Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

CCĐY 4 – SỰ LỢI ÍCH CỦA TẬP THỂ DỤC KHÍ CÔNG Y ĐẠO

Trước phong trào của quần chúng đua nhau tìm học khí công tự chữa bệnh để thay thế cho cách chữa bệnh bằng thuốc hiện nay đã không thể nào tránh khỏi những phản ứng phụ khiến cho cơ thể chưa khỏi được bệnh cũ lại mang thêm bệnh mới do sự tương phản của thuốc làm cho mọi người càng ngày càng lo sợ mỗi khi có bệnh. Đó là lý do tại sao thời đại ngày nay mọi người đều quan tâm tìm hiểu cách chữa bệnh bằng khí công để thay thế thuốc.

Tuy nhiên, không phải khí công nào cũng có thể chữa bệnh được. Chúng ta thường biết đến khí công tài chi của Trung quốc rút ra từ võ thuật Thái cực quyền của Tổ sư Trương tam Phong, kết hợp giữa khí công hơi thở và động tác theo biến động âm dương trong thái cực đồ, loại này thích hợp cho người lớn tuổi tập luyện thể lực bằng những động tác nhẹ nhàng chậm rãi dùng để dưỡng sinh, yoga cũng là loại khí công tập thể lực nhẹ nhàng của Ấn độ, ngoài ra còn các loại khí công thuộc các trường phái Lão học luyện hơi thở qua ba đan điền trên cơ thể tạo ra đời sống toàn vẹn về vật chất, tinh thần và tình cảm của con người, ba yếu tố đó là tinh-khí-thần, lấy tâm pháp diệt ái dục để tinh đầy đủ hóa thành khí, luyện khí hóa thần, thần vững vàng không dao động sẽ hòa đồng nhịp sinh học với môi trường thiên nhiên trong vũ trụ gọi là thần hoàn hư, thì thân nào mà bệnh tật, nên phương pháp này còn gọi là phương pháp luyện đơn trường sinh.

Trường phái Phật học do Tổ sư Đạt Ma sáng lập mục đích cường thân kiện thể giúp thể lực khỏe mạnh để tu tâm luyện tánh không trở ngại, ngoài võ công vừa nhu vừa cương, vừa có nội lực ngoại lực, đó là võ thuật thiếu lâm, còn có loại khí công nhẹ nhàng cho người lớn tuổi tăng cường thể lực là Đạt Ma Dịch cân kinh. Thần y Hoa Đà chế ra môn khí công phòng bệnh và chữa bệnh gọi là Ngũ cầm hí ( hổ, báo, rồng, hạc, rắn ) để chữa bệnh phù hợp với ngũ tạng. Thiết bố sam khí công thịnh hành ở Trung quốc khoảng năm 1000 trước công nguyên, mục đích vận khí trong gân cốt, có công dụng tái sinh tủy xương sinh ra huyết cầu trong nội tạng và vận khí bảo vệ lớp da thành mình đồng da sắt, sau này những người bán thuốc dạo thường áp dụng biểu diễn kết hợp với múa quyền cước người ta gọi là sơn đông mãi võ.

Cho đến ngày nay khí công trên thế giới đã phát triển lên đến hàng ngàn loại khác nhau, nhưng tạm chia thành bốn loại, loại khí công yoga hoặc thiền, khí công võ thuật, khí công dưỡng sinh phòng bệnh và khí công chữa bệnh. Riêng khí công chữa bệnh có hai loại, loại khí công nội lực truyền khí từ thầy thuốc sang bệnh nhân giúp bệnh nhân khỏe mạnh hết bệnh tật, loại khí công bệnh nhân được thầy thuốc hướng dẫn phải tự tập lấy các bài tập riêng cho phù hợp với bệnh của tạng phủ mình giúp cơ thể tự tạo ra thuốc từ hệ nội dược ( système endocrine ) để chữa bệnh, loại khí công tự chữa bệnh này đang được ngành y trên thế giới nghiên cứu .

Khí công bắt đầu được nghiên cứu ở nhiều quốc gia do các bác sĩ vừa am tường phương pháp tây y, vừa nghiên cứu học hỏi đông y châm cứu, vừa luyện tập khí công qua cách thở hoặc qua các động tác theo hơi thở thấy có kết qủa kiểm chứng theo tiêu chuẩn tây y về những thay đổi của cơ thể bằng những thông số cân đong đo đếm được thành phần máu cụ thể qua những kiểm nghiệm bằng máy móc và bằng những biểu đồ điện tâm đồ, điện não đồ, điện phế đồ đo phế dung về tác dụng có lợi ích của khí công .

Ở Pháp có giáo sư bác sĩ châm cứu Nguyễn văn Nghi đã viết, dịch và giảng dạy châm cứu theo kinh điển Hoàng đế nội kinh và viết về khí công theo cách nhìn của một nhà khoa học thực nghiệm và Bác sĩ Nguyễn tối Thiện thuộc nhóm Nghiên cứu và thực hành thiền quán ở Pháp cũng đã nghiên cứu những lợi ích cho sức khỏe khi tập thở thiền. Ở Việt Nam có giáo sư bác sĩ Ngô gia Hy người đã tập luyện khí công để tự chữa bệnh cao áp huyết cho mình khỏi bệnh và sau đó vừa tập vừa thực nghiệm những kết qủa khi tập khí công qua những cách thở khác nhau, đã mang lại cho chúng ta thêm niềm tin vào môn khí công nhờ vào những công trình nghiên cứu của giáo sư thấy có lợi cho cơ thể đối với hệ hô hấp, tuần hoàn tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ nội tiết, các tuyến hạch và đối với giấc ngủ .Ngoài ra còn có những kết qủa nghiên cứu của Đại học Harvard, Tokyo, và ở Viện Khí công trị liệu Trung quốc, cũng cho thấy khí công có thể chữa được các bệnh sau đây :

Đối với hệ hô hấp :

Mỗi khi thay đổi cách thở khác nhau đều làm thay đổi phế dung, cách thở khí công là chậm, nhẹ, sâu, lâu, đều làm tăng chỉ số thông khí phổi từ 70-83 lít/phút, gọi là khí tăng cường hay tông khí sẽ thúc đẩy toàn bộ các khí khác trong cơ thể hoạt động mạnh hơn, chỉ có các vận động viên thể thao, người tập võ, tập thở khí công mới có tông khí .Theo đông y, khi hít vào sâu tới bụng thì phổi đưa khí vào thận, khi thở ra tông khí giúp phổi khuyếch tán ra da, và sự thay đổi nồng độ CO2, và Oxy cũng thay đổi tăng hay giảm tùy theo cách thở và mục đích chữa bệnh, nên có cách thở để bảo vệ da lông không cho thoát mồ hôi chống lạnh với môi trường bên ngoài như thời tiết để phòng bệnh cảm cúm, có cách thở cho thoát mồ hôi giải nhiệt trong bệnh sốt, có cách thở làm giảm tiêu thụ oxy làm cho cơ thể quen chịu đựng với môi trường thiếu oxy, có cách thở cho tăng hấp thụ oxy để làm tăng hồng cầu, còn nồng độ oxyde carbone tăng ở mức độ vừa phải gây hưng phấn trung tâm hô hấp có lợi trong điều trị bệnh viêm phế quản kinh niên, suyễn, thở khó..

Đối với hệ tim mạch :

Thở khí công quán tức, sổ tức, theo dõi hơi thở có thể làm chủ hệ thần kin, tức gián tiếp kiểm soát hệ thần kinh thực vật, vì thở vào làm hưng phấn hệ giao cảm và ức chế đối giao cảm, khi thở ra làm hưng phấn đối giao cảm và ức chế giao cảm, do đó nếu thở vào thở ra lâu bằng nhau đông y gọi là quân bình âm dương là làm quân bình chức năng nội tạng. Có những cách thở vào nhiều hơn ra hoặc ra nhiều hơn vào, hoặc thở tăng nội lực có thì ngưng thở giữ khí lâu hay mau giữa hai thì thở vào thở ra tùy theo mục đích cần chữa bệnh. Khí thở còn tùy vào vị trí khí đến đâu trong ba vị trí của đan điền. Nếu thở bằng ngực làm tăng nhịp tim trong giai đoạn thở vào và làm co thắt mạch ngoại biên. Nếu thở bằng bụng thì ngược lại giảm xuất lượng tim và nhịp tim nhưng làm giãn mạch ngoại biên. Nếu thư giãn làm tăng hiệu lực của thở bụng và cơ hoành ( nơi đan điền thần ) làm tim đập chậm, giãn mạch ngoại biên có tác dụng làm hạ áp huyết .Thì nín thở giữa hai thì thở vào ra làm chậm nhịp tim rõ rệt sẽ làm tăng lượng máu vào tim và não. Như vậy tùy theo cách thở, qua những kết qủa thử nghiệm khí công đã chữa được bệnh áp huyết cao, thất nhịp tim do thần kinh ( arythmie cardiaque d’origine nerveuse ) phong thấp các van tim (rhumatisme valvulaire cardiaque ), bệnh huyết kết tĩnh mạch (thrombophlébite ).

Nếu một người bệnh thở nhanh bằng ngực, hơi thở không sâu xuống bụng và hơi thở không chậm như kiểu khí công sẽ làm giảm lưu lượng máu vào tim và não chứng tỏ bất ổn về tâm thần do tác động xung kích từ bên ngoài và sẽ không kiểm soát được cơ thể chống bệnh tật do môi trường bên ngoài xâm nhập, ngược lại thở bụng ở đan điền thần, thể tích khí lưu thông cao khoảng 500 ml, càng xuống sâu dưới rốn ( đan điền tinh ) thông khí cao hơn nhiều nữa sẽ làm tăng nồng độ oxyde carbone trong phế nang và làm tăng hoạt tính đối giao cảm, nhịp tim chậm lại, oxy và máu vào tim, não nhiều hơn. Nếu kiểm soát được hơi thở sâu giúp tâm bình hóa giải được tất cả xáo trộn khí huyết gây ra bệnh.

Giả sử một người có bệnh khó thở, hoặc bệnh nhiễm trùng, tỷ lệ hồng cầu bạch cầu bất bình thường phải chỉnh bằng thuốc để tăng hồng cầu, hoặc tăng hay giảm bạch cầu cho tình trạng trở lại bình thường, nhưng hơi thở bất bình thường lại làm cho tỷ lệ máu không ổn định, thì chính cách tập thở khí công làm thay đổi tỷ lệ oxy và oxyde carbone cũng có thể tái lập quân bình trở lại bình thường. Vai trò của oxyde carbone rất quan trọng, nồng độ cao vừa phải làm giãn mạch làm tăng lưu thông máu để oxygène hóa các mô, đào thải những dị hóa acide có lợi, tăng oxy và máu cho não phòng chống lão suy, chữa bệnh hay quên do thiếu máu não, làm mạnh cơ tim. Nếu thở bằng phổi, khí chỉ ở phần ngực làm tăng thông khí phổi nhưng co thắt mạch não và co thắt mạch tim và làm ức chế chuyển hóa oxygène từ huyết sắc tố sang tế bào làm thiếu máu não và thiếu máu cho tim tuần hoàn, cho nên khi thấy một người bệnh chỉ thở phần ngực trên sẽ không có tông khí, không đủ oxy cho tim và não, bệnh sẽ càng ngày càng trở nặng, kiểm nghiệm kết qủa thành phần máu càng ngày càng tệ hơn, nhất là những người có bệnh tim mạch hay bệnh mạch vành mà chỉ thở ngực làm co thắt mạch vành dễ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim.

Thở khí công là tập thở nhẹ bằng bụng mà nhìn cơ hoành như không thở, mục đích không làm tăng thông khí phổi để không ảnh hưởng đến nhịp tim, chỉ cần khí tụ tại đan điền tinh, ngược lại nếu cũng thở vào bụng nhưng thở nhanh và sâu làm cho nhịp tim thay đổi lại có tác dụng đưa lượng máu vào cơ xương và trán, nhưng giảm lưu lượng máu tuần hoàn ra tứ chi làm tê các đầu tay và chân.

Trường hợp thở ra dài hơn thở vào theo hai thì theo công thức 1-2 ( thở ra lâu gấp 2 lần thở vào) hoặc ba thì theo công thức 1-4-2 ( thì ngưng thở lâu gấp 4 lần thở vào) làm hưng phấn đối giao cảm và ức chế giao cảm mục đích làm nhịp tim chậm lại, tăng lượng máu cho não và tim, và giúp cho tâm được bình an.

Đối với hệ tiêu hóa :

Tập khí công phải uốn lưỡi lên vòm họng trên để nối mạch Nhâm-Đốc ở phần trên gọi là thượng kiều, còn nhíu hậu môn là nối mạch Nhâm-Đốc ở hạ kiều, khi cuốn lưỡi có lợi cho chức năng tuyến nước bọt làm tăng cường bài tiết nước miếng giúp tiêu hóa thức ăn ngay từ khi thức ăn vào miệng, giúp thận thủy biến thành thận khí lên gốc lưỡi điều hòa hỏa khí của tim, giữ cho thân nhiệt bình thường, cổ họng không khô khát và đầu lưỡi cũng là khiếu của tâm cuốn lên trên nối được dòng khí qua tuyến tùng lên đỉnh đầu làm tăng cường hệ thần kinh điều khiển chức năng của phủ tạng.

Khi hít thở bụng bằng tĩnh công hoặc động công cúi ngửa làm tăng cường nhu động ruột sẽ kích thích mau đói, ăn ngon, ngược lại nếu một người bình thường có bệnh ăn xong mà tiêu hóa chậm làm chán ăn thì sau khi tập khí công, thức ăn trong bao tử được co bóp chuyển hóa nhanh.

Về phương diện dinh dưỡng :

Bao tử chứa thức ăn, tỳ bao gồm tụy tạng sẽ chuyển hóa thức ăn, tỳ mạnh thì ăn ngon, mau đói, chuyển hóa đường qua insulin và glucagon, tỳ suy ăn mất ngon, no qúa làm tổn thương tỳ khí hại chức năng chuyển hóa sẽ bị bệnh tiểu đường, còn đói qúa tổn thương vị khí.

Về phương diện huyết học :

Tỳ vừa dẫn khí, thông huyết, chuyển hóa thức ăn thành huyết nuôi cơ bắp, tái tạo tế bào. Khí của vị đi xuống là thuận khi thở vào, tỳ khí đi lên khi thở ra, nên muốn mạnh vị khí cần thở vào nhiều, giúp chuyển hóa nhanh, cần thở ra nhiều hơn thở vào sẽ làm hưng phấn đối giao cảm tăng tiết insulin, có lợi để chữa bệnh tiểu đường bằng khí công thay thế thuốc chích insulin từ ngoài vào cơ thể.,còn nếu muốn điều hòa quân bình khí của tỳ vị thì thở vào thở ra bằng nhau.

Như vậy tập khí công đã chữa được những bệnh như ăn uống không tiêu, no hơi sình bụng, ợ chua, bón kinh niên, loét bao tử và ruột non ( ulcère gastro duodénal ), viêm bao tử kinh niên ( gastrite chronique ), viêm ruột mãn tính ( entéro colite chronique ), viêm gan mãn tính ( cirrhose du foie), viêm túi mật ( cholécystite ).

Đối với hệ thần kinh :

Tùy theo phương pháp tập để hưng phấn hay ức chế loại thần kinh nào. Nếu quán tức ( theo dõi hơi thở ) hoặc sổ tức ( đếm số hơi thở ) vào vùng đan điền nào ( tinh-khí-thần) và bằng cách dẫn khí, tụ khí ,dồn khí, đều làm thay đổi chức năng thần kinh não, làm hưng phấn hay ức chế hệ phản xạ. Đối với khí công quan trọng là điều tâm, điều thân, điều ý.

Dùng tâm kiểm soát hơi thở để làm chủ hệ thần kinh thực vật, loại bỏ được những phản xạ nội cảm thụ hoặc ngoại cảm thụ bất lợi cho cơ thể, điều tâm có tác dụng hưng phấn vỏ não ở một vùng theo ý muốn và làm ức chế vỏ não ở vùng khác, nhưng ức chế hay hưng phấn không qúa ngưỡng để thần kinh không bị căng thẳng, ức chế giác quan và cảm xúc để ngoại cảnh hay nội cảnh không làm ảnh hưởng biến đổi xấu cho sức khỏe cơ thể.

Điều thân và tĩnh công ức chế phản xạ vận động cơ khớp .

Điều ý gián tiếp ức chế hệ lưới và vùng dưới đồi qua vỏ não giúp hạn chế hay loại bỏ phản xạ có hại cho cảm xúc. Khi bế quan chuyển ý vào trong theo dõi sự sinh hóa chuyển hóa, như nhịp đập của mạch, lực di chuyển của khí, nhiệt độ thay đổi từng vùng..lúc đó sẽ không bị ảnh hưởng môi trường và ngoại cảnh bên ngoài tác động vào cơ thể khiến cho khí chạy loạn gây xung động bên trong, tất cả khí của hơi thở lúc đó đang giúp ngũ tạng khí, nguyên khí, chuyển hóa cốc khí thành vinh khí, vệ khí giúp cơ thể khỏe mạnh sung mãn, tinh thần sảng khoái, tiêu trừ bệnh tật như thần kinh suy nhược (dépression nerveuse), bệnh tâm thể (maladie psycho-somatique),loạn trương lực thần kinh thực vật (dystonie neuro-végétative), tạng co giật (spamophilie), chứng ưu tư (anxiété ), loạn tâm thần ám ảnh (névrose obsessionnelle ), đau nhức do thần kinh (douleurs nerveuses ou d’origine mal définie), đau dây thần kinh (névralgie faciale, intercostale), viêm dây thần kinh (névrite, polynévrite ), đau nhức thần kinh gân cơ ( fibromyalgie ).

Đối với giấc ngủ :

Giấc ngủ và thở khí công có những điểm tương đồng là toàn thân buông lỏng làm giãn nở huyết mạch ngoại biên, nhắm mắt yên lặng, thở nhẻ, đều, không bị ngoại cảnh chi phối, nhưng khác nhau về kết quả, khí công chủ động tập trung tư tưởng cao loại bỏ tạp niệm trong lúc tỉnh thức làm chuyển hóa cơ bản giảm, tim đập đều chậm, thở thiền làm lắng đọng vọng tưởng, vọng niệm, thành kiến, ký ức, lo buồn sợ hãi, và tỉnh thức sáng suốt để ghi nhận trực tiếp tất cả những nguồn rung động bên ngoài và bên trong cơ thể. Tâm thức lúc đó đạt tới một trạng thái tự do tuyệt đối không bị vẩn đục bởi phiền não, chấp ngã, chúng ta sẽ khám phá ra được một thế giới nội tại bình an.

Khoa học đã ghi nhận được sự thay đổi của sóng não trong 4 giai đoạn :

-Giai đoạn sóng Beta 13-20 hertz khi làm việc.
-Giai đoạn sóng Alpha 8-13 hertz khi nghỉ ngơi.
-Giai đoạn sóng Theta 4-7 hertz khi thiền còn tỉnh thức, nó cũng là giai đoạn buồn ngủ, hôn trầm.
-Giai đoạn sóng Delta 1-3 hertz là giai đoạn ngủ sâu.

Quan sát hơi thở một bệnh nhân nằm thở bình thường qua nhiều giai đoạn :

a-Giai đoạn chưa tập trung ý vào hơi thở ( sóng beta ): Hơi thở không đều, ngắn hơi, nhanh, đứt đoạn, đếm được 20-30 hơi trong một phút.

b-Giai đoạn thở đều (sóng alpha): Hơi thở đều, ngắn, nhẹ, nhanh, cũng nhịp 20-30 hơi trong 1 phút.

c-Giai đoạn tập thở có ý thức, có kiểm soát ( sóng theta ): Khi mới tập, hơi thở chưa đều nhưng thở sâu và lâu hơn, số lần thở giảm đi trong nửa giờ đầu. Nếu còn tiếp tục tỉnh táo tập thở, số lần thở sẽ giảm nữa, khoảng 12 -16 hơi. Ngược lại, nếu rơi vào hôn trầm ( mê đi mà không hay biết ) sẽ đi vào giấc ngủ ngon. Sóng Theta xuất hiện trên điện não đồ, tâm được bình an, thần kinh và gân cơ thư giãn, giảm co thắt đau nhức. Nếu xét nghiệm hàm lượng lactose trong máu khi ngủ sẽ giảm so với lúc thần kinh bị căng thẳng, khi xáo trộn tâm lý, hàm lượng lactose trong máu tăng cao.

d-Trong trạng thái còn tỉnh thức để theo dõi hơi thở, sẽ trở thành thói quen đều đặn, sẽ tạo được nhịp thở sinh học 6-8 hơi trong 1 phút, giúp khí huyết lưu thông đều, sự tiêu thụ năng lượng sẽ giảm, không bị tiêu hao lãng phí, sự biến dưỡng căn bản (métabolisme basal) xuống mức tối thiểu, ăn ngủ ít mà vẫn khỏe như các vị thiền sư

e-Giai đoạn ngủ :

Sau khi tỉnh thức để theo dõi hơi thở ở giai đoạn sóng Theta, có được nhịp thở sinh học 6-8 hơi trong một phút thì khi ngủ nhịp thở sinh học 6-8 hơi vẫn được duy trì. Đây chính là giai đoạn chữa bệnh bằng giấc ngủ có ý thức.

Các nhà Yoga khi ngủ, chúng ta thấy hình như không thở, vì hơi thở rất nhẹ, hơi vào như sợi chỉ chứng tỏ số lượng oxy vào ít, nhưng thiền, sự tiêu thụ oxy trong cơ thể còn ít hơn so với khi ngủ, cho nên 1 giờ thiền có gía trị bằng 2-3 giờ ngủ, và chúng ta cũng có thể giải thích tại sao các nhà yoga có thể giam mình trong một hòm kín mà không chết ngộp. Điều đó chứng tỏ tập khí công thiền làm cho nhịp tim chậm lại, làm giảm trương lực cơ và làm giảm áp huyết.

Đối với hệ nội tiết :

Theo đông y và tây y, thận có vai trò điều hòa áp huyết qua hệ thống renin-aldosteron. Renin do thận bài tiết, angiotensin do gan bài tiết, aldosteron do tuyến thượng thận (thận dương) bài tiết. Khi áp huyết bị giảm, thận tăng bài tiết renin làm tăng áp huyết bù trừ, khi thận thiếu máu cục bộ làm renin tăng sẽ tăng áp huyết gọi là hội chứng tăng áp huyết do thận.

Thận cũng bài tiết prostaglandin (P.G.E2) giãn mạch để điều hòa lưu thông máu trong thận, điều hòa chuyển hóa nước và tái hấp thụ natri, tuyến thượng thận hoạt động tốt theo đông y làm mạnh xương, đen râu tóc, tăng tuổi thọ, thay đổi tế bào não chống lão hóa, theo đông y, nếu chức năng thận âm, thận dương mạnh sẽ nuôi gan theo quan hệ mẹ con trong ngũ hành, có lợi trong việc điều trị bệnh giác quan như viêm võng mạc (rétinite ),teo thần kinh thị giác (atrophie optique), mất thể thăng bằng (trouble d’équilibre), suy thị giác và thính giác không do chấn thương.

Theo tây y tuyến thượng thận tạo kalicrein làm giãn mạch, tạo dihydrocholecalciferol 1;25-(OH2)O3 có tác dụng chuyển hóa calci lấy từ chất bổ của thức ăn, chất này giống như loại xúc tác giúp chế biến thức ăn thành calci để nuôi xương, giống như trong cơ thể của động vật trâu, bò, lừa, ngựa.. chỉ ăn cỏ khô, trong cỏ không có thành phần calci nhưng nhờ chất tạo xương của tuyến thượng thận làm cho xương cốt phát triển cứng mạnh, do đó đông y quan niệm muốn bổ xương phải bổ thận để tuyến thượng thận mạnh sẽ chuyển hóa chất bổ của thức ăn thành chất xương, chất xương theo quan niệm đông y không phải chỉ là chất bột calcium mà xương cứng, dẻo, bền, có sớ chắc, nhờ ở Vitamine A-D có trong dầu cá, chất sulfure, phosphore có trong các thức ăn như chuối, cá, mè đen..

Ngoài ra đông y và tây y cũng coi trọng tuyến thượng thận hay thận dương Mệnh môn làm tăng cường chức năng thận, điều hòa thận thủy và tâm hỏa, điều hòa áp huyết và tăng sinh hồng cầu, huyết bản và sinh tủy do chất erythropoietin có trong tuyến thượng thận. Chất cortisone được sản xuất từ tuyến thượng thận khi cần thiết để chống viêm, điều hòa chuyển hóa nước, giữ nước lại trong ngăn ngoại bào chuyển hóa protein, đường, và mỡ. Chất Dopamin hoạt tính alpha co mạch ngoại biên, có hoạt tính beta đối với tim, làm giãn động mạch thận làm tăng siêu lọc tiểu cầu, tăng bài tiết thải natri .

Một điều kỳ diệu của đông y khí công vẫn thường áp dụng theo quy luật ngũ hành, con hư bổ mẹ. Khi thận hư yếu không tạo ra xương và máu, tây y chữa trực tiếp vào thận bằng cách tái tạo lại các chất mà tuyến thượng thận thiếu như chất cortisone, chất adrenalin, dopamin..ngược lại đông y chữa bổ thận thủy là bổ phế kim mẹ của thận, làm mạnh thận dương chính là hơi thở tông khí có được trong khi tập khí công.

Nếu thở châm, nhẹ, sâu, lâu, đều xuống đan điền tinh, vùng huyệt Khí hải hoặc Quan nguyên sẽ làm tăng chức năng khí hóa của chức năng thận âm và thận dương..

Nếu hơi thở xuống Khí hải là biển khí nơi thu hút các âm chất ( dưỡng trấp biến thành máu ) chuyển hóa thành khí chuyền qua Mệnh môn là thận dương , vị trí nằm giữa hai qủa thận có thể ví như tuyến thượng thận của tây y, mà theo tây y, tủy tuyến thượng thận bài tiết cathecholamin trong đó có adrenalin và kích thích tố renin phối hợp với angiotensin ảnh hưởng đến tim mạch và áp huyết, vỏ tuyến thượng thận, đông y gọi là thận dương tạo các kích thích tố corticoide trong đó có glucocorticoide (một loại cortisone) để chuyển hóa đường, chuyển hóa protein, mỡ, có tác động chống viêm hay dị ứng, có Menelano corticoide (aldosteron) giúp chuyển hóa natri, kali, muối, nước, vôi, có kích thích tố sinh dục androgen và estrogen.

Nếu hơi thở xuống tới huyệt Quan nguyên là giao hội huyệt của can tỳ thận bị dồn nén sẽ kích thích thần kinh đối giao cảm làm kích thích hệ sinh dục, ở người nam làm cương dương vật sẽ trổi dậy sự ham muốn tình dục. Đối với bệnh sinh dục, tiết niệu như bất lực (impuissance) ,xuất tinh sớm (éjaculationprécoce), di tinh (spermatorré), đau bụng huyết ( dysménorrhée ) đều có thể chữa được bằng khí công. Tuy nhiên nếu tập khí công để cường thân kiện thể tăng tuổi thọ, tinh thần minh mẫn thì không nên làm hao tổn tinh khí, nên khí công chú trọng đến sự quân bình hơi thở âm dương điều hòa làm cân bằng hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm để tiết dục để không hao tổn tinh huyết, theo đông y 40g máu tạo 1g tinh, mỗi lần phóng tinh có vào khoảng 400 triệu tinh trùng thoát ra ngoài làm hao nội lực. Trong trường hợp âm chất chuyển từ Khí hải sang Mệnh môn mà khả năng lọc của thận dương yếu không nhận hết, âm chất sẽ đọng ở bụng làm thành mỡ và đờm.

Thận được ví như một nhà máy lọc dầu tinh vi hiện đại, thì chỉ có dầu thô lỏng từ mỏ dầu đưa lên nhà máy, sau khi lọc sẽ cho chúng ta nhiều sản phẩm từ lỏng sang thể hơi như săng dầu, acetone, ether, thể đặc như nhựa đường, thể cứng như nhựa mủ làm ống nước, vì thế dưỡng trấp trong thức ăn ở thể lỏng thô, thận là nhà máy lọc, nếu nhà máy lọc tốt sẽ tạo ra chất đặc như xương tủy, tạo ra chất lỏng như huyết, hồng cầu, bạch cầu, tạo ra chất khí vinh vệ giống như chất acetone, ether của nhà máy lọc dầu..nếu nhà máy lọc hư yếu không đúng và đủ công suất để hoàn tất chức năng lọc thì tất cả dưỡng trấp sẽ biến thành mỡ và đờm.

Đối với các tuyến hạch :

Tuyến yên :
Trục dưới đồi tuyến yên điều hòa chức năng của tuyến thượng thận, tuyến giáp, tinh hoàn, bài tiết chất andrenocorticotropin (A.C.T.H.) ở thùy trước điều hòa tuyến thượng thận, chất thyroid stimulating hormone (TSH) điều hòa tuyến giáp, chất follicle stimulating hormone (FSH) kích thích tinh hoàn sinh tinh trùng, chất luteinizing hormone (LH) kích thích tinh hoàn bài tiết testeron, chất prolactin (PRL) kích thích sản xuất sữa, chất human growth hormone (h.GH) điều hòa sự phát triển cơ thể. Ở thùy sau có chất kích thích tố vasopressin kháng bài niệu (ADH) và Oxytocin điều hòa bài tiết sữa và tăng sự co bóp tử cung lúc sắp sinh.

Vùng dưới đồi bài tiết các chất kích thích tố thần kinh để điều hòa chức năng của tuyến yên.

Tuyến giáp:
Bài tiết thyroxin và tridothyronin tăng cường cơ chế sinh hóa và chuyển hóa calci làm xương hấp thụ calci nhiều hơn và làm giảm tỷ lệ calci trong ngăn ngoại bào.

Tuyến cận giáp qua kích thích tố parathormon kiểm tra nồng độ calci trong ngăn ngoại bào, nếu thiếu sẽ hấp thụ calci từ ruột, nếu dư sẽ bài tiết qua thận, và kiểm soát tốc độ phóng thích calci từ xương.

Tuyến tụy :
Điều hòa chất insulin và glucagon kiểm soát lượng đường, chuyển hóa các carbohydrate vào cơ thể và tăng cường sự phóng thích đường dự trữ trong gan.

Khí công dùng huyệt Trung quản kích thích can tỳ (gan-lá mía) để điều hành hấp thụ và chuyển hóa đường, về dịch lý Tỳ thuộc hành thổ điều hòa được cả bốn hành kim, mộc, thủy, hỏa.

Tuyến ức :
Tạo kích thích tố hình thành tế bào Lympho làm tăng hệ miễn dịch, khí công dùng huyệt Chiên trung để điều hòa chức năng tuyến ức, huyệt Chiên trung theo khí công là huyệt điều hành vinh khí và vệ khí.

Tuyến tùng :
Bài tiết melatonin có công dụng điều hòa kích thích tố gonadotropin trong chức năng tình dục và sinh sản.

Quan niệm con người là một tổng thể trong việc điều chỉnh bệnh tật :

Đông y chữa bệnh là điều chỉnh lại chức năng khí hóa ngũ hành của một tổng thể, tìm nguyên nhân gây bệnh bằng phương pháp tứ chẩn giống như tây y xét nghiệm thử máu, thử phân và nước tiểu, hoặc chụp hình để định bệnh trước khi chữa, nhưng khi chữa thì đông y chữa vào système, tây y chữa vào organe theo từng chuyên khoa riêng biệt.

Đúng ra y học hiện đại cũng nên có cái nhìn toàn diện về những thay đổi bất bình thường trong bộ máy tinh vi phức tạp còn nhiều bí ẩn mà qua giải phẫu học, mô học, tế bào học, sinh hóa học, sinh lý học, vi trùng học..hoặc đi sâu vào từng bộ phận chuyên khoa nội tạng cũng chỉ do nhu cầu tìm hiểu sâu rộng, nhưng khi chữa bệnh người thầy thuốc phải tổng hợp những cái hiểu biết riêng rẽ gom vào một mối trong sự liên hệ chức năng của một tổng thể để chữa vào nguyên nhân gốc.

Nếu càng chuyên khoa hóa để chữa càng mất đi cái quân bình tổng thể, vì các hiện tượng triệu chứng chỉ là cục bộ nhưng nó có mối qua lại liên hệ giữa cơ quan tạng phủ này với tạng phủ khác, vì thế cách chữa của đông y là điều chỉnh lại những chức năng mất quân bình dư hoặc thiếu, thí dụ có khi bệnh áp huyết thì ở tim mạch nhưng nguyên nhân do thận tăng renin khi thận suy thì đông y bổ thận như chúng ta đã biết qua sự phân tích chức năng tuyến thượng thận theo tây y. Hoặc bọng đái viêm xơ hóa đi tiểu ít một nhưng đi 20-30 lần trong ngày, nguyên nhân do lao thận hoặc do viêm gan mật nặng gây nhiễm độc cho thận, trong trường hợp này đông y phải xét đến yếu tố hư thực để chữa theo ngũ hành tổng thể, nếu can thực phải tả tâm hỏa, nếu do can hư phải bổ thận, tuy nhiên nếu cả đông y lẫn tây y có thể cho là khó chữa, nếu không biết cách chữa đúng có thể chữa lợn lành thành lợn què, thì môn khí công chữa bệnh có thể dung hòa để làm tăng sinh hóa chuyển hóa mạnh chức năng tạng phủ tự điều chỉnh chữa khỏi được mọi bệnh tật.

Sơ lược nguồn gốc hình thành môn khí công y đạo :

Với lòng mong mỏi đi tìm một phương pháp vừa cường thân kiện thể nhẹ nhàng cho mọi lứa tuổi vừa chữa được bệnh nội ngoại khoa bổ sung cho cách chữa bệnh bằng thuốc uống qúa nhiều loại thuốc bệnh cùng một lúc sẽ gây hại cho cơ thể hơn là lợi, và muốn duy trì đuợc sức khỏe và tuổi thọ trong một thân thể minh mẫn thì không cách gì hơn là phải tìm hiểu môn học đông y châm cứu cùng tập luyện khí công xem chúng có liên hệ với nhau như thế nào.

Năm 1977 tác giả bị đau cánh tay trái không đưa ra sau hoặc mặc quần áo được, không rõ nguyên nhân, nhưng bệnh càng ngày càng tệ, uống thuốc không bớt, vận khí tập như võ thuật hay đưa tay cử động như môn thể thao càng cảm thấy đau, đi châm cứu cũng bớt rồi tái lại, mà mỗi lầm châm cứu bằng kim tôi cảm thấy sợ. Mình xem phim hoặc đọc chuyện chưởng thấy nhất dương chỉ và điểm huyệt qúa hay, như vậy huyệt là cái gì, nếu hay tại sao các thầy châm cứu chữa không hết thì vô lý thật. Tôi bèn mua sách châm cứu của cụ Thượng Trúc dò theo các đường kinh mạch, chỗ nào có huyệt cứ bấm thử xem sao, tập bấm vào huyệt, cạnh huyệt, trên huyệt, dưới huyệt để phân biệt có gì khác lạ, nghiệm xem khi bấm huyệt đau như thế nào, cái đau chạy lan tỏa đến đâu.

Thời gian tự học hỏi và mò mẫm vô tình bấm phải huyệt Tiểu hải có cảm giác dễ chịu khác lạ, nơi đó không phải là điểm đau a thị huyệt nên không dễ tìm, bấm vài lần tôi cảm thấy tay tôi cử động dễ dàng nhẹ nhõm hơn, nhưng chưa được kết qủa như ý. Tôi đánh dấu vị trí huyệt đó rồi nhờ một người bạn bấm mạnh, nó có cảm giác đau tức lan tỏa cánh tay và vai một lúc rồi sau hết đau, cuối cùng bệnh đau tay của tôi khỏi hẳn. Tôi kết luận là huyệt chữa bệnh rất hay nhưng khả năng bấm huyệt còn tùy vào lực bấm và cách chọn huyệt để chữa phải đúng bệnh, lệ thuộc vào sự lý luận cao siêu của thầy thuốc trong việc tìm nguyên nhân gây bệnh, phải biết bởi hành nào trong ngũ hành, bởi kinh nào trong 12 kinh, và phải dùng huyệt nào trong số 360 huyệt, vì trong đó có nhiều huyệt chữa những triệu chứng bệnh giống nhau nhưng nguyên nhân khác nhau.

Khi suy ngẫm lại tại sao mình bị bệnh, tại sao uống thuốc (thuộc tinh ) cũng không hết, tại sao châm cứu và vận khí để đả thông kinh mạch (thuộc khí ) không hết, sau đó tôi mới biết nguyên nhân do tinh thần (thuộc thần ), vì trước khi chưa bệnh tôi bị khủng hoảng tinh thần do công việc làm, khiến khí huyết suy kém gây nên bệnh. Bệnh theo ngũ hành là tâm hỏa suy khiến tỳ thổ suy, tay chân yếu khiến khí huyết tắc thuộc khí không thông nên vận khí bị đau, mặc dù vẫn ăn ngon, nhưng ngủ không khỏe. Thầy thuốc khi châm cứu không biết châm vào huyệt Tiểu hải, mà châm theo công thức bài bản sẵn có, không cần lý luận tìm nguyên nhân, không chọn đúng huyệt cần châm, hoặc cũng như thuốc uống thuộc tinh cũng không giải được chỗ khí bị bế tắc mặc dù cho thuốc đúng bệnh. Tôi chợt có nhận xét các ông thầy thuốc, các võ sĩ, các vận động viên, các nhà châm cứu, cũng có lúc bệnh mà tự chữa cho mình không được.

Bởi vì nơi đau bị tắc khí huyết, nếu là thầy thuốc bị bệnh tự chữa bằng thuốc uống mà không khỏi, như vậy phải cần phối hợp thêm cách chữa tập cho thông khí bằng vận động hoặc giải tắc bằng huyệt.

Nếu thầy châm cứu bị bệnh tự chữa bằng châm kim để thông huyệt nhưng không đủ khí lưu thông chỗ đau vì cơ thể thiếu huyết không tiết ra nội dược sẽ không hết, nên cần phải cầu thêm thuốc bên ngoài.

Nếu các vận động viên bị bệnh khi vận khí càng đau thêm thì phải cần biết giải huyệt những nơi bị tắc.

Tóm lại một bệnh muốn chữa khỏi phải chữa đủ cả ba yếu tố tinh-khí-thần hòa hợp gồm bổ tinh chất bằng ăn uống thuốc men đúng, vận khí thông kinh mạch, và dưỡng thần không bị nội ngoại cảnh chi phối cảm xúc giận buồn lo lắng ..như vậy chỉ có tập khí công mới hội đủ 3 yếu tố để tự chữa bệnh. Tôi đã có sẵn kiến thức về đông y dược trong thời gian hành nghề thu mua và chế biến thuốc thành phẩm đông y , trước đó tôi cũng tập luyện võ thuật và đang nghiên cứu cách chữa bệnh bằng huyệt, trong ba điều kiện tinh-khí-thần hòa hợp tôi đã có hai, chỉ cần làm sao làm chủ được tâm lý thần kinh, luyện thần giữ cho tinh thần nhu hòa, tâm bình để có thể kiểm soát điều hòa được chức năng khí hóa trao đổi chất trong cơ thể được quân bình không bị nội tâm hay ngoại cảnh chi phối bởi tham sân si thất tình lục dục làm xáo trộn khí huyết mà gây nên bệnh, chính những thay đổi tâm lý thần kinh đó, tưởng không có gì hại, nhưng thật ra nó cũng đã là một xung kích âm thầm phá hoại cơ thể như một độc dược, thí dụ như sự sợ hãi đã làm tim đập nhanh, mặt tái mét, nổi da gà, rối loạn nhu động ruột, đôi khi vãi đái ,rối loạn nội tiết, ức chế bao tử bài tiết dịch nên chán ăn rối loạn chức năng khí hóa.

Tình cờ một duyên may đến, tôi được trao đổi kinh nghiệm chữa bệnh với Cha Bùi đức Tiệp, cựu hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn bá Tòng, thời gian lúc đó cha cũng đang nghiên cứu châm cứu và khí công. Cha đưa cho tôi Cẩm nang tập thở khí công luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần. Khi tôi tập một thờI gian, đến chỗ không hiểu nhờ cha giảng giải, cha cho biết cha không phải là tác giả của cẩm nang, mà nó xuất phát từ Bác Tám ở Tam tông Miếu, và cha đã giới thiệu cho tôi đến gặp. Bác Tám cũng cho biết có tập được một thời gian rồi ngưng vì cũng không hiểu chỗ cao siêu vi diệu xuất xứ từ lời dạy qua giáng bút cơ mật của Cao Đài giáo. Bác thấy tôi có căn cơ học nhanh, bác cho tôi tham khảo thêm những tài liệu bí truyền bổn giáo để tự học lấy lên cao hơn, theo một pháp môn gọi là Đại thừa cửu chuyển, căn bản hít thở là khai thông tiểu chu thiên, đại chu thiên, pháp luyện chuyển tinh thành khí, pháp luyện chuyển khí thành thần, pháp luyện chuyển thần hoàn hư, tập từng bước từ sơ nhất chuyển đến cửu chuyển, mỗi một lần chuyển là một sự thay đổi tiến bộ theo sự chỉ dạy của tổ sư bổn giáo, khi chưa đạt được những ấn chứng mới thì cứ tập ở mức cũ bao giờ có sự chuyển đổi bậc, sẽ chứng ngộ được những kinh nghiệm theo cơ bút đã giảng, hiện nay tôi vẫn tập chưa xong hết cửu chuyển, nhưng đã có kinh nghiệm phổ biến những lợi lạc cho người khác học được từ sơ nhất chuyển đến tứ chuyển được tạm chia thành 6 cấp, cấp 6 khai mở hỏa xà phải diệt dục dành cho những người lớn tuổi không còn ham mê sắc dục, loại khí công này dùng để tu tánh luyện mạng, từ sơ nhất chuyển đến tứ chuyển giúp cho thân thể khỏe mạnh, thân tâm an lạc. Từ ngũ chuyển đến cửu chuyển thuộc về siêu hình học dùng để phát triển tâm linh. Trong qúa trình tập luyện cửu chuyển đều theo đồ hình Tu Chân Nội Lý Đồ, vừa tổng hợp thông kỳ kinh bát mạch, đi theo vòng Nhâm-Đốc thông tiểu chu thiên và đại chu thiên vừa luyện thần hoàn hư để phát triển nội lực của tinh-khí-thần để có được tinh lực, khí lực, thần lực .

Sau một thời gian tập luyện chứng nghiệm được chỗ vi diệu, Bác Tám mời tôi truyền lại cho các vị đạo trưởng từ các tỉnh về tu học, từ lúc đó môn Khí Công Y Đạo chính thức ra đời và được giảng dạy lớp đầu tiên cho các thầy thuốc châm cứu nơi Tam tông miếu trước khi tôi rời khỏi Việt Nam để sang Canada.

doducngoc