Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Hỏi về toa thuốc xổ

Tôi có người quen nấu 2 lít nước *Ố Diệp* và Kim Ngân Huê (liều lượng bằng nhau là ít hơn 1 nắm tay) và 5 cái bông Cúc khô (trà bông Cúc đã sấy khô) 5 lát cam thảo
Mỗi tối trước khi đi ngủ uống 8 phân để xổ diet.
Nếu uống như vậy có hại gì không thưa Thầy?

Tôi thấy Ố Diệp giống lá Phan Tả Diệp của Thầy chỉ trong Video ( hồi nào tới giờ tôi chưa thấy qua)
giống như lá me phải không thưa Thầy?
Người bạn gọi là *Ố Diệp*
Tiệm thuốc Bắc nói *Ố Diệp hay Tả Diệp* cùng 1 thứ
Thưa Thầy nếu uống nhuận trường hằng ngày thì uống bao nhiêu gr Phan Tả Diệp và có hại gì không thưa Thầy?

--------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trả lời :

Trong bài thuốc của ông gồm 2 chất chính quân thần là Phan tả diệp , Kim ngân hoa ( mỗi thứ 1 nắm) và 2 vị tá sứ là Hoa cúc khô (5 cái), Cam thảo (5 lát)..
Theo đông y phân tích dược tính như sau :

Phan tả diệp :

Tên khoa học Folium Sennae, tên gọi khá là lá cây keo, vị ngọt, đắng tính hàn vào kinh đại trường có tác dụng làm tiêu chảy, táo bón nhẹ dùng liều 3g, táo bón nặng dùng liều 10g.

Chống chỉ định :
Phụ nữ có thai, đang kinh kỳ, đang thời kỳ cho con bú, không dùng được
Không được dùng trong trường hợp có bệnh đường ruột bị co thắt hẹp phân không ra được chứ không phải do táo bón. Không được dùng khi trong bụng rỗng hay đã hết phân trong ruột, nếu lạm dụng Phan tả diệp sẽ gây ra triệu chứng mót ỉa rất khó chịu, nhưng khi đi cầu không ra phân.

Kim ngân hoa :

Tên khoa học Flos Lonicerae, vị ngọt, tính hàn, vào các kinh Phế, Vị, Đại trường. Dùng để thanh nhiệt, giải độc gan, dị ứng, sốt nhiệt, cổ khô khát, mắt đỏ, ngứa. Liều dùng : 10 g.

Hoa cúc khô :

Tên khoa học Flos chrysanthemi, vị cay ngọt đắng, tính hơi hàn, vào kinh can phế. Dùng để thanh nhiệt, giải độc, mát gan, sáng mắt, trừ phong, thanh nhiệt.Liều dùng : 10g uống.
Dùng ngoài da không giới hạn, nấu nước tắm, xác hoa bôi mụn, ghẻ lở, ngứa, đắp trên mắt, rửa mặt làm tốt da.

Cam thảo :

Tên khoa học Radix Glycyrrhizae, vị ngọt, tính ôn, vào kinh tâm, phế, tỳ, vị. Ngoài chức năng làm tá để điều hòa các vị thuốc tương phản ngăn ngừa gây ra những phản ứng bất lợi cho cơ thể, cam thảo còn được dùng để giải độc, giảm co thắt trong các cơn đau ruột và bao tử, cho nên tây y chế ra thuốc Malox chữa đau bao tử, thành phần chính là cam thảo. Liều dùng : 2-5g

Chống chỉ định :
Lạm dụng qúa liều một mình vị Cam thảo sẽ làm tăng áp huyết, gây phù. Không dùng trong các trường hợp thấp phù nề, đau ngực bụng buồn nôn.

Kết luận :
Có bệnh phải uống đúng thuốc.Khi khỏi thì ngưng.Không nên lạm dụng thuốc hoặc uống lầm thuốc không chữa đúng bệnh.
Giống như trường hợp đau bụng uống nhân sâm…

Truyện giai thoại kể rằng, ở nhà quê không có bệnh viện, bác sĩ, ai đau bệnh chỉ trông cậy vào thầy lang vườn. Một đêm có người gõ cửa nhà Thầy lang hỏi mua thuốc đau bụng cho vợ. Thầy lang đang ngái ngủ, mắt nhắm mắt mở, dở sách xem trong sách ghi : đau bụng uống nhân sâm, thầy bèn đưa nhân sâm cho ông chồng đêm về bảo pha hãm với nước sôi cho vợ uống.
Sáng hôm sau bà vợ chết. Vụ này thưa lên quan.
Quan hỏi Thầy lang, ông cắt thuốc có theo sách vở không ?
Thầy lang thưa : Dạ có.
Ông đưa sách ta xem nào.Thầy lang đưa sách cho quan.
Quan đọc : Đau bụng uống nhân sâm…và mở sang trang đọc tiếp ….thì chết !

Tôi kể cho ông nghe để biết sự nguy hiểm khi dùng lầm thuốc và lạm dùng thuốc.

Đông y không có vị thuốc nào cần phải uống suốt đời.Khi cơ thể trở lại tình trạng khỏe mạnh bình thường chứng tỏ là âm dương đã được tái lập quân bình, thì ngưng.

Đối với bài thuốc này, nếu lạm dụng lâu dài sẽ làm yếu cơ co bóp gây liệt ruột. Để ý khi nào đi ra phân mền dài, có lọn, mầu vàng là đủ rồi. Phải ngưng không nên dùng tiếp.