuận trường, kích thích chuyển động của nhu động ruột.

Phân tích theo đông y :
Lá mã đề có vị nhạt, tính mát. Hạt có vị ngọt nhạt, nhớt, tính mát, vào 4 kinh can, phế, thận, tiểu trường, có tác dụng chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, thận, bàng quang, bí tiểu, tiểu ra máu, sỏi sạn, phù thủng, đau mắt sưng đỏ, chảy máu cam, ra mồ hôi, tiêu chảy, kiết lỵ, lá giã nát đắp mụn nhọt chóng lành. Hạt mã đề ( 4-8g ) sắc uống chữa tiểu đường, khó tiêu, ho, và bệnh hiếm muộn ở nam nữ.

Chống chỉ định :
Người gìa thận suy kém hay tiểu đêm không nên dùng.

Công dụng của sinh địa :

Phân tích theo tây y :
Thục địa là sinh địa đã sao chế chín, tên gốc là địa hoàng, tên khoa học Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch..Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch, hạ đường máu nhờ tác dụng của chất iridoid glycoside A,B,C,D, một mặt kích thích tiết insulin, một mặt giảm glycogen trong gan. Trong Địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycoside có hoạt tính ức chế men aldose reductase để ức chế sự hình thành đục thủy tinh thể gây ra bởI biến chứng của bệnh tiểu đường.

Phân tích theo đông y :
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính mát, vào 4 kinh gan, tim, thận, tiểu trường để bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết dịch, mát máu, cầm máu, chữa chứng bệnh âm hư hỏa vượng, triều nhiệt, khô khát nóng uống nước nhiều, tiểu đường, thiếu máu, xuất huyết nội ngoại, cơ thể suy nhược .

Sinh địa chế chín gọi là Thục điạ có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm vào 3 kinh tâm, can, thận, chữa âm hư ở gan thận làm đau nhức lưng gối, chóng mặt ù tai, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho suyễn, tiêu khát tiểu đường, bổ huyết, bổ thận, sinh tinh, làm sáng mắt đen râu tóc, cơ thể tráng kiện.

Công dụng của Ngưu bàng :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Arctium lappa L.,Vị cay đắng, tính hàn, vào hai kinh phế, vị, có tính kháng khuẩn cao , ức chế HIV cao. Qủa gọI là ngưu bàng tử có chứa các chất thuộc nhóm lignan và các thành phần khác như acid clorogenic, matairesinol, germacranolid. Rễ chứa inulin, polyacetylen, các acid bay hơi, các acid không có nhóm OH, men peroxidase. Lá chứa articol. Tây y dùng rễ ngưu bàng làm thuốc lợi tiểu, tẩy máu, ra mồ hôi, đau sưng thấp khớp, bệnh ngoài da. Lá và thân chữa tiểu đường có tác dụng hạ glucose trong máu và tăng lượng glycogen trong gan.

Phân tích theo đông y :
Đông y dùng qủa chữa cảm cúm, tiểu tiện không thông, sốt, sưng vú, họng, viêm phổi, viêm tai giữa, tràng nhạc và làm hạ đường huyết trong bệnh tiểu đường.

Công dụng của thổ hoàng liên :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Thalictrum foliolosum DC. Thân rễ chứa berberin 0,5%, magnoflorin, palmatin 0,03%, jatrorhizin 0,02%, thalictrin, có tác dụng kháng khuẩn tương tự gentamycin, neomycin.

Phân tích theo đông y :
Rễ thổ hoàng liên rất đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, dùng chữa lỵ, hoàng đản, đầy hơi, dùng ngoài chữa đau mắt, mụn nhọt.

Công dụng của Mộc thông :

Phân tích theo đông tây y :
Tên khoa học Iodes vitiginea (Hance) Hemsl. chứa acid béo, có vị nhạt, hơi đắng, tính mát dùng thanh nhiệt, lợi tiểu chữa phù thủng, tiêu viêm đường tiết niệu đái dắt buốt, thông kinh, thông tia sữa.

Công dụng của Khổ sâm bắc :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Sophora flavescens Ait. chứa các hợp chất alkaloid, flavonoid, có tác dụng chống loạn nhịp tim, loạn nhịp tâm thất, ức chế rung tâm thất, chống loét mạnh ở môn vị, ức chế tiết acid, ức chế co bóp bao tử do stress, chống ho hen suyễn, có hoạt chất matrin, oxymatrin chống ung thư đối với sarcom, cổ trướng, tăng sinh tế bào lách, bảo vệ gan bị thương tổn, kháng khuẩn, tăng bài tiết muối natri, làm tăng áp huyết.

Phân tích theo đông y :
Khổ sâm bắc có vị đắng tính mát, vào các kinh tâm, can, đại trường, thanh nhiệt, khử thấp, trừ phong, sát trùng, dùng để chữa bệnh kiết lỵ, chảy máu ruột, hoàng đản, tiểu không thông có máu, sốt cao hóa điên cuồng, chữa mụn nhọt lở loét.

Công dụng của Hoàng bá :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Phellodendron amurense Rupr. chứa berberin, palmatin, jatrorrhizin, phellodendrin, magnoflorin, candicin, ocbacunon, hợp chất phenolic, phelamurin, flavon,limonoid, tinh dầu qủa chứa myrcen, geraniol, hạt chứa các limonoid. Có tác dụng kháng khuẩn yếu hơn Hoàng liên, làm giảm số lượng vi khuẩn, kháng nấm gây bệnh ngoài da, kháng roi trùng âm đạo nhưng không mạnh, hạ áp huyết đồng thời làm tăng nhịp tim, làm long đờm, thúc đẩy sự phân tiết của tuyến tụy làm hạ đường huyết, bảo vệ tiểu cầu.

Phân tích theo đông y :
Hoàng bá có vị đắng, tính hàn, vào 2 kinh thận và bàng quang, để tả hỏa, thanh nhiệt, táo thấp, giải độc, dùng để chữa bệnh nhiệt lỵ, tiêu chảy, hoàng đản, đái đục, di mộng tinh, đái ra máu, trĩ máu, xích bạch đới, cốt chưng lao nhiệt, mắt sưng đỏ, loét miệng lưỡi, viêm âm đạo, sưng tinh hoàn, tiểu đường, viêm màng não, viêm lao phổi, viêm tai giữa có mủ, viêm xoang hàm mãn tính. Hoàng bá phun nước muối sao vàng có tác dụng tư âm giáng hỏa.

Công dụng của phục linh :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Poria cocos Wolf, có chứa hoạt chất Polysaccharide, Pachymaran có tính chất kháng ung thư mạnh, các acid pinicolic, poriatin, adenine, ergosterol, cholin, lecithin, cephalin, histamine, histidin, sucrose, fructose, protease, dầu béo, muối vô cơ, tác dụng lợi tiểu, chống nôn, kháng khuẩn, kháng estrogen, chữa phù thủy thủng, tiêu chảy kéo dài, chữa ung thư bảo vệ tủy xương, cải thiện chức năng gan thận, tăng sức tăng cân, tăng thị lực, tăng cường miễn dịch, tác dụng an thần, chống loét bao tử, hạ đường huyết và bảo vệ gan.

Phân tích theo đông y :
Phục linh vị ngọt nhạt, tính bình, vào các kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm an thần. Chữa suy nhược, chóng mặt di mộng tinh, lợi tiểu chữa phù thủy thủng, bụng trướng, tiêu chảy, tỳ hư kém ăn, mất ngủ.

Công dụng của Thương truật :

Phân tích theo đông tây y :
Tên khoa học Atractylodes lancea (Thumb.) DC. Có vị ngọt, the, mùi thơm, tính ấm, trừ thấp, lợi tiêu hóa, chữa khó tiêu, tiêu chảy, viêm bao tử, ruột, đau nhức khớp mãn tính, các cơ, viêm cơ tim do phong thấp,viêm phế quản mạn tính, viêm màng phổi do lao, tràn dịch màng phổI, viêm cầu thận mãn tính, đau dây thần kinh hông do thoái hóa cột sống, đau lưng co cứng cơ, rong huyết do nhiễm khuẩn, khí hư, chữa chàm cấp, mãn tính, sỏi đường tiết niệu, thận ứ nước, công năng thận suy kém sau khi mổ lấy sỏi, dự phòng tái phát sỏi niệu, chữa cảm mạo phong hàn, có tác dụng bổ. Chất glycoside kali attractylat trong Thương Truật có tác dụng trên đường máu, lúc đầu gây tăng lượng đường, sau hạ đường máu nhanh có thể đến mức co giật nên không dùng nó một mình, làm giảm glycogen trong gan, phân đoạn polysaccharide làm tăng sinh tế bào tủy xương.

Công dụng của bạc hà :

Phân tích theo đông tây y :
Tên khoa học Mentha arvenis L. chứa tinh dầu menthe arvenis và menthol bốc hơi nhanh, gây cảm giác mát và tê tại chỗ, dùng trong trường hợp sát khuẩn mạnh. Bạc hà có vị cay, thơm, tính ấm dùng để tán phong nhiệt, hóa đàm hạ tích, tiêu sưng, giảm ngứa, chữa ngoại cảm phong hàn nhiệt, nhức đầu nghẹt mũi, viêm họng, mắt đỏ, ngứa nổi mề đay, đau bụng đầy trướng, nôn mửa, tiêu hóa kém, gây trung tiện tống hơi trong ruột và bụng ra ngoài.

Bài thuốc thứ 20 :

Chữa tiểu đường, tiêu khát :

Thạch cao 20g, Sa sâm, Thiên môn, Mạch môn, Hoài sơn, Bạch biển đậu, Ý dĩ mỗi vị 12g. Tâm sen 8g.

Sắc 4 chén nước cạn còn 1 chén uống trong ngày.

Công dụng của thạch cao :

Phân tích theo đông tây y :
Tên khoa học Calch Sulpha, là đá mềm có thớ thẳng, khí lạnh, vị ngọt, không độc, chữa cảm nắng nóng, thở dốc, miệng khô cổ ráo, tiêu khát, khí kết rắn chắc trong bụng, mê man, nói lảm nhảm, nước tiểu đục.

Chống chỉ định :
Những người già suy nhược, khí huyết hư, yếu bao tử, không dùng được.

Công dụng của sa sâm :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Glehnia littoralis F.Schmidt ex Miq. Rễ có chứa panaxydol , furocoumarin, tinh dầu, các loại acid triterpenic , có tác dụng giảm đau, hạ sốt, điều chỉnh phục hồi co bóp của tim mạch loạn nhịp, làm tăng áp huyết, tăng hô hấp khi cắt dây thần kinh phế vị tác dụng trên vẫn tồn tại. Chất polysaccharide của Sa sâm Bắc giống như hydrocortisone có tác dụng ức chế miễn dịch.

Phân tích theo đông y :
Sa sâm Bắc vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn vào hai kinh phế vị, có tác dụng dưỡng âm, thanh phế, phế nhiệt ho khan lâu ngày, lao phổi đờm lẫn máu, ích vị, sinh tân, khử đờm.

Công dụng của Thiên môn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr., Hoạt chất chính là saponin steroid, sau khi thủy phân cho các đường glucose, rhamnose và xylose. Rễ củ thiên môn chứa polysaccharide, các amine tự do như asparagin. Thân và lá chứa rutin, glycoside. Các hoạt chất này có tác dụng kháng khuẩn, ức chế men dihydrogenase của tế bào bệnh bạch cầu lympho cấp tính, tế bào bệnh bạch cầu mạn tính và tế bào bệnh bạch cầu đơn nhân. Dịch chiết thiên môn có tác dụng kích thích sự hoạt động của interferon.

Phân tích theo đông y :
Tên khác là Thiên môn đông, dây tóc tiên, có vị ngọt, đắng, tính đại hàn, vào các kinh phế thận, tư âm, nhuận táo, thanh phế, lợi tiểu, sinh tân, hóa đờm tức ở phổi, chữa ung thư phổi, hư lao, ho, thổ huyết, nhiệt bệnh, tiêu khát đái đường, tân dịch hao tổn, táo bón.

Để chữa các bệnh trên, mỗi ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.

Công dụng của Mạch môn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker.-Gawl. Tên khác là Mạch môn đông, tóc tiên, có 5 loại glucoside tác dụng hạ đường huyết, chống viêm cấp tính và mãn tính, gây teo tuyến ức, ức chế tương đối khá trên phế cầu, tụ cầu vàng.

Phân tích theo đông y :
Mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, chữa ho khan, viêm họng, lao phổi nóng âm ỉ về chiều, sốt cao, tâm phiền khát nước, cầm máu như máu cam, thổ huyết, làm mát tim, thanh nhiệt, chữa khó ngủ, lợi tiểu, thiếu sữa, điều hòa nhịp tim, táo bón, lở ngứa, bệnh gan, thận và ruột.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đới, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của bạch biển đậu :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dolichos lablab L., tên khác là Đậu ván trắng, chứa 82.4% nước, 4.5% protein, 0.1% lipid, 1% chất vô cơ, Ca, P, Fe, Vit.C, B1, Cu, Zn, Ni, V, As, Mg, Sn, Ba, Ti, Mn, Sr, Al, Ag., các Pectic polysaccharide, đặc biệt có hemaaglutinin làm ngưng kết hồng cầu, kéo dài thời gian đông máu, làm hạ sốt, kiện vị, giải co thắt cơ trơn.

Phân tích theo đông y :
Đậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ôn, vào 2 kinh tỳ, vị, trừ thấp, tiêu thử, hòa trung. Qủa non đậu ván trắng là món ăn giầu chất bổ, qủa già cho hạt làm thuốc bồi bổ cơ thể, chữa tỳ vị hư nhược, chán ăn, tiêu chảy lâu ngày, đau bụng nôn mửa, đầy bụng khó tiêu, sốt cao, co giật, giải nhiệt độc.

Công dụng của ý dĩ :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Coix lacryma-jobi L. Chứa tinh bột 50-79%, protein 16-19%, dầu béo 2-7%, 39.8 ppm sắt, dầu béo coixenolid, lipid, glycolipid, phospholipid, sterol, thiamine, acid amine, adenosin, chất vô cơ, lá và rễ chứa benzoxazolon, rễ chứa lignan và syringyl glycerol, có tác dụng đối với đầu cơ vân và đầu cuối dây thần kinh vận động, đối với hệ thần kinh trung ương làm giảm đau, kéo dài thời gian gây ngủ, dễ thở, đối với hệ tim mạch làm hạ áp huyết, ức chế biên độ co bóp tim mạch, chống ung thư do hoạt chất coixenolid, hạ đường huyết nhẹ.

Phân tích theo đông y :
Ý dĩ có vị ngọt, nhạt, tính mát, vào các kinh tỳ, phế, thận để bổ phế kiện tỳ, thanh nhiệt, lợi thấp, chỉ tả, bài mủ, chữa rối loạn tiêu hóa, phù thủng, bí tiểu, ung thư ruột, phong thấp lâu ngày không khỏi, gân co quắp khó cử động. Ý dĩ hầm với hạt sen và thịt nạc là món ăn cho những ngườI cơ thể gầy yếu suy dinh dưỡng. Nước sắc Ý dĩ 20g cho 600cc nấu cạn còn 200cc uống liên tục mỗI ngày để chữa đi tiểu có sạn, uống đến khi nào tiểu bình thường thì thôi.

Chống chỉ định :
Người có bệnh đau bụng do âm hư nhiệt trướng, táo bón, háo khát không dùng được.

Công dụng của sen :

Phân tích theo tây y :
Sen có tên khác là liên, tên khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn.

Tâm sen có chất liensinin làm hạ áp huyết và một loại alkaloid khác không kết tinh chuyển liensinin dưới dạng amoni bậc 4 có tác dụng hạ áp huyết kéo dài lâu hơn, chống kích động loạn thần kinh gây hung dữ tương đương với amineazin trong điều trị tâm thần phân liệt mà không có độc tố như thuốc amineazin, tâm sen cũng có tác dụng an thần nhưng yếu hơn tác dụng của lá sen. Nhị sen có tác dụng ức chế tụ cầu vàng.

Lá sen có chất nuciferin tác dụng ức chế thần kinh trung ương chống viêm, giảm đau, ho, an thần kéo dài giấc ngủ, tăng thành phần sóng chậm delta, giảm thành phần sóng nhanh béta, tăng trương lực cơ, giải co thắt cơ trơn, ức chế loạn nhịp tim gây ra bởi calci clorid vì nó làm tăng ngưỡng kích thích tâm trương và tăng giai đoạn trơ của cơ tâm nhĩ và tâm thất, chống choáng, chữa chảy máu như đại tiểu tiện ra máu, xuất huyết dưới da, chân răng chảy máu.

Phân tích theo đông y :
Tâm sen gọi là liên tâm, có vị đắng, tính lạnh, vào kinh tâm, có tác dụng thanh tâm hỏa, điều nhiệt, chữa tâm phiền muộn người hâm hấp khó chịu, ít ngủ, khát, thổ huyết.

Lá sen gọi là liên diệp có vị đắng, tính mát vào 3 kinh can tỳ vị làm thanh thử lợi thấp, chữa tức ngực nóng sốt, tán ứ ,chỉ huyết.

Hạt sen gọi là liên nhục, gương sen đã lấy quả là liên phòng, Hạt sen trắng ( quả sen bóc bỏ vỏ là liên thạch) có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh tâm tỳ thận , có tác dụng bổ tỳ hư kém ăn, dưỡng tâm trị mất ngủ, hồi hộp, cố tinh, chữa di mộng tinh, sáp trường (làm chặt ruột ) chữa khí hư đi kiết lỵ.

Hoa sen có vị ngọt đắng, tính ấm làm an thần và cầm máu.

Tua sen bỏ hạt gạo ở đầu gọi là liên tu vị chát, tính ấm, vào 2 kinh tâm-thận, có tác dụng cố tinh, ích thận chữa di mộng tinh, thanh tâm trị mất ngủ, chỉ huyết cầm máu khi làm băng, thổ huyết.

Gương senngó sen hay thân rễ là liên ngẫu, có vị đắng chát, tính mát, tác dụng như thuốc ngủ và lợi tiểu, thu liễm, cầm máu khi đại tiểu tiện ra máu,tử cung xuất huyết, bạch đới, chảy máu cam..

Bài thuốc thứ 21 :

Chữa tiểu đường, mất ngủ, phù thủng, bí tiểu :

Ý dĩ 20g, Hoài sơn, Thiên môn, Mạch môn, Sa sâm, Liên nhục, Bạch biển đậu, mỗi thứ 12g, Cát căn 8g.

Sắc 4 chén nước cạn còn 1 chén uống mỗi ngày đến khi mất triệu chứng phù thủng, bí tiểu thì ngưng.

Công dụng của Ý dĩ :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Coix lacryma-jobi L. Chứa tinh bột 50-79%, protein 16-19%, dầu béo 2-7%, 39.8 ppm sắt, dầu béo coixenolid, lipid, glycolipid, phospholipid, sterol, thiamine, acid amine, adenosin, chất vô cơ, lá và rễ chứa benzoxazolon, rễ chứa lignan và syringyl glycerol, có tác dụng đối với đầu cơ vân và đầu cuối dây thần kinh vận động, đối với hệ thần kinh trung ương làm giảm đau, kéo dài thời gian gây ngủ, dễ thở, đối với hệ tim mạch làm hạ áp huyết, ức chế biên độ co bóp tim mạch, chống ung thư do hoạt chất coixenolid, hạ đường huyết nhẹ.

Phân tích theo đông y :
Ý dĩ có vị ngọt, nhạt, tính mát, vào các kinh tỳ, phế, thận để bổ phế kiện tỳ, thanh nhiệt, lợi thấp, chỉ tả, bài mủ, chữa rối loạn tiêu hóa, phù thủng, bí tiểu, ung thư ruột, phong thấp lâu ngày không khỏi, gân co quắp khó cử động. Ý dĩ hầm với hạt sen và thịt nạc là món ăn cho những ngườI cơ thể gầy yếu suy dinh dưỡng. Nước sắc Ý dĩ 20g cho 600cc nấu cạn còn 200cc uống liên tục mỗi ngày để chữa đi tiểu có sạn, uống đến khi nào tiểu bình thường thì thôi.

Chống chỉ định :
Người có bệnh đau bụng do âm hư nhiệt trướng, táo bón, háo khát không dùng được.

Công dụng của hoài sơn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dioscorea persimillis Prain et Burkill, Hoài sơn chứa 63,25 % tinh bột, 6,70% chất đạm, 0,45% chất béo có giá trị dinh dưỡng qúy đứng sau gạo và bắp ngô, ngoài ra nó có chứa thành phần mucin là một protein nhớt allantoin, các acid amine arginin, cholin và men maltase, men này có khả năng thủy phân đường rất lớn, hồi phục chức năng co bóp của nhu động ruột để tăng hấp thụ và chuyển hóa đường.

Phân tích theo đông y :
Khoai mài ở tiệm thuốc bắc gọi là Hoài sơn hay Sơn dược, vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận để chữa tỳ vị hư nhược, thiếu máu, ăn uống kém tiêu hóa, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phổi yếu, ho, sinh tân dịch, tăng thể lực, sinh cơ bắp, nước miếng, bổ thận chữa di tinh, đái đường, bạch đới, chống khát nước, đổ mồ hôi trộm.

Công dụng của Thiên môn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr., Hoạt chất chính là saponin steroid, sau khi thủy phân cho các đường glucose, rhamnose và xylose. Rễ củ thiên môn chứa polysaccharide, các amine tự do như asparagin. Thân và lá chứa rutin, glycoside. Các hoạt chất này có tác dụng kháng khuẩn, ức chế men dihydrogenase của tế bào bệnh bạch cầu lympho cấp tính, tế bào bệnh bạch cầu mạn tính và tế bào bệnh bạch cầu đơn nhân. Dịch chiết thiên môn có tác dụng kích thích sự hoạt động của interferon.

Phân tích theo đông y :
Tên khác là Thiên môn đông, dây tóc tiên, có vị ngọt, đắng, tính đại hàn, vào các kinh phế thận, tư âm, nhuận táo, thanh phế, lợi tiểu, sinh tân, hóa đờm tức ở phổi, chữa ung thư phổi, hư lao, ho, thổ huyết, nhiệt bệnh, tiêu khát đái đường, tân dịch hao tổn, táo bón.

Để chữa các bệnh trên, mỗi ngày dùng 6-12g dướI dạng thuốc sắc.

Công dụng của Mạch môn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker.-Gawl. Tên khác là Mạch môn đông, tóc tiên, có 5 loại glucoside tác dụng hạ đường huyết, chống viêm cấp tính và mãn tính, gây teo tuyến ức, ức chế tương đối khá trên phế cầu, tụ cầu vàng.

Phân tích theo đông y :
Mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, chữa ho khan, viêm họng, lao phổi nóng âm ỉ về chiều, sốt cao, tâm phiền khát nước, cầm máu như máu cam, thổ huyết, làm mát tim, thanh nhiệt, chữa khó ngủ, lợi tiểu, thiếu sữa, điều hòa nhịp tim, táo bón, lở ngứa, bệnh gan, thận và ruột.

Công dụng của sa sâm :

Phân tích theo tây y :

Tên khoa học Glehnia littoralis F.Schmidt ex Miq. Rễ có chứa panaxydol , furocoumarin, tinh dầu, các loại acid triterpenic , có tác dụng giảm đau, hạ sốt, điều chỉnh phục hồi co bóp của tim mạch loạn nhịp, làm tăng áp huyết, tăng hô hấp khi cắt dây thần kinh phế vị tác dụng trên vẫn tồn tại. Chất polysaccharide của Sa sâm Bắc giống như hydrocortisone có tác dụng ức chế miễn dịch.

Phân tích theo đông y :

Sa sâm Bắc vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn vào hai kinh phế vị, có tác dụng dưỡng âm, thanh phế, phế nhiệt ho khan lâu ngày, lao phổi đờm lẫn máu, ích vị, sinh tân, khử đờm.

Công dụng của sen :

Phân tích theo tây y :
Sen có tên khác là liên, tên khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn.

Tâm sen có chất liensinin làm hạ áp huyết và một loại alkaloid khác không kết tinh chuyển liensinin dưới dạng amoni bậc 4 có tác dụng hạ áp huyết kéo dài lâu hơn, chống kích động loạn thần kinh gây hung dữ tương đương với amineazin trong điều trị tâm thần phân liệt mà không có độc tố như thuốc amineazin, tâm sen cũng có tác dụng an thần nhưng yếu hơn tác dụng của lá sen. Nhị sen có tác dụng ức chế tụ cầu vàng.

Lá sen có chất nuciferin tác dụng ức chế thần kinh trung ương chống viêm, giảm đau, ho, an thần kéo dài giấc ngủ, tăng thành phần sóng chậm delta, giảm thành phần sóng nhanh béta, tăng trương lực cơ, giải co thắt cơ trơn, ức chế loạn nhịp tim gây ra bởi calci clorid vì nó làm tăng ngưỡng kích thích tâm trương và tăng giai đoạn trơ của cơ tâm nhĩ và tâm thất, chống choáng, chữa chảy máu như đại tiểu tiện ra máu, xuất huyết dưới da, chân răng chảy máu.

Phân tích theo đông y :
Tâm sen gọi là liên tâm, có vị đắng, tính lạnh, vào kinh tâm, có tác dụng thanh tâm hỏa, điều nhiệt, chữa tâm phiền muộn, người hâm hấp khó chịu, ít ngủ, khát, thổ huyết.

Lá sen gọi là liên diệp có vị đắng, tính mát vào 3 kinh can tỳ vị làm thanh thử lợi thấp, chữa tức ngực nóng sốt, tán ứ, chỉ huyết.

Hạt sen gọi là liên nhục, gương sen đã lấy quả là liên phòng, Hạt sen trắng (quả sen bóc bỏ vỏ là liên thạch) có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh tâm tỳ thận, có tác dụng bổ tỳ hư kém ăn, dưỡng tâm trị mất ngủ hồi hộp, cố tinh, chữa di mộng tinh, sáp trường ( làm chặt ruột ) chữa khí hư đi kiết lỵ.

Hoa sen có vị ngọt đắng, tính ấm làm an thần và cầm máu.

Tua sen bỏ hạt gạo ở đầu gọi là liên tu vị chát, tính ấm, vào 2 kinh tâm-thận, có tác dụng cố tinh, ích thận chữa di mộng tinh, thanh tâm trị mất ngủ, chỉ huyết cầm máu khi làm băng, thổ huyết.

Gương senngó sen hay thân rễ là liên ngẫu, có vị đắng chát, tính mát, tác dụng như thuốc ngủ và lợi tiểu, thu liễm, cầm máu khi đại tiểu tiện ra máu,tử cung xuất huyết, bạch đới, chảy máu cam..

Công dụng của bạch biển đậu :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Dolichos lablab L., tên khác là Đậu ván trắng, chứa 82.4% nước, 4.5% protein, 0.1% lipid, 1% chất vô cơ, Ca, P, Fe, Vit.C, B1, Cu, Zn, Ni, V, As, Mg, Sn, Ba, Ti, Mn, Sr, Al, Ag., các Pectic polysaccharide, đặc biệt có hemaaglutinin làm ngưng kết hồng cầu, kéo dài thời gian đông máu, làm hạ sốt, kiện vị, giải co thắt cơ trơn.

Phân tích theo đông y :
Đậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ôn, vào 2 kinh tỳ, vị, trừ thấp, tiêu thử, hòa trung. Qủa non đậu ván trắng là món ăn giầu chất bổ, qủa già cho hạt làm thuốc bồi bổ cơ thể, chữa tỳ vị hư nhược, chán ăn, tiêu chảy lâu ngày, đau bụng nôn mửa, đầy bụng khó tiêu, sốt cao, co giật, giải nhiệt độc.

Công dụng của cát căn :

Phân tích theo tây y :
Tên khoa học Pachyrhizus erosus (L.) Urb. người ta thường gọi là củ sắn, củ đậu. Chứa khoãng 80% nước, 1,47% protein, đường, chất béo, các nguyên tố đa lượng đồng, sắt, calci, phosphor, vitamine B1, riboflavin, niacin, C, adenin, arginin, cholin, phytin, có tác dụng chống u độc.

Phân tích theo đông y :
Củ đậu có vị ngọt nhạt, tính mát, ăn sống thì giải khát, nấu chín thì bổ trường vị. Hạt và lá có độc chỉ được dùng ngoài da chữa ghẻ, lở loét da lâu ngày.

Chúng ta nhận thấy các bài thuốc chữa tiểu đường và các biến chứng không ngoài các vị như : Hoài sơn, Thiên môn, Mạch môn, Sa sâm,Trạch tả, Liên nhục, Bạch biển đậu, Ý dĩ, Cát căn, Sinh địa, Sơn thù, Kỷ tử, Địa cốt bì, Đơn bì, Thạch hộc, Thiên hoa phấn, Thạch cao, Hoàng kỳ, Hà thủ ô, Tang bạch bì.., tùy theo bệnh chứng và mạch chứng khi khám theo tứ chẩn, sau đó chọn vị thuốc để phối hợp cho phù hợp, vị nào chính làm quân, vị nào làm thần, làm , làm sứ, tạo ra một cấu trúc chặt chẽ để tăng cường hiệu lực của vị thuốc .

Những thầy thuốc giỏi ở Trung quốc vừa am tường cả đông y lẫn tây y nên việc chọn lựa vị thuốc rất chính xác phù hợp với những dấu hiệu lâm sàng từng căn bệnh của mỗi bệnh nhân khi viết ra toa thuốc, mỗi toa thuốc đều khác nhau ở mỗi thời kỳ điều trị, cho nên họ không cần phải áp dụng những bài thuốc cổ một cách cứng nhắc mà phải gia giảm liều lượng. Nhưng ngày nay, vì thuốc phải sắc nấu mỗi ngày phiền phức, tốn kém và mất nhiều thời giờ, cho nên ngành dược cũng đã bào chế ra thuốc thành phẩm thông dụng để chữa bệnh như Lục vị địa hoàng hoàn, Tri bá bát vị hoàn, Kỷ cúc địa hoàng hoàn, ..

Một số thuốc thành phẩm được dùng từ xưa đến nay để chữa bệnh tiểu đường, cao áp huyết và biến chứng, áp dụng theo các bài thuốc sau đây :

Bài thuốc thứ 22 :

Lục vị địa hoàng hoàn : Chữa cao áp huyết, tiểu đường.

Thành phần toa thuốc gồm 6 vị : Địa, Linh, Đơn, Tả, Thù, Dược.

Thục địa 3,0 chỉ Phục linh 2,5 chỉ

Đơn bì 2,5 chỉ Trạch tả 1,5 chỉ

Sơn thù 2,0 chỉ Sơn dược 2,0 chỉ

Công dụng của Lục vị địa hoàng :

Lục vị địa hoàng là toa thuốc cổ căn bản đã có kinh nghiệm trị liệu từ hơn hai ngàn năm đến ngày nay vẫn có giá trị để chữa các bệnh nan y do bệnh âm hư ,thận tinh thiếu, hư hỏa xông lên, đau thắt lưng, mỏi gối, đái són, mắt mờ, tai nặng. Ngày nay đông y dùng nó để quân bình áp huyết, và cũng là loại thuốc bổ giữ quân bình âm dương khí huyết trong điều trị bệnh tiểu đường, biến chứng của bệnh tiểu đường, bệnh xơ cứng động mạch, rối loạn chất tạo keo, bệnh ung thư, và thời kỳ hồi phục của các bệnh nhiễm khuẩn thường áp dụng trong các bệnh viện Trung quốc.

Vì là loại thuốc bổ điều chỉnh và chữa được nhiều bệnh thông dụng, đông y đã chế thành thuốc viên gọi là Lục vị địa hoàng hoàn, người không có bệnh có thể uống mỗi ngày như thuốc bổ điều chỉnh âm dương của lục phủ ngũ tạngđể phòng ngừa bệnh.

Lục vị địa hoàng hoàn dùng để chữa bệnh, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 20-30 viên nhỏ. Khi đo lại áp huyết và lượng đường trong máu xuống mức ổn định thì ngưng.

Phân tích tính dược theo đông y :
Thục địa : Vị ôn ấm, bổ thận, bổ huyết, ích tinh tủy.
Phục linh : Vị đạm, có tính thẩm thấp, thông thủy đạo, hóa đờm.
Đơn bì : Vị đắng, hàn, phá huyết xấu, thông kinh, chữa huyết nhiệt độc, đau nhức xương.
Trạch tả : Vị đắng, hàn, chữa khát, phù thủng, trừ thấp, thông tiểu, mồ hôi trộm.
Sơn thù : Tánh ấm, sáp tinh, ích tủy chữa thận hư tai điếc, đau lưng gối.
Sơn dược : Còn gọi là hoài sơn vị ngọt tính ấm, cầm tiêu chảy chữa tỳ thận bổ trung tiêu .

Bài thuốc thứ 23 :

Tri bá lục vị địa hoàng hoàn : Chữa tiểu đường , cao áp huyết, thân nhiệt cao, khô khát.

Thành phần toa thuốc gồm 8 vị : Địa, Linh, Đơn, Tả, Thù, Dược, Tri, Bá.
Thục địa 3,0 chỉ Phục linh 2,5 chỉ
Đơn bì 2,5 chỉ Trạch tả 1,5 chỉ
Sơn thù 2,0 chỉ Sơn dược 2,0 chỉ
Tri mẫu 1,0 chỉ Hoàng bá 1,0 chỉ

Công dụng của Tri bá Lục vị địa hoàng hoàn :

Phân tích tính dược theo đông y :
Thục địa : Vị ôn ấm, bổ thận, bổ huyết, ích tinh tủy.
Phục linh : Vị đạm, có tính thẩm thấp, thông thủy đạo, hóa đàm.
Đơn bì : Vị đắng, hàn, phá huyết xấu, thông kinh, chữa huyết nhiệt độc, đau nhức xương.
Trạch tả : Vị đắng, hàn, chữa khát, phù thủng, trừ thấp, thông tiểu, mồ hôi trộm.
Sơn thù : Tánh ấm, sáp tinh, ích tủy chữa thận hư tai điếc, đau lưng gối.
Sơn dược : Còn gọi là hoài sơn vị ngọt tính ấm, cầm tiêu chảy chữa tỳ thận bổ trung tiêu .
Tri mẫu : Vị đắng, trừ khát nhiệt do tiểu đường, đau nhức xương cốt, ho đờm.
Hoàng bá : Vị đắng lạnh, làm hạ hỏa, bổ âm, trị nóng trong xuơng do thấp nhiệt, đái iả ra máu.

Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần từ 20-30 viên. Thường xuyên đo lại lượng đường và áp huyết trước khi dùng.

Bài thuốc thứ 24 :

Kỷ cúc địa hoàng hoàn : Chữa tiểu đường, cao áp huyết, mắt mờ .

Thục điạ, Hoài sơn, Sa sâm, Câu đằng, Kỷ tử, Mạch môn, mỗi vị 12g, Bạch phục linh, Trạch tả, Đơn bì, Táo nhục, Táo nhân, Cúc hoa, Bá tử nhân, mỗi vị 8g

Công dụng của Kỷ cúc địa hoàng hoàn :

Phân tích tính dược theo đông y :
Thục địa : Vị ôn ấm, bổ thận, bổ huyết, ích tinh tủy.
Sơn dược : Còn gọi là hoài sơn vị ngọt tính ấm, cầm tiêu chảy chữa tỳ thận, bổ trung tiêu.
Sa sâm : Vị đắng, tiêu thủng, bài mủ, bổ gan, phổi, trừ phong nhiệt.
Câu đằng: Vị hàn,chữa kinh phong, chân tay khó cử động, méo miệng, mắt.
Kỷ tử : Vị ngọt tính bình, vào hai kinh can thận, có công dụng dưỡng gan, sáng mắt, bổ phế thận, ích tinh, nó được coi là vị thuốc bổ toàn thân dùng cho cơ thể suy nhược, tinh huyết bất túc, có tác dụng bổ huyết, ức chế tế bào ung thư.
Mạch môn : Có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, chữa ho khan, viêm họng, lao phổi, nóng âm ỉ về chiều, sốt cao, tâm phiền khát nước, cầm máu như máu cam, thổ huyết, làm mát tim, thanh nhiệt, chữa khó ngủ, lợi tiểu, thiếu sữa, điều hòa nhịp tim, táo bón, lở ngứa, bệnh gan, thận và ruột.
Bạch Phục linh : Vị đạm, có tính thẩm thấp, thông thủy đạo, hóa đàm.
Trạch tả : Vị đắng, hàn, chữa khát, phù thủng, trừ thấp, thông tiểu, mồ hôi trộm.
Đơn bì : Vị đắng, hàn, phá huyết xấu, thông kinh, chữa huyết nhiệt độc, đau nhức xương.
Táo nhục : Vị ngọt, tính ôn vào 2 kinh tỳ vị có tác dụng bổ tỳ dưỡng vị, ích khí, nhuận tâm phế, sinh tân dịch, điều hòa các thức uống chữa ho, cơ thể suy nhược, ăn uống kém.
Táo nhân : Vị chua, cầm mồ hôi, trị ưu phiền.
Cúc hoa : Vị ngọt, trừ phong nhiệt, chóng mặt hoa mắt, chảy nước mắt.
Bá tử nhân : Vị ngọt, bổ tâm ích khí, trợ dương cầm mồ hôi.

Ngoài những bài thuốc kể trên, hiện nay chúng ta cũng thấy những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường ăn sống lá Nha đảm hay còn gọi là Lá Lưỡi hổ, hoặc Qủa Bầu..Hai vị thuốc này không thấy có trong các toa thuốc cổ kinh nghiệm của đông y để chữa bệnh tiểu đường, vì vậy chúng ta cũng nên cẩn thận biết qua tính dược của từng vị trước khi dùng.

Công dụng của Lá Nha Đảm :

Phân tích theo tây y :
Lá Nha đảm tên khoa học Aloe vera L. var. chinensis (Haw.) Berger, tên theo đông dược là Lô hội ( Asphodelaceae ), còn gọi là lá lưỡi hổ. Chứa 13,6% các chất thuộc nhóm hydroxymethylanthraquinon như aloin A,B, isobarbaloin C21H22O9 , hợp chất emodin, aloemodin C15H10O6, acid chrysophanic, aloeresistabol, nhóm polysaccharide có glycomannan, acemanan, galactan, galacturonan, acid amine, enzyme, phytosterol và muối khoáng. Chất nhựa chứa 30-40%, nhựa khô lá lô hội ( nha đảm ) kích thích chuyển động của kết tràng, thúc đẩy nhanh phân qua ruột kết, làm tăng độ thấm quanh tế bào qua niêm mạc kết tràng do ức chế Na+, K+, adenosine triphosphatase, các aloin A,B không hấp thu ở ruột non, có tác dụng tẩy ruột sau khi uống 24 giờ, nếu dùng qúa liều sẽ bị ngộ độc đau quặn bụng tiêu chảy nặng, mất dịch chất và chất điện giải.

Thuốc gel Aloe vera là gel nhầy thu được từ tế bào nhu mô lá tươi lô hội làm mau lành vết thương do kích thích trực tiếp hoạt tính của đại thực bào và nguyên bào sợi, giảm phản ứng da do phóng xạ, chữa thiếu máu cục bộ trên da bị tổn thương do phỏng, do điện giật và do lạm dụng tiêm thuốc động mạch, gel cũng chống viêm cấp tính hay mạn tính.

Chống chỉ định :
Gel dùng chữa phỏng không thích hợp với người bị dị ứng da.

Phân tích theo đông y :
Lô hội có vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh can, tỳ, vị, đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, thông đại tiện, nhuận trường, tẩy ruột. Gel lô hội chữa trầy da, thâm tím, phỏng, chữa trĩ, trứng cá, vẩy nến, viêm da, mẩn ngứa do dời ăn.

Chống chỉ định :
Không dùng trong những trường hợp tắc, hẹp ruột, mất trương lực, mất nước, viêm ruột thừa, táo bón mãn tính, viêm thận, lạm dụng dùng lô hội sẽ làm hạ kali huyết, calci huyết, nhiễm acid chuyển hóa, làm bài tiết calci quá mức trong phân và nhuyễn xương cột sống. Không nên dùng lô hội lâu dài để chữa bệnh tiểu đường và cao áp huyết sẽ làm hạ kali và calci huyết xuống thấp dẫn đến viêm thận.

Công dụng của qủa BẦU :

Phân tích theo tây y :
Qủa bầu là một loại thức ăn dùng để chữa bệnh, tên khoa học Lagenaria siceraria (Molina ) Standl. Kết qủa thử nghiệm trong bầu có chất cucurbitacin B có tác dụng bảo vệ gan chống hoại tử, làm tăng hấp thụ tích luỹ chất đường trong gan, ngăn ngừa được tế bào gan nhiễm mỡ và ức chế sự tăng sinh xơ ở gan.

Phân tích theo đông y :
Qủa bầu có vị ngọt nhạt, tính lạnh, giải nhiệt, độc, thông tiểu, tiêu thủng, trừ ngứa, ăn bầu nhiều chữa táo bón, đầy hơi, sưng ống chân, nước luộc là thuốc thông tiểu.. Thịt qủa bầu sống chữa đái rắt, sỏi thận. Giã đắp chữa sưng nóng đỏ đau. Hạt bầu chữa răng lợi sưng đau và trị sán .

Chống chỉ định :
Người hư hàn tạng lạnh không nên dùng vì tính hàn của bầu khi ăn nhiều có thể gây nôn tháo.

Phần kết luận :

Những bài thuốc chỉ cách ăn uống chữa bệnh tiểu đường và những biến chứng kể trên đã được đông tây y phân tích các vị thuốc qua cách nhìn khác nhau cũng cùng đạt được kết qủa giống nhau, nhưng tây y mới còn trong thử nghiệm, ngành tây dược chưa mạnh dạn dùng thuốc dược thảo thiên nhiên để chữa bệnh. Tuy nhiên không vì thế mà cho rằng các bài thuốc của đông y kém giá trị .

Sau khi nghiên cứu kỹ sự phân tích tính dược theo tiêu chuẩn đông tây y với những dấu hiệu triệu chứng bệnh nếu giống như của mình, chúng ta không phải thầy thuốc cũng có thể tin tưởng khi chọn riêng từng vị hay dùng những bài thuốc kinh nghiệm của đông y để dùng được. Nhưng theo lý thuyết đông y, chữa bệnh là điều chỉnh tái lâp lại quân bình sự khí hóa của cơ thể để hết bệnh, vì bệnh mỗi ngày mỗi thuyên giảm, thì bài thuốc cũng phải thay đổi và liều lượng thuốc cũng phải giảm theo cho đến khi hết bệnh thì ngưng, nên không phải lúc nào cũng theo một bài thuốc suốt đời như dùng thuốc tây y, đó chính là cách chữa của đông y vậy.

doducngoc