Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

CCĐY 4 – NGHẸN NGÀO

Khi chúng ta đứng trước một người thân sắp qua đời do bệnh hoạn lâu ngày hay do tuổi gìa thì chúng ta vẫn còn giữ được sự bình tĩnh, xem sự sống chết vô thường ấy là đương nhiên. Nhưng một người đang khỏe mạnh sung sức, bất chợt bị tai nạn rơi vào hôn mê (coma) phải vào bệnh viện cấp cứu ngoài ý muốn của chính họ và của những người thân trong gia đình, thì quả thật mọi người có liên quan đến sự việc đều phải nghẹn ngào.

Nghẹn ngào chính là hành động và cử chỉ biểu lộ một cảm xúc trước một sự việc xẩy ra bất ngờ tùy theo hoàn cảnh và từng người có liên quan đến sự việc mà mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Cảm xúc thương tâm nhất khi tất cả mọi người trong gia đình được bệnh viện báo tin người thân của mình bị tai nạn, vội chạy ùa vào khu cấp cứu của bệnh viện với tâm trạng dáo dác, hốt hoảng, nửa lo lắng nửa hy vọng người thân của mình không sao, nhưng hỡi ôi chân tay rụng rời tuyệt vọng khi được bác sĩ báo cho biết nạn nhân đã qua đời, tất cả đều nghẹn ngào sửng sốt rơi lệ. Những cảnh chia tay vĩnh biệt như thế thì đành phải chấp nhận không thể làm gì khác hơn được. Nhưng có những trường hợp hôn mê sâu còn hy vọng cứu chữa, mà gia đình bị bác sĩ điều trị quả quyết đòi rút ống thở một cách tàn nhẫn không thương tiếc để cho bệnh nhân ra đi êm ả sang thế giới khác theo cách giải quyết tiết kiệm ngân sách chính đáng của bệnh viện mà chúng ta không có quyền níu kéo duy trì mạng sống cho người thân, lúc đó chúng ta sẽ biết thế nào là nghẹn ngào cay đắng trước một quyền lực vô lý như thế.

Tôi còn nhớ vào năm 1999, tôi đã được một gia đình người Hy lạp mời sang New York, để chữa cho vợ ông ta bị hôn mê 4 tháng không tỉnh nằm trong bệnh viện tư chuyên chăm nuôi săn sóc những người bị hôn mê dài hạn được nuôi bằng ống thở và chuyền thức ăn lỏng vào bụng, những phòng nằm trong bệnh viện giống như phòng riêng trong khách sạn, cửa đóng kín, ra vào phải gõ cửa .Bệnh nhân giống như một khúc gỗ, mỗi sáng y tá đẩy nguyên cả cái giường vào phòng tắm để tắm và thay quần áo cho bệnh nhân, sau đó lại gắn những ống dây vào máy quanh giường, rồi ra văn phòng ngồi trực theo dõi sự hoạt động của máy trên màn hình, gia đình ở trong phòng muốn làm gì thì làm, y tá không làm phiền đến bệnh nhân và gia đình. Khi tôi đến, chờ y tá đưa bệnh nhân trở về phòng sau khi tắm xong, tôi bắt tay vào việc.

Tôi chữa bằng khí công day bấm huyệt, mỗi ngày một lần, những chỉ số báo trên các máy đo trên người bệnh nhân càng ngày càng khá, đến ngày thứ tư, bất chợt bệnh nhân hả miệng ngáp như vừa ngủ dậy và tỉnh hẳn như người chưa hề bị bệnh, không cần phải thở bằng bình dưỡng khí, tim mạch ổn định. Người chồng và đứa con gái lớn đã nghẹn ngào sung sướng ôm chầm lấy tôi, họ gọi y tá đến. Y tá kiểm soát đồng hồ, báo cho biết bệnh nhân khỏe. Mọi chuyện qúa khứ như giấc mộng, bà không nói được, chỉ nhìn chồng chằm chặp, chưa nhớ được sự việc gì đã xẩy ra. Cảm động nhất vào buổi chiều chồng bà đặt mua một cành bông hồng tím từ Hy Lạp chở bằng máy bay sang và tặng bà để nhắc bà những kỷ niệm ban đầu hai người yêu nhau, bà đã nhớ lại, nghẹn ngào nhìn ông rưng rưng nuớc mắt đầy cảm động trước sự chứng kiến của người thân. Buổi trưa, chúng tôi yêu cầu y tá cho bà ngồi xe lăn ra ngoài vườn cây chơi để hít thở khí trời râm mát. Chúng tôi ngồi đến chiều, bất ngờ cô y tá ra báo cho biết bác sĩ vừa đến yêu cầu đưa bệnh nhân về phòng. Khoảng 20 phút sau có tiếng gõ cửa phòng, tôi mở cửa trông thấy một bác sĩ Việt nam đồng hương, vừa định lên tiếng chào hỏi thì ông ta nói ngay bằng tiếng Anh yêu cầu người nhà bệnh nhân ra văn phòng có việc cần. Cô con gái đại diện gia đình đi theo ra, sau 15 phút, cô trở về phòng nói với tôi rằng, bác sĩ tưởng tôi đến đây cầu nguyện cho bệnh nhân theo nghi lễ tôn giáo, mà không ngờ tôi từ Montréal sang đây chữa bệnh. Ông nói ngày mai ông không muốn nhìn thấy tôi ở đây nữa. Chồng bệnh nhân nghe xong, hỏi ý kiến tôi nếu ông muốn tôi chữa tiếp cho bà vợ thì phải làm sao. Tôi nói tình trạng coma của vợ ông đã hết, chỉ còn triệu chứng tê liệt, ông có thể đưa vợ ông về nhà thì tôi mới có thể chữa tiếp tục. Ông bằng lòng ngay, đi ra văn phòng làm thủ tục xuất viện. Bác sĩ bệnh viện từ chối, yêu cầu ông hỏi ý kiến của hãng bảo hiểm, ông điện thoại cho hãng bảo hiểm cũng bị từ chối không cho đổi bệnh viện hay về nhà. Thật là một cú sốc nghẹn ngào uất ức. Tôi và gia đình ông đành chia tay. Sáu tháng sau, bệnh viện cho vợ ông xuất viện, ông gọi điện thoại báo cho tôi biết vợ ông được xuất viện và đã xác nhận không phải coma mà bị tê liệt không thuộc chuyên môn của bệnh viện và nhờ tôi chữa tiếp tục. Tôi trả lời ông, nếu ngay lúc đó được chữa tiếp thì bà đã khỏi, bây giờ bệnh trở thành mãn tính, thời gian chữa nhanh nhất phải mất hai ba tháng thì tôi không thể rời Montréal mà đi được, bệnh viện đã bỏ lỡ cơ hội cho bà tập vật lý trị liệu vì bệnh viện không có khoa này, ông đã im lặng trong điện thoại và đang bàng hoàng xúc động, nghẹn ngào uất ức vì những thủ tục ràng buộc vô lý đã làm mất thời gian chữa trị cho bà.

Một trường hợp khác xảy ra ở Bệnh viện Saint Mary ,bệnh nhân bị stroke lần thứ ba, người còn khoẻ mạnh, đi đứng bình thường nhưng bị khó thở, người nhà phải gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Mấy ngày sau, thân nhân nhận được cú điện thoại từ bệnh viện lúc nửa đêm yêu cầu đến ngay, bệnh nhân không qua khỏi đêm nay vì phổi ngập nước. Em gái của bệnh nhân điện thoại cho tôi từ bệnh viện lúc 12 giờ đêm cho biết bác sĩ đề nghị rút ống cho bệnh nhân ra đi chứ không làm gì khác hơn được và hỏi tôi cho ý kiến phải làm sao. Tôi nghĩ còn nước còn tát, nên yêu cầu bác sĩ bất cứ gía nào cũng phải rút nước trong phổi ra đêm nay, sáng mai tôi sẽ đến mới có thể cứu được. Sáng hôm sau lúc 9 giờ, cô em gái nghẹn ngào nói trong điện thoại cho tôi biết đã được bác sĩ rút nước trong phổi lúc 3 giờ sáng, nhưng bệnh viện lại vừa mới gọi những người thân của bệnh nhân lên gặp mặt lần cuối cùng .Mọi người sửng sốt đều nghĩ rằng bệnh nhân được rút nước trong phổi rồi thì làm sao mà chết được, họ mời tôi cùng đi xem sao và còn có thể làm gì giúp cho gia đình được. Đến nơi, bệnh nhân không còn nằm khu cấp cứu khiến mọi ngườI lo sợ có chuyện chẳng lành, hỏi thăm y tá trực cho biết bệnh nhân sang phòng đặc biệt, nơi đó đã có một bác sĩ và hai cô y tá đứng chờ sẵn khi chúng tôi vừa đến, bác sĩ tự giớI thiệu tên mình là Tremblay, ngỏ lời hối tiếc không thể cứu được người bệnh và xin mời vào để vĩnh biệt bệnh nhân. Cô em gái nghẹn ngào oà lên khóc, ôm chầm lấy bác sĩ năn nỉ ông cố gắng cứu anh mình, trong khi đó tôi đi quanh giường bệnh, thấy dây nhợ của các máy móc gắn đầy trên cơ thể bệnh nhân đang nằm, mắt nhắm nghiền, thân bất động, mặt phù, áp huyết cao, tay và trán đang nóng sốt, hai bàn chân lạnh như đá, thở thoi thóp rất yếu mặc dù có dùng máy thở nhưng bệnh nhân không hít vào được. Theo kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ thì bệnh nhân đã được dùng đủ mọi thứ thuốc cần thiết nhưng các chỉ số báo trên các máy vượt ra ngoài khả năng điều trị . Cô em gái thấy anh mình còn thoi thóp như ngủ say, vội hỏi tôi xem chữa được không, tôi gật đầu, thế là cô năn nỉ yêu cầu bác sĩ cho phép chúng tôi thử chữa, ông bằng lòng với điều kiện chữa đừng làm đau bệnh nhân, ông cho biết ông không muốn bệnh nhân chết trong cơn đau đớn.

Nguyên tắc chữa bệnh của khí công chỉ là điều chỉnh tinh-khí-thần bằng huyệt. Kiểm soát nguyên nhân có phải do Tinh gây nên bệnh hay không. Tinh là do thức ăn, có thể làm bệnh tiêu chảy, người lạnh, hoặc táo bón khiến tăng nhiệt làm sốt, làm tăng áp huyết do thức ăn không tiêu hóa hoặc thức ăn biến thành đờm làm nghẹn thở. Kiểm soát nguyên nhân có phải do khí làm bệnh hay không. Khí là hơi thở mạnh hay yếu. Kiểm soát nguyên nhân do thần làm bệnh hay không. Thần thì xem sắc mặt để biết còn thần hay mất, đông y có những huyệt kiểm soát các chức năng của thần trong cơ thể như phần phách để chỉnh hơi thở, phần vía sau gáy kiểm soát cử động, chức năng của gan kiểm soát phần hồn, chức năng của tim kiểm soát phần thần. Huyệt có tên là Hộ Phách, Hồn môn, Thần môn,Thần tàng, có huyệt tăng cường vinh vệ khí ở huyệt Chiên trung, huyệt tiêu hóa hạ đờm, chuyển hóa giúp tiêu hóa nhanh, thông phế khí tắc nghẽn ở huyệt Trung quản. Làm tan máu bầm trong não bằng bằng huyệt Thái khê, làm mở mắt bằng huyệt Tam âm giao, làm thông não, tỉnh não bằng huyệt Chí âm, có huyệt Nhân trung tăng oxy cho não, huyệt Hạ quan tăng oxy cho tim, huyệt Trung phủ, Vân môn tăng oxy cho phổi, huyệt Khí hải tăng oxy cho thận...Tùy theo tình trạng tinh-khí-thần bệnh nhân mỗi lúc mỗi khác cần phải đối chứng trị liệu sau khi chẩn đoán. Tôi để ngón tay vào huyệt, vừa xoa vuốt, vừa truyền khí khoảng 15 phút, bệnh nhân cử động, đầu hạ sốt, tôi ghé vào tai gọi tên bệnh nhân nói giởn chơi, hỏi cậu có thấy khỏe không, đói không, ăn phở không.. bệnh nhân như người vừa tỉnh ngủ, gật đầu, nghe thấy nói ăn phở liền mở mắt mỉm cười. Anh ta đã sống lại, bác sĩ ngạc nhiên, cô em nghẹn ngào vui mừng đến khóc khi thấy anh mình chết đi sống lại một cách bất ngờ. Bệnh nhân ở lại bệnh viện thêm 18 ngày thì hoàn toàn bình phục. Một năm sau anh ta bị stroke lần nữa, lưỡi bị thụt vào trong, không nói ra tiếng được, chỉ thều thào ,do đó không nuốt được thức ăn, phải trở lại bệnh viện để tạm thời gắn ống chuyền thức ăn vào bụng, rồi lại được cho về nhà. Mới đây , anh ta lên cơn sốt, thở không được, phổi ngập nước do thức ăn không tiêu, áp huyết tăng, ăn nuốt không vào. Ở Centre réadaptation cho người nhà hay trong trường hợp bệnh nhân có biến chứng xấu, cho phép họ tự giải quyết, một là chở bệnh nhân vào nhà xác, hai là chở đến bệnh viện khu vực Saint Mary rồi mới thông báo cho người nhà biết sau. Lần này anh ta được ở trong phòng cấp cứu tim mạch, sát ngay nhà nguyện để chờ giải phẫu tim hoặc không kịp giải phẫu thì để nguyên tình trạng đến khi bệnh nhân tắt hơi thở. Cô em gái lại mời tôi vào bệnh viện gấp. Quả thật lần này thập tử nhất sinh, hai bác sĩ đang bàn cách mổ như thế nào trong trường hợp khó khăn này, nếu mổ phải tính toán chuẩn bị kỹ càng, có lẽ phí tổn cao, tốn kém ngân sách của bệnh viện một cách lãng phí không cần thiết đối với một bệnh nhân lớn tuổi, lại ra vào bệnh viện như đi chợ, làm tốn kém ngân sách mà cũng không có kết qủa gì, sau đó không thấy họ giải quyết cứ để cậu ta nằm đó, cô em gái hỏi anh mình xem anh còn có muốn kéo dài sự sống hay không, bệnh viện đã bỏ anh rồi, nếu anh còn muốn sống thì chịu khó nằm yên cho Thầy Ngọc chữa, bằng không thì để anh ra đi chứ sống mà bệnh hoài chỉ khổ thân anh, anh gật đầu nằm yên cho tôi xoa vuốt truyền khí trên huyệt cho đến khi tim mạch đập bình thường, hôm sau được chuyển xuống khu điều trị những người bị tai biến mạch máu não, hai tuần sau y tá báo cho bác sĩ biết anh ta không ăn không nuốt được như mọi ngày, bệnh viện gọi cho thân nhân đến, bệnh nhân được đổi sang phòng một người, căn phòng giống nhà kho, bụi bặm, không tiện nghi, không máy móc, y tá cho hay bác sĩ quyến định không cho ăn, không chuyền nước biển, không chuyền sữa để cho nằm chết dần. Khi cô em gái và tôi đến, yêu cầu y tá cho ăn uống, y tá cho biết phải chờ lệnh của bác sĩ, trong khi bác sĩ bỏ mặc không đến, cô em phải làm thức ăn từ nhà đem đến bón cho anh mình, quả thật bệnh nhân nuốt không được cứ ngậm trong miệng, cho nên mỗi lần bón một thìa vào miệng, phải bấm huyệt Thiên đột một lần thì mới nuốt được, cứ mỗi thià đưa vào miệng phải bấm huyệt một lần, mất 30 phút ăn xong một ly. Cô em gọi y tá đến cho hay anh mình nuốt được. Cô y tá trả lời rằng cô biết, nhưng bệnh nhân phải tự nuốt, chứ y tá không có thời giờ bón lâu như thế .Còn cho ăn lại hay không là do quyết định của bác sĩ. Cô em gái nói với anh mình là bác sĩ không cho anh ăn uống để anh chết đấy, phải ráng tập nuốt đi. Anh nằm quay mặt vào vách nghẹn ngào khóc trong tức tửi, bỗng nhiên anh nằm quay ra, một tay xòe ra, tay kia chỉ vào lòng bàn tay bảo cho mọi người thấy đường chỉ tay dài còn sống thọ. Chúng tôi nói với anh, nếu anh còn muốn sống hãy xuống giường đi ra ngoài văn phòng cho các y tá biết mình còn khỏe mạnh đi lại được, tại sao lại cho mình chết. Anh gật đầu bước xuống giường, khoác áo choàng xanh của bệnh viện, tự đi marchette ra văn phòng, dơ bàn tay chỉ vào đường chỉ tay, cung hay tay khoe bắp tay còn chắc, còn khỏe mạnh, các cô y tá cười họ nói họ biết rồi nhưng bác sĩ không cho ăn thì biết làm sao bây giờ. Cuối cùng cô em gái xin cho anh mình về trở lại Centre réadaptation rồi đề nghị nơi đây đục một lỗ ở bụng chuyền thức ăn lỏng vào thẳng bao tử khi ăn, ăn xong đóng lại để đi lại được dễ dàng, cách này có thể dùng suốt đời cũng không có gì nguy hiểm hay bất tiện . Nhờ cô em gái tự giải quyết như vậy, anh cô vẫn sống khỏe cho đến nay.

Trường hợp trên là do thân nhân có ý chí duy trì sự sống cho anh mình, không chịu khuất phục trước những trở ngại của bệnh viện, ngược lại, có trường hợp thương tâm khác xảy ra ở bệnh viện Sacré Coeur. Một bệnh nhân to lớn khỏe mạnh,( trước kia anh là dược sĩ), nói năng ăn uống bình thường, được cho biết có khối u sọ não phải nhập viện, nằm phòng một người có assurance đài thọ phí tổn, sau hai tuần điều trị ,áp huyết tăng, lên cơn sốt, ngủ mê man, khi tỉnh vẫn nói chuyện bình thường, nhưng chân trái ,tay trái bị yếu dần, bệnh tình mỗi ngày một trầm trọng, bác sĩ phải dùng đến morphine, sau quyết định không cho chuyền nước biển và sữa nữa để bệnh nhân chết dần trong giấc ngủ sâu. Lúc anh tỉnh, anh yêu cầu cho mời tôi đến cứu anh. Khi chúng tôi vào thăm, anh nói bây giờ anh sợ cách chữa kiểu tây y làm anh càng ngày càng trầm trọng, anh muốn xuất viện về nhà để chữa bằng khí công không bị effet secondaire, gặp được bạn bè nói chuyện vui vẻ như xưa, và được ăn uống những thứ gì mà mà anh thích, anh nắm tay tôi xiết chặt và nói cám ơn tôi đã đến và nhờ tôi cứu anh.Tôi gật đầu. Oái oăm thay, vợ anh không thích đông y khí công, có vẻ không đồng ý, hơn nữa nếu đông y khí công có chữa được khỏi mà anh bị tê liệt bán thân bất toại thì chị cũng không muốn như thế sẽ vừa khổ cho anh, vừa khổ cho chị phải săn sóc anh suốt quãng đời dài còn lại, và cuối cùng chị quyết định để anh cách ly với bạn bè và không muốn bạn bè đến thăm nhiều làm phiền sự nghỉ ngơi của chồng. Trong phòng bệnh, đóng kín cửa, tắt đèn, chị âm thầm ngồi trước giường bệnh cầu nguyện cho anh đi bình an về nước Chúa. Có lần chúng tôi bất chợt đến thăm khi chị vắng mặt, chỉ có con trai của anh, đúng lúc anh thức, người nóng hừng hực, cổ khô khát, anh bứt tung áo ngực, nói không được, hỏi anh có khỏe không thì anh lắc đầu, hỏi anh có uống nước không thì anh gật đầu. Khổ nỗi bây giờ lưỡi của anh bị co rút không nuốt được nước sợ bị sặc vào phổi. Cả thân người đang sốt cao, trán thật nóng, tôi nghĩ ngay đến bệnh sốt viêm não nhật bản vì nhìn trên trán anh, xương trán tự nhiên mềm và bị móp méo lõm xuống dần đến góc mắt phải. Tôi vuốt huyệt cho hạ sốt, trán mát trở lại, oxy vào não đủ, vết lõm lại đầy lên. Tôi nói với con của anh, hãy yêu cầu y tá cho một chai nước biển để hạ sốt. Cháu đi gặp y tá, y tá bảo không có lệnh của bác sĩ thì không làm gì được, lên khiếu nại với ban giám đốc bệnh viện cũng không được, một tuần sau cũng không có nước biển, sau thân nhân phải dọa kêu nhà báo đến chứng kiến, y tá sợ trách nhiệm liên đới, liền đổ lỗi cho bác sĩ, bác sĩ nghe có nhà báo sắp đến, nên từ nhà gọi điện thoại cho y tá chuyền cho bệnh nhân một chai nước biển. Sau một chai đó thì không chuyền tiếp. Anh hấp hối, người gầy dần và chết đi trong sự nghẹn ngào oan ức, còn tôi và các bạn bè thân thiết của anh cũng nghẹn ngào hối tiếc vì có thể cứu được mà chỉ được phép đứng nhìn anh lần cuối.

Có một trường hợp may mắn và cảm động nhất của một gia đình với hai cô em gái hết sức tận tình thương yêu người anh trai của mình đã chẳng may bị té ngã hôn mê nặng phải nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện Hôpital Général .Sau hai tuần cứu chữa không kết qủa, bác sĩ làm áp lực đòi rút ống thở của bệnh nhân, các buổi họp của bác sĩ thuyết phục với gia đình bệnh nhân đi đến căng thẳng khiến cho hai cô em gái lo lắng mất ăn mất ngủ, cuối cùng họ phải nhờ đến luật sư can thiệp ngăn chặn không để cho bác sĩ rút ống trong thời gian nhờ tôi đến cứu, sáu ngày sau bệnh nhân tỉnh lại, cả gia đình nghẹn ngào sung sướng biết rằng anh mình đã thoát khỏi tay tử thần, họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng những chặng đường kế tiếp cho tương lai của anh mình sau này sẽ có thuê người chăm nom săn sóc. Nhưng may mắn thay, chỉ trong hai tháng bệnh nhân đã xuất viện, tháng thứ tư bệnh nhân trở lại tình trạng bình thường như người chưa hề bị tai nạn, đi đứng ăn nói, cử động, trí nhớ đều như xưa, qua lần tái khám vừa qua tại bệnh viện, bác sĩ khoa não báo tin mừng là não hoàn toàn tốt, kể từ nay không phải đến tái khám lại như những bệnh nhân khác .

Chuyện này cũng đã làm cho một bác sĩ khác phải sửng sốt ngậm ngùi và nghẹn ngào hối tiếc bỏ lỡ một dịp may cách đây hai năm vì đã không có niềm tin vào khoa đông y khí công . Ông đã nói với một người bạn là mấy thằng cha đông y biết cái gì mà chữa được coma trong lúc đó chính vợ ông đang bị coma mà bạn ông đã đề nghị ông mời tôi đến giúp. Tôi cũng phải nghẹn ngào thương cảm vì mới được biết nội tình.

Còn trường hợp khác chính tôi cũng phải ngậm ngùi thương xót cho một thanh niên say rượu bị đánh ngã vỡ đầu, chở vào đến bệnh viện Hôpital Général thì hôn mê sâu, các bác sĩ mổ đầu và sau khi chữa được hai tuần bệnh nhân không tỉnh nên đề nghị với gia đình cho họ rút ống thở, người nhà đi chùa lễ cầu Phật cho người bệnh tai qua nạn khỏi, có một phật tử giới thiệu họ đến gặp tôi nhờ cứu hộ, tôi đi theo đến bệnh viện, vuốt huyệt truyền khí, cậu ta mở được một mắt, tay chân nhúc nhích được, người chị nói chuyện, bệnh nhân nghe hiểu và chảy nước mắt, tôi dùng chiếc máy cassette nhỏ thu một đoạn tiếng nói của tôi gọi cậu ta dậy, mở mắt ra, chớp mắt đi, chớp mắt nhiều lần, tỉnh dậy đi, ngủ nhiều rồi, có anh chị đến thăm nè.., đoạn băng được lập đi lập lại nhiều lần liên tục và gắn dây vào tai cậu ta. Khi cậu ta nghe được, cậu mơ màng như có người đứng bên cạnh gọi tên cậu, cậu ta mở mắt, chớp mắt theo lịnh, tôi đưa máy thu tiếng nói của chị cậu, người Hoa, nói một đoạn tiếng tầu rồi mở lại cho cậu ta nghe, tôi thấy cậu chảy nước mắt, buổi chữa lần đầu cũng đã thành công. Ngày hôm sau, nhân tiện tôi đến bệnh viện chữa lần thứ ba cho một bà Tây cũng bị tai nạn xe hơi đụng vào não đã phải mổ và rơi vào trong tình trạng coma, các bác sĩ cũng đã quyết định rút ống thở, nhưng người chồng không chịu đã mời tôi đến giúp và bà tỉnh lại, đã nói lại được, hôm đó chân tay cử động và đi được, trước khi chồng bà chở tôi về tôi có ghé qua thăm cậu, người chị đi quanh giường đọc kinh niệm Phật, cậu nằm mở mắt không có hồn, giống như bà Schyavo bên Mỹ, tôi định vào chữa lần thứ hai, nhưng tiếc thay người chị không hưởng ứng, sợ vuốt huyệt làm đau cậu và làm phiền đến sự cầu nguyện của cô. Tuần vừa qua tôi đến bệnh viện giúp bà Tây phục hồi trí nhớ, bà đã hiểu được nhiều khi chồng bà gợi lại kỷ niệm xưa và đặt câu hỏi cho bà trả lời, rồi hỏi bà có nhớ tên những người bạn đến thăm hay không, tôi khuyên chồng bà thường xuyên cho bà nghe tin tức radio để mau phục hồi trí nhớ như bình thường. Khi đi qua phòng của cậu thanh niên trước khi về, tôi thấy tình trạng của cậu y như người thực vật, không có hồn, nhìn cậu mà tôi nghẹn ngào ái ngại, muốn giúp cậu mà không được, chỉ còn biết thương hại và cầu nguyện cho cậu mau bình phục .

Tôi nhận thấy khoa cấp cứu người hôn mê cũng không có gì là khó, theo tây y, bệnh thuộc não và thần kinh do tai nạn đụng chạm, té ngã, hay tai biến mạch máu não của những người bị bệnh cao áp huyết dùng thuốc không hợp lý.

Các thể bệnh thường gặp trong hôn mê nằm một trong ba trường hợp như : Xuất huyết não, khối máu tụ trong não,và nhũn não.

Trường hợp xuất huyết não rơi vào hôn mê sâu là do rối loạn chức năng tiếp ngoại và chức năng thực vật ( coma ), làm tăng tiết phế quản gây ứ nghẹt, khó thở, loạn nhịp thở, nhịp tim, tăng nhiệt, tăng áp huyết cao, mặt xanh hoặc đỏ, rối loạn dinh dưỡng, phù nề, đổ mồ hôi bên liệt hoặc mặt tái nhợt, thở như ngáy, rối loạn nước và các chất điện giải, rối loạn cơ vòng, toàn thân bất động, mất phản xạ giác mạc và đồng tử , đa số 2/3 trường hợp tử vong trong vòng 10 ngày. Nếu qua khỏi, vẫn còn nguy cơ biến chứng nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu, dinh dưỡng, nước và điện giải. Sau khi qua khỏi coma sẽ có tình trạng liệt nửa người. Bên liệt giảm trương lực cơ, liệt mặt thể trung ương. Liệt tay chân cùng một bên.

Trường hợp máu tụ trong não ứ đọng thành khối mà không nhập vào nhu mô não thì có triệu chứng liệt nửa người hoặc hôn mê ngắt quãng lúc tỉnh lúc mê, để lâu không chữa đúng và kịp lúc bệnh nặng hơn làm tăng áp lực sọ não.

Trường hợp chèn ép nghẽn mạch máu não nếu do thiếu máu nơi bán cầu sẽ rối loạn lời nói, nếu do thần kinh sẽ làm rối loạn cảm giác, nếu do tắc mạch não nhũn từ từ vì không đủ oxy cho não hoặc não có nước thì hôn mê liệt nửa người .

Cả ba trường hợp đều là cấp tính, nếu không chữa kịp thời sẽ chết trong vòng 10 ngày, đó là kinh nghiệm tây y, nếu thoát khỏi tay tử thần, bệnh hồi phục dần, còn lại di chứng tê liệt. Đó là lý do tại sao các bác sĩ không muốn duy trì sự sống của bệnh nhân sau 10 ngày, vì đối với tây y, sau 10 ngày không khỏi thì dù có làm gì cũng lãng phí mất thời giờ vô ích, thậm chí có kéo dài sự sống như bà Schyavo bên Mỹ cũng chỉ là người thực vật không có hồn.

Biết nguyên nhân theo tây y, chúng ta mới cảm phục đông y khí công dùng huyệt có thể điều chỉnh được tất cả những biến chứng do thần kinh rối loạn làm ra. Cho nên tôi đã phổ biến kinh nghiệm cho các học viên của tôi, chỉ cho họ tường tận các huyệt để chữa coma để họ trở thành thiện nguyện viên chuyên nghiệp khi gặp được cơ hội sẽ ra tay cứu giúp cho những đồng hương và người thân thuộc khi cần thiết.

Khóa học vừa xong, thì ở Toronto có người Việt nam bị té ngã hôn mê, sau 10 ngày bác sĩ đòi rút ống, may mắn được hai học viên thiện nguyện vào bệnh viện cứu chữa thành công, bệnh nhân tỉnh, mở mắt, cử động, thoát tay tử thần, được đổi sang phòng riêng, anh vẫn tiếp tục được hai học viên chữa điều chỉnh thần kinh ngừa biến chứng tê liệt. Còn ngay tại Montréal cũng có những học viên đang làm thiện nguyện viên giúp đỡ chữa cho những người bị di chứng tê liệt đi được theo phương pháp Khí Công Y Đạo Việt Nam.

Nếu mọi người trong chúng ta đều có lòng muốn tìm hiểu khí công y đạo để học lấy vài chiêu phòng thân hầu trở thành thiện nguyện viên cứu giúp cho những người bệnh thì đấy cũng chính là người đang biết tu đạo, hành đạo và sống đạo trong đời thường vậy .

Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người.

doducngoc